Học Bác để đổi thay cách nghĩ, cách làm: Công tác kiểm tra, khen thưởng được chú trọng

Ðổi mới hình thức kiểm tra

Minh chứng rõ nét nhất để thấy được chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về học và làm theo Bác đó chính là làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát luôn được Huyện ủy Krông Nô chú trọng đổi mới liên tục.

Trước đây, việc kiểm tra chỉ tập trung theo đợt, mỗi năm 1-2 lần và có báo trước, nên các đơn vị có thời gian chuẩn bị hoặc bổ sung các văn bản còn thiếu. Để khắc phục thực trạng này, thời gian gần đây, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã đổi mới hình thức, đó là phân công cán bộ phụ trách địa bàn kiểm tra đột xuất, không báo trước.

 

 Với việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, người dân thôn Nam Nghĩa, xã Nam Đà
luôn sẵn sàng góp công, góp của để mở rộng đường giao thông nông thôn

Theo bà Trịnh Thị Xuân, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, đối với mỗi địa phương, để xem việc tuyên truyền có đến được với người dân hay không thì cách làm của huyện là gặp người dân và hỏi về những nội dung được nghe về Bác Hồ. Đối với cán bộ, đảng viên, cán bộ Ban trực tiếp đi kiểm tra sổ sách và hồ sơ lưu, nhất là bản đăng ký kế hoạch rèn luyện hàng năm. Do số lượng đảng viên trong mỗi tổ chức cơ sở đông, việc kiểm tra từng người khó, nên mỗi đơn vị, Ban sẽ rút ngẫu nhiên từ 3-5 bản để xem xét, đối chiếu.

Bà Xuân cho biết: “Trước đây, qua kiểm tra, một số tổ chức cơ sở đảng còn tình trạng đảng viên sao chép bản đăng ký, kế hoạch rèn luyện, thậm chí có người trên thì tên mình, nhưng đến phần ký tên lại tên người khác, hoặc có người chức năng, nhiệm vụ được giao khác nhau nhưng rèn luyện, làm theo lại giống nhau. Do đó, việc rút ngẫu nhiên vài bản đăng ký để so sánh và đối chiếu các cá nhân là phù hợp”.

Cũng theo bà Xuân, cùng một nhiệm vụ là làm văn phòng, nhưng mỗi đảng viên có một kế hoạch rèn luyện khác nhau. Có thể phần công việc anh làm giống nhau, nhưng ít ra khác nhau ở đạo đức, lối sống. Hơn nữa, bản đăng ký rèn luyện của mỗi người phải nổi lên điểm riêng của mình, cụ thể và có tính khả thi, nếu chung chung giống nhau thì đến khi đưa ra họp cuối năm rất khó đối chiếu, xác định làm được hay chưa. Do đó, với những trường hợp này, Ban kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, đồng thời đánh giá về vai trò của cấp ủy nơi đảng viên sinh hoạt trước vì thiếu tính kiểm tra.

Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Đảng ủy xã Nam Đà Phạm Ngọc Ánh cho biết: “Hàng năm, trước khi đảng viên nộp đăng ký, kế hoạch rèn luyện, người đứng đầu chi bộ phải xem xét kỹ lưỡng từng mục, từng phần để xem như vậy đã đầy đủ chưa. Những bản đăng ký chưa đạt, xã đều hướng dẫn viết thật cụ thể, gắn với chức trách nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tiễn để làm sao mỗi năm thực hiện một ít, có thể năm nay chưa thật tốt, nhưng sẽ là tiền đề để năm sau tốt hơn”.

Đối với xã Nam Đà, hàng năm Đảng ủy xã đều căn cứ vào bản đăng ký, kế hoạch rèn luyện thực hiện theo Chỉ thị 05 của mỗi đảng viên để đối chiếu xem thực hiện đến đâu, việc nào làm được, chưa làm được để nhắc nhở, góp ý. Trong các cuộc họp chi bộ, người chủ trì đều khuyến khích đảng viên phát huy dân chủ, tự góp ý cho nhau để cùng tiến bộ. Với những việc chưa làm được lần đầu thì sẽ tiếp tục yêu cầu đưa vào lần sau. Nếu năm sau cũng việc này mà tiếp tục không thực hiện được thì sẽ xem xét, đưa vào xếp loại thi đua.

Tương tự, tại xã Đắk Drô, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị 05 đối với cán bộ, đảng viên luôn được sâu sát, cụ thể, đánh giá đúng thực chất, cụ thể với từng đối tượng. Việc đánh giá, góp ý dựa trên tinh thần giúp nhau cùng tiến bộ, không vùi dập, nể nang, né tránh.

