Tư tưởng Hồ Chí Minh về những yếu tố bảo đảm dân chủ thật sự

Theo Người, nhân dân vừa “là chủ” lại vừa “làm chủ”, nói đến dân chủ là phải nói đến việc xác định các mục tiêu – tiêu chí của dân chủ, và đề ra các phương pháp thực hiện các mục tiêu của dân chủ. Hồ Chí Minh yêu cầu phải xác định rõ các mục tiêu của dân chủ như “Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(1); phải đề ra được các phương pháp thực hiện các mục tiêu dân chủ như: “thực hành dân chủ rộng rãi”, hay cần phải “Mở rộng dân chủ”(2). Dân chủ có thực chất hay không phụ thuộc vào nhận thức, và sự vận dụng các vấn đề lý luận, phương pháp của đội ngũ cán bộ. Cụ thể là các vấn đề sau:

Thứ nhất , nhận thức của đội ngũ cán bộ về sự hiểu biết lý luận về dân chủ và vận dụng vào thực hành dân chủ         

Để bảo đảm dân chủ thật sự, theo Hồ Chí Minh, trước hết, đội ngũ cán bộ phải hiểu biết lý luận về dân chủ; chẳng hạn, sự hiểu biết về dân chủ trong chính trị, kinh tế, dân chủ trực tiếp, gián tiếp, hay dân chủ trong lãnh đạo, quản lý… Người nhiều lần chỉ rõ, người cách mạng phải có hiểu biết, nắm vững lý luận, am hiểu thực tiễn, có như vậy cách mạng mới thành công.

Theo Hồ Chí Minh, lý luận phải luôn gắn với thực tiễn, lý luận mà không gắn với thực tiễn là lý luận suông; thực tiễn mà không dựa trên cơ sở lý luận là thực tiễn mù quáng. Người chỉ rõ: “không thực hành thì nhất định không thể hiểu biết”(3), “thực hành mới là mực thước đúng nhất cho sự hiểu biết con người và thế giới. Chỉ có quá trình thực hành…., người ta mới đạt được kết quả đã dự tính trong tư tưởng, và lúc đó sự hiểu biết mới được chứng thực”(4). Do đó, việc xác định mục tiêu, đề ra các phương pháp thực hiện mục tiêu dân chủ cần phải dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn về dân chủ. Chẳng hạn, làm thế nào để bảo đảm dân chủ (công bằng về quyền lợi – quyền lực và lợi ích) giữa thiểu số và đa số, tức làm thế nào để bảo đảm công bằng về quyền lợi giữa thiểu số cán bộ (đầy tớ) trong bộ máy nhà nước và đông đảo nhân dân (công dân) trong xã hội. Việc nhận thức đúng đắn vấn đề lý luận, thực tiễn, mục tiêu, phương pháp bảo đảm sự công bằng về quyền lợi cho thiểu số, đa số được coi là cơ sở quan trọng để đội ngũ cán bộ có thể đạt được dân chủ thật sự. Hồ Chí Minh đã từng phê phán việc kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, hay kết hợp giữa việc xác định các mục tiêu và đề ra phương pháp thực hiện chưa thật tốt của đội ngũ cán bộ. Người nói rằng: “Việc kết hợp chân lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng của cách mạng Việt Nam chưa được hoàn toàn. Có nhiều sai lầm là do sự thiếu kết hợp đó. Ví dụ như sai lầm trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, xây dựng kinh tế”(5).

Thứ hai , việc nhận thức và xác định đúng đắn các mục tiêu dân chủ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Các mục tiêu dân chủ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được Hồ Chí Minh coi là các tiêu chí quan trọng hàng đầu để đạt được dân chủ thật sự. Theo Hồ Chí Minh, dân là chủ được thể hiện ở mục tiêu xây dựng một nhà nước dân chủ – nhà nước bảo đảm quyền dân chủ, vì hạnh phúc của nhân dân. Người viết rằng: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(6). Dân là chủ có nghĩa là người dân có địa vị cao nhất về quyền lực trong quốc gia, được hưởng sự công bằng về quyền lợi trong quốc gia. Bởi cách mạng giành độc lập dân tộc, xây dựng xã hội mới tốt đẹp cũng đều chỉ nhằm đạt được các mục tiêu dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội. Mục tiêu của cách mạng dân tộc, dân chủ cũng chính là để bảo đảm cho nhân dân trở thành chủ nhân của đất nước. Người nêu rõ: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy”(7). Việc xác định đúng đắn các mục tiêu như vậy có vai trò cực kỳ quan trọng để đạt được dân chủ thật sự.

