Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ý chí bảo vệ độc lập tự do của dân tộc Việt Nam ​

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946. Ảnh tư liệu

1. Những nỗ lực ngoại giao hữu nghị, hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, đến tháng 12-1946 là thời điểm lịch sử vô cùng khó khăn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi chính quyền cách mạng mới được thành lập, chưa được các nước trên thế giới công nhận, lực lượng vũ trang nhân dân còn non trẻ, ngân sách trống rỗng, nạn đói, nạn mù chữ hoành hành và có khoảng 30 vạn quân đội nước ngoài có mặt trên đất nước Việt Nam với danh nghĩa Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất mỗi nước đều có những mưu đồ khác nhau. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh với kinh nghiệm lãnh đạo nhân dân Việt Nam 15 năm đấu tranh cách mạng kiên trì, gian khó, cách mạng mới thành công, chỉ mong muốn được sống trong hòa bình và đã nỗ lực tìm mọi giải pháp, mọi con đường để đạt được nền hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Nhưng, các nước đế quốc với những toan tính khác nhau, bất chấp mọi cố gắng, mọi đề nghị đàm phán hòa bình của Hồ Chí Minh, đẩy dân tộc Việt Nam vào cuộc chiến trường kỳ và không còn con đường nào khác là buộc phải cầm vũ khí chống lại, bảo vệ nền độc lập chính nghĩa của dân tộc. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc, đồng thời tận dụng mọi thời cơ hòa hoãn để xây dựng đất nước, nỗ lực ngăn chặn chiến tranh duy trì một nền hòa bình ở Việt Nam và cho các dân tộc khác trong cộng đồng quốc tế, là phương châm nhất quán trong hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện rõ ngay từ những năm đầu kháng chiến kiến quốc (1945 – 1946).

Trong Bản Thông cáo đầu tiên về chính sách đối ngoại (ngày 3-10-1945), thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu của Việt Nam là tham gia giữ gìn hòa bình thế giới: “Đối với các nước Đồng minh, Việt Nam mong muốn duy trì hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ, để xây dựng nền hòa bình thế giới lâu dài”. Về quan hệ ngoại giao với nước Pháp, cũng như các nước trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm hòa bình, hữu nghị và hợp tác: “Nếu có những người Pháp muốn qua đây điều đình một cách hòa bình (từ trước tới nay chưa có một cuộc điều đình như vậy, nhưng giả sử có, lẽ tất nhiên chúng ta sẽ hoan nghênh)….”. Với tinh thần hòa bình, hữu nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ (ngày 6-3-1946, về mặt pháp lý, Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Về phía Pháp khi vào miền Bắc cũng được quy định rõ về địa điểm, thời gian và số lượng. Hiệp định sơ bộ được ký kết khẳng định tinh thần hòa bình, hữu nghị của Đảng và Chính phủ, đồng thời “tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động”. Đồng thời cũng là quyết định đúng đắn, sáng tạo của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo thời gian hòa hoãn để nhân dân ta củng cố thành quả cách mạng mới giành được, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Tiếp đó, ngày 29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Phạm Văn Đồng – Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn dẫn đầu Phái đoàn Quốc hội Việt Nam thay mặt Chính phủ Việt Nam đàm phán với Pháp trong cuộc đàm phán chính thức Việt- Pháp tại Phôngtenơblô (Fontainebleau). Ngày 31-5-1946, trong bối cảnh đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, phức tạp sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, “theo mệnh lệnh của Chính phủ và ý chí của quốc dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là nguyên thủ quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường thăm Cộng hòa Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Chuyến thăm của Người là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Chính phủ Việt Nam trong những năm (1945-1946), để cứu vãn nền hòa bình trong khi thực dân Pháp quyết tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa. Trong suốt 86 ngày ở Thủ đô nước Pháp, Người coi đây là một dịp tốt để tranh thủ cảm tình của nhân dân Pháp và thế giới; chủ động, khẩn trương triển khai nhiều hoạt động, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhằm tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết quốc tế, sự hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Pháp, bạn bè và nhân dân các nước trên thế giới.

