Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế

Cán bộ Hội CCB xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) thăm mô hình phát triển kinh tế của hội viên Thào A Lừ, bản Phiêng Bung.

Cựu chiến binh Nông Văn Tiến trú tại tổ 3, phường Him Lam (TP. Đện Biên Phủ) là một trong những tấm gương tiêu biểu, điển hình trong sản xuất, kinh doanh ở địa phương cũng như toàn tỉnh. Năm 1983, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, cuộc sống gia đình ông rất vất vả. Vì vậy, với quyết tâm thoát nghèo, cùng sự quan tâm, động viên của tổ chức hội cựu chiến binh, năm 2004, ông Tiến bắt đầu phát triển mô hình kinh tế VACR. Đến nay, mô hình đang có khoảng 6ha đất trồng rừng, cây chè và cây ăn quả các loại. Ngoài ra, ông cũng chăn nuôi lợn, gia cầm và phát triển gần 3.000m2 ao nuôi thả cá… Với sự quyết tâm, cố gắng của gia đình, mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, hàng năm, trừ chi phí, cho thu nhập trên 300 triệu đồng.

Còn với CCB Lã Văn Hạnh, tổ 4, phường Na Lay, TX. Mường Lay quyết tâm thoát nghèo được thể hiện ở tinh thần dám nghĩ dám làm, hăng say lao động sản xuất, vươn lên tạo lập cuộc sống ổn định hơn cho gia đình ở vùng đất tái định cư mới. Theo đó, trên diện tích hơn 1.500m2 đất bãi ven sông Đà được chính quyền địa phương cho mượn, ông đã tích cực cải tạo đất, làm nhà lưới để trồng nhiều loại hoa màu, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi gia cầm. Sau nhiều năm kiên trì, nỗ lực, đến nay mô hình kinh tế của gia đình ông phát triển ổn định, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. CCB Lã Văn Hạnh cho biết: “Là người lính Cụ Hồ thì dù ở đâu, làm gì, trong hoàn cảnh nào cũng luôn phải noi theo gương Bác. Về cuộc sống đời thường rồi, mình phải tiết kiệm, cần cù lao động sản xuất, tích cực học hỏi điều hay, điều mới thì mới có cuộc sống ấm no. Bản thân tôi thấy rõ rằng khi mình chịu khó, tìm tòi sáng tạo thì các loại cây trồng đỡ tốn công chăm sóc hơn, thu nhập từ đó cũng tốt hơn…”.

Ông Nông Văn Tiến và ông Lã Văn Hạnh chỉ là hai trong số hàng nghìn hội viên CCB trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực, vượt khó, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: “Ngoài nhiệm vụ chính là xây dựng hội vững mạnh thì chúng tôi rất quan tâm đến việc xây dựng và nhân rộng các mô hình CCB làm kinh tế giỏi. Đến nay, chúng tôi có 142 tổ chức doanh nhân, chi hội doanh nhân trong toàn tỉnh đang hoạt động và thu nhập khá. Việc hỗ trợ CCB làm kinh tế được tập trung vào hai nguồn vốn là từ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn luân chuyển của hội CCB. Số vốn tuy không nhiều nhưng cũng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế…”. Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp, tổ chức 320 lớp cho 7.843 lượt cán bộ hội viên tham gia tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng thể mạnh về tài nguyên đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường. Các cấp hội tập trung chỉ đạo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng dư nợ ủy thác qua CCB đạt gần 779 tỷ đồng cho 17.083 hộ, tăng gần 300 tỷ đồng so với năm 2017. Với nhiều cách làm mạnh dạn, sáng tạo, việc học và làm theo Bác thông qua phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của các cấp Hội CCB đã và đang thực sự lan rộng, khơi dậy tình đồng chí, đồng đội trong từng hội viên. Thông qua phong trào, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng. Số lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động của các mô hình, loại hình kinh tế của hội viên CCB ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhiều hội viên đã từng bước được nâng lên. Đến nay, số hộ hội viên CCB nghèo chỉ còn 14%, giảm 4,5% so với năm 2017; số hộ khá giàu tăng lên tới 49%…