Theo Hồ Chí Minh, các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cần phải xác định rõ cho từng đối tượng. Người nêu rõ: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ”(8). Nếu đội ngũ cán bộ không xác định rõ nhiệm vụ, hay xác định không rõ “Cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”(9) cũng sẽ không thể đạt được dân chủ thật sự.

Theo Hồ Chí Minh, để xác định đúng đắn các mục tiêu của cách mạng giành độc lập dân tộc, xây dựng xã hội mới ở Việt Nam, còn cần phải xây dựng một “đảng cách mệnh chân chính” – Đảng biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Người nói: “Học chủ nghĩa Mác – Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta”(10). Người còn nói rằng, đảng cách mạng phù hợp với nước ta thì đó phải là “Đảng Dân tộc Việt Nam” – “Đảng của toàn dân”(11), tức Đảng phải có đạo đức và văn minh, thật sự là Đảng của dân, do dân, vì dân.

Thứ ba , việc đề ra các phương pháp dân chủ thực hiện hiệu quả các mục tiêu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Các phương pháp dân chủ thực hiện các mục tiêu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thể hiện ở việc đạt được sự thống nhất trong các quan điểm, nhận thức về nhân dân làm chủ, sự hợp tác và có phương pháp dân chủ trong lãnh đạo, đặc biệt là có phương pháp, hình thức đấu tranh nội bộ, tức đấu tranh giữa các giai cấp, lực lượng chính trị, xã hội, các cá nhân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ thật sự thể hiện chủ yếu ở “dân chủ rộng rãi”, “dân chủ đến cao độ” hay “mở rộng dân chủ”, trong Đảng hay ngoài xã hội thì đều phải “thực hành dân chủ rộng rãi”(12). Đồng thời, Người cũng chỉ rõ: “Để làm cho Đảng mạnh thì phải mở rộng dân chủ”(13). Đảng muốn mạnh (được lòng dân) thì cần phải phát huy dân chủ, tức phát huy vai trò của mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người nêu rõ: “Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng”; “đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận… Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa”(14).

Theo Hồ Chí Minh, mở rộng dân chủ hay thực hành dân chủ rộng rãi chính là một chiều cạnh của dân chủ thật sự, bởi các phương pháp đó tạo ra không gian cởi mở, làm cho mọi người dân dám nói, dám nghĩ, dám làm, hăng hái cùng với cán bộ giải quyết mọi khó khăn. Người đã nêu rõ: “Thực hành dân chủ là cái thìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(15); và “có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng nhân dân để cách mạng tiến lên”(16). Điều đó có nghĩa là, để có dân chủ thật sự thì cả mục tiêu và phương pháp thực hiện trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều phải được nhân dân xây dựng và đồng lòng thực hiện. Sự đồng lòng, đoàn kết được Hồ Chí Minh coi như tiêu chí cơ bản của dân chủ thật sự.

Dân chủ thật sự là phải gắn với đấu tranh và có các phương pháp đấu tranh đúng đắn, tức có tính chất và hình thức dân chủ trong đấu tranh. Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải nhận thức rõ mục tiêu và phương pháp trong đấu tranh. Cần phân biệt các hình thức đấu tranh, như đấu tranh trong kinh tế, chính trị, văn hóa; đấu tranh chính trị, ngoại giao … Thực hiện cuộc cách mạng xây dựng xã hội mới trong một quốc gia có nhiều dân tộc, giai cấp, phải nhận thức rõ đặc điểm riêng của mình, đừng thấy “người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng đề ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”(17). Người đã giải thích phương pháp đấu tranh giai cấp là để “chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi”(18), không có nghĩa là xóa bỏ giai cấp, hay trấn áp, triệt bỏ lợi ích và giá trị của các giai cấp trong xã hội. Các giai cấp, dân tộc, tức các lực lượng yêu nước, tuy có quan điểm, chính kiến khác nhau nhưng đều bình đẳng, tôn trọng, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo luận điểm của các nhà kinh điển Mác – Lênin về phương pháp biện chứng trong đấu tranh giai cấp để bảo đảm rằng trong tiến trình xây dựng CNXH, các tầng lớp nhân dân đều là những người được làm chủ thật sự trong xã hội; đồng thời, chỉ ra các phương pháp dân chủ và chuyên chính trong đấu tranh giai cấp. Dân chủ trong đấu tranh giai cấp là cần phải tôn trọng các quan điểm, chính kiến của các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong xã hội; tức các cán bộ, đảng viên của Đảng không được có các hành vi “dọa nạt”, “trấn áp” các quan điểm trái chiều trong xã hội, như cách nói của Hồ Chí Minh là không được “bưng bít tai mắt cấp trên; bịt mồm, bịt miệng quần chúng”(19); đồng thời, phải bảo đảm cho mỗi người dân, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc, hễ có lòng yêu nước thì đều có thể tham gia gánh vác “việc nước”.

