Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954) – Ảnh: Tư liệu
Đảng lãnh đạo, cầm quyền, nhưng dân là gốc, là chủ
Theo Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản thì nhất định phải có Đảng cộng sản theo lý luận đảng kiểu mới của Lênin lãnh đạo. Không có Đảng lãnh đạo, cách mạng không thể thắng lợi. Đảng có vững cách mạng mới mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững cần phải có nhiều nhân tố, trong đó đặc biệt là mối quan hệ Đảng với Dân.
Nói đến dân là nói đến tài dân, sức dân, của dân, lòng dân, quyền dân, toát ra từ đó quyết tâm, đồng tâm, tín tâm, sự hăng hái, khôn khéo, sáng tạo, anh hùng. Ở Việt Nam, lòng dân có trước ý Đảng, chủ nghĩa dân tộc, tinh thần yêu nước và phong trào yêu nước có trước chủ nghĩa cộng sản và phong trào công nhân. Những nhà yêu nước có trước những người cộng sản.
Cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin và phong trào công nhân, chính nhân dân là người sinh thành ra Đảng, nuôi dưỡng Đảng, đồng hành cùng với Đảng và luôn trung thành với Đảng trong suốt cuộc trường chinh chống xâm lược, kiến quốc và xây dựng đất nước. Đây là đặc điểm ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, quy định sự gắn bó Đảng với Dân và Dân với Đảng.
Đảng ta ra đời đầu năm 1930 bắt nguồn từ tổ chức tiền thân của Đảng là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thành lập tháng 6/1925. Bác nói Hội Việt Nam cách mạng thanh niên là quả trứng từ đó đẻ ra con chim non cộng sản là các tổ chức cộng sản như Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn và cuối cùng là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nét độc đáo, sáng tạo, sáng suốt của Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng là kế thừa, khơi dậy lòng khát khao giải phóng, xóa gông cùm nô lệ của tầng lớp trí thức yêu nước đầu thế kỷ XX. Sự gặp gỡ giữa Nguyễn Ái Quốc và tổ chức Tâm Tâm xã cuối năm 1924 là sự hội ngộ giữa tư tưởng cách mạng cộng sản và tư tưởng yêu nước tiến bộ của lớp thanh niên như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong… đang “bâng khuâng đứng giữa ba dòng nước”, chưa biết chọn dòng nào. Những thanh niên trí thức yêu nước này sau khi tiếp nhận được tư tưởng cách mạng vô sản của Nguyễn Ái Quốc đã tuyên truyền, giác ngộ các tầng lớp thanh niên trí thức khác, dẫn tới một phong trào “vô sản hóa” được hình thành trong những năm 1928 – 1929 và sự ra đời của các tổ chức cộng sản.
Nét độc dáo, sáng tạo, sáng suốt của Đảng ta từ khi ra đời là đã khơi dậy khát vọng giải phóng giành độc lập, tự do của cả dân tộc, lãnh đạo nhân dân chống chế độ thực dân, phong kiến. Cao trào Xôviết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931 tỏ rõ sức mạnh, chí khí, lòng cách mạng cao cả của công nông giữa trận tiền chống đế quốc và phong kiến. Đêm trước Cách mạng Tháng Tám từ năm 1941 trở đi, Hồ Chí Minh đã thành lập Mặt trận Việt Minh, khơi dậy cao độ tinh thần, sức mạnh và khát vọng dân tộc. Toàn dân tộc Việt Nam nhất tề đội ngũ đứng trong các tổ chức cứu quốc, như: công nhân cứu quốc, nông dân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, phụ lão cứu quốc, nhi đồng cứu vong, văn hóa cứu quốc, v.v.. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của ý Đảng – lòng dân – sức dân – trí dân. Đảng bắt mạch đúng thời cuộc, phát động toàn dân khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị hàng ngàn năm của chế độ phong kiến chuyên chế, gần một trăm năm chế độ thức dân không kém phần chuyên chế, đáp ứng khát vọng ngàn đời của người dân là Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Cách mạng thành công năm 1945, đất nước tiếp tục phải trải qua 30 năm vừa kháng chiến vừa kiến quốc và xây dựng đất nước quá độ lên chủ chủ nghĩa xã hội. Bài học lớn “không có Đảng thì nhân dân không có ai dẫn đường, không có nhân dân thì Đảng không đủ lực lượng” thời kỳ Cách mạng Tháng Tám được Hồ Chí Minh kế thừa và phát huy cao độ trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Nói đến nhân dân, Hồ Chí Minh thường chỉ rõ họ nhiều tai nhiều mắt, cái gì cũng nghe, cũng thấy. Nhân dân nhiều kinh nghiệm, hay so sánh và so sánh đúng. Họ là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. Khẳng định nước ta là nước dân chủ, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra. Đoàn thể (Đảng) từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò, vị trí của dân, Hồ Chí Minh nói về cách lãnh đạo là không phải chỉ lãnh đạo quần chúng mà còn phải học hỏi quần chúng. Tức là người lãnh đạo không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu. Theo Người, sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của nhân dân, lắng tai nghe ý kiến của nhân dân để thêm cho kinh nghiệm của mình. Nói một cách khác, một giây, một phút, người lãnh đạo không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân chúng. Dân chúng và ý kiến của dân chúng là nền tảng lực lượng của Đảng. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại.
Ý Đảng – lòng Dân và lòng Dân – ý Đảng thể hiện đặc biệt ở chỗ ra nghị quyết, chỉ thị. Cách đây 75 năm, Hồ Chí Minh đã cảnh báo “đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo” là làm việc theo cách quan liêu. Mà theo cách quan liêu, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại. Vì vậy, muốn ra chỉ thị, nghị quyết thì phải xuất phát từ thực tế, mà thực tế quan trọng nhất là tâm tư, nguyện vọng và đòi hỏi của các tầng lớp nhân dân. Phải gom góp ý kiến của họ lại, nghiên cứu, sắp đặt thành ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho nhân dân, làm thành ý kiến của nhân dân, làm cho nhân dân thực hành theo ý kiến đó. Trong quá trình đó phải xem xét lại ý kiến đó đúng hay không, phát triển ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Rồi lại tiếp tục đưa vào thực tiễn, tổng kết thành cái mới. Cứ như thế thì nghị quyết sẽ đi vào lòng dân, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Những người lãnh đạo phải tuyệt đối xóa bỏ quan niệm nhân dân là những người không quan trọng, không thông thái, hiểu biết lý luận bằng mình, là những người “dân ngu khu đen”. Người lãnh đạo phải luôn luôn biết học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng, tin vào dân chúng, đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng và hoan nghênh dân chúng phê bình mình. Bác chỉ bảo rằng nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về ý Đảng – lòng Dân và lòng Dân – ý Đảng soi sáng công cuộc đổi mới hiện nay. Qua hơn 35 năm đổi mới, dưới ánh sáng Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta đang xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải nhận thức có hàm lượng khoa học và cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh rằng Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả cán bộ từ Trung ương xuống địa phương, bất kỳ cấp nào và ngành nào đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân. Xa quần chúng là hỏng, là thất bại. Trong công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, Đảng phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp.
Đảng phải khơi dậy được khát vọng và lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường của nhân dân thì mới xây dựng được một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.