Ảnh minh họa
1. Những nội dung cơ bản của “giản chính, tinh cán” trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy tầm quan trọng, tính cấp thiết, nội dung và phương thức “giản chính, tinh cán” để xây dựng các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể ở các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Người đã cụ thể hóa những điều đó thành những chỉ dẫn cụ thể qua các bài viết, bài phát biểu tại các sự kiện quan trọng. Những chỉ dẫn của Người về thức “giản chính, tinh cán” không chỉ có giá trị đối với việc xây dựng, hoàn thiện chính quyền cách mạng non trẻ lúc bấy giờ, mà còn là kim chỉ nam cho việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “giản chính, tinh cán” là hai phương thức để thực hiện chung một mục đích là thực hành tiết kiệm và phát huy sức người, sức của để nâng cao và tăng năng suất lao động trong các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể. Trong bài viết “Tình hình thế giới từ hạ tuần tháng 9 đến thượng tuần tháng 11 năm 1950”, Người đã chỉ rõ: “Giản chính. Chính quyền và Đoàn thể tìm mọi cách để giảm bớt những cơ quan và những nhân viên không cần thiết lắm, để tiết kiệm sức người và của, để thêm sức vào việc sản xuất. Đồng thời tìm mọi cách để nâng cao năng suất của những nhân viên và các cơ quan”(1). Người cho rằng, giản chính, tinh cán có mối quan hệ chặt chẽ, vừa là điều kiện, vừa là tiền đề của nhau. Trong “Thư gửi các cán bộ Bắc Kạn” viết tháng 11/1950, Người tiếp tục giải thích rất rõ ràng thế nào là “giản chính, tinh cán” và mối quan hệ của hai nội dung này như sau: “Giản chính, tinh cán: Các cơ quan chính quyền và đoàn thể cần phải triệt để giản chính. Đó là tiết kiệm sức người. Song đồng thời phải nâng cao năng suất công tác của mỗi người, mỗi cơ quan phải lựa chọn cán bộ, dùng cán bộ cho đúng – thế gọi là tinh cán. Hai việc phải đi đôi với nhau”(2).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, triệt để và đồng bộ giảm bớt những tổ chức, khâu trung gian và cá nhân không cần thiết là biện pháp trước mắt để tiết kiệm nguồn lực cho phát triển của đất nước, đặc biệt là trong điều kiện bộ máy hành chính, bộ máy quản lý kinh tế của nước ta còn cồng kềnh, hoạt động thiếu hiệu quả lại tốn sức người, sức của của nhân dân. Vì vậy, trong bài nói chuyện về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” (tháng 3/1952), Người yêu cầu: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các Ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản). Hiện nay, các cơ quan của ta người nhiều, việc ít, xài phí lu bù…”(3).
Những nội dung cơ bản của “giản chính, tinh cán” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là:
Một là, phải sử dụng tổng hợp các giải pháp với tư tưởng cách mạng tiến công và tính đảng trong “giản chính, tinh cán”. Bởi lẽ, khi thực hiện “giản chính, tinh cán” trong các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể tất yếu sẽ động chạm, ảnh hưởng ít hoặc nhiều đến lợi ích (thường là vị kỷ) của một số người, một số “nhóm lợi ích” nên họ tìm mọi cách để trì hoãn hoặc không chấp hành quyết định “giản chính, tinh cán” của cấp có thẩm quyền. Vì vậy, phải có quyết tâm chính trị cao, phải kiên quyết làm cho kỳ được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại những lời huấn thị của V.I.Lênin khi bàn về vấn đề này và nhấn mạnh: “Lênin đã nhắc đi nhắc lại hàng chục, hàng trăm lần rằng: công nhân và nông dân không thể chịu đựng những cơ quan kềnh càng và tốn kém như vậy. Vô luận thế nào cũng phải tìm đủ cách để biên chế các cơ quan lại. Chúng ta phải dùng tinh thần bôn-sê-vích mà thực hành một chế độ tiết kiệm nghiêm ngặt. Nếu chúng ta không muốn dùng vốn liếng của ta vào những việc linh tinh, thì chúng ta phải thực hành ngay chế độ ấy”(4).
Để thực hiện được mục tiêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải khéo lãnh đạo, khéo quản lý. Trong “Bài nói tại Hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Đại hội lần thứ II của Đảng”, ngày 10/5/1950, Người nhấn mạnh: “Cần: Không phải chỉ là chăm chỉ liên miên mà là biết tổ chức công việc, lãnh đạo công việc cho khéo để đạt kết quả tốt”(5). Ở các lĩnh vực, các ngành khác nhau, Người cũng có những chỉ đạo phù hợp. Khi nói chuyện với các đại biểu công nhân và cán bộ ngành than, ngày 15/11/1968 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh rút kinh nghiệm: “Năm 1965 đã sản xuất được ngót 4 triệu 30 vạn tấn, nhưng mấy năm gần đây thì sản lượng giảm sút. Sự giảm sút đó, một phần do tình hình chiến tranh. Nhưng nguyên nhân chính là do quản lý kém và tổ chức kém. Chỉ lấy một ví dụ: Toàn ngành mỏ có hàng vạn người, nhưng số người làm các việc hành chính, quản trị, gián tiếp sản xuất quá nhiều. Cần giảm bớt số người gián tiếp đó để thêm vào số người trực tiếp sản xuất”(6).
