Tấm thẻ thư viện của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1962

 

Tháng 6 năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nghỉ hè ở Liên Xô. Lịch trình của Người là thăm Mátxcơva từ ngày 04 đến ngày 11/6/1962. Sau đó, Người thăm nước Cộng hòa Mônđavi (từ 11/6 đến 17/6/1962) và thăm nước Cộng hòa Ucraina (từ 17/6 đến 22/6/1962). Đây là chuyến đi thăm không chính thức nên báo chí không đưa tin, ghi hình, vì vậy, những tư liệu về sự kiện này rất ít, chủ yếu là những hình ảnh do phía bạn chụp tặng lại(2).

Thư viện quốc gia mang tên Crúpxcaia là điểm đến đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đi thăm nước Cộng hòa Mônđavi. Về sự kiện này, sách Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử ghi nguồn trích theo bài viết: Chuyến thăm Liên Xô tháng 6/1962 đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, số tháng 5/2005 như sau: “Ngày 11/6/1962, 11h45 (giờ Mátxcơva) Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhà nghỉ trên đồi Lênin ra sân bay nội địa Mátxcơva đi thăm nước Cộng hòa Mônđavi.

12h45, máy bay cất cánh.

15h20, máy bay hạ cánh xuống sân bay Kisinhốp – Thủ đô nước Cộng hòa Mônđavi. Ra sân bay đón Người có các vị lãnh đạo cao cấp Mônđavi. Ngay chiều cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Thư viện quốc gia mang tên Crúpxcaia. Người đã gặp gỡ cán bộ công tác ở thư viện, đi thăm các phòng lưu trữ sách, phòng bảo quản sách, phòng đọc, phòng khai thác. Tại đây, Người được những người phụ trách trao tặng một Thẻ thư viện” (3) .

Những kỷ vật liên quan tới chuyến thăm thư viện ngày đó đã trở thành hiện vật quý giá mà Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ.

1. Thẻ thư viện: Bìa cứng màu nâu sẫm, kích thước khi mở: 6cm x 15,7cm. Dòng chữ bìa ngoài cùng mạ vàng được dịch: Thư viện Quốc gia nước Cộng hòa Mônđavi mang tên N. C. Crúpxcaia. Trang 1 bìa trong thẻ:

“Thẻ số: 15960

Họ và tên: Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc

Thời hạn sử dụng: Vô thời hạn

Từ ngày 11 tháng 6 năm 1962

Kéo dài                           196…” 

Nhân viên vào sổ (ký tên bằng bút mực xanh). Dấu chữ nhật mực tím của thư viện.

Trang 2 bìa trong là 5 điều qui định của Thư viện.

2. Sách: Thư viện Quốc gia nước Cộng hòa Mônđavi mang tên Crúpxcaia.
2. Sách: Thư viện Quốc gia nước Cộng hòa Mônđavi mang tên Crúpxcaia.

Sách của tác giả A. Kirtoca do Nhà xuất bản Bản đồ Mônđavi xuất bản năm 1961, 80 trang, khổ 13cm x 20cm. Trang bìa thứ hai cuốn sách, tác giả tự tay ghi lời đề tặng bằng tiếng Nga, bút mực xanh:

“Kính tặng đồng chí Hồ Chí Minh nhân ngày đến thăm Thư viện

Kirtoca

6.1962″

Cuốn sách gồm 14 phần, giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành thư viện ở thành phố Kisinhốp; Thông tin chung về thư viện; Các phông sách; Tổ chức phục vụ bạn đọc; Công tác với bạn đọc; Công tác tra cứu thư viện; Hệ thống thư mục; Thông tin khoa học; Công tác giảng dạy nghiên cứu; Tổ chức nhân sự; Những nhiệm vụ trước mắt; Những qui định của thư viện; Địa chỉ, điện thoại, thời gian làm việc; Cách sử dụng thư mục. Cuốn sách còn minh họa những ấn phẩm giá trị được xuất bản đầu thế kỷ XX, những cuốn sách cổ qúy hiếm và hình ảnh phòng đọc chính cũng như phòng đọc ấn phẩm nước ngoài của thư viện.

Thư viện Quốc gia nước Cộng hòa Mônđavi mang tên N. C. Crúpxcaia vào thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm là 1 trong 10 thư viện thành phố, vùng, ngành mang tên Crúpxcaia trên toàn Liên Xô. Thư viện là trung tâm lưu trữ thư tịch lớn nhất của Cộng hòa Mônđavi. Ngoài ra, nó còn là trung tâm giảng dạy và tư vấn về công tác thư viện trong cả nước. Thư viện có lịch sử lâu đời, bắt đầu mở cửa ngày 22/8/1832 với chức năng là thư viện thành phố Kisinhốp. Trước Cách mạng Tháng Mười năm 1917, thư viện có 80 nghìn bản sách. Tháng 8/1941, Nhà nước Cộng hòa Mônđavi được thành lập, và thư viện được đổi tên thành Thư viện công cộng trung ương. Sau khi giải phóng Mônđavi khỏi ách phát xít năm 1944, thư viện công cộng trung ương được thành lập lại và năm 1945 đổi tên thành Thư viện quốc gia nước Cộng hòa Mônđavi mang tên N. C. Crúpxcaia. Thư viện lúc đó có khoảng 2 triệu ấn phẩm. Phục vụ 20.528 bạn đọc từ năm 1956-1960.

Tấm thẻ thư viện và cuốn sách giới thiệu về Thư viện Quốc gia nước Cộng hòa Mônđavi mang tên N. C. Crúpxcaia là những hiện vật gốc, quý giá. Đó không chỉ là những tư liệu lịch sử hiếm hoi, duy nhất ghi nhận chuyến thăm thư viện, mà còn thể hiện tình cảm quí mến, trân trọng và ngưỡng mộ của tập thể cán bộ nhân viên thư viện đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người rất quan tâm tới công tác thư viện và đã từng là độc giả của nhiều thư viện lớn trên thế giới trong thời gian hoạt động cách mạng bôn ba ở nước ngoài.

——-

(1)  Ký hiệu: TP. 553 G.

 (2) Album: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nước Cộng hòa Mônđavi tháng 6/1962 (15 ảnh). Ký hiệu: số 17.

– Album: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Liên Xô năm1962 (45 ảnh). Ký hiệu: số 18.

(3) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.8, tr.243.

Nguyễn Hồng Duyên

Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh