Chủ tịch Hồ Chí Minh và dấu ấn đặc biệt trong những năm Hợi

Năm Kỷ Hợi (1899), Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó với tên gọi Nguyễn Sinh Cung sống cùng cha mẹ và anh trai tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, cách thành phố Huế 6 km. Thời gian này, Nguyễn Sinh Cung cùng người anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm bắt đầu học chữ Hán tại lớp học của cha mình – cụ Nguyễn Sinh Sắc. Những năm tháng đầu tiên sống ở kinh thành Huế đã in sâu trong ký ức của Nguyễn Sinh Cung hình ảnh những người Pháp thống trị nghênh ngang, hách dịch và tàn ác; những ông quan Nam triều bệ vệ trong những chiếc áo gấm, hài nhung, mũ cánh chuồn, nhưng khúm núm rụt rè; còn phần đông người lao động thì sống phận đau khổ và tủi nhục.

  

 Di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương,

huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế – nơi Người đã sống từ năm 1898 đến 1900,

khi Người cùng anh theo cha về đây dạy học

 Sinh ra và lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và đã trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Nhân dân bị nô lệ, đói khổ, lầm than. Quê hương có truyền thống đấu tranh anh dũng, chống giặc ngoại xâm. Thời gian 10 năm sống ở kinh đô Huế – trung tâm văn hóa, chính trị của đất nước, tiếp xúc với nền văn hóa mới, với phong trào Duy Tân đã cho Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành nhiều hiểu biết mới. Nhìn lại các phong trào yêu nước, Nguyễn Tất Thành rất khâm phục và coi trọng các bậc tiền bối, nhưng Nguyễn Tất Thành không đi theo con đường đó. Bởi, thực tiễn thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX đã đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến chí hướng của Nguyễn Tất Thành, để rồi anh có một quyết định chính xác là xuất dương tìm đường cứu nước.

Năm Tân Hợi (1911) đã ghi dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng, không chỉ trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn đối với lịch sử của dân tộc Việt Nam: Ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tên mới Văn Ba, đã từ cảng Sài Gòn, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) lên con tàu Amiral Latouche Tréville của Pháp từ giã quê hương sang phương Tây với khát vọng tìm đường cứu nước để đem lại “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”(1).

 

 Con tàu Amiral Latouche Tréville, nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp

khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước, tháng 6/1911. Ảnh: BTHCM

Theo hành trình của tàu, một tháng sau, tàu Amiral Latouche Tréville đến cảng Marseille, đánh dấu lần đầu tiên Người đặt chân đến nước Pháp. Nguyễn Tất Thành đã không sang Nhật Bản, không đi Trung Quốc… mà chọn sang các nước phương Tây, mà trước tiên là nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, chính trị, như sau này người nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp… và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”(2). Nước Pháp chính là nơi Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước và trở thành người chiến sĩ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Năm Quý Hợi (1923), vào ngày 30/6/1923, với tấm giấy thông hành ghi tên Chen Vang, Nguyễn  Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã theo con tàu Karl Lipnech của Đức cập cảng Petrograd (Saint Peterburg ngày nay) của Liên bang Nga, lần đầu tiên đặt chân lên đất nước của Cách mạng Tháng Mười Nga. Những ngày tháng trước đó ở Pháp, được tiếp cận với chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã mong ước và quyết tâm đến nước Nga để có thể tìm hiểu sâu hơn về phong trào cộng sản và cách kết nối giữa phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam với cuộc cách mạng vô sản của nước Nga vĩ đại. Mùa hè năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước V.I.Lênin. Chuyến đi này đã đem lại những thay đổi mang tính chất quyết định cho con đường cách mạng giải phóng dân tộc, cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam.

