Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò to lớn trong việc phát triển quan hệ̣ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hungary; đồng thời góp phần củng cố sự đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa thời đó vì sự nghiệp hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới. Sự tôn trọng mà đất nước Hungary dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiện cảm của người dân nước này với cuộc chiến giành độc lập của Việt Nam đã đưa Hungary trở thành một người bạn thân thiết với Việt Nam trong thời gian chiến tranh và cả khi hòa bình lập lại. Hungary đã có những viện trợ đáng kể và quý báu cho miền Bắc trong phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam, đào tạo nhiều thế hệ du học sinh – trong đó, có nhiều học viên quân sự – để nhiều người trong số họ trở thành các chuyên gia đầu ngành, phục vụ hiệu quả cho công cuộc giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước Việt Nam sau khi hòa bình lập lại.
Tháng 8/1957, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam – đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh – đã có chuyến thăm hữu nghị Cộng hòa nhân dân Hungary trong vòng 5 ngày. Đây là chuyến thăm Hungary đầu tiên của một vị nguyên thủ quốc gia Việt Nam. Sân bay Quốc tế Ferihegy (nay là Sân bay 1) trong ngày hôm đó, thứ Năm ngày 01/8/1957, đã tưng bừng, rợp cờ hoa và những dải băng đỏ viết những lời chào mừng bằng hai thứ tiếng Hung – Việt. Các báo lớn đều đăng những dòng tít chạy dài suốt trang nhất: “Thân ái chào mừng những vị khách quý của chúng ta! Szeretettel üdvözöljük kedves vendégeinket!”(1).
Thời điểm 1957 rất quan trọng trong lịch sử hiện đại Hungary: Một năm sau cuộc chính biến đau thương 1956, Đảng và Chính phủ Hungary đang phải hết sức nỗ lực hàn gắn những vết thương lòng, mở rộng dân chủ trong nội bộ đảng và trong xã hội, đồng thời tiến hành công cuộc hòa giải dân tộc ở phạm vi rộng. Trong bối cảnh ấy, chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ một đất nước vừa giành được hòa bình trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ đầy gian nan, thử thách nhưng phải đối mặt ngay với cảnh chia cắt, phân ly – đã để lại nhiều dư âm rất đẹp đẽ trong lòng giới lãnh đạo và người dân nước bạn, và đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị đa dạng, luôn phát triển, trở thành truyền thống giữa hai đất nước Việt Nam – Hungary.
Tựa đề song ngữ trang trọng trên trang nhất của
“Tự do Nhân dân” về chuyến đi của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ sáng sớm, hàng nghìn công nhân, sinh viên và các cháu thiếu niên khăn quàng xanh trên vai đã tập trung chỉnh tề, hồi hộp đón chờ. Đúng 13 giờ 34 phút, hai chuyên cơ chở Đoàn lãnh đạo nhà nước Việt Nam hạ cánh, sau hơn 2 giờ bay từ Sân bay Schönefeld (Đức). Thứ trưởng Szarka Károly và ông Csatorday, trưởng phòng Lễ tân Bộ Ngoại giao Hungary, trước đó đã bay sang tận Berlin để đón và tháp tùng Đoàn. Cả phi trường bừng lên với lời chào mừng nồng nhiệt “Éljen! Éljen!” (Muôn năm) khi Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trước cửa máy bay. Các nhà lãnh đạo cao nhất của Hungary đã ra tận chân cầu thang máy bay, thân mật đón Đoàn Việt Nam. Đáp lại tình cảm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi tinh thần ngoan cường của nhân dân Hungary trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và tình cảm thắm thiết mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Hungary dành cho đoàn và nhân dân Việt Nam.
Trên suốt đường từ sân bay về trung tâm thành phố, hàng chục nghìn người dân Budapest phấn khởi chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những quý khách đến từ Việt Nam, một đất nước còn quá xa lạ đối với họ, song đã trở thành huyền thoại về gương hy sinh và lòng quả cảm bởi cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm và chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Ngay chiều ngày 01/8, cuộc Hội đàm chính thức lần đầu tiên giữa những lãnh tụ cao nhất của hai nhà nước Việt – Hung đã diễn ra trong bầu không khí thắm tình hữu nghị anh em. Cuộc hội đàm đặt nền móng vững chắc cho quan hệ sâu sắc, phong phú, và luôn phát triển của hai quốc gia, hai dân tộc. Buổi tối, tại Cung Văn hóa Quân đội, đoàn Ca vũ kịch Quốc gia Hung biểu diễn chào mừng Đoàn với vở ca kịch “Tráng sĩ János” (János vitéz) nổi tiếng của Hung.
