CHUYỆN HẠT CÁT CỦA “NỮ TƯ LỆNH”
Cái nắng như thiêu đốt vẫn không cản được bước chân người phụ nữ tuổi đã ngoài 60 xăm xăm đi về phía mấy chiếc tàu đang được nhân công hì hục sửa chữa. Trước đó, bà vừa kiểm tra xong các hầm chứa nước mắm của cơ sở kề bên. Hai cơ sở đều do bà Võ Thị Hồng Thoại – Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Vũ – Võ Bạc Liêu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thuận Phát Gành Hào quản lý.
Bà Võ Thị Hồng Thoại (đứng giữa) giới thiệu khu sửa chữa tàu thuyền thuộc Công ty Cổ phần Thuận Phát Gành Hào.
Một “nữ tư lệnh” ngành công nghiệp (nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp Bạc Liêu) từng là cán bộ biệt động thành vào Đảng khi tuổi chưa tròn 20, một Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu và Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh khi về hưu; thế mà trích yếu lý lịch của người nữ đảng viên này còn nối dài thêm đoạn sau, đoạn đã “cởi áo quan trường”: ở cái tuổi vượt ngưỡng lục tuần, người đảng viên 45 tuổi Đảng này đang làm những công việc thuộc về phái mạnh với mong muốn đóng góp cho Bạc Liêu phát triển kinh tế biển!
Khởi sự ngành sản xuất công nghiệp, mà cụ thể là đóng, sửa chữa tàu thuyền đánh bắt xa bờ, theo bà, đây là cách hiện thực hóa các phần việc trong nhiều nghị quyết về kinh tế biển của tỉnh, đưa ngành này trở thành một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Công ty Cổ phần Thuận Phát Gành Hào chuyên trách đóng tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá với vốn đầu tư khoảng 24 tỷ đồng, hiện đang tạo việc làm cho gần 30 công nhân. Cùng với ý tưởng về dòng nước mắm sạch được sản xuất tại xứ biển Gành Hào, bà đã chủ công cho ra đời sản phẩm nước mắm Thiên Phú với sản lượng hơn 500.000 lít nước mắm mang slogan “Muối tốt, cá sạch, mắm ngon”. Những việc làm này, bà khiêm tốn cho rằng chỉ là hạt cát, phải cần nhiều hạt cát để hội tụ thành bãi cát.
Bà Võ Thị Hồng Thoại (bìa phải) giới thiệu nước mắm sạch Thiên Phú – một sản phẩm đặc trưng của Bạc Liêu.
Nghỉ hưu là lúc đa số người bắt đầu cuộc hành trình thư giãn cho bản thân, bởi 60 năm cuộc đời đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng trong vai trò người công chức, viên chức nhà nước. Vậy mà, có không ít người đã bước qua tuổi hưu vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, là vì trái tim họ còn đầy lửa nhiệt thành cống hiến cho Đảng, cho đời…
NỮ BÁC SĨ XÔNG PHA CHỐNG DỊCH
Hẹn gặp bác sĩ Trần Thị Xuân Loan (Khoa Nội – Trung tâm Y tế TP. Bạc Liêu), cảm nhận được Loan luôn tất bật. “Khi đã chăm sóc bệnh nhân thì không được phân tâm, phải tập trung với từng bệnh nhân mình đang theo dõi, điều trị”, bác sĩ trẻ giải thích như vậy.
“Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Lúc sinh thời, Bác đã căn dặn cán bộ ngành Y như vậy. Chúng tôi nhìn thấy ở bác sĩ Loan những đức tính cần có của người cán bộ y tế trong lời răn dạy của Bác. Loan luôn niềm nở, dịu dàng trong tiếp xúc, tận tình, cẩn trọng khi chăm sóc bệnh nhân. Bác dạy: “Trong trường hợp khó khăn, nguy kịch thì sẵn sàng chịu khó, chịu khổ, hy sinh, quên mình để làm tròn phận sự cứu người”, thì Loan cũng từng như thế trong những ngày Bạc Liêu gồng mình chống dịch COVID-19.
Bác sĩ Xuân Loan thăm khám bệnh nhân tại Trung tâm Y tế TP. Bạc Liêu. Ảnh: C.T
… Năm 2021, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế TP. Bạc Liêu được phân công tiếp nhận 4 cơ sở thu dung điều trị gồm: Trường Chính trị Châu Văn Đặng, Trường THPT Bạc Liêu, Trường đại học Bạc Liêu cơ sở 1 và 2. Lúc đó Loan là bác sĩ nữ đầu tiên của cơ quan tự nguyện đăng ký tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19, dù gia đình lo lắng, can ngăn vì Loan đang nuôi con nhỏ. Thế nhưng, tấm lòng và chuyên môn của người bác sĩ không cho phép Loan “chọn việc nhẹ nhàng”. Được phân công làm Trưởng khu thu dung điều trị đặt tại Trường đại học Bạc Liêu cơ sở 2, Loan xông xáo sắp xếp cơ sở vật chất sao cho phù hợp với mô hình bệnh viện dã chiến; rà soát, dự trù mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị, phương tiện bảo hộ và nhân lực tham gia chống dịch. Loan gửi lại con nhỏ cho cha mẹ mình. Chỉ sau 2 tuần làm nhiệm vụ, Loan bị lây nhiễm. Những cuộc điện thoại về nhà cứ thưa dần vì sức khỏe, vì công việc, Loan không muốn gia đình thêm lo lắng. “Những lúc nhớ con chỉ biết gọi điện về và nhìn con qua màn hình. Rồi sau đó lại vào cuộc chiến, mấy tháng trời, khi dịch tạm ổn mới được về gặp con…”.
Khi khu thu dung điều trị Trường đại học Bạc Liêu cơ sở 2 giải thể, Loan tiếp tục nhận nhiệm vụ ở khu thu dung điều trị Trường chính trị Châu Văn Đặng, đồng thời còn tham gia Đội trực cấp cứu lưu động. Sau khi khu này giải thể, Loan tiếp tục “chinh chiến” ở khu thu dung điều trị Trường mầm non Bạc Liêu cho đến khi giải thể. Tính đến cuối năm 2021, các khu thu dung điều trị COVID-19 của Trung tâm Y tế TP. Bạc Liêu tham gia điều trị khoảng 5.000 ca F0, thì riêng bác sĩ này đã trực tiếp điều trị khoảng 1.000 bệnh nhân…
Bác sĩ Trần Thị Xuân Loan là một trong 9 cá nhân đã nhận được bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vì đã có thành tích xuất sắc tham gia lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Tư tưởng “thầy thuốc như mẹ hiền”, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức vẫn luôn soi đường cho đội ngũ cán bộ y tế trẻ như Loan vượt qua mọi khó khăn và thử thách, vì sức khỏe của nhân dân mà cống hiến, trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Theo https://www.baobaclieu.vn