Vào năm 2010, Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân được tổ chức tại Hoa Kỳ theo sáng kiến của Tổng thống Obama. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là 1 trong 50 đoàn tham dự Hội nghị.
Tôi (tác giải bài viết) là phái viên đặc biệt của Báo Cựu chiến binh Việt Nam cùng một số phóng viên khác được đi theo đoàn để đưa tin.
Với cánh nhà báo chúng tôi, ngoài việc tuyên truyền về Hội nghị quan trọng này thì đây còn là dịp đặc biệt có ý nghĩa vì được tìm hiểu thời gian Bác Hồ sống và làm việc trên đất Mỹ vào thập niên thứ 2 của thế kỷ XX (năm 1912-1913)…
Khách sạn Omni Parker House ngày nay. Nguồn: Booking.com
Trên hành trình tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tìm đến Mỹ là vì đất nước này đã giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Anh. Đây được coi là động lực chính thôi thúc Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm hiểu nước Mỹ, qua đó rút ra những kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp ở Việt Nam.
Tại thành phố New York, Người vừa đi làm để kiếm sống vừa nghiên cứu lịch sử xã hội nước Mỹ. Thời gian sau, Bác tới thành phố Boston, vùng hải cảng và là thủ phủ của bang Massachusetts. Đây là chiếc nôi của nền văn hóa Mỹ, nơi nổ ra cuộc kháng chiến đầu tiên của nhân dân Mỹ chống ách đô hộ thực dân Anh. Tại Boston, Người vào làm việc cho khách sạn Omni Parker House.
Lúc đó, Bác là trưởng bộ phận làm bánh ở khách sạn này. Lò bánh nằm ở tầng hầm, nền lát gạch đỏ.
Cũng tại nơi đây, Bác Hồ đã đọc và nghiên cứu bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Bản Tuyên ngôn độc lập ấy đã tạo cảm hứng cho Người trong hành trình đi tìm đường cứu nước, trong đó có câu: “Thượng đế sinh ra con người, ai cũng có quyền tự do, bình đẳng…”.
Trong thời gian làm việc ở khách sạn Omni Parker House, Bác còn tranh thủ tới học ở Viện Công nghệ Massachusetts.
Vào tham quan Omni Parker House, chúng tôi đứng rất lâu bên chiếc bàn Bác làm bánh khi xưa ở một căn phòng nhỏ chừng 20m2, trần nhà chi chít những ống dẫn-xả khí đốt. Không khí ngột ngạt với bốn bức tường màu vàng nhạt bao quanh dãy kệ bánh và miệng lò nướng. Giữa phòng là một chiếc bàn dài bằng đá trắng xám, trông giống đá hoa cương, trên có đặt một cái khuôn ép bánh to cùng những chậu bột bánh, cạnh những chiếc bánh được nhồi dang dở. Chiếc bàn đã bị vỡ một mảnh bằng bàn tay ở góc phải trong cùng…
Trong mường tượng, hình ảnh người thanh niên nhỏ nhắn, dáng thư sinh nhào bột bánh cứ hiện ra khiến ai nấy trào dâng cảm xúc, nước mắt rưng rưng nhớ Bác những ngày gian truân, bôn ba đi tìm đường cứu nước…
Về dấu ấn lịch sử này, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kể một câu chuyện thú vị.
Số là có một cựu binh Mỹ, người phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, tên là Kevin Boven. Ông đến Omni Parker House tham quan và có ý định xin đưa chiếc bàn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm bánh ấy để tặng Việt Nam. Yêu cầu này bị Ban Giám đốc khánh sạn từ chối nhưng Kevin Boven chưa từ bỏ quyết tâm. Ông lại đề nghị khách sạn bán chiếc bàn cho mình và sẽ thuê người làm chiếc bàn khác giống y hệt chiếc cũ và hứa sẽ giữ bí mật… Ý định đó cũng bị từ chối. Về lý do từ chối, Ban quản lí khách sạn cho biết: “Chiếc bàn là hiện vật vô giá, là đồ dùng làm việc của một nhà lãnh đạo xuất chúng, một nhà văn hóa lớn của thế giới… Đây còn là nhân chứng quan trọng của lịch sử”.
Theo Ban Quản lý khách sạn, “chiếc bàn đó để ở Omni Parker House mới thực sự có giá trị lịch sử”.
Theo Chi Phan/chinhphu.vn