Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục
Bám sát sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) và Tỉnh ủy về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, các cấp công đoàn đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ tham gia các hội nghị học tập, quán triệt chỉ thị và triển khai chuyên đề hàng năm. Đưa việc thực hiện chỉ thị vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết công đoàn các cấp, gắn với nhiệm vụ chính trị của công đoàn và đoàn viên, CNVCLĐ. 5 năm qua, các cấp công đoàn đã tổ chức 645 buổi tuyên truyền cho 106.789 CNVCLĐ. Có 85% tổ chức công đoàn trong tỉnh đưa nội dung học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thảo luận tại các buổi sinh hoạt, kết hợp đánh giá những nội dung đăng ký làm theo của từng đoàn viên. Qua việc đưa nội dung học tập, làm theo Bác vào sinh hoạt công đoàn, việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, thực hiện nhiệm vụ được giao của đoàn viên ngày càng hiệu quả.
Để việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW đạt kết quả tốt nhất, các cấp công đoàn đã xây dựng các tiêu chí cụ thể, gắn với phong trào “Trách nhiệm, sáng tạo, tiết kiệm, hợp tác” trong công nhân; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” trong ngành giáo dục; thực hiện “12 điều y đức” và các quy tắc ứng xử trong ngành y tế. Trong khi đó, công đoàn các đơn vị hành chính sự nghiệp gắn việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, “Tham mưu giỏi – phục vụ tốt”. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”… gắn với các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, thu hút đông đảo cán bộ, CNVCLĐ tích cực hưởng ứng, tham gia. Từ đó, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của CNVCLĐ trong các ngành, nghề, góp phần xây dựng đội ngũ lao động có tri thức, tay nghề giỏi, chuyên môn vững, làm chủ khoa học kỹ thuật.
LĐLĐ tỉnh phối hợp với Công an thị xã Duy Tiên ra mắt mô hình “Khu nhà ở công nhân văn hóa – sạch – đẹp, bảo đảm an ninh trật tự” tại khu thiết chế công đoàn.
Theo bà Phạm Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong các cấp công đoàn và đoàn viên, CNVCLĐ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, gắn với thực hiện nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phát huy vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), tổ chức công đoàn đã kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền quan tâm giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong CNLĐ, như vấn đề nhà ở, nhà trẻ tại các khu công nghiệp; an ninh trật tự tại các khu nhà trọ; nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho CNLĐ và các điều kiện làm việc… Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên ngày càng đa dạng, thiết thực, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ.
Nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, công đoàn các cấp đã ghi nhận nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, góp phần chăm lo tốt hơn đời sống của NLĐ. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 3 mô hình “Tổ công nhân tự quản ở khu nhà trọ” tại thị xã Duy Tiên, huyện Kim Bảng và TP Phủ Lý với tổng số 58 phòng trọ, hơn 130 công nhân và hộ gia đình công nhân ở trọ. Đặc biệt, tháng 5/2022, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Công an thị xã Duy Tiên thành lập mô hình “Khu nhà ở công nhân văn hóa – sạch đẹp, bảo đảm an ninh trật tự” tại tòa nhà N19, khu thiết chế công đoàn với 47 hộ gia đình công nhân tham gia.
Các mô hình được triển khai với mục đích nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực cho CNLĐ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, của địa phương nơi cư trú về giữ gìn, bảo vệ tài sản cá nhân, tài sản chung, vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ, tệ nạn xã hội. Xây dựng mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, ứng xử có văn hóa giữa CNLĐ với nhau và giữa các hộ gia đình trong khu nhà trọ, khu thiết chế, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Cũng thông qua hoạt động của các nhóm nòng cốt tại các khu nhà trọ, khu thiết chế đã giúp tổ chức công đoàn kịp thời nắm bắt, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể xảy ra, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.
Tại các xã, phường, thị trấn, công đoàn cơ sở có nhiều đóng góp quan trọng thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Việc thực hiện tốt “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn) và “3 thể hiện” (tôn trọng trong quan hệ giao tiếp; văn minh, lịch sự, văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc; gần gũi, trách nhiệm, giải quyết công việc nhanh chóng) góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức và xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi trong nhìn nhận, đánh giá của các cá nhân, tổ chức và nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc kiêm Chủ tịch Công đoàn xã Vũ Bản (Bình Lục) đánh giá: 100% đoàn viên là cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, trưởng các đoàn thể, cán bộ chuyên trách nên từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu đến tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương đều rất kịp thời, hiệu quả. Thực hiện nội dung khẩu hiệu “5 biết” và “3 thể hiện”, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức trong giao tiếp, ứng xử với người dân đều có thái độ lịch sự, đúng mực, gần gũi, thân thiện. Không chỉ chăm lo đời sống cho đoàn viên, công đoàn xã còn thực hiện nhiều mô hình thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, như: “Công viên công đoàn”, “Tuyến đường kiểu mẫu sáng-xanh-sạch-đẹp”… góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Bên cạnh đó, chương trình “Tết sum vầy”, “Tháng công nhân” đã trở thành những đợt cao điểm hàng năm để tổ chức công đoàn tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ với một chuỗi các hoạt động ý nghĩa, từ thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ vé xe, tổ chức xe đưa NLĐ về quê ăn Tết, đến quan tâm nâng cao chất lượng bữa ăn ca, tổ chức các giải thể thao, hội thi văn hóa, văn nghệ nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ… Các chương trình, hoạt động này được triển khai đồng loạt từ tỉnh đến cơ sở nhằm tăng cường sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp chung tay chăm lo đời sống cho NLĐ, nhất là CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp.
Với sự đồng hành, nỗ lực của các cấp công đoàn, quyền lợi, phúc lợi của NLĐ ngày càng được bảo đảm và nâng cao. Cũng từ đó, vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn ngày càng được nâng lên, trở thành điểm tựa vững chắc của NLĐ. Sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân là nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
Theo https://baohanam.com.vn