Tư tưởng “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với xây dựng nông thôn mới Thái Bình hiện nay

 Ảnh minh họa.

 Để động viên và tiếp sức cho phong trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành tác phẩm “Đời sống mới” vào tháng 3-1947. Tác phẩm như một cẩm nang giúp cho đồng bào ta dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành.  Trong tác phẩm Người đã giải thích rõ việc xây dựng đời sống mới nhằm mục đích: “Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”(1). “Đời sống mới không phải là cái gì cao xa, khó khăn mà chỉ là sửa lại những việc cần thiết trong đời sống hàng ngày đó là cách ăn, cách ở, cách mặc, cách đi lại, cách làm việc”(2). Cốt lõi của việc này là thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Nhưng xây dựng “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ, cái gì cũng làm mới mà cái gì cũ mà xấu thì bỏ (tính lười biếng, tham lam…); cái gì cũ, không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý (cưới hỏi quá xa xỉ…); cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm (tương thân, tương ái, tận trung với nước, hiếu với dân…) ;cái mới mà hay, thì phải làm (ăn ở hợp vệ sinh, làm việc ngăn nắp)” (3). Để thực hiện đời sống mới Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giải thích và làm gương để từ đó thấm sâu vào mỗi người, mỗi nhóm, mỗi đoàn thể.

Từ những nội dung thiết thực, dễ hiểu, dễ thấm vào lòng người nên tác phẩm Đời sống mới đã có một sức lan tỏa rất lớn đối với mọi tầng lớp nhân dân tạo nên một phong trào thực hiện đời sống mới trong cả nước. Đây là một nhân tố lý giải vì sao sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công với muôn vàn khó khăn, thử thách mà nước ta vẫn chiến thắng giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Dù trải qua hơn 70 năm nhưng tác phẩm còn nguyên giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và trong xây dựng nông thôn mới nói riêng hiện nay.

Việt Nam với 70% dân số đang sinh sống ở nông thôn, tuy trình độ nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên nhưng vẫn còn khó khăn, nhiều hủ tục lạc hậu của làng xã ngày xưa đã bị lợi dụng dưới danh nghĩa bảo tồn “văn hóa truyền thống” để hồi phục lại ở hầu hết các vùng nông thôn cùng với việc tổ chức ma chay, cưới hỏi linh đình gây tốn kém về của cải và thời gian, cùng với đó là việc đô thị hóa nông thôn đã phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm…Trước tình trạng đó Đảng ta quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới nên có nhiều nghị quyết đúng đắn về xây dựng nền văn hóa mới, con người mới nhằm khắc phục và ngăn ngừa cái xấu, phát huy cái tốt trên mọi lĩnh vực của đời sống. Trong đó có Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 với 5 nội dung cơ bản: thứ nhất, đó là làng, xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; thứ hai, sản xuất phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; thứ ba, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nông thôn ngày càng nông cao; thứ tư, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn; thứ năm, xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ và 5 nội dung này được cụ thể hóa bằng 19 tiêu chí. Có thể nói, thực chất của việc xây dựng NTM hiện nay chính là việc thực hành đời sống mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện cách đây 70 năm. Có điều là, trong điều kiện hiện nay việc chỉ đạo thực hiện làm sao đạt hiệu quả không phải là công việc dễ dàng.

Thái Bình là một tỉnh thuần nông, với 86% dân số sống ở nông thôn nên tỉnh luôn lấy phát triển nông nghiệp làm trọng tâm, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cũng trên tinh thần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM mới giai đoạn 2010-2020, Thái Bình đã thực hiện bằng những hành động thiết thực đó là: Dựa trên cơ sở 5 nội dung cơ bản về xây dựng NTM  của Trung ương và căn cứ vào điều kiện thực tế của tỉnh, Thái Bình đã rút gọn còn 20 chữ đó là “Sản xuất phát triển, đời sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xóm văn minh, quản lý dân chủ” để cán bộ, đảng viên và nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ về xây dựng NTM.

Ngay những ngày đầu triển khai xây dựng NTM, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong đó cũng xác định vai trò chủ thể là người dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng”. Và nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về mục đích, nội dung, ý nghĩa cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới công tác thông tin, tuyên truyền, nêu gương được chú trọng, cụ thể như tỉnh chỉ đạo xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về nông thôn mới; chú trọng tuyên truyền những mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các địa phương, đơn vị; đặc biệt là triển khai dồn điền đổi thửa, hiến đất làm thủy lợi nội đồng và giao thông nông thôn trên các phương tiện thông tin, truyền  thông. Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa công cộng được chú trọng. Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách trong quản lý, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Từ đó đã thay đổi nhận thức trong cách làm, khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ nại, phát huy những nhân tố tích cực, sáng tạo thu hút được một lượng lớn nguồn lực đối ứng của địa phương và cộng đồng dân cư tham gia. Tỉnh cũng tập trung nguồn lực cho phát triển sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất. Chú trọng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường nông thôn.

Để nắm rõ thực trạng về xây dựng NTM của tỉnh trong mỗi giai đoạn, công tác kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện về xây dựng NTM được tiến hành thường xuyên nhằm đánh giá đúng thực trạng, thấy rõ được ưu điểm, kết quả đạt được và những khuyết điểm, hạn chế từ đó tìm ra nguyên nhân và đề ra phương hướng, giải pháp chấn chỉnh kịp thời khuyết điểm và hạn chế đó. Để đảm bảo sức lan tỏa của phong trào NTM, công tác khen thưởng, động viên, suy tôn cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho xây dựng NTM cũng được tỉnh quan tâm.

Kết quả, sau 10 năm triển khai, thực hiện, phong trào xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn của Thái Bình ngày nay đã có nhiều đổi mới: Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, an ninh được giữ vững; nhiều mô hình sản nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, các tệ nạn xã hội giảm dần. Đến nay, 100% số xã đạt chuẩn NTM ,7/7 huyện đạt chuẩn NTM và thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Các xã đã đạt tiêu chuẩn NTM tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được để tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn NTM mới kiểu mẫu, NTM nâng cao.

Có được kết quả trên là do tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã phát huy được vai trò của cấp ủy đảng, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự nỗ lực của nhân dân và đặc biệt đã vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới. Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng với tinh thần đồng thuận, toàn Đảng, toàn dân một lòng chung sức Thái Bình nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra về xây dựng nông thôn mới.

———————–

1, 2. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG,HN.2011, tr113

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG,HN.2011 tr 112-113

Ths. Đinh Thị Thúy Hà

(Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Thái Bình)

Theo https://baothaibinh.com.vn