Hai là, phải kiên quyết thực hành tiết kiệm sức người, sức của. Đây là giải pháp căn cơ nhất, đặc biệt trong điều kiện kinh tế – xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, cũng là một trong những biện pháp để giải quyết mối quan hệ giữa “xây” và “chống” trong phát triển kinh tế. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích tiết kiệm là gì, mục đích ra sao và muốn thực hành tiết kiệm phải làm như thế nào một cách rõ ràng: “Nói chung tiết kiệm cái gì? Tiết kiệm sức người như dân công, tiết kiệm tiền, tiết kiệm của. Mọi thứ đều phải tiết kiệm, tăng gia mà không tiết kiệm thì vô ích. Tiết kiệm mà không tăng gia thì lấy gì mà tiết kiệm? Mục đích tiết kiệm không phải là bớt ăn, mà là thêm ăn, làm cho bộ đội no. Nói chung, các cơ quan đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”(7).
Ba là, phải lựa chọn cán bộ, dùng cán bộ cho đúng. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu không chỉ đối với thực hiện tinh cán mà còn cả quá trình giản chính. Bởi vì, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Do đó, một mặt, phải lựa chọn được đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, nhất là phẩm chất “công tâm” và năng lực “thạo việc”. Mặt khác, phải khéo dùng cán bộ – tức là không chỉ lựa chọn đúng cán bộ mà còn sử dụng cán bộ phù hợp với mục tiêu giản chính, tinh cán. Đó phải là những cán bộ vừa có tâm, có tầm, đặc biệt phải có tinh thần quyết tâm lớn, ý chí mạnh mẽ và dám đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng không làm ẩu, làm liều khi thực hiện các khâu, các bước của quá trình “giản chính, tinh cán” trong cơ quan, đơn vị mình, ngành mình, địa phương mình và rộng hơn là trong phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, phải kiên quyết đưa ra khỏi các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể những nhân viên, nhất là những cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiêm, thiếu tích cực, hiệu quả thực thi công vụ, kết quả lao động sản xuất thấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đối với hạng người này, chúng ta cần phải nghiêm khắc, phải mời họ ra khỏi Đảng, để tránh con sâu làm rầu nồi canh”(8). Đây có thể được xem như lời tuyên bố, quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước về việc làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
2. Vận dụng “giản chính, tinh cán” trong tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực hiện chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta
Thứ nhất, các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nghiên cứu, học tập, thấm nhuần và tiếp tục khẳng định giá trị bền vững cả về mặt lý luận và thực tiễn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về “giản chính, tinh cán”; đồng thời, phải coi đây là phương châm hành động trong tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách chế độ công vụ, công chức ở nước ta.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo những nội dung cơ bản, cốt lõi về “giản chính, tinh cán” trong tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn từng cơ quan, tổ chức và toàn hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Trong đó, phải làm rõ sự cần thiết, nội dung, mối quan hệ và phương thức thực hiện “giản chính, tinh cán” trong tư tưởng Hồ Chí Minh và giải pháp vận dụng những nội dung đó phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi cấp, ngành, địa phương ở Việt Nam hiện nay cũng như về lâu dài.
Thứ ba, quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp cần phải tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hàng năm cần sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 108/ 2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế một cách chặt chẽ; đánh giá toàn diện tình hình, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm; đặc biệt, phải đề xuất phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian tiếp theo.
Theo hướng này, cần xác định tỷ lệ và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế ở từng cơ quan, tổ chức trong toàn thệ thống chính trị, ở mỗi cấp hành chính; tránh việc xác định chung một tỷ lệ cho tất cả các cơ quan, tổ chức trong toàn thể thống chính trị, ở cả bốn cấp hành chính như thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến cho chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Đảng và Nhà nước chưa đạt mục tiêu, hiệu quả đề ra.
Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với những nhận thức, hành động sai trái, coi nhẹ, hoặc vận dụng không đúng, không đầy đủ những nội dung về “giản chính, tinh cán” trong tư tưởng Hồ Chí Minh; hoặc không thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm và hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm và hiệu quả những giải pháp trên đây là trách nhiệm chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời để thực hiện thắng lợi mục tiêu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương” mà Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã yêu cầu./.
————————————————
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG – ST, H.2011, tr.476.
(2),(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG – ST, H.2011, tr.489-490; tr.372..
(3),(4),(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG – ST, H.2011, tr.367; tr.367; tr.432.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG – ST, H.2011, tr.516-517.
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG – ST, H.2011, tr.521.
Theo tcnn.vn