Diện mạo đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp của thành phố Thái Bình.
Khơi nguồn sức mạnh nội lực
Sau khi được thành lập tháng 3/2020 trên cơ sở sáp nhập 2 xã Thái Hà và Thái Sơn, xã Sơn Hà (Thái Thụy) phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: hệ thống chính trị chưa ổn định, cơ sở hạ tầng yếu kém, tồn tại nhiều vấn đề vi phạm về đất đai… Tuy nhiên, sau 3 năm sáp nhập, địa phương đã có những bước phát triển vượt bậc, bộ máy hành chính ổn định, hoạt động hiệu quả; nhân dân đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế; cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện; các vấn đề yếu kém dần được khắc phục…
Theo đồng chí Hoàng Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã: Đạt được kết quả đó là do cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng đẩy mạnh việc học và làm theo Bác, qua đó khơi dậy sức mạnh, nguồn lực, ý chí của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng dân cư quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong quá trình thực hiện luôn đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đồng thời chú trọng việc học và làm theo Bác bằng việc làm cụ thể, thiết thực gắn với thực tiễn của địa phương. Điển hình như để siết chặt lại công tác quản lý đất đai, địa phương đã thành lập tổ công tác của UBND xã và các tổ tự quản về đất đai ở các thôn hàng ngày có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất đai trên địa bàn. Tính riêng năm 2022 đã lập biên bản, xử lý 12 vụ vi phạm liên quan đến đất đai.
Ông Phạm Huy Sang, Trưởng thôn Nam Hưng Đông cho biết: Tổ tự quản về đất đai của thôn hiện có 9 thành viên thường xuyên giám sát việc sử dụng đất đai ở trong khu dân cư và khu vực nghĩa trang của thôn, khi phát hiện sai phạm kịp thời báo cáo chính quyền xã xử lý. Mặc dù không có thù lao nhưng các thành viên đều hoạt động nhiệt tình, trách nhiệm, tất cả vì lợi ích chung. Ngoài ra, địa phương đã hoàn thành việc tháo gỡ khó khăn tồn tại 8 năm nay để xây dựng Trường Tiểu học và THCS Thái Hà với kinh phí đầu tư 5 tỷ đồng; đồng thời huy động nguồn lực trong nhân dân hoàn thành nhiều tuyến đường và công trình phúc lợi trong khu dân cư. Cơ sở hạ tầng của địa phương ngày càng được hoàn thiện; văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân đạt trên 50 triệu đồng/năm. Toàn xã có trên 93% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Học Bác, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương ngày càng phát triển, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Hưng Hà đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy sức mạnh nội lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của huyện, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Lộ, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy: Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn huyện trong tình hình mới. Các cấp ủy, chính quyền tập trung nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất và chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn; bám sát từng dự án, lắng nghe, từng bước tháo gỡ các nút thắt trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB. Tính riêng năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 huyện Hưng Hà đã thực hiện GPMB 26 dự án, trong đó đã bàn giao 133.594m2 đất các loại cho nhà thầu triển khai thực hiện dự án. Nhiều hộ dân đã hiến đất, tài sản trên đất và bàn giao mặt bằng sớm cho các đơn vị thi công mà chưa nhận tiền đền bù như các xã Đông Đô, Hòa Bình, Dân Chủ, Chí Hòa, Minh Hòa… Đặc biệt, nhiều hộ còn vận động cùng nhau xây dựng chung một mẫu tường bao, cổng dậu, trồng cùng một loại cây và mắc điện thắp sáng tuyến đường như ở xã Tây Đô, Dân Chủ… đã tạo động lực lan tỏa tinh thần hiến đất mở rộng đường trong nhân dân toàn huyện. Cùng với GPMB, huyện tập trung cho công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Mặc dù gặp không ít khó khăn song nhờ phát huy tốt sức mạnh nội lực, quý I/2023 kinh tế của huyện vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá trên tất cả các lĩnh vực, tăng 9,12% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.290 tỷ đồng.
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu
Theo đồng chí Trịnh Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Thời gian qua, việc học và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp, tạo sức lan tỏa và sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động ở các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Bám sát chuyên đề toàn khóa và chuyên đề hàng năm, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tập trung triển khai với quyết tâm chính trị cao, trở thành động lực, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, phát huy tối đa nội lực trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tiến hành rà soát, lựa chọn những vấn đề bức xúc, phức tạp, những vấn đề được dư luận quan tâm để tập trung giải quyết, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tập trung chỉ đạo, đề ra giải pháp ngay từ cơ sở, giải quyết cơ bản những vấn đề liên quan đến đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong công tác GPMB, vệ sinh môi trường, thực hiện chế độ chính sách, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo… được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Trong công tác cải cách hành chính tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh thực hiện quy chế văn hóa công sở và đạo đức công vụ; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, việc xây dựng điển hình tiên tiến tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị, các chi bộ, đảng bộ cơ sở chọn những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các tập thể, cá nhân trong cơ quan, đơn vị để bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến từ đó tổ chức triển khai nhân rộng. Qua đó khơi thông mọi nguồn lực, đặc biệt là khơi nguồn sức mạnh trong nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ.
Vì vậy, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, song kinh tế của tỉnh vẫn có sự phục hồi rõ nét, phát triển toàn diện, vững chắc, đồng đều ở cả 3 khu vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 9,52%, đứng thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nằm trong top dẫn đầu cả nước. Nhiều điểm nghẽn, nút thắt tồn tại từ lâu đã được giải quyết dứt điểm. Thái Bình được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến, đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế và đặt vấn đề nghiên cứu đầu tư. Năm 2022, Thái Bình xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng 19 bậc so với năm 2021. Bước sang quý I/2023, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá ở tất cả các lĩnh vực, GRDP tăng 8,26% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 11 cả nước và xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng; thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu và đăng ký đầu tư. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tế, vừa đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế vừa phục vụ tốt đời sống nhân dân. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững. Đây chính là tiền đề quan trọng cho việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thái Bình sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Công ty TNHH May xuất khẩu Vân Long, thôn Đông Hưng, xã Sơn Hà (Thái Thụy) hiện tạo việc làm cho gần 300 lao động thu nhập từ 5,5 – 9 triệu đồng/người/tháng.
Theo https://baothaibinh.com.vn