Người đã nói về V.I.Lênin trong hàng loạt bài viết như: “Lênin và các dân tộc thuộc địa” (Báo Sự Thật 27.1.1924), “Lênin và các dân tộc phương Đông” (Báo Người cùng khổ 7.1924), “Lênin và phương Đông” (Báo Tiếng Còi 20.1.1926)… Trong cuốn sách “Đường cách mệnh”, Người đã viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Qua nghiên cứu, học tập và hoạt động thực tiễn, Người đã tìm thấy ở chủ nghĩa Lênin con đường đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Ảnh tư liệu
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin với tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo để nắm lấy cái linh hồn, cái bản chất cách mạng và khoa học ở học thuyết của Mác – Lênin, chứ không phải là những câu chữ máy móc, khô cứng. Trong các bài viết, bài nói của mình rất ít khi Hồ Chí Minh trích kinh điển Mác-Lênin, nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin luôn là cơ sở lý luận để Người vận dụng vào đường lối cách mạng Việt Nam. Trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, không thấy có một từ nào trích dẫn Mác-Lênin. Trong bản Di chúc lịch sử Người để lại cũng không có một chữ nào nói về chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng Người tự coi mình là học trò trung thành của Mác-Lênin, là người kiên trì mục tiêu XHCN “hơn tất cả mọi người”. Trong cuốn sách “Đường cách mệnh”, tài liệu đầu tiên Người viết để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin cho những người cách mệnh Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã mở đầu bằng bài: “Tư cách của một người cách mệnh”, điều ít thấy ở những người khác khi làm công việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin cho cộng sự của mình.
Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, học tập ở V.I.Lênin hoàn toàn không phải thụ động. Người cho rằng nếu không có tinh thần độc lập thì chỉ phụ thuộc vào người khác, nếu không làm chủ được mình thì chỉ theo đuôi người khác, nếu không sáng tạo thì chỉ có giáo điều, rập khuôn máy móc. Cho nên, Người đến với V.I.Lênin bằng cách tiếp cận phương pháp cách mạng và tư duy khoa học của ông, để từ đó rút ra cho mình những vấn đề cụ thể, phù hợp với cách mạng Việt Nam. Như là vấn đề Đảng, V.I.Lênin cho rằng sự ra đời của Đảng cộng sản là sản phẩm của chủ nghĩa Mác kết hợp với phong trào công nhân. Nhưng ở Việt Nam, sự ra đời của Đảng cộng sản theo Hồ Chí Minh là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. V.I.Lênin cho rằng, Đảng cộng sản là Đảng của giai cấp công nhân và xem đó là tính chất cơ bản của Đảng, nhưng Hồ Chí Minh dựa vào thực tiễn Việt Nam, Người cho rằng Đảng là của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
Hay như vấn đề giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc, chủ nghĩa Mác-Lênin bao giờ cũng xác định giải phóng giai cấp là trước hết, nhưng ở Việt Nam theo Hồ Chí Minh muốn giải phóng giai cấp thì trước tiên phải giải phóng dân tộc đã; độc lập dân tộc chỉ có ý nghĩa khi mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân… Rõ ràng đây là vấn đề về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Hồ Chí Minh cho rằng, lý luận và thực tiễn phải gắn liền với nhau để lý luận không phải là lý luận suông, còn thực tiễn không phải là thực tiễn mù quáng. Từ lý luận Mác-Lênin được vận dụng vào thực tiễn Việt Nam và từ thực tiễn sinh động bổ sung cho lý luận, làm phong phú thêm cho lý luận. Nhờ vậy mới có đường lối đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với cách mạng Việt Nam để đánh thắng được thực dân, đế quốc, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới.
Như vậy, đến với V.I.Lênin, theo Hồ Chí Minh là nắm vững những luận điểm cơ bản, nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết Lênin để phục vụ cho mục tiêu cách mạng của nước ta. Vấn đề là phương pháp tiếp cận phải được tiến hành với tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo. Chính V.I.Lênin nhờ sự sáng tạo và tự chủ khi vận dụng chủ nghĩa Mác vào nước Nga mà Cách mạng Tháng Mười Nga mới thành công. Cũng nhờ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở một nước thuộc địa chưa hề có tiền lệ, mà Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Cũng chính chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đang được Đảng ta vận dụng sáng tạo từ thực tiễn phong phú của thời đại và của đất nước để đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn như ngày nay.
Đặng Duy Báu