 

Giấy thông hành số 1829 ngày 16/6/1923 của đại diện Toàn quyền liên bang CHXHCN Xô Viết tại Béc-lin (Đức) cấp cho Chen Vang (Nguyễn Ái Quốc) để tới Nga

Năm Ất Hợi (1935), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã trở lại sống và học tập tại Nga. Sau khi thoát khỏi nhà tù của đế quốc Anh tại Hồng Kông, quay trở lại Nga lần thứ hai (1934 – 1938), Người được Quốc tế Cộng sản (QTCS) cử đi học tại trường Quốc tế Lênin. Trong danh sách đăng ký của sinh viên, Nguyễn Ái Quốc lấy tên Lin, có số hiệu 375, thuộc niên khóa 1934 – 1935. Thực tế đây là khoảng thời gian rất khó khăn đối với Nguyễn Ái Quốc, Người đã trải qua những năm tháng không mấy êm đẹp và suôn sẻ trong lòng đại gia đình Quốc tế Cộng sản và trong quan hệ với Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương những năm đầu khi Đảng mới thành lập. Người phải sống trong sự nghi ngờ của những người đồng chí vì lý do thoát khỏi nhà tù của chính quyền Hồng Kông, đồng thời, đây cũng là thời kỳ Đảng Cộng sản Liên Xô diễn ra những mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ. Dù rất buồn phiền vì không được phân công công việc gì, ngoài việc đi học, như Người từng viết trong lá thư gửi cho một người bạn ở Quốc tế Cộng sản “Xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này”(3), nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chấp hành những quyết định của Quốc tế Cộng sản, vững vàng kiên định, giữ mình chờ đợi và hy vọng chờ thời điểm để khởi phát và thực thi có hiệu quả những quan điểm của mình. Thời thế sản sinh bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh.

Trong cuốn Hồ Chí Minh (xuất bản năm 1974), nhà văn, nhà sử học người Pháp J. Lacouture đã nhận định: “Trong những năm 1934-1938, Hồ Chí Minh đã chăm chỉ học tập nhất trong đời mình, tránh những cuộc tranh chấp, thanh trừng đang diễn ra gay gắt trong Đảng Cộng sản Liên Xô và Quốc tế Cộng sản”. Hay trong cuốn Hồ Chí Minh – Những năm tháng chưa được biết đến, nữ tiến sĩ triết học – sử học, người Mỹ Sophie Quinn Judge nhận xét: “Khó có thể hình dung một người Cộng sản lão làng như Hồ Chí Minh lại có thể tiếp tục hoạt động trong thời kỳ rối ren này. Sự tồn tại của ông qua những tháng năm tồi tệ nhất của cuộc thanh trừng, đã không chỉ chứng tỏ sự chịu đựng, mà còn chứng minh bản lĩnh cách mạng phi thường của Nguyễn Ái Quốc”. Những thử thách chính trị tế nhị và phức tạp này giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong phong cách Hồ Chí Minh, chính trong khoảng lặng đó đã thể hiện rõ chân dung vị lãnh tụ trí tuệ, bản lĩnh, nhạy bén trong bối cảnh nhiều vấn đề nhạy cảm có liên quan trực tiếp đến cuộc đời, sự nghiệp, vận mệnh chính trị của mình.

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết năm 1967. Ảnh: BTHCM

Xuân Đinh Hợi (1947), lúc này đất nước đang trong những ngày tháng đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đúng thời khắc Giao thừa chuyển giao sang năm Đinh Hợi (21/1/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt tại phòng máy trong trụ sở Đài tiếng nói Việt Nam (tại chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Đông) đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước. Sau đó, sư cụ trụ trì chùa Trầm chuẩn bị sẵn giấy bút và xin Người câu đối, Người đề tặng: Kháng chiến tất thắng/Kiến quốc tất thành.

Lời thơ Người đọc năm đó như một lời hiệu triệu vang dậy non sông, như một hồi kèn thúc giục quân và dân cả nước xông lên giết giặc lập công…

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ! tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”(4)

Đây là bài thơ chúc Tết đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, vào đêm Giao thừa hàng năm, nhân dân cả nước lại chờ mong nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là những lời mừng Xuân, mà còn là lời kêu gọi, là những dự báo lịch sử, những chỉ đạo chiến lược cách mạng được truyền tới đồng bào chiến sĩ cả nước. Những bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam.

Tháng 10/1947, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh X.Y.Z. Tác phẩm là một tài liệu quí giúp cán bộ đảng viên học tập, rèn luyện, tu dưỡng trên các mặt tư tưởng, đạo đức và phương pháp làm việc. Đã hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng đến nay những chỉ dẫn của Người trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự nóng hổi.

 

Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh X.Y.Z,

viết xong tháng 10 năm 1947. Đây là tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng,

một tài liệu học tập của cán bộ để tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc

Cũng trong năm 1947, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông (từ ngày 7/10 đến 22/12/1947) kết thúc thắng lợi. Chiến thắng Việt Bắc – Thu Đông 1947 đánh dấu mốc thắng lợi đầu tiên quan trọng trong những năm đầu cuộc kháng chiến của quân dân ta, khẳng định tầm nhìn chiến lược, thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ địa của cuộc kháng chiến trường kỳ “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”(5).

Xuân Kỷ Hợi (1959) là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Cách mạng Việt Nam. Đầu xuân, Người gửi tới nhân dân bài thơ chúc Tết mang tính cổ vũ động viên một cách rất cụ thể:

“Chúc mừng đồng bào năm mới,

Đoàn kết thi đua tiến tới,

Hoàn thành kế hoạch ba năm,

Thống nhất nước nhà thắng lợi” (6).

Đây cũng là năm cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt mới đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Trung tuần tháng 1/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) để bàn về đường lối của Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị Trung ương 15 đề ra nhiệm vụ cơ bản cho cách mạng miền Nam là: “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(7). Nghị quyết Trung ương 15 đã tạo ra bước ngoặt lịch sử cho phong trào cách mạng ở miền Nam. Với thắng lợi của phong trào Đồng khởi, cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế bảo tồn lực lượng sang thế tiến công. Đó là thất bại lớn đầu tiên của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam nước ta. Thắng lợi này gắn với sự chỉ đạo sáng suốt, khôn khéo, đầy tinh thần tiến công cách mạng của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng cấp bách của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” được thành lập ngay sau đó. Ngày đoàn chính thức nhận nhiệm vụ ngẫu nhiên trùng ngày sinh nhật lần thứ 69 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn đã đề nghị được lấy ngày 19/5/1959 làm ngày truyền thống của đoàn và lấy tên đoàn là đoàn 559. Mỗi cán bộ chiến sĩ của đoàn đều nhận thức rõ niềm vinh dự tự hào, nhưng cũng hiểu rõ đây sẽ là một trận tuyến mới thầm lặng khốc liệt, đều sẵn sàng tự nguyện cống hiến hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

  Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất, mở đầu Tết trồng cây

do Người phát động, ngày 11/1/1960. Ảnh: BTHCM

Năm Kỷ Hợi (1959) cũng là thời điểm ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tết trồng cây”. Tại thời điểm đó, vấn đề môi trường còn chưa được nhân loại quan tâm nhiều, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa trồng cây gây rừng với bảo vệ môi trường, khí hậu. Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền của dân tộc, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Trần Lực đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân dân (số 2082, ngày 28/11/1959). Trong bài viết, Người đã phân tích ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc trồng cây làm cho đất nước thêm xanh, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường. Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây từ ngày 6/1 đến ngày 6/2/1960 gọi là “Tết trồng cây”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn dân ta đã thực hiện “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán Canh tý (1960). Xuân Kỷ Hợi 2019, tròn 60 năm trôi qua, “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” đã thực sự trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, tạo nên một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Xuân về, người dân Việt Nam lại nhớ về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc –  Chủ tịch Hồ Chí Minh – cùng những bài thơ Xuân của Người và càng nhớ ơn sâu sắc công lao to lớn của Người đã cống hiến cho đất nước – dân tộc Việt Nam, để nhận thức rõ hơn việc đóng góp trách nhiệm nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

—————————————

1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, t.1, tr. 86.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr. 461.

3.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr. 117.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr.20.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 239.

6. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Sđd, t.7, tr.161.

7.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20, tr.81..

                                                                   ThS. Nguyễn Thúy Đức

(Đặc san thông tin tư liệu, số 57, tháng 12/2018)

Theo http://baotanghochiminh.vn