Sáng thứ Sáu ngày 02/8, Đoàn đến thăm Nhà máy Liên hợp Bóng đèn (Egyesült Izzó Gyár), niềm tự hào của công nghiệp điện tử Hungary một thuở. Đây cũng là nhà máy sản xuất thiết bị điện cho nước ta. Tỷ lệ phụ nữ làm việc ở đây rất cao, vì cần có bàn tay khéo léo của phụ nữ để lắp những bộ phận mỏng manh của sản phẩm. Mọi người rất vui mừng xúc động khi được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Ađêlơ Ôrơxơ – người phiên dịch tiếng Hungary cho Bác nhớ lại: “Anh chị em công nhân mặc áo choàng trắng vừa trông thấy người lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, đã ngừng công việc một lúc và tất cả đều cười đáp lại nụ cười của đồng chí Hồ Chí Minh…Một nữ công nhân nhiệt tình đã mạnh bạo đứng lên xoay mình một vòng, trước mặt đồng chí Hồ Chí Minh, chị chào đồng chí một cách giản dị. Công nhân nhà máy ngạc nhiên và cảm động đã bật lên hoan hô”(2). Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm những dây chuyền công nghệ hiện đại chế tạo các loại bóng đèn điện dân dụng. Người còn rất quan tâm đến đời sống công nhân qua việc tới thăm Nhà mẫu giáo, nằm ngay cạnh khuôn viên rộng lớn của nhà máy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1967) – Ảnh: Pálfai Gábor (phóng viên nhiếp ảnh,
trưởng BBT ảnh và trưởng Ban Lưu trữ ảnh của Hãng Thông tấn Hungary MTI)
Là một trong số những người Hungary có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự kiện lịch sử này, ông Kovács Lajos – khi ấy là một kỹ sư thủy lợi, một cây bút nghiệp dư của tờ “báo tường” tại Nhà máy Liên hợp Bóng đèn (Egyesült Izzó Gyár), kể lại: “Chuyến thăm tại Nhà máy Liên hợp Bóng đèn của đoàn Việt Nam được coi là đặc biệt quan trọng và phóng sự truyền hình được coi là có “giá trị chính trị” lớn… Hoàn cảnh lúc đó đã khiến tôi hoàn toàn như trong trạng thái lên đồng, nhưng đỉnh cao ngày hôm ấy đối với tôi, là cuộc gặp gỡ trực tiếp với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi thay mặt tờ “Báo Bóng đèn”, tôi được đặt mấy câu hỏi cho ông.
Tôi chỉ hổ thẹn vì kiến thức Pháp ngữ có được từ những năm trung học thật chẳng ra làm sao so với thứ tiếng Pháp tuyệt hảo kiểu Sorbonne của Ông Cụ. Sau khi ậm ọe ra được mấy câu đầu, tôi cảm thấy như bị ai chặn họng. May cho tôi, Bác Hồ là người giản dị và cởi mở, ông trả lời tôi như thể chúng tôi đã là những bạn cũ, cho dù… ông là người đứng đầu nước Việt Nam kia mà!
Tôi hỏi: “Thưa đồng chí Hồ Chí Minh! Đồng chí có thích nhà máy của chúng tôi không? Điều gì khiến đồng chí có ấn tượng nhất trong chuyến tham quan nhà máy?”. Mỉm cười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp: “Anh bạn trẻ thân mến của tôi, tất cả những gì tôi đã thấy tại Nhà máy Liên hợp Bóng đèn đều rất thú vị, tôi cảm thấy dễ chịu tại đất nước của các bạn và tất nhiên, tại nhà máy của các bạn, nơi tôi được nhận tình thương mến của mọi người, vì cư dân đất nước này hạnh phúc…”
“Được tham quan các phân xưởng và trò chuyện với những công nhân không đói khát và không phải sợ hãi trước những trận bom, tất cả đều thuộc về một ấn tượng tuyệt vời sẽ theo tôi về quê hương Việt Nam sau chuyến thăm này.
Tuy nhiên, tôi thích nhất Nhà mẫu giáo của cơ sở Tungstram. Tất cả các cháu nhỏ ở đấy đều cởi mở và hạnh phúc, và điều quan trọng hơn thế nữa, các cháu đều khỏe mạnh, cũng như chúng ta mong muốn rằng con cháu chúng ta và tất cả các cháu trên thế giới này đều phải được như vậy.
