Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu
Người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời nước ra đi nung nấu một điều là “cứu lấy dân ta”. Đi khắp năm châu bốn biển đâu đâu cũng thấy sự bần cùng cực khổ của người dân bị áp bức, bóc lột, trong Người xuất hiện tư duy phải cứu lấy nhân loại. Nhưng làm sao để cứu được, thì đang phải tìm kiếm. Vào lúc đó ở nước Nga, Cách mạng Tháng Mười thành công, người lao động mà nòng cốt là công nông đứng lên làm chủ.
Năm 1919, Người đã viết “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi đến Hội nghị Véc – Xây. Trong đó, những quyền lợi Người đòi cho dân tộc mình như là quyền tự quyết của dân tộc gắn với quyền tự do; tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do cư trú, tự do xuất dương, tự do học tập, tự do mở trường học cho người bản xứ… cũng là vấn đề của thời đại.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo Pháp, Người reo lên: “Con đường cứu nước, cứu dân đây rồi”! Trong “Sách lược vắn tắt” khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người nêu mục tiêu cách mạng Việt Nam là “cách mạng tư sản dân quyền”, thực chất là quyền độc lập, quyền tự do và quyền được sống hạnh phúc; “cách mạng thổ địa” đánh đổ chế độ phong kiến, địa chủ mang lại ruộng đất cho dân cày; “tiến lên chủ nghĩa cộng sản”, ở đó xây dựng một xã hội văn minh, bao nhiêu lợi ích và quyền hạn đều của dân.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh nói: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền”. Người quyết định tiến hành Tổng tuyển cử để thiết lập chế độ cộng hòa, thực thi quyền làm chủ của dân. Người chủ trì soạn thảo Hiến pháp năm 1946 mà nội dung thể hiện đầy đủ tư tưởng “dân là chủ”. “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”; “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang nhau về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”…
Năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị” Người viết: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ” và Người khái quát lên thành một vấn đề chung: “Xã hội nào đảm bảo cho điều đó được thực thi thì đó là một xã hội dân chủ”. Ở Việt Nam dân bầu ra đại biểu thay mặt mình nắm chính quyền nên “dân là ông chủ” và đó chính là “dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Quyền làm chủ của nhân dân phải được thể hiện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo Người, về chính trị phải xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về kinh tế phải tôn trọng và đảm bảo phát triển kinh tế nhiều thành phần “công và tư đều được chiếu cố, chủ và thợ đều có lợi”; về xã hội, các tầng lớp dân cư, các giai cấp và các dân tộc bình đẳng, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; về văn hóa, xây dựng một nền văn hóa Việt Nam, văn hóa của nhân dân, phục vụ nhân dân.
Không chỉ nêu vấn đề dân chủ, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc thực thi dân chủ. Người cho rằng đề ra công việc, đề ra nghị quyết không khó, cái khó là tạo được sự đoàn kết thống nhất để thực hiện nó, để tránh được tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Dân chỉ nghe, chỉ làm khi họ được bày tỏ hết ý kiến của mình, quyền làm chủ của họ được tôn trọng. Trong bài “Cái chìa khóa vạn năng” (viết vào năm 1957). Người nhấn mạnh: “Thực hành dân chủ thực sự thì đó là cái chìa khóa vạn năng để có thể giải quyết được mọi khó khăn”.
Hồ Chí Minh cho rằng trong chế độ mới, giá trị cao nhất của độc lập dân tộc là đem lại quyền làm chủ thực sự cho nhân dân, phải trao lại cho dân mọi quyền hành. Dân là chủ của đất nước, nước là của dân. Các cơ quan Đảng và Nhà nước là tổ chức được nhân dân ủy thác phải mang lợi ích đến cho dân, làm công vụ cho nhân dân, là “công bộc của dân” nên phải hết lòng, hết sức lo cho dân.
Hiện nay chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết nghĩ tư tưởng “dân là chủ” của Người cần được quán triệt và vận dụng thiết thực vào cuộc sống. Trong quá trình cách mạng, nhờ dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của dân mà đất nước ta có được cơ đồ như ngày nay. Vì thế vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thời kỳ đổi mới cần phải xác định “Vấn đề cốt tử”. Về dân chủ ta đã nói, đã làm, đã có thực tiễn và kinh nghiệm, nhưng trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, trước tình hình và điều kiện mới đòi hỏi từ nhận thức đến hành động, từ chủ trương, nghị quyết đến thực tế trong cuộc sống Đảng phải làm sao để “dân là chủ” thực sự và dân chủ đi vào thực chất.
Cán bộ, đảng viên cần rèn luyện kỹ năng lắng nghe, nghe đúng, nghe đủ, nghe đa chiều; phải xây dựng phong cách làm việc gần dân; khiêm tốn, hòa nhã, tôn trọng, cảm thông với dân; bám sát cơ sở và thực tiễn, không quan liêu, mệnh lệnh, phô trương hình thức; không tham ô, tham nhũng, lãng phí… Phải thực sự gương mẫu, “nói đi đôi với làm”; thực sự “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; phải “tin dân, hiểu dân, gần dân”; tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh “dân là chủ” phải là mục tiêu để đề ra các chủ trương, chính sách và phương châm hành động của Đảng và Nhà nước ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở; là điều thiết thực mà ai cũng có thể làm được, vận dụng được nhất là trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu lợi ích cũng là cho dân, bao nhiêu quyền lợi cũng mang đến cho dân, bao nhiêu quyền hành cũng do dân quyết định” không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn mang tính dân tộc, tính thời đại sâu sắc và còn nguyên giá trị, cần được quán triệt thật sâu sắc vào nội dung Đại hội Đảng các cấp hiện nay.
TS. Đặng Duy Báu