Hellmut Kapfenberger: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho tôi

Nhà báo Hellmut Kapfenberger, nguyên là phóng viên hãng Thông tấn ADN của Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 132 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên TTXVN tại Đức đã có dịp trò chuyện với nhà báo, tác giả Hellmut Kapfenberger, nguyên là phóng viên hãng thông tấn ADN của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, từng có thời gian thường trú 7 năm tại Việt Nam (1970-1973 và 1980-1984).

Ông cũng là tác giả nhiều cuốn sách về lịch sử Việt Nam và về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN về những ấn tượng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo, tác giả Kapfenberger cho biết dù chưa từng được gặp Bác Hồ, song ấn tượng của ông với Bác là vô cùng lớn.

Việc ông Kapfenberger được ADN cử sang công tác tại Việt Nam những năm 1970-1980 là điều hết sức có ý nghĩa trong quá trình hoạt động báo chí của bản thân ông.

Ông chia sẻ thời bấy giờ, chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là chủ đề nổi tiếng trong giới báo chí. Thời gian làm việc tại Việt Nam, được trực tiếp cảm nhận tình cảm, sự tôn kính của những người dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của họ, đã mang tới cho ông ấn tượng hết sức sâu đậm và định hình quan điểm, tình cảm của ông về một nhà lãnh đạo thiên tài của dân tộc Việt Nam. Những cuốn sách của ông sau này cũng đã thể hiện rõ điều đó.

Nói về quãng thời gian bôn ba tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Kapfenberger cho rằng ngay từ những ngày đầu tiên rời Việt Nam, Người đã đặt ra mục tiêu rõ ràng, đó là học hỏi để sau này về giúp Tổ quốc của mình. Người muốn được tận mắt xem thế giới bên ngoài như thế nào, chủ nghĩa thực dân tới từ đâu. Vì thế Người đã tới Pháp – quốc gia đang trực tiếp đô hộ Việt Nam khi đó, và ở lại đây rất lâu. Người cũng tới Mỹ và nhiều nước khác.

Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp để có điều kiện trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Đầu năm 1919, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp.

Tháng 6/1919, Người thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi bản yêu sách gồm 8 điểm tới Hội nghị Versailles, đòi chính phủ các nước phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng cho dân tộc Việt Nam.

Ở bất cứ nơi đâu Người tới, Người đều thể hiện tinh thần học hỏi và một nỗ lực ý chí kiên cường, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để vươn lên vì mục tiêu độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Với nước Đức, tác giả Kapfenberger cho rằng dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không có nhiều dấu ấn sâu đậm như với Pháp hay Liên Xô trước đây, song một điều rõ ràng là tại Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây, Người nhận được rất nhiều tình cảm yêu mến và sự trân trọng của người dân.

Tác giả Kapfenberger cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh từng 3 lần tới Đức: lần đầu là vào năm 1919 khi Người mới tham gia Đảng Xã hội Pháp; lần thứ hai năm 1928 khi đã là thành viên của Quốc tế Cộng sản thứ ba; lần thứ 3 là chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Dân chủ Đức vào năm 1957 trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Theo tác giả Kapfenberger, quan hệ Việt-Đức bắt đầu được hình thành từ chuyến thăm Đức lần thứ thứ hai (năm 1928) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức được thành lập, mối quan hệ này không ngừng được phát triển.

Đề cập tới sự ra đời của tác phẩm “Hồ Chí Minh – Một biên niên sử,” tác giả Kapfenberger cho biết từ năm 2006 ông bắt đầu viết tác phẩm này.

Ông đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu và nhận ra rằng để có thể thể hiện hết được hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, là hoàn toàn không đơn giản.

Sau nhiều nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, năm 2009, tác phẩm hoàn thành và được xuất bản tại Berlin. Cuốn sách đã thu hút được sự quan tâm lớn của bạn đọc.

Những cuốn sách của nhà báo Hellmut Kapfenberger viết về lịch sử Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tác giả chia sẻ: “Điều làm tôi ngạc nhiên là cuốn sách được dịch ra tiếng Việt ngay sau đó. Tôi rất tự hào về tác phẩm này nhưng không hoàn toàn hài lòng về nó… Vì biên niên sử là ghi chép sự kiện một cách ngắn gọn và đơn giản nên nó không phải là cuốn tiểu sử từ đầu tới cuối. Do đó tôi cảm thấy chưa thực sự hài lòng. Tôi nhất quyết phải viết một cuốn tiểu sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh vì cuộc đời của ông đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng.”

Năm 2020, tác giả Kapfenberger đã hoàn thành cuốn “Tiểu sử chính trị Hồ Chí Minh.”

Ông rất hài lòng vì sau bao trăn trở, ông cũng đã hoàn thành một cuốn sách toàn diện về tiểu sử của Bác Hồ.

Tác giả chia sẻ: “Tất nhiên với 30 năm sinh sống tại nhiều nước như Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan…, còn nhiều chi tiết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cuốn sách chưa thể nêu hết được. Nhưng tôi muốn được viết nó, tôi muốn miêu tả đầy đủ nhất có thể về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Người, đơn giản là để lại vô vàn bài học quý giá.”

Về đất nước và nhân dân Việt Nam, tác giả Kapfenberger cho biết thời gian làm việc tại Việt Nam đã để lại cho ông những ấn tượng và kỷ niệm hết sức sâu sắc. Tình cảm của ông đối với dân tộc Việt Nam đã được ông thể hiện qua những cuốn sách về Việt Nam.

Tác giả Kapfenberger chia sẻ trong nhiệm kỳ đầu làm việc tại Việt Nam, ông được trải nghiệm một cách sâu sắc cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam.

Ông nói: “Trong nhiệm kỳ thứ hai, tôi được chứng kiến quá trình tái thiết ở cả miền Bắc và Nam, nó vô cùng thú vị. Tôi có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về đất nước này. Thứ nhất, Việt Nam là một quốc gia có phong cảnh thiên nhiên rất đẹp. Thứ hai, ở Việt Nam, đi đến đâu chúng tôi cũng gặp những người dân lương thiện và tốt bụng. Tôi muốn nói rằng Việt Nam là một dân tộc rất dễ mến. Thời gian ở Việt Nam luôn mang lại cho tôi những ấn tượng tuyệt vời, dù là thời chiến hay thời bình”./.