Nhớ lại những năm 80 của thế kỷ trước, khi ấy đất nước ta còn rất nghèo. Tôi là một trong số những thanh niên trong đội ngũ công nhân mỏ còn trẻ tuổi của Nhà máy Cơ khí trung tâm Cẩm Phả (TP Cẩm Phả) sang lao động hợp tác tại CHDC Đức.
Thời ấy chưa có các cơ sở dạy ngoại ngữ như bây giờ, chúng tôi chỉ được học tiếng Nga trong trường phổ thông và không biết tí gì về tiếng Đức. Chúng tôi cũng chỉ hiểu rất lơ mơ về nước Đức qua các bộ phim chiến tranh của Liên Xô, vì thời ấy Internet chưa có, báo chí rất hạn chế nói về nước Đức.
Trước khi sang Đức, tôi chỉ được tham gia mấy buổi học tiếng Đức do người Việt dạy và bập bẹ được mấy câu “cám ơn”, “xin chào”. Khi đặt chân đến nước Đức, mọi cái đều lạ lẫm. Người Đức gặp chúng tôi họ nói “Việt Nam, Hồ Chí Minh”, chúng tôi đáp lại “Vâng, Việt Nam, Hồ Chí Minh”, họ bắt tay chúng tôi và vỗ vai “gut, gut” (Tốt, tốt).
Vậy là điều đầu tiên chúng tôi và người Đức đã hiểu nhau khi nói “Hồ Chí Minh” và từ những người xa lạ, chúng tôi đã thấy gần gũi nhau hơn khi nói “Hồ Chí Minh”. Một điều mà tôi nhận thấy hầu hết người Đức vào những năm 80 của thế kỷ trước họ đều biết đến Bác Hồ, như chúng ta biết đến Các Mác (Karl Marx) của đất nước họ.
Bác Hồ chụp ảnh cùng các thủy thủ Cộng hoà Dân chủ Đức trên biển Baltic khi Bác đến thăm Cộng hoà Dân chủ Đức năm 1957. (Nguồn: Tấm gương (Đức)
Không chỉ người Đức mà nhiều người nước ngoài khác mà tôi gặp ở Đức, họ cũng dành một sự trân trọng với Bác Hồ. Người Cu Ba khi gặp chúng tôi, là họ chạy đến bắt tay chào hỏi mà chẳng cần quen biết, hay đã từng gặp ở đâu, chỉ cần biết chúng tôi là người Việt Nam, từ đất nước của Bác Hồ là đủ vui vẻ, thân thiện. Chúng tôi giao tiếp với họ bằng tiếng Đức, họ nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng kính trọng như nói về lãnh tụ của đất nước họ.
Thời ấy giao thông ở ta còn rất thô sơ, khi bước sang nước Đức, chúng tôi choáng ngợp cả hệ thống giao thông hiện đại, từ tàu điện, tàu cao tốc chạy trên mặt đất, tàu điện chạy ngầm dưới đất. Người mới đến Đức không khỏi rối mắt, nếu chẳng may đi lạc thì không biết đằng nào mà lần, nhất là lại không biết tiếng Đức. Một lần tôi bị lạc, khi đó tiếng Đức của tôi còn rất hạn chế chỉ nhớ được số nhà và khu phố mình ở. Tôi đến hỏi một người đàn ông trung niên đứng gần đó. Ông xì xồ một tràng, tay chỉ chỗ nọ chỗ kia, tôi chẳng hiểu gì cả. Tự nhận thấy nếu nói nữa tôi cũng không hiểu, vậy là ông Tây đưa tôi lên tàu điện, đưa tôi về tận khu nhà tôi ở, rồi lại lên tàu điện đi quay trở lại khu nhà mình.
Khu phố Karlruhe ở quận Grunau, TP Leipzig (Đức), từ năm 1982 đến năm 1991 đã được gọi là phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Internet)
Phải hơn 1 năm sau, tôi tham gia các lớp học tiếng Đức dành cho người nước ngoài và phần lớn là tự học, tôi đã nói được khá lưu loát tiếng Đức. Tôi gặp lại người đàn ông trung niên khi xưa đã giúp khi tôi bị lạc đường, thì được biết ông này sống ở khu phố mang tên Hồ Chí Minh. Ông ta trước đây còn là đội viên trong đội thiếu niên tiền phong mang tên Bác ở Đức. Ông ta bảo rằng, ở nước Đức thời điểm đó có nhiều đội thiếu niên tiền phong, nhiều khu phố mang tên Hồ Chí Minh và ông có cảm tình với những người đến từ đất nước của Bác Hồ. Khi ấy, do tôi cũng không có điều kiện để đi tìm hiểu sưu tập con số cụ thể trên nước Đức có bao nhiêu đội thiếu niên, bao nhiêu khu phố mang tên Bác, nhưng ở quận Grunau thuộc thành phố Leipzig nơi tôi ở không xa, cũng có khu phố mang tên Hồ Chí Minh. Thủ đô Berlin và thành phố Dresden của Đức đã từng đến cũng có khu phố mang tên Bác.
Tình hữu nghị của Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức được Bác Hồ xây dựng trong chuyến thăm cấp nhà nước của Bác năm 1957 theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Đức Wilhelm Pieck. Người Đức đề cao tấm gương đạo đức của Bác.
Được biết, nhiều công trình mang tên Bác như quảng trường, tượng đài, khu phố, công viên… trên thế giới, được xây dựng ở các nước: Ấn Độ, Nga, Hungary, Cu Ba, Mexico, Mông Cổ, Dominica… Đó là tấm lòng trân trọng của bạn bè năm châu đối với Bác đề cao tấm gương đạo đức của Người.
Anh Vũ
Theo https://baoquangninh.com.vn