Đậm sâu ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vùng Siberia tuyết trắng

 Thành phố Irkutsk – thủ phủ vùng Đông Siberia của nước Nga. (Nguồn: rbth.com)

Chúng tôi tới Irkutsk – thủ phủ vùng Đông Siberia của nước Nga vào những ngày tháng Năm, khi những đóa hoa mà người dân địa phương gọi là hoa xuyên tuyết khoe sắc rực rỡ bên bờ hồ Baikal.

Ở nơi mỗi năm mùa Đông tuyết trắng kéo dài tới 8 tháng và nhiệt độ nhiều khi xuống tới âm 40 độ C này, đây là khoảng thời gian ngắn ngủi thời tiết ấm áp.

Thông qua ông Nguyễn Quang Dương, Chủ tịch Hội người Việt thành phố Irkutsk và những người bạn Nga của ông, chúng tôi đã tìm được nhiều bài báo viết về hai chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Irkutsk vào năm 1955 và năm 1957.

Đó là các bài viết trên báo “Sự thật Đông Siberia” số ngày 10/7/1955 và 22/7/1955, báo “Thanh niên Xô Viết” số ngày 10/7/1955 cũng như báo “Sự thật Đông Siberia” ngày 2/11/1957 và ngày 5/11/1957. Từ những bài báo này, có thể thấy Irkutsk là nơi có nhiều kỷ niệm và ký ức với Bác Hồ kính yêu.

Một trong những địa điểm đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đi thăm vào năm 1955 là làng Khomutovo ở ngoại ô Irkutsk, thời gian đó là Nông trang “Con đường Stalin”.

Đây là nông trang rộng lớn, hiện đại vào thời kỳ đó, lá cờ đầu của tỉnh Irkutsk với diện tích lên tới hơn 42.000 ha. Ngôi làng có biểu tượng con gấu này ra đời năm 1685. Dưới thời Liên Xô, Nông trang “Con đường Stalin” là nông trang điển hình về phát triển kinh tế.

Tại đây có cả các nhà máy chế biến thực phẩm, nông sản và đóng hộp. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, làng Khomutovo cung cấp rất nhiều nông sản, thực phẩm cho chiến trường.

Đây cũng là quê hương của nhiều anh hùng Xô Viết. Hai anh hùng Xô Viết được vinh danh tại quảng trường của làng là Anh hùng phi công lái cường kích Mikhain Vasiliev (1922-1976) và Anh hùng Lao động Olga Glazkova (1937-2008).

Hỏi thăm các nhân viên đang làm việc tại “Nhà nghệ thuật dân gian” của làng, chúng tôi thật may mắn được một nữ nhân viên cho biết chính mẹ chị là người đã trực tiếp tham gia đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người đến thăm làng năm 1955.

Bà tên là Vera Pavlovna, năm nay 76 tuổi. Gặp chúng tôi, bà xúc động nhớ lại khi Bác đến thăm, bà còn ở tuổi thiếu nhi, mới học lớp 3 hay lớp 4. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến, tất cả các học sinh trường bà hân hoan vây quanh Bác.

“Bác đến và ôm hôn từng học sinh chúng tôi” – bà nói. Lật giở ký ức, bà Vera mô tả Bác là người tầm thước và có chòm râu dài.

“Chúng tôi đã đeo khăn quàng đỏ cho Bác. Khi đó Bác là lãnh tụ của Việt Nam, mà với Việt Nam, chúng tôi có tình bạn thắm thiết. Vì thế Bác là vị khách rất quý của chúng tôi. Cả ngày hôm đó tôi không thể quên được khuôn mặt Bác cũng giống như tôi với các anh bây giờ” – bà Vera Pavlovna bồi hồi tâm sự.

Các nhân viên “Nhà nghệ thuật dân gian” cũng chỉ cho chúng tôi ngôi nhà gỗ số 21 với cửa sổ xanh da trời là nơi Bác đến khi đi thăm làng Khomutovo.

Quay trở lại thành phố Irkutsk, chúng tôi ghé qua Nhà máy Thủy điện Irkutsk trên sông Angara, nơi năm 1955, đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bác dẫn đầu đến thăm khi nhà máy đang trong quá trình xây dựng. Đây là nhà máy thủy điện lớn đầu tiên tại vùng Siberia.

Báo “Sự thật Đông Siberia” số ngày 10/7/1955 đưa tin Chỉ huy công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Irkutsk khi đó, đại biểu Xô Viết Tối cao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên ban Nga, ông Andrei Bochkin đã giới thiệu với Bác công trình xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên trên sông Angara này.

Khi ông Bochkin cho biết Nhà máy Thủy điện Irkutsk sẽ sản xuất những dòng điện có giá thành rẻ nhất trên thế giới, Bác đã nói “Irkutsk là thành phố rất giàu có.”

Chúng tôi cũng tìm đến địa chỉ số 8 phố Lenin ở ngay tại trung tâm thành phố. Nơi đây nay là Đại học Ngữ văn, Ngoại ngữ và Truyền thông trực thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Irkutsk.

Ông Nguyễn Quang Dương cho biết thời Liên Xô, trường mang tên Đại học Sư phạm ngoại ngữ Irkutsk. Khi đến thăm thành phố Irkutsk, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nói chuyện, gặp gỡ giáo viên và sinh viên của trường.

Người đã được hoan nghênh nhiệt liệt vì lúc đầu Người nói bằng tiếng Nga, sau nói bằng tiếng Pháp. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất năm 1969, Đại học Sư phạm ngoại ngữ Irkutsk đã đề nghị phía Việt Nam và phía Nga cho trường mang tên Người.

Ngôi trường này đã tiếp nhận và giúp đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn giáo viên tiếng Nga, đồng thời hàng trăm giáo viên của trường cũng đã sang Việt Nam giảng dạy tiếng Nga.

Có một điều khá bất ngờ khá thú vị với chúng tôi, thành phố Irkutsk là điểm dừng chân chính trên tuyến đường sắt liên vận chở học sinh Việt Nam sang Liên Xô đào tạo từ những năm 1950 của thế kỷ trước.

Ông Nguyễn Quang Dương chia sẻ Irkutsk trước kia chính là thành phố nơi các lưu học sinh Việt Nam được cử sang Liên Xô học tập dừng chân trước khi được phân về các trường đại học khác của Liên bang Xô Viết để học tập.

Cũng thông qua ông Nguyễn Quang Dương, chúng tôi đã được tiếp xúc với ông Sergey Levchenko, Bí thư thứ nhất Đảng bộ Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) tỉnh Irkutsk. Ông Levchenko cho biết: “Đến nơi nào Hồ Chí Minh cũng được đón tiếp rất nồng ấm vì chúng tôi biết vai trò to lớn của  Người trong việc lập ra nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Đông Nam Á cũng như những ảnh hưởng của Người.”

Ông Sergey Levchenko cũng nhấn mạnh “Việt Nam đang đi đúng hướng trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội” và nêu rõ: “Các bạn vẫn đang tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp. Chúng tôi rất vui mừng trước những thành công về kinh tế và xã hội của các bạn trong 10 năm vừa qua”.

Gần 70 năm trôi qua, song với những người dân Irkutsk từng được gặp Bác khi Người dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thăm chính thức Liên Xô lần đầu tiên năm 1955, tình cảm kính yêu, ngưỡng mộ đối với vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.

Rời Irkutsk, mảnh đất ghi dấu nhiều ký ức về Bác Hồ, chúng tôi mang theo niềm xúc động và tự hào sâu sắc./.

Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)