Có điều, tôi cảm thấy rằng, điều quan trọng nhất mà tôi được thấy và được cảm nhận trong chuyến đi ngắn ngày này, là tình thương yêu và đỡ đần các cháu nhỏ mà các bạn đã thể hiện, vì các cháu sẽ trở thành những công nhân, nhà khoa học và chính khách của ngày mai, nói cách khác, các cháu sẽ là nước Hungary của tương lai”. Những lời nói trên đây, và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc sâu trong tâm khảm tôi, không bao giờ quên – hình ảnh con người vĩ đại này sống trong tôi như một biểu tượng vĩnh cửu của tình yêu nước”(3).
Sau khi thăm Nhà máy Liên hợp Bóng đèn, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Dobi István – Chủ tịch Đoàn Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Hungary. Buổi trưa Chủ tịch Dobi István chủ trì đại tiệc chiêu đãi các vị khách quý Việt Nam với các món đặc sản Hung, tại phòng Vadászterem (Phòng những người đi săn), một phòng đẹp, ấn tượng bậc nhất của tòa nhà Quốc hội Hungary nổi tiếng, lớn nhất Châu Âu. Trong không khí thân mật của buổi tiệc, đáp lời mời của đồng chí Dobi István, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui mừng được đến thăm nước Hungary và Người đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo và nhân dân Hungary bởi “trong 9 năm chiến đấu giải phóng dân tộc, nhân dân nước chúng tôi luôn luôn được nhân dân Hungary, hoàn toàn đồng tình và ủng hộ. Hòa bình lập lại, chúng tôi lại được những phái đoàn chuyên gia và thương mại Hungary đến giúp chúng tôi xây dựng lại kinh tế nước nhà. Đồng thời, những đoàn đại biểu văn hóa Hungary đã giới thiệu với nhân dân nước chúng tôi nền văn hóa của một dân tộc anh dũng đã chiến đấu dũng cảm chống chủ nghĩa phát xít và đánh đổ ách thống trị. Nhân dịp này, tôi xin tỏ lời cảm ơn thân thiết nhất về sự giúp đỡ do Đảng, Chính phủ và nhân dân Hungary”(4). Đồng thời Người ca ngợi những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Hungary đã đạt được, đoàn kết cùng nhau bảo vệ tự do và củng cố hòa bình thế giới. Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vòng hoa trước Đài kỷ niệm những chiến sĩ yêu nước Hungary đã hy sinh vì độc lập và tự do cho Tổ quốc và Đài kỷ niệm các chiến sỹ Liên Xô ở Quảng trường Tự do. Sau đó, lễ ký Hiệp định Hợp tác Văn hóa – Giáo dục Việt – Hung được long trọng tiến hành: Ông Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Việt Nam và ông Kállai Gyula, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hungary, thay mặt Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định trước sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo cao cấp Việt Nam và Hungary. Cũng từ đây giao lưu văn hóa giáo dục của Việt – Hung được phát triển mạnh mẽ khi hàng năm chính phủ Hungary nhận đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư; đồng thời hàng năm các đoàn văn hóa nghệ thuật thường xuyên sang Việt Nam giao lưu biểu diễn và rất nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp xem, tặng thưởng Huân chương.
Cũng trong buổi chiều ngày 02/8, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Cung Thể thao Thủ đô: Toàn thể hội trường đã bật đứng dậy với những tràng vỗ tay kéo dài, hân hoan vui mừng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Dobi István bước lên diễn đàn. Phát biểu trong buổi mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển lời chào thân thiết của nhân dân Việt Nam tới nhân dân Hungary; bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Hungary trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sau đó, Người thuật lại một chuyện cổ Châu Á, tuy không nhắc trực tiếp đến thời cuộc Hungary nhưng khi hiểu ra, ý nghĩa câu chuyện lại ẩn dụ tính thời sự sâu sắc: “Một người lữ hành đi thuyền qua con sông lớn, đến giữa dòng, anh ta đánh rơi thanh gươm xuống nước, anh vội vàng đánh dấu ở mạn thuyền, nơi thanh gươm bị rơi. Sau đó anh mới thả neo, theo dấu khắc mạn thuyền mà tìm gươm, nhưng tất nhiên là chẳng bao giờ thấy vì khi anh đang khắc dấu thì cả thuyền và con nước đã trôi đến một vị trí khác. Ngày nay, nếu ai đó tìm gươm cách