Hội nghị Fontainebleau kéo dài hơn 2 tháng (từ ngày 6-7 đến ngày 13-9-1946) và thất bại do phía Pháp cố tình phá hoại đàm phán với mục đích chống nguy cơ cộng sản và vẫn giữ nguyên lập trường mà họ đưa ra tại Hội nghị Đà Lạt: Lập chế độ toàn quyền ở Đông Dương, tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, không thừa nhận Việt Nam có quyền ngoại giao riêng. Quan điểm của Việt Nam là quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ Việt – Pháp phải dựa trên cơ sở hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, hai bên cũng có lợi.

Trải qua nhiều lần gặp gỡ, tranh luận bên ngoài Hội nghị với những nhân vật Pháp chủ chốt có liên quan trực tiếp đến cuộc đàm phán như G. Bidault, M. Moutet, Max André, D’Argenlieu, với tinh thần hòa giải đầy thiện chí, Chủ tịch Hồ Chí minh và Chính phủ vẫn không thuyết phục được Pháp chấp nhận hai nội dung chính trị có ý nghĩa sinh tử đối với Việt Nam: Độc lập và thống nhất.

Trước khả năng hòa hoãn ngày càng giảm, nguy cơ xung đột qui mô toàn cục ngày càng tăng, ngày 14-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng M.Moutet, đại diện Chính phủ Pháp ký bản Tạm ước như một nỗ lực cuối cũng nhằm cứu vãn nền hòa bình đang bị đe dọa bởi cuộc chiến tranh mà các thế lực thực dân phản động Pháp đang ráo riết triển khai. Chính phủ Pháp nhận thi hành mấy điều chính ở Nam Bộ: Thả những người Việt Nam yêu nước bị bắt vì chính trị và vì kháng chiến; đồng bào Nam Bộ được quyền tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do viết báo, tự do đi lại…; hai bên đình chỉ mọi xung đột; Chính phủ Việt Nam bảo đảm cho Pháp một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam.

Việc ký Tạm ước 14-9 được xác định là một bước nhân nhượng cuối cùng. Mặc dù không đạt được kết quả khi ký Tạm ước, nhưng Đảng khẳng định: “Việc đi Pháp của Hồ Chủ Tịch và phái đoàn Chính phủ lần này tuy không đạt được mục đích ký một hiệp ước chính thức và toàn thể với thực dân Pháp, nhưng đã mang lại cho ta một kết quả tốt đẹp: làm cho nhân dân Pháp hiểu ta và ủng hộ ta hơn; làm cho dư luận quốc tế chú ý đến Việt Nam và hiểu sự hy sinh phấn đấu và nguyện vọng tha thiết của dân tộc Việt Nam.”

Với mục đích tiếp tục đàm phán nhằm đẩy lùi hoặc tạm hoãn chiến tranh, trên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp Cao ủy Pháp Đác giăng-li-ơ (D’Argenlieu) tại Vịnh Cam Ranh ngày 18-10-1946 để bàn cách thực hiện Tạm ước 14-9. Trong cuộc gặp gỡ này, Cao ủy Pháp đồng ý bổ nhiệm một đại diện Chính phủ Việt Nam để phối hợp thực hiện ngừng bắn, nhưng đòi quân đội Việt Nam tại Miền Nam rút về Miền Bắc. Ý đồ này của thực dân Pháp không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận. Tuy không đạt được những yêu cầu về hòa hoãn, nhưng cuộc gặp tại Cam Ranh đã để lại những ấn tượng về một dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, về Hồ Chí Minh – Người luôn nỗ lực cho hòa bình, hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp trong tâm tưởng của Cao ủy Pháp Đác giăng-li-ơ: “Dù sao tôi vẫn có cảm tưởng rằng ông Hồ chân thành mong muốn, ít ra là trong một thời gian, sẽ tìm thấy ở sự giao hòa với Pháp một sự củng cố lại các kết quả đã giành được và bước đầu của những tiến bộ mới”.

Ngày 13-12-1946, tức là trước thời điểm Người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 06 ngày, trả lời phỏng vấn phóng viên Pháp, Người vẫn kiên trì để đàm phán hòa bình và khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh”. Khi khả năng thương lượng không thể thực hiện được nữa, mọi cố gắng của Người để cứu vãn cuộc chiến tranh đều bị phía thực dân Pháp từ chối, nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam buộc phải cầm súng đứng lên chống lại kẻ thù lớn mạnh hơn mình rất nhiều lần.

2. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của dân tộc Việt Nam

Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi giải pháp thương lượng cho hòa bình của Việt Nam đều không thực hiện được. Thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam lần nữa, nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác, buộc phải cầm súng đứng lên bảo vệ đất nước. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!” 

Đáp Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả dân tộc Việt Nam đồng sức, đồng lòng vùng dậy đấu tranh bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, cuộc chiến đấu giữa vòng vây, nhưng vẫn giữ vững niềm tin chính nghĩa chiến thắng.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ra đời trong bối cảnh Trung ương Đảng và Chính phủ cách mạng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực thi các chủ trương, biện pháp để tránh chiến tranh, đặc biệt là nhân nhượng những lợi ích của Pháp ở Việt Nam. Nhưng trước những hành động gây hấn ngày càng trắng trợn, “ngày càng lấn tới”, vì “quyết tâm cướp nước ta lần nữa” của thực dân Pháp, đêm 19-12-1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ trên toàn quốc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chứa đựng những giá trị hết sức to lớn, thể hiện những tư tưởng lớn của dân tộc và thời đại, là sự kết tinh, tiếp nối mạch nguồn tư tưởng hết sức quý giá và đầy tính nhân văn của dân tộc; là tiếng gọi của “hồn thiêng sông núi”, lời hịch cứu nước hào hùng vang vọng, thúc giục muôn triệu người dân yêu nước Việt Nam đứng lên quyết kháng chiến chống quân xâm lược, để bảo vệ hòa bình, độc lập, thống nhất của đất nước và tự do, ấm no, hạnh phúc của mọi nhà. Đó là tiếng nói của ý chí kiên cường, bất khuất, sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước” ; của quyết tâm cao độ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”  của nhân dân ta. Đồng thời, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” còn khẳng định niềm tin tất thắng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chính nghĩa chống lại kẻ địch hung bạo, dù phải trải qua nhiều gian lao, vất vả, khó khăn.

Phát huy ý chí, sức mạnh của toàn dân để thực hiện kháng chiến kiến quốc thắng lợi, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” nêu rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc… Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến là sự kế thừa, tiếp nối chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, ý chí bất khuất trước các thế lực ngoại xâm dù chúng đông đảo, hùng mạnh như thế nào và tư tưởng “cả nước đánh giặc”, “trăm họ là binh” trong truyền thống lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Đây là một trong những truyền thống quý báu hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, góp phần lý giải vì sao trong điều kiện thường xuyên phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt và các thế lực ngoại xâm hùng mạnh, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn và phát triển. Ý chí của toàn dân tộc sẽ phát huy đầy đủ giá trị khi được lan tỏa, nhân rộng, trở thành ý chí, sức mạnh của toàn dân với tinh thần bất khuất, tự lực, tự cường.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thể hiện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tìm ra điểm tương đồng, mẫu số chung để gắn kết muôn triệu người con yêu nước Việt Nam ở các thành phần, giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội. Đó là độc lập, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân; là nguyện vọng, giá trị chung của toàn dân tộc; là điều hoàn toàn phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đã thực sự khai đường, mở lối cho việc tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của người dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước. Với Hồ Chí Minh, phát huy ý chí, sức mạnh của toàn dân để kháng chiến là một trong những biện pháp chủ yếu để quân dân ta có thể đương đầu và đánh bại những đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp. Người chỉ ra rằng thực hiện được kháng chiến toàn dân, quy tụ và phát huy ý chí, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc thì nhất định sẽ đưa đến kết quả: “kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công” ; “thắng lợi nhất định về dân tộc ta” .

75 năm đã qua, nhưng tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị. Là một văn kiện lịch sử hết sức quý giá, kết tinh những giá trị của dân tộc và thời đại, góp phần dẫn dắt dân tộc Việt Nam vượt qua những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; thể hiện sâu sắc tư tưởng chiến lược của Người trong việc đoàn kết, tập hợp và phát huy ý chí, sức mạnh của cả dân tộc để đánh bại kẻ địch có sức mạnh gấp nhiều lần.