Yên Bái: Biệt phái giáo viên – học Bác về trách nhiệm của người cán bộ

Lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ gặp mặt 2 giáo viên tiếng Anh thực hiện nhiệm vụ biệt phái.

Đó là lời của Bác Hồ trong Bài viết về “Tinh thần trách nhiệm” được đăng trên Báo Nhân dân số 36, ngày 13 tháng 12 năm 1951. Soi vào câu chuyện 15 giáo viên tiếng Anh của thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Yên Bình, Trấn Yên biệt phái lên dạy tại các huyện: Mù Cang Chải và Trạm Tấu mới thấy bài học về nêu cao tinh thần trách nhiệm của Bác đã thấm nhuần trong mỗi cán bộ, giáo viên.

Năm học 2022 – 2023 là năm học quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Theo đó, môn Ngoại ngữ (Tiếng Anh) và môn Tin học sẽ là môn học bắt buộc, được tổ chức dạy học từ lớp 3. Đây được xem là khó khăn lớn đối với nhiều địa phương; trong đó, có Yên Bái khi mà việc dạy tiếng Anh ở các huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Trạm Tấu hay Mù Cang Chải vẫn còn đang là nỗi lo lắng của mỗi nhà trường.

Bởi vậy mà, nhiều năm qua, trong các kỳ thi tuyển sinh THPT vẫn còn có học sinh một trường được đặc cách thay thế môn thi Ngoại ngữ bằng môn Lịch sử. Thiếu giáo viên khiến các trường học vùng cao phải chia sẻ giáo viên với nhau.

Tuy nhiên, sự chia sẻ ấy quá tải khi số lượng người quá ít so với yêu cầu. Để chuẩn bị đội ngũ cho thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục, ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) Yên Bái đã tham mưu với tỉnh về việc tuyển dụng giáo viên cho các địa phương, đơn vị còn thiếu. Tuy nhiên, cả 2 đợt tuyển dụng mới đây, không có một hồ sơ nào dự tuyển vị trí giáo viên tiếng Anh tại huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu.

Đứng trước sự cấp bách và khó khăn ấy, ngành GDĐT đã đưa ra giải pháp “biệt phái” giáo viên từ vùng thấp lên vùng cao, từ nơi thiếu ít đến nơi thiếu nhiều để san sẻ những khó khăn ấy.

Những thầy cô nhiều năm kinh nghiệm, có cuộc sống ổn định tại vùng thấp, thành phố tạm xa gia đình, xa những đứa con nhỏ, xa học sinh và ngôi trường thân yêu đang gắn bó để đi nhận công tác tại vùng khó, tại ngôi trường mới mang theo bầu nhiệt huyết của các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Xung phong lên đường, vui vẻ bước đi, mới thấy trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước yêu cầu cấp thiết của đơn vị, của ngành vì nhiệm vụ phát triển giáo dục.

Vậy là, sau hơn 20 năm (2002 – 2022), một lần nữa, các huyện vùng cao lại nhận được sự hỗ trợ tăng cường giáo viên từ vùng thấp, cùng chia sẻ những khó khăn với sự nghiệp giáo dục vùng cao. Trân quý biết bao những tấm lòng ấy. Vẫn biết, “biệt phái” chỉ là giải pháp tình thế.

Vì vậy, ngành GDĐT đã chủ động tham mưu nhiều giải pháp song song như đào tạo theo địa chỉ, tham mưu nhiều chính sách thu hút giáo viên tiếng Anh, Tin học về dạy tại các trường ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Khó khăn không thể giải quyết “một sớm một chiều” và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên giáo viên cũng vậy, cũng không chỉ có trong ngày một ngày hai mà trách nhiệm ấy đã thấm vào máu của mỗi giáo viên ngay từ khi họ chọn cho mình sự nghiệp trồng người và lịch sử đã chứng minh điều ấy.

“Biệt phái giáo viên” – cụm từ giờ đã không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần về sự hỗ trợ giáo viên giữa các vùng mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, nhân văn, tình người và trách nhiệm của mỗi cán bộ giáo viên, của toàn xã hội dành cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.