Thứ tư , việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị.   

Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân cần phải có pháp luật (Hiến pháp và các đạo luật) và có đội ngũ cán bộ có năng lực lãnh đạo, lãnh đạo nhân dân một cách dân chủ, khéo léo. Điều đó có nghĩa, phương pháp thực hiện mục tiêu dân chủ là phải thực hành dân chủ trong tổ chức bộ máy quyền lực, đặc biệt trong hoạt động lãnh đạo của đội ngũ cán bộ. Người cho rằng, phương pháp dân chủ trong tổ chức bộ máy quyền lực phải gắn với “thần linh pháp quyền”(20), tức trong Nhà nước – quốc gia rất cần phải có pháp quyền. Trong quốc gia, có pháp quyền thì mới bảo đảm được dân chủ thật sự, tức dân chủ và pháp quyền phải đi đôi, gắn liền với nhau.

Trong Nhà nước có pháp quyền, mọi cán bộ đều phải thật sự trở thành những người “làm thuê”, tức những người làm đày tớ với các cách thức, chức năng khác nhau cho các ông chủ (nhân dân). Người từng nói rằng, trong Chính phủ, khi “dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ”. Trong thời kỳ kháng chiến và kiến quốc, Hồ Chí Minh đã phê phán “cách lãnh đạo của ta không được dân chủ”(21). Theo Người, hoạt động lãnh đạo của tập thể, cá nhân là khác nhau, cũng như hoạt động lãnh đạo là khác với hoạt động quản lý (chỉ đạo, điều hành). Do hoạt động lãnh đạo là các hoạt động làm đầy tớ, không gắn với việc sử dụng các công cụ quyền lực, nên dễ được lòng dân, tức bảo đảm dân chủ thật sự. Chính vì vậy, Người đã ít sử dụng các khái niệm “quản lý nhà nước”, “quản lý xã hội”, cũng như không sử dụng các khái niệm có sự biểu hiện về hình thức, tính chất quyền lực trong lãnh đạo, như “Đảng lãnh đạo Nhà nước”, hay “cấp ủy lãnh đạo chính quyền”,.v..v..

Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, lãnh đạo là phụ thuộc vào bản chất (chất lượng) tiên phong của Đảng, các đảng viên, chứ không phải phụ thuộc vào hình thức (số lượng) các đảng viên. Các đảng viên phải luôn là những người tiên phong (đi đầu) về trí tuệ (tầm nhìn) và gương mẫu về đạo đức, lối sống. Người chỉ rõ: “Lãnh đạo được hay không, là do tính cách mạng, chứ không phải do số người nhiều ít của giai cấp”(22).

Năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ còn thể hiện ở việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm quy tụ sức mạnh đoàn kết giữa các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng được coi là một biểu hiện của sự lãnh đạo khéo, dân chủ thật sự đáp ứng yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết như Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đảng và Chính phủ lãnh đạo khéo thì nhân ta nhất định đoàn kết trong hòa bình cũng như trong kháng chiến”(23). Như vậy, đội ngũ cán bộ có năng lực lãnh đạo thật sự tức là họ phải tạo được sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đoàn kết toàn xã hội. Đây được coi là các tiêu chí cơ bản để đánh giá năng lực lãnh đạo của cán bộ./.

____________________

(1), (12), (18) BCH Trung ương ĐCSVN: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1989, tr. 50, 48, 43.

(2), (5), (10), (16), (19) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 8, tr. 276, 498, 497, 592, 239.

(3), (4), (6) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 6, tr. 251, 259, 498.

 (7), (11), (13), (22) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 7, tr. 218-219, 231, 241, 212.

(8), (9), (14), (17), (21) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 5, tr. 60, 504, 297, 272, 243.

(15) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 12, tr. 249.

(20) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 1, tr. 438.

(23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 10, tr. 605-606.

PGS, TS Nguyễn Hữu Đồng, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn http://lyluanchinhtri.vn