Bác Hồ với báo chí. (Ảnh tư liệu)
Kho tàng về lý luận và thực tiễn hết sức quý báu
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức Học tập và làm theo phong cách của Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống giản dị trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích hoạt động của mình.
Với tôi đó là một kho tàng về lý luận cũng như về thực tiễn hết sức quý báu, một lời căn dặn hết sức tỉ mỉ, một sự dự báo, dự đoán hết sức tài tình và đồng thời cũng là lòng mong ước, hoài bão lớn nhất của một vị lãnh tụ vĩ đại đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, đối với Đảng, với phong trào cách mạng không chỉ của Việt Nam mà của cả toàn thế giới. Bác đã đi xa, nhưng những lời căn dặn của Người mãi mãi như là ánh hào quang soi sáng đường chúng ta đi, luôn luôn nhắc nhở chúng ta trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với dân, với nước dù ở bất kỳ tình huống và hoàn cảnh nào.
Là một Đảng viên, một nhà báo trẻ, điều tâm đắc lớn nhất của tôi là “Học Bác để nâng cao đạo đức báo chí cách mạng”.
Bác Hồ đọc báo Nhân dân tại Chiến khu Việt Bắc. (ảnh tư liệu)
Với quan niệm báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng, Bác Hồ chỉ rõ: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Bác nói thêm: Bài báo là tờ hịch cách mạng. Đã là nhà báo, chiến sỹ cách mạng, bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng là gì? Từng giai đoạn lịch sử đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ khác nhau. Khi đất nước còn trong vòng nô lệ phải làm thức tỉnh và động viên nhân dân đứng lên làm cách mạng đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Khi đã có chính quyền thì động viên sức mạnh toàn dân tộc giữ gìn chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng, tiến hành các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập thống nhất đất nước, đưa đất nước tiến lên một giai đoạn phát triển mới.
Trong lần nói chuyên tại Ðại hội Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí’’ và “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ’’. Với vũ khí sắc bén đó, người làm báo có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến đường lối, quan điểm của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biểu dương những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tốt, đấu tranh phê phán hành vi vi phạm pháp luật, những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.
Người còn cụ thể hoá phẩm chất chính trị của một nhà báo gồm: Việc xác định đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là để phục vụ Nhân dân. Nhà báo phải cùng đồng bào, đồng chí cả nước tận tâm, tận lực phấn đấu cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hoà bình thế giới. Người làm báo chân chính có trách nhiệm với xã hội, trước hết phải là người vui với niềm vui của toàn Ðảng, toàn dân, lo với nỗi lo chung trước mỗi thử thách khó khăn của toàn xã hội. Nhà báo với tinh thần trách nhiệm trước xã hội, trước Nhân dân, luôn tìm thấy trong thực tiễn sinh động, hào hùng của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước nguồn đề tài vô tận, những chất liệu mới sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, cổ vũ, nhân rộng cái đẹp, cái tích cực trong xã hội.
Lời dạy của Bác với báo chí vẫn còn nguyên giá trị
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người am hiểu tuyệt vời sức mạnh của ngôn từ và sự tác động của nó vào đời sống tinh thần, đạo đức, tư tưởng, tình cảm và hành động của quần chúng. Bản thân Người là tấm gương sáng về đạo đức báo chí. Khi cầm bút, Người không hề quan tâm đến tên tuổi và lợi ích riêng, Người viết không phải để “lưu danh thiên cổ”. Suốt đời, Người chỉ hướng về cái đích thiêng liêng là mang trí tuệ và ngòi bút của mình phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân.
Người cũng đã nhiều lần chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số quần chúng, một tờ báo không được đa số ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo; muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình thì: nội dung tức là các bài viết phải đơn giản, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát và hình thức – tức cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ sáng sủa. Người nhắc nhở đội ngũ nhà báo phải cẩn thận: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết, chớ viết càn. Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc đi đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu, những chữ thừa vô ích bỏ đi”; “Viết phải thiết thực”; “Nói có sách, mách có chứng”…
Cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, lĩnh vực báo chí ngày một đổi mới, hiện đại và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, dù phương tiện có hiện đại đến mấy nhưng chất lượng mỗi bài báo đều do đội ngũ những người cầm bút quyết định. Vì thế, những lời dạy của Bác Hồ đối với báo chí vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc. Thực hiện lời dạy của Bác và học tập tấm gương của Bác, đã có không ít nhà báo suốt đời tận tuỵ phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, có không ít nhà báo hy sinh cả tính mạng, góp phần vào sự nghiệp vẻ vang của Ðảng trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Ngày nay, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, sự bùng nổ thông tin toàn cầu hoá; các thế lực phản động, thù địch, các phần tử cơ hội không ngừng tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là internet, mạng xã hội… để tập trung tuyên truyền, xuyên tạc chế độ chính trị, chống phá Ðảng cộng sản, Nhà nước ta. Bên cạnh đó, trong cơ chế thị trường, nhiều nhà báo vì lợi ích cá nhân chi phối, có những bài viết thiếu trách nhiệm, mang tính trục lợi hoặc đơn giản chỉ vì chạy theo sự nổi tiếng mà quên đi trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo của mình…
Tôi may mắn được làm viêc tại Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tờ báo của chúng tôi ngày càng được cải tiến theo hướng hiện đại nhưng vẫn tạo được bản sắc riêng. Tôi và các đồng nghiêp đã không ngại gian khó, xông xáo, lăn lộn và bám sát cơ sở để đưa tin, viết bài, chụp ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống. Không bán rẻ ngòi bút, lương tâm để đổi lấy những cám dỗ thấp hèn. Và đăc biêt hơn cả là trong bối cảnh đất nước hiện nay, một lần nữa nhắc nhở chúng tôi – những nhà báo trẻ phải hết sức tỉnh táo, giữ vững lập trường chính trị và đạo đức cách mạng để làm tròn trách nhiệm xã hội cao quý của mình, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc./.