Nuôi dưỡng, bồi đắp nguồn trí tuệ Việt Nam theo lời Bác dạy

Từ nguồn tài nguyên vô giá…

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy nguồn lực vật chất (tài nguyên thiên nhiên, vốn liếng…) là hữu hạn; còn nguồn lực trí tuệ, khả năng sáng tạo của con người, của quần chúng nhân dân là vô hạn. Người cho rằng, con người là vốn quý nhất, là lực lượng to lớn nhất; “Trên bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Phải dựa vào sức mạnh, trí tuệ của dân” và “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Theo Bác, quần chúng rất thông minh sáng tạo, giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, nhanh chóng “mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”; không phải chỉ có ở những người “có tài giỏi đặc biệt mới có sáng kiến” mà ở những con người bình thường đều có thể đề xuất sáng kiến.

Bác quan niệm “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, những điều kiện bình thường, rất phổ thông, rất thiết thực”; “Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người”.

Muốn vậy, thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân; “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”. Bác cũng nhắc nhở, phê bình một số cán bộ có biểu hiện tự cao tự đại, không cầu thị, lắng nghe học hỏi dân chúng “Có người thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng”(1).

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị là Chủ tịch nước, Người đã có bài viết với tiêu đề “Tìm người tài – đức” đăng trên Báo Cứu quốc. Bài viết thể hiện sự quan tâm, trân trọng, ghi nhận, đánh giá cao, sử dụng trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; thể hiện rõ quan điểm về sự cần thiết phải sớm đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, tạo điều kiện tối đa cho trí thức phát huy tài năng, kiến thức của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần để phát huy sức mạnh, trí tuệ và sáng kiến của nhân dân.

Trước lúc đi xa, Bác vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(2).

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại hội nghị sơ kết phong trào thi đua

của Tổng Cục Hậu cần năm 1958. Ảnh tư liệu

Đến động lực phát triển…

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trí tuệ và năng lực sáng tạo của các chuyên gia, nhà khoa học, của cán bộ, đảng viên và quần chúng trở thành nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong khi tài nguyên thiên nhiên luôn có hạn và ngày càng khan hiếm, thì chính khoa học công nghệ cùng với nguồn nhân lực sáng tạo mới là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để tạo đột phá.

Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách khơi dậy và phát huy trí tuệ và sức sáng tạo mỗi con người Việt Nam. Nhờ đó mà nền kinh tế nước ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng vượt bậc trong bảng xếp hạng. Năm 2018 tăng 2 bậc, năm 2019 tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 ASEAN (3).

Trí tuệ và sức sáng tạo không chỉ ở các chuyên gia, nhà khoa học, tầng lớp trí thức, mà được lan tỏa mạnh mẽ khắp các tầng lớp xã hội. Nhiều nông dân, công nhân, người lao động bình thường đã tự mày mò nghiên cứu chế tạo được nhiều loại máy phục vụ cho sản xuất, trở thành danh hiệu “vua sáng chế”. Nhiều sản phẩm được đưa vào ứng dụng rộng rãi, vươn ra thị trường mạnh mẽ, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.

Một nông dân có tới hơn 40 sáng chế được ứng dụng, trong đó có nhiều sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế(4). Chỉ tính riêng thành phố Hà Nội, năm 2019 đã có 30.208 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động” cấp cơ sở; 1.150 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động” cấp trên cơ sở(5).

Cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang cũng tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật,… Hằng năm, có hàng nghìn đề tài, công trình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đưa vào ứng dụng đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Tuy nhiên, việc phát huy trí tuệ và sức sáng tạo vẫn còn những hạn chế nhất định. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ; tính ứng dụng của các nghiên cứu khoa học chưa cao. Nhiều sáng chế có giá trị ứng dụng cao của người lao động, nhưng việc làm thủ tục đăng ký bản quyền tác chế còn gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức phong trào sáng tạo ở một số địa phương, đơn vị chưa hiệu quả, chưa tạo được phong trào tự giác trong công nhân viên chức, người lao động.

Và nuôi dưỡng, bồi đắp nguồn lực trí tuệ

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, để mỗi người trong các tầng lớp nhân dân đem hết sức mình, tìm mọi cách để làm tốt công việc, có những sáng kiến, cải tiến để đạt được năng suất, hiệu quả cao nhất và có những đột phá trong tư duy, đem lại những kết quả mới mẻ, cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Ðoàn kết sáng tạo”, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, nhằm khơi dậy, phát huy cao độ sức sáng tạo của công nhân viên chức, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Không ngừng quan tâm, khuyến khích động viên các tầng lớp nhân dân tận dụng, phát huy xu hướng của cuộc CMCN4.0, nghiên cứu sáng tạo các sản phẩm có tính ứng dụng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh, góp phần thiết thực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cần chú trọng nghiên cứu các đề tài khoa học, giải pháp công nghệ trong các ngành, lĩnh vực then chốt như tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, năng lượng sạch, vật liệu mới…

Tổ chức tốt các cuộc thi sáng tạo khoa học và công nghệ, nhất là Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam. Công bố rộng rãi, làm phong phú và tôn vinh các công trình, giải pháp khoa học và công nghệ tiêu biểu, hữu ích trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đưa sản phẩm khoa học và công nghệ đi vào cuộc sống.

Để phong trào có sức lan tỏa và đi vào chiều sâu, cần tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung tổ chức phong trào phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tập hợp thu hút được đông đảo công nhân viên chức, lao động nhiệt tình tham gia. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cần động viên toàn dân, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên phát huy nhiều sáng kiến hơn nữa để phòng và chống dịch thành công như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính Nguyễn Xuân Phúc.

Công tác khen thưởng phải kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chính xác, chú trọng đến khen thưởng động viên những người lao động trực tiếp phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất, cải tiến thiết bị máy móc, nơi làm việc góp phần giảm nhẹ sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm…

Đảng, Nhà nước ta đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 với khát vọng đưa đất nước phát triển thịnh vượng. Thực hiện lời Bác dạy, hơn bao giờ hết, mỗi người phải cùng nhau đoàn kết, nuôi dưỡng, bồi đắp nguồn trí tuệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tạo nên những động lực mạnh mẽ để sớm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

————————-

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15

3.  https://tuoitre.vn: Việt Nam tăng 3 bậc xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. 24/7/2019 

4.  http://baodantoc.vn: Người nông dân có nhiều sáng chế hữu ích cho cộng đồng. 10/9/2019

5.  http://laodongthudo.vn: Khích lệ sức sáng tạo của người lao động. 17/9/2019