Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Xứ sở sương mù

Chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours, ngày 26/12/1920. (Ảnh minh họa: Tư liệu TTXVN)

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng năm, đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh, các cơ quan đại diện Việt Nam, học sinh, sinh viên cùng đại diện bà con Việt kiều, lại tụ họp về London, đặt hoa tưởng nhớ Người tại tòa nhà New Zealand, được xây dựng trên nền khách sạn Carlton nổi tiếng một thời tại phố Haymarket, nơi Bác Hồ từng làm việc trong thời gian ở Anh giai đoạn 1913-1917.

Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Trần Ngọc An nhấn mạnh tuy thời gian ở Anh không phải là dài trong quá trình 30 năm đi tìm đường cứu nước của Bác nhưng chính tại đây, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lần đầu tiên đọc các tác phẩm của hai nhà triết học Karl Marx và Friendrich Engels, qua đó giúp Người định hình tư tưởng chính trị và tìm ra con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời cảng La Havre của Pháp đến nước Anh vào tháng 5/1913, sau một thời gian làm việc trên những con tàu buôn lớn lênh đênh giữa các nước đế quốc châu Âu và các thuộc địa ở châu Phi.

Tại London, trung tâm của đế quốc lớn nhất thế giới thời bấy giờ là nước Anh, Người đã khám phá và nắm bắt chủ nghĩa Marx như một lời kêu gọi giải phóng và hành động sáng tạo.

Thời gian Người ở London là một bước đệm trên con đường tìm hiểu thế giới, để Người có thể mang về những điều tìm hiểu được, có lợi cho đồng bào của mình, góp phần quan trọng hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, một tài sản vô giá trong công cuộc giải phóng dân tộc khỏi nô lệ áp bức và là kim chỉ nam của nhân dân Việt Nam trên con đường đi tới tự do, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh.

Tại Anh, Người đã phải làm rất nhiều việc nặng nhọc như cào tuyết trong trường học, điều khiển hệ thống nước nóng rồi phụ bếp trong khách sạn nhỏ Drayton Court, rửa bát đĩa trong khách sạn danh tiếng Carlton ở London.

The Drayton Court ở khu vực East Ealing của thành phố. Tòa nhà này hiện vẫn còn, giờ là quán rượu, nhưng du khách vẫn có thể leo lên tầng 3 (tương đương tầng 4 ở Việt Nam) để thăm căn phòng Người từng ở, là phòng nhỏ nhất trong số những căn phòng dành cho nhân viên khách sạn.

Tại London còn có nhiều địa danh đã ghi dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm đầu thế kỷ 20, như công viên Hyde Park, hay khu Soho, Thư viện Marx…

Sức mạnh tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt không gian, thời gian đến với tất cả những người tiến bộ trên thế giới.

Bà Katrin Kandal, giám đốc điều hành (CEO) của quỹ từ thiện Facing the World của Anh, một tổ chức chuyên giúp đỡ y tế cho Việt Nam, giúp đỡ phẫu thuật hàm mặt, chỉnh hình cho trẻ em Việt Nam thông qua các hoạt động tài trợ thiết bị y tế và đào tạo cho các bác sỹ, y tá Việt Nam, đã kể về lý do bà tìm và đọc cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh in bằng tiếng Anh.

Trò chuyện với phóng viên, bà Kandal cho biết vì bà đã sang Việt Nam nhiều lần và có nhiều dịp làm việc, trò chuyện với các giới chức trong Chính phủ Việt Nam, khiến bà muốn tìm hiểu sự hình thành Nhà nước Việt Nam, mà theo bà là một nhà nước rất đặc biệt, xây dựng dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bà nói: “Tôi đã đọc cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh và hiểu rõ đó là chính phủ được xây dựng trên nền tảng đem lại sự tự do, chống lại mọi áp bức cho người dân Việt Nam”.

Bà cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh đã có sức ảnh hưởng rất lớn đối với bà trong việc xây dựng phương châm làm việc cho quỹ từ thiện Facing the World để phát triển trở thành một tổ chức từ thiện đa quốc gia trong một quãng thời gian không phải là dài.

Bà Kandal cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, đã chắt lọc những điều học hỏi từ các nước khác nhau, các cách tiếp cận chính trị khác nhau và cộng với những đặc điểm của Việt Nam để hình thành nên một thể chế chính phủ phù hợp nhất cho người Việt Nam – đó là sự kết nối giữa những kiến thức từ bên ngoài và những truyền thống, đặc điểm dân tộc Việt Nam xây dựng nên đất nước Việt Nam ngày nay.

Theo bà, điều này đang được áp dụng trong phương châm làm việc của quỹ từ thiện Facing the World. Bà nêu rõ: “Khi chúng tôi đưa những bác sỹ Việt Nam ra nước ngoài đào tạo tại các trung tâm hàng đầu thế giới về lĩnh vực phẫu thuật hàm mặt tại Anh, Mỹ, Canada và sắp tới là Pháp, chúng tôi muốn các bác sỹ Việt Nam được thăm và làm việc tại các bệnh viện lớn trên thế giới, nơi các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này làm việc, để các bác sỹ Việt Nam lựa chọn cách thành lập ra trung tâm phẫu thuật hàm mặt tầm cỡ khu vực, thành lập và vận hành theo cách thức phù hợp nhất với người Việt Nam.”

Nhà văn, nhà sử học John Callow, Giám đốc Trung tâm lưu trữ, Thư viện Marx tại London từng viết: “Bốn năm ở London đã góp phần rất nhiều trong việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Những di sản của Người có sức sống mãnh liệt ở Việt Nam, nhưng xét về khía cạnh những tư tưởng, tầm nhìn và lòng can đảm của Người, Hồ Chí Minh thuộc về cả thế giới”./.

Diễm Quỳnh-Tuấn Anh (TTXVN)