Đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc. (Ảnh tư liệu)

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, bao gồm các dân tộc Kinh, Mường, Mán, Thổ, Tày, Nùng, Thái, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Chăm, Khơme… Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã cho thấy, bất kỳ ở đâu và trong thời điểm nào thì đồng bào các dân tộc thiểu số anh em cũng kề vai, sát cánh cùng với đồng bào Kinh để cùng chống thiên tai, địch họa, dịch bệnh… Bất cứ một dải đất biên cương nào của Tổ quốc cũng có sự góp sức, không kể máu xương của đồng bào các dân tộc anh em. Vì thế, trong suy nghĩ và tình cảm của mình, trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh, 54 dân tộc anh em sinh sống trên mọi miền đất nước đều là anh em một nhà/đều là thành viên không thể chia cắt của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

1. “Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”[1]

Do những đặc điểm thuộc về địa chính trị, đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam thường cư trú ở vùng miền núi và biên giới. Đó là những địa bàn “phên dậu”, “tường thành”, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng từ vị trí, vai trò và tiềm năng to lớn của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp cách mạng cả nước nói chung và miền núi, biên giới nói riêng, ngay từ khi nước nhà còn đắm chìm trong đêm trường nô lệ, các tầng lớp nhân dân phải sống đọa đày đau khổ dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc.

Ngày 28/1/1941, trở  về Tổ quốc sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người cũng chọn Cao Bằng – nơi đồng bào các dân tộc luôn một lòng theo Đảng; nơi  có phong trào đấu tranh chống đế quốc, phong kiến tốt từ trước; đồng thời, cũng là nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Lô Lô… để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước, nuôi giấu cán bộ, xây dựng mạng lưới giao thông liên lạc, tổ chức các lực lượng cách mạng. Đó cũng là địa bàn Người tiến hành tuyên truyền, giáo dục và cổ vũ đồng bào các dân tộc tham gia phong trào cách mạng, tham gia Mặt trận Việt Minh, tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc…

Trong những năm tháng đầy khó khăn, thử thách đó, đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ căm thù bọn giặc, một lòng kiên trung, tin tưởng và đi theo Đảng, mà còn góp sức, góp công để gây dựng phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc anh em ở khắp mọi miền của Tổ quốc đã không quản hy sinh, góp phần quan trọng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sự đoàn kết giữa các dân tộc, giữa dân tộc Kinh với các dân tộc thiểu số anh em, nhất là giữa các dân tộc thiểu số với nhau để cùng chung sức, đồng lòng tiến hành thắng lợi sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu nước nhà mới giành được độc lập, giữa muôn vàn khó khăn thử thách, vừa phải tập trung cho nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm đang rình rập, vừa phải thực thi chính sách nội trị, chuẩn bị tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I… Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số.

Theo Người, sự đoàn kết, kề vai sát cánh của đồng bào các dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn quan trọng; cần phải được củng cố, giữ gìn và phát huy. Thực tế, giành chính quyền đã khó, nhưng giữ chính quyền còn khó hơn nhiều, nên việc củng cố, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đoàn kết đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng để cùng tập trung cho nhiệm vụ tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, ngày 18/10/1945, chỉ hơn 40 ngày sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào tỉnh Lào Cai; trong đó, Người căn dặn rằng: “Đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc…Tất cả nhân dân Lao Cai, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, lương giáo, không phân biệt Mán, Mường, Mèo, v.v., cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà và xây dựng nền hạnh phúc tự do cho dân chúng”[2].

Ngày 23/11/1945, trong “Bài nói chuyện với đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và căn dặn đồng bào Thổ, Mán: “Tuy ta được độc lập, nhưng dân ta sẽ còn gặp phải rất nhiều nỗi khó khăn, còn phải hy sinh phấn đấu nhiều hơn nữa. Từ người giàu cho chí kẻ nghèo cần phải một lòng giữ vững nền độc lập, chống bọn Pháp muốn trở lại nước ta lần nữa. Bao giờ bọn giặc Pháp không trở lại được nữa, đồng bào Kinh sẽ được rảnh rang giúp đồng bào Thổ, Mán nhiều hơn. Chính phủ cũng sẽ giúp cho đồng bào Thổ, Mán như sẽ giúp cho các dân tộc nhỏ khác được có đủ ruộng làm, đủ trâu bò cày…”[3].

Đến dự và phát biểu tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam (3/12/1945), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định rằng: “Nhờ sức đoàn kết trong đấu tranh của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa”[4], mà còn hứa, “Chính phủ sẽ gắng sức giúp đỡ đồng bào về mọi mặt” như kinh tế, văn hóa. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh trách nhiệm của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam đối với vận mệnh của đất nước và nền độc lập dân tộc vừa giành được; đó là “trước kia, các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”[5].

Gắn bó, “nếm mật nằm gai” cùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc trong suốt những năm đấu tranh giành chính quyền, ngày 20/3/1946, trong “Thư gửi đồng bào các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Đông” ngày 20/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng mình vì bận nhiều công việc, nên “không thể trả lời riêng cho mỗi đoàn thể hay mỗi một đồng bào”. Song Người “luôn luôn nhớ đến lòng yêu mến và sự giúp đỡ của các đồng bào trong những ngày tháng tôi ở thượng du. Tôi luôn luôn nhớ đến tình thân mật mà các đồng bào đối với tôi trong những lúc chúng ta gặp gỡ nhau… Tôi luôn nhớ đến những lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy có xa cách nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn gần gũi anh em. Tôi chắc rằng cái tình thân ái ấy không bao giờ phai lạt”[6].

Đoàn kết luôn là điểm gốc, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước. Vì thế, trong “Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâycu” (19/4/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh rằng, “hôm nay, đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ” mà còn khẳng định vai trò và sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em đối với sự tồn vong của quốc gia. Trong đó, Người chỉ rõ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”[7]. Cũng theo Người, “giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”, dù “sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

Trong “Thư gửi đồng bào thiểu số Thanh Hóa” ngày 21/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự tiếc nuối khi không kịp lên thăm đồng bào và nhắn nhủ: “Tôi lấy làm tiếc. Lần sau tôi sẽ lên thăm đồng bào. Lúc này toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào Thượng du đều ra sức đoàn kết chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất độc lập của Tổ quốc”[8]. Tiếp đó, cũng trong thư “Gửi đồng bào Thượng du” viết tháng 2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ghi nhận sự góp sức của đồng bào Thổ, Mường, Nùng, Mèo, Mán… trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn “thay mặt Chính phủ, cảm ơn đồng bào, và trân trọng hứa rằng: Đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, Tổ quốc và Chính phủ sẽ luôn luôn ghi nhớ những công lao của các đồng bào”[9]

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc thắng lợi. Rời Việt Bắc “Thủ đô gió ngàn”, rời đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ, Trung ương Đảng trở về Thủ đô để tiếp tục lãnh đạo nhân dân cả nước vừa tiến hành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; vừa xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành hậu phương lớn để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

2. Tiếp tục quan tâm và chăm lo cho đồng bào, củng cố và tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thì “nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp. Các dân tộc thiểu số đã sát cánh với anh em đa số chiến đấu chống kẻ thù chung, đưa Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến đến thắng lợi… Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”[10]. Vì thế, miền Bắc tuy được giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng một nửa đất nước vẫn đang còn “đầu rơi, máu chảy” bởi sự đàn áp dã man của chính quyền Sài Gòn và sự can thiệp, đàn áp của đế quốc Mỹ khi trực tiếp nhảy vào tham chiến ở miền Nam. Điều đó cũng có nghĩa là, đồng bào các dân tộc thiểu số ở phía Nam, ở miền Trung và Tây Nguyên vẫn phải tiếp tục cùng đồng bào Kinh kiên cường kháng chiến để giành lại một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Còn ở miền Bắc, ngày 7/5/1955, trong “Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái – Mèo“, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vùng Tây Bắc ta được hoàn toàn giải phóng, đó là do các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, hăng hái kháng chiến; do bộ đội ta anh dũng đánh giặc; do Đảng và Chính phủ ta lãnh đạo sáng suốt”. Vì thế, Chính phủ quyết định thành lập Khu tự trị Thái – Mèo “là một bộ phận khăng khít trong đại gia đình Việt Nam, cùng với các dân tộc anh em khác đoàn kết thành một khối như ruột thịt”; với mục đích “làm cho các dân tộc anh em ở nơi đây dần dần tự quản lý lấy công việc của mình, mau chóng phát triển kinh tế và văn hoá của mình, thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt”[11], làm cho miền núi ngày càng tiến kịp miền xuôi. Muốn đạt được như vậy, đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, phải thương yêu, phải thi đua tăng gia sản xuất và nhất là phải luôn tỉnh táo trước sự chia rẽ, phá hoại của địch… Sự đồng tâm, hợp lực của tất cả đồng bào sẽ góp phần làm cho Khu tự trị ngày càng phát triển và tiến bộ, xứng đáng với cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước.

Không chỉ quan tâm, gửi thư thăm hỏi đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tiếp nhiều đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số tại Phủ Chủ tịch như: Đoàn Liên khu 4 ra Thủ đô dự Lễ Quốc khánh (8/1958); Đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng gồm tỉnh Quảng Yên và Khu Hồng Gai cũ (10/1958); Đoàn đại biểu các dân tộc khu Lao – Hà – Yên (11/1958); Đoàn đại biểu các dân tộc ít người về dự Lễ kỷ niệm ngày 1 tháng 5 ở Thủ đô (5/1959)… Đặc biệt, trong buổi tiếp đoàn đại biểu các dân tộc ít người, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đồng bào phải đoàn kết, thương yêu nhau, hòa thuận và cùng nhau tổ chức lại, phát triển tổ đổi công, hợp tác xã để làm cho đời sống ngày càng ấm no; đồng thời khẳng định rằng: “Đảng và Chính phủ lúc nào cũng chú ý đến đồng bào vùng cao và ngày càng hết sức chú ý giúp đỡ đồng bào nhiều hơn nữa”[12].

Ngày 8/5/1959, nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đến thăm cán bộ, bộ đội, đồng bào Thuận Châu (Sơn La). Nói chuyện với đồng bào và cán bộ, Người không chỉ khen ngợi tinh thần đoàn kết trong kháng chiến và trong sản xuất của tất cả đồng bào, bộ đội, cán bộ toàn Khu Tây Bắc, mà còn ân cần nhắc nhở đồng bào các dân tộc Thái, Mèo, Mường, mán, Thổ, U Ni, Xá, Phù Lá, Chi La, Puộc, Lào, Lự, Dao, Len Ten, Cò Sung, Xạ Phang, Nhắng… cần phải đoàn kết hơn nữa, thi đua hơn nữa để phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, cải tiến kỹ thuật, vệ sinh phòng bệnh, làm cho bản mường sạch sẽ…; và nhất là “tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui”[13].

Năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển nền kinh tế quốc dân, nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác xã nông nghiệp ở miền núi (8/10/1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh 4 vấn đề đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải thực hiện:

Một là, phải tăng cường đoàn kết dân tộc. Ðây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn. Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số; trong đó, cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải gương mẫu.

Hai là, phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi; cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương chứ không phải là bao biện làm thay.

Ba là, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn cả về vật chất và tinh thần; trong đó, phairchus trọng cả cây trồng và vật nuôi cùng với phát triển nghề rừng.

Bốn là, phải nâng cao cảnh giác cách mạng, giữ vững trật tự trị an, để làm cho tất cả cán bộ và đồng bào tỉnh táo đề phòng, kịp thời ngăn chặn âm mưu phá hoại của địch[14]

Những nội dung quan trọng mà Người ân cần nhắc nhở này không chỉ thể hiện rõ sự quan tâm và trăn trở mà còn cho thấy cả định hướng triển khai những giải pháp, nhiệm vụ trọng yếu để củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc anh em nói riêng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung trong tiến trình cả nước đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược.

Một trong những vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, đó chính là việc thực hiện công tác tư tưởng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Giá trị không thể phủ nhận được của công tác tư tưởng chính là sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động, nhận thức đúng để hành động đúng. Vì vậy, tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi (31/8/1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, huấn luyện ở miền núi, đối với miền núi mà còn yêu cầu những người làm công tác tuyên giáo phải chú ý trong cách tuyên truyền “để người ta hiểu được, hiểu để làm”; trong đó, mọi nội dung tuyên truyền đều không ngoài 3 nội dung chính (đoàn kết; xây dựng chủ nghĩa xã hội; kháng chiến để đòi độc lập).

Đồng thời, Người căn dặn: Cán bộ làm công tác tuyên truyền phải xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành và có tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các ngành, các cấp ở Trung ương “phải nhận trách nhiệm ở Hội nghị này, phải có kế hoạch giúp đỡ thiết thực đồng bào miền núi[15], để “ra sức giúp đỡ đồng bào phát triển những việc có lợi ích cho đời sống vật chất và văn hóa của các dân tộc”, để từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc anh em với nhau, giữa miền núi và miền xuôi…

Năm 1964, khi nói chuyện với đồng bào tỉnh Thái Nguyên và công nhân khu gang thép (1/1/1964) cũng như khi nói tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi (19/3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tập trung nhấn mạnh việc đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, chị em phụ nữ ở các tỉnh miền núi nói riêng phải giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, vì đoàn kết chính là sức mạnh; phải cùng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; phải thanh toán nạn mù chữ, xây dựng nếp sống mới; phải nâng cao cảnh giác và giữ gìn tốt trật tự trị an; nhất là cán bộ phải gần dân và làm đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại đã chứng minh rằng, trong đêm trường nô lệ hay khi đã là chủ nhân của một nước Việt Nam độc lập, tự do, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thì đồng bào các dân tộc thiểu số cũng luôn sát cánh cùng đồng bào Kinh; cũng luôn góp sức người, sức của cho sự nghiệp chung. Đồng thời, cũng có thể thấy rằng, quan điểm nhất quán, rõ ràng, trước sau như một của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số anh em thông qua những bức thư, những lời phát biểu, những buổi gặp gỡ, những chuyến đi thăm đồng bào…đó chính là “đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào“.

Quan điểm này cũng được thể hiện rõ trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hơn 76 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong từng quyết sách về chính sách dân tộc, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, phát triển khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nói riêng, việc triển khai các Chương trình 135 về phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo ở vùng sâu, vùng xa…đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đó chính là thực hiện xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí; tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh… để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh, quốc phòng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đồng thời, quán triệt nguyên tắc đảm bảo bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, các cơ quan ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cùng cấp ủy, chính quyền sở tại đã triển khai các nhóm giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ những vướng mắc, những khó khăn đặc thù của vùng đồng bào dân tộc (dân cư thưa thớt, tập quán sống và canh tác lạc hậu, thậm chí không ít dân tộc còn du canh, du cư) trong điều kiện giao thông bị chia cắt, cách trở do sông núi hiểm trở, lại thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai khắc nghiệt…nhằm thu hẹp khoảng cách vùng, miền. Cùng với đó, cổ vũ, động viên tinh thần tự nỗ lực, tự phấn đấu vươn lên của đồng bào, để không chỉ từng bước nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào mà còn góp phần củng cố và tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số nói riêng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung!.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.249

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.67

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.119

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.130

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.130

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.239

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.249

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.78

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.86

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.371-372

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.453

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.199

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.204

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.225-226

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.168