ấy, chúng ta có thể coi anh bị tâm thần. Quả vậy, nhưng cũng là như thế, khi các lãnh đạo muốn trị nước bằng những luật lệ và phương pháp đã quá lỗi thời. Thời gian trôi đi cũng như những cơn sóng trên sông, nhưng “thanh gươm” – những luật lệ – thì còn nguyên tại chỗ. Đúng thế, một ban lãnh đạo như vậy sẽ gặp phải lắm vấn đề và họ có làm gì đi nữa cũng vô hiệu, họ không thể tìm lại được “thanh gươm bị đánh mất”(5). Chấm dứt bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhẹ nhàng gật đầu, mỉm cười với cử toạ và về lại chỗ ngồi. Cử tọa người Hungary không hiểu ngay ý nghĩa câu chuyện, họ chưa quen cách diễn đạt mang tính tượng trưng của phương Đông nhưng chỉ sau vài giây im lặng, khi chợt hiểu ra, họ mới nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhắc đến một câu chuyện cổ trong sách “Lã Thị Xuân Thu” của Lã Bất Vi đời Tần, được thuật lại trong “Cổ học Tinh hoa” của hai tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân với tựa đề “Đánh dấu thuyền tìm gươm”. Trong bối cảnh đất nước Hungary 1 năm sau phong trào cách mạng, nội bộ đảng cần phải thay đổi, mở rộng dân chủ hơn, tiến bộ hơn xóa bỏ những “thủ cựu”, luật lệ lỗi thời để phù hợp với tình hình xã hội trong nước, câu chuyện mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kể ra thật ý nghĩa. Chính sự tinh tế, sâu sắc trong phong cách ngoại giao của Người đã chiếm được tình cảm rất lớn của nhân dân Hungary.
Ngày hôm sau, thứ bảy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đã có một chuyến du lịch lý thú, đầy ấn tượng ở vùng tả ngạn sông Duna xinh đẹp. Mở đầu với chuyến đến thăm Hợp tác xã nông nghiệp Vörösmarty, các xã viên đã tiếp đón nồng nhiệt Đoàn với những món đặc sản của Hungary (rượu mạnh, thịt kho cay với ớt…). Thay vì thăm cánh đồng tăng sản như Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã đã bố trí trong chương trình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn vào thăm một số gia đình xã viên (ngày nay, con cháu ông bà Tóth László, một xã viên thời ấy, còn rất trân trọng những tấm hình cắt ra từ các tờ báo về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình, cảnh bà cụ Tóth giới thiệu với Bác ngăn tủ đầy ắp đồ ăn…). Rời Hợp tác xã, Đoàn đến thăm thành phố Siofok xinh đẹp và du thuyền nhiều giờ trên hồ Balaton. Buổi tối, đoàn nghỉ tại thị trấn Aligán, thưởng thức món xúp cá (halászlé) nổi tiếng và vũ điệu csárdás vui nhộn, tràn đầy sức sống.
Sáng chủ nhật ngày 04/8, từ Balaton, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đi thăm một số danh lam thắng cảnh ở Thủ đô Buđapét. Balaton được coi là một trong những nơi phong cảnh đẹp nhất Hungary, là địa điểm nghỉ mát lý thú. Nhớ lại một kỷ niệm sâu sắc thể hiện khả năng cảm hóa đặc biệt, một cử chỉ thân tình, bình dị mà rất tinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Ađêlơ Ôrơxơ kể lại: “Khi đang trò chuyện thân mật với các đồng chí Hungary thì có một nhà báo đến xin chụp một bức ảnh đồng chí Hồ Chí Minh, đồng chí nhà báo mang đến một bàn cờ rồi đề nghị đồng chí Hồ Chí Minh và đồng chí Dobi đánh cờ để cho đồng chí đó chụp. Nghe đề nghị đó, đồng chí Hồ Chí Minh trả lời: Thấy ảnh tôi đánh cờ, ở nước tôi người ta sẽ cười. Và đồng chí giải thích: “Vì ai cũng biết là tôi không đánh cờ”. Lúc ấy tưởng đồng chí phóng viên sẽ đi, không làm tròn công việc. Nhưng đồng chí Hồ Chí Minh thấy nét mặt tiu nghỉu của đồng chí đó… Đồng chí Hồ Chí Minh bày quân cờ ra. Rồi đồng chí nhã nhặn mời tôi “đánh một ván” với đồng chí. Tôi cũng không biết đánh cờ… nhưng tôi rất sung sướng khi được mời đánh cờ. Hôm sau bức ảnh đăng trên báo Hungary”(6).
Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn Chính phủ Việ̣t Nam đến thăm trại hè Csillebérc của các cháu thiếu niên Hungary. Cô phụ trách Kõmüves Ági xúc động nói lời chúc mừng bằng tiếng Việt. Hàng trăm thiếu niên xinh đẹp, vui tươi, rạng rỡ vây quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu những trò chơi hấp dẫn, món xúp lửa trại và các bạn thiếu nhi gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Bác Hồ”.
Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân xã hội, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Hungary Ianốt Cađa. Hai bên trao đổi với nhau về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Hungary hoàn toàn nhất trí ủng hộ đối với sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam. Lãnh đạo hai nước khẳng định sự cần thiết phải có những nỗ lực chung của tất cả các lực lượng yêu chuộng hòa bình, nhằm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt sự chia cắt đất nước, góp phần tích cực vào việc củng cố hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn cùng đi thăm Bảo tàng Mỹ thuật ở Thủ đô Buđapét.
Tối ngày 04/8, tại Cung Mùa hè của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Hungary, đại tiệc lớn tiễn đoàn được tổ chức với sự hiện diện của đầy đủ các vị lãnh đạo tối cao và nhiều nhân sĩ nổi tiếng. Tại đây, cũng như trong 4 ngày qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ Việt Nam có dịp tiếp xúc thân mật với nhiều bạn bè Hungary và quốc tế. Những ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc về chuyến viếng thăm của phái đoàn Hồ Chí Minh đã là nguồn cảm hứng đặc biệt, khơi dậy và làm phát triển những tình cảm thân thiết của nhiều nhà văn hóa, nhà giáo, nhà khoa học… Hungary đối với đất nước, dân tộc Việt Nam, mãi đến tận hôm nay. Chính những buổi đi thăm, tiếp xúc và nói chuyện trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Hungary đã khiến cho nhân dân Hungary hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là về cuộc chiến đấu anh dũng và vô cùng gian khổ của dân tộc ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc chứ không phải chỉ qua sách báo. Từ đó nhân dân Hungary hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Sáng thứ Hai ngày 05/8, sân bay Quốc tế Ferihegy và những đại lộ Budapest vẫn tưng bừng cờ hoa. Buổi tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn Chính phủ Việt Nam thật long trọng và cảm động. Đúng 9 giờ 30, trong tiếng quân nhạc hùng tráng, sau bản “Hành khúc Rákoczi” (Rákóczi induló), Quốc ca hai nước đã được cử hành trọng thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫy chào hàng nghìn người dân có mặt trên sân bay và nói bằng tiếng Hung lời tạm biệt “Köszönöm és viszont látásra!” (Cám ơn các bạn và hẹn gặp lại!).
Sau những năm tháng ấy, tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đặt cho Trường Cao đẳng Sư phạm ở thành phố Eger; tại nhiều vùng trên toàn quốc, những pho tượng bán thân, phù điêu mang hình Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở những Quảng trường, vườn hoa… Trong đó, tượng đài kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Zalaegerszeg là món quà quý báu duy nhất của nhân dân Hungary được bảo vệ, gìn giữ qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian và thời cuộc. Sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, nhiều pho tượng thời xã hội chủ nghĩa đã bị dẹp bỏ, nhưng đúng như nhận xét của ông Hóbor József, một người dân Hungary, một người bạn nhiệt thành của Việt Nam, “bằng một cách nào đó, vẻ đẹp của bức tượng và hình tượng Hồ Chí Minh đã không cho phép người ta đụng vào tượng đài”(7).
Chuyến thăm đất nước và nhân dân Hungary của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959 chỉ diễn ra trong bốn ngày nhưng kết quả đạt được là không nhỏ. Chuyến thăm đã khắc sâu hơn nữa mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Hungary cho đến mãi về sau này. Với hình ảnh vị lãnh tụ giản dị, mỗi một cử chỉ hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều toát lên sự tinh tế, lịch thiệp, không câu nệ địa vị xã hội, luôn quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân đã khiến cho nhân dân Hungary vô cùng yêu quý Người và dân tộc Việt Nam. Đúng như Kỹ sư Kovács Lajos đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm của Người tới Hungary, năm 1957: “Bỏ qua mọi thứ lễ nghĩa nhưng vẫn khiến người khác phải kính trọng, con người ít lời, thông tuệ ấy có một tính cách rất lôi cuốn…Và đã đi vào tâm trí tôi như một trong những kỷ niệm thật đẹp của đời tôi”(8).
——————————-
Chú thích:
1, 3, 5. Báo Nhịp cầu thế giới online ngày 19/9/2007
2, 6, 7, 8. Báo Nhân Dân số 2262, ngày 29/5/1960
4, Tài liệ̣u lưu trữ lại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
ThS. Lường Thị Lan
Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn