Phòng và chống sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh

THỦ ĐOẠN NHAM HIỂM CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Không thể phủ nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn đã được UNESCO vinh danh và giá trị tư tưởng của Người, song thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội đã dùng danh nghĩa “phi chính phủ”, “từ thiện” để lập một số quỹ hỗ trợ cho các tổ chức phản động chống phá, xuyên tạc về Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh như Quỹ Đầu tư phát triển Mỹ (USAID), Quỹ Hỗ trợ dân chủ nhân quyền (NDI), Quỹ Quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED), Việt Tân… Cùng với đó là việc bảo trợ cho các “loa truyền thông” như Trung tâm Asia, Chantroimoi media, Danlambao, Tiếng Dân News… thường xuyên đăng tải các thông tin, bài viết, phỏng vấn để bôi đen sự thật, trắng trợn xuyên tạc, vu cáo tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thông qua các trang mạng xã hội trên, những kẻ tự xưng là yêu nước, dân chủ và cả những người “có tiếng nói phản biện” ở trong và ngoài nước đã không chỉ bịa đặt, bôi đen một số thông tin về đời tư, về ngày sinh, về những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nguồn gốc của Người nhằm hạ bệ thần tượng mà còn xuyên tạc và phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh khi cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là sự du nhập những tư tưởng ngoại lai vào Việt Nam; Hồ Chí Minh là nhà dân tộc chủ nghĩa chứ không phải là người cộng sản; Hồ Chí Minh đi trên cỗ xe Nho giáo đến với chủ nghĩa Mác – Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh là tư biện, lý thuyết, giáo điều, sao chép, máy móc chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, đã bị xóa bỏ nên không phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay…

Thâm độc hơn, là họ đã không từ một thủ đoạn nào để bôi xấu và tìm cách đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin; tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin, để khi thì đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, khi thì lại cho rằng Hồ Chí Minh không có tư tưởng vì đó là một nhà hoạt động thực tiễn.

Thực tế, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả lịch sử và lôgíc từ sự kết hợp tự nhiên truyền thống yêu nước với chủ nghĩa Mác – Lênin; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam và cả các nước thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh không chỉ trung thành với những nguyên lý của học thuyết cách mạng, khoa học và hiện đại này; không giáo điều mà chính là nắm lấy tinh thần, bản chất khoa học, cách mạng của nó để bổ sung, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại mới bằng thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Sự bổ sung và phát triển sáng tạo ấy thể hiện rõ trong quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc; về thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chú trọng xây dựng và chỉnh đốn Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; về xây dựng, tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi; về xây dựng nhà nước kiểu mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; về gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội và lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ chế độ tư bản chủ nghĩa; về rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên… trong tiến trình cách mạng Việt Nam hơn 9 thập niên qua.

Hơn thế nữa, không phải tự nhiên Hồ Chí Minh lại nói chủ nghĩa Mác – Lênin không những là “cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường cho nhân dân các dân tộc bị áp bức, bóc lột tàn bạo dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc; trong đó, có nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Bởi, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin khi được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa đăng trên báo L’Humanité, ngày 16 và 17/7/1920 và Người nhận thấy: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(1). Bởi, chủ nghĩa Mác – Lênin chính là nguồn gốc lý luận chủ yếu, quyết định sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác – Lênin là một trong 3 nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh (chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; tinh hoa văn hoá phương Đông và phương Tây; chủ nghĩa Mác – Lênin) và là thành tố quan trọng nhất. Chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử mà còn là hòn đá tảng, là cơ sở để Người vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để đề ra con đường cách mạng Việt Nam phù hợp với yêu cầu của dân tộc và xu thế của thời đại.

Bản chất của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng, cho nên, không thể tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin; đồng thời, cũng không thể đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh mà phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, nhất là càng không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế cho chủ nghĩa Mác – Lênin và ngược lại. Thực tế, tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành từ cội nguồn chính yếu là chủ nghĩa Mác – Lênin và “trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc” như Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 18/2/1995 của Bộ Chính trị khóa VII đã khẳng định.

Bản chất của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng, cho nên, không thể tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin; đồng thời, cũng không thể đề cao, tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh mà phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, nhất là càng không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế cho chủ nghĩa Mác – Lênin và ngược lại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả lịch sử và lôgíc từ sự kết hợp tự nhiên truyền thống yêu nước với chủ nghĩa Mác – Lênin; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam và cả các nước thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh không chỉ trung thành với những nguyên lý của học thuyết cách mạng, khoa học và hiện đại này; không giáo điều mà chính là nắm lấy tinh thần, bản chất khoa học, cách mạng của nó để bổ sung, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại mới bằng thực tiễn của cách mạng Việt Nam. 

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với tiến trình cách mạng Việt Nam là không thể phủ nhận, bởi đó là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua: “Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”(2).

Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính chặt chẽ, liên tục, nhất quán, bao quát và toàn diện đúng như Đại hội IX (4/2001) của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”(3).

Trong Văn kiện Đại hội IX, tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định gồm 9 nội dung cơ bản: 1) Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. 2) Tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 3) Tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. 4) Tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. 5) Tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. 6) Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. 7) Tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. 8) Tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 9) Tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”(4) . Điều này tiếp tục được nhấn mạnh trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” (5). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ” (6)…

Trong tình hình hiện nay, khi các thế lực thù địch ngày càng tăng cường và đẩy mạnh hơn các chiến dịch, các thủ đoạn, các hình thức từ bên ngoài, câu kết và phối hợp với các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở trong nước để chuyển tải, truyền bá các thông tin sai lệch, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, công khai tấn công vào những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam nói chung, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, việc chủ động phòng và chống sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng trở nên bức thiết.

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, kiên định và bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, toàn Đảng cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, mỗi cấp ủy đều phải nâng cao nhận thức và xác định rõ việc đấu tranh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài. Đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn làm chuyển hóa chính trị, tư tưởng của các thế lực thù địch.

Hai là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” gắn với Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Theo đó, đẩy mạnh và kịp thời phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; uốn nắn những nhận thức lệch lạc, mơ hồ, dao động về tư tưởng, suy giảm niềm tin về chủ nghĩa xã hội và vai trò lãnh đạo của Đảng; đồng thời, chủ động đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng thiết thực, hiệu quả.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, truyền thông, kết hợp chặt chẽ với tuyên truyền miệng, các kênh thông tin khác, xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sát hợp thực tế để chủ động đấu tranh, phòng, chống và bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn với nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, truyền thông, kết hợp chặt chẽ với tuyên truyền miệng, các kênh thông tin khác, xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sát hợp thực tế để chủ động đấu tranh, phòng, chống và bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn với nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Đa dạng hóa các phương pháp, hình thức đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Gắn tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh – cội nguồn sức mạnh, tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong hành trình hướng đến tương lai.

Bốn là, chú trọng xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về Hồ Chí Minh học từ đại học đến sau đại học, để đội ngũ cán bộ đó có trình độ chuyên môn chuyên sâu, có năng lực nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn tốt, góp phần bổ sung và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Xây dựng các lực lượng nòng cốt, chuyên trách, thường trực, tác chiến nhanh, chính xác, làm xoay chuyển tương quan so sánh lực lượng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận gắn với việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị nói chung, nâng cao tính hấp dẫn trong dạy và học môn tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong Đảng và trong xã hội; trở thành nhu cầu tự thân, nền nếp của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân./.

——————————

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2011, t.12, tr.562

(2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, tr.99

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.83-84

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, H, 1991, tr.21

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2011, tr.88

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2021, tr.324

TS. VĂN THỊ THANH MAI – TS.TRẦN THỊ BÌNH

Theo http://www.tuyengiao.vn