 

 Ông Phạm Ngọc Thụy (bên trái), Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ea Sanô, xã Ðắk Drô thường xuyên lắng nghe góp ý của người dân để hoạt động thôn ngày càng tốt hơn

Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 05, công tác kiểm tra, giám sát luôn được các cấp ủy thực hiện nghiêm túc từ huyện đến cơ sở. Từ năm 2017, Huyện ủy đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức cơ sở đảng tự giám sát, báo cáo việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Riêng năm 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đổi mới phương pháp làm việc với phương châm “huyện sát thôn, xã sát từng hộ dân” và thực hiện nghiêm túc “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”. Trong đó, Ban Thường vụ Huyện ủy và các phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND huyện được phần công theo dõi các thôn trong toàn huyện.

Hàng năm, các đồng chí được phân công làm việc với các địa phương ít nhất một lần để nắm bắt tình hình cũng như trực tiếp chỉ đạo, giải quyết khó khăn, bức xúc ngay tại cơ sở, không để kéo dài cũng như tăng cường đối thoại trực tiếp với dân. Đối với bản cam kết, mỗi đảng viên chọn một số nội dung cụ thể gắn với chuyên đề đăng ký thực hiện và gửi bản cam kết cho bí thư chi bộ xác nhận. Hàng tháng, chi bộ đánh giá việc làm theo và cuối tháng đánh giá mức độ thực hiện của đảng viên so với bản cam kết trước khi xếp loại đảng viên cuối năm.

Khen thưởng kịp thời, đúng lúc

Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát, các tổ chức cơ sở đảng huyện Krông Nô còn chú trọng đến công tác khen thưởng bởi khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời lại có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc biểu dương và phát huy sức mạnh của những tấm gương “Người tốt, việc tốt” bằng cách kịp thời khen thưởng, động viên khuyến khích nhằm phát huy cái tốt để lấn át cái xấu, xây dựng con người mới, làm cho xã hội ngày một tiến bộ. Thấm nhuần lời dạy của Bác, hàng năm vào dịp 19/5, ngoài việc khen thưởng cho các cá nhân, tập thể, Huyện ủy còn duy trì việc khen thưởng chuyên đề này.

Theo thống kê, trong 4 năm qua, toàn huyện đã khen thưởng cho 73 tập thể và 117 cá nhân; trong đó cấp huyện khen 42 tập thể và 77 cá nhân và đề nghị tỉnh khen thưởng cho 4 tập thể và 6 cá nhân. Hầu hết các cá nhân, tập thể được khen thưởng đều phát huy tốt hơn nữa những việc làm của mình và được người dân đánh giá cao.

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Nô Trịnh Thị Xuân cho biết: “Mỗi năm, số tập thể, cá nhân học và làm theo Bác rất nhiều, nên nếu cấp huyện khen thưởng thôi thì không thể khen hết được. Do đó, các cấp cơ sở cũng cần khen thưởng cho tập thể, cá nhân trên địa bàn mình, xem đây là sự ghi nhận của cấp ủy đảng để tiếp tục nỗ lực, cố gắng làm theo Bác nhiều hơn”.

Bí thư Đảng ủy xã Nam Đà Phạm Ngọc Ánh cũng nói: “Xã chúng tôi duy trì chào cờ đầu tuần và đều biểu dương những tập thể, cá nhân đã tích cực học và làm theo Bác. Có thể chỉ là những việc nhỏ như giúp hộ nghèo bữa cơm hay nhặt được của rơi trả người đánh mất, nhưng giúp cho người được khen thấy được sự quan tâm để tiếp tục có những việc làm tốt. Còn những người khác lại soi mình học tập, nhắc nhở bản thân cần phải học Bác, làm theo Bác nhiều hơn”.

Đặc biệt, với những trường hợp có những hành động, nghĩa cử cao đẹp thì khi phát hiện, các cấp, ngành đều khen thưởng đột xuất kịp thời. “Có thể giá trị mỗi phần thưởng không lớn, nhưng tờ giấy khen đó lại động viên tinh thần to lớn. Cầm tờ giấy khen, treo nơi trang trọng chính là lời nhắc nhở để mỗi ngày đều học và làm theo Bác nhiều hơn. Do đó, chúng tôi luôn nhắc nhở các tổ chức, đơn vị khi phát động một phong trào gì cũng cần phải có sơ kết, có khen thưởng để động viên tinh thần, đó mới là việc làm thiết thực. Bởi chúng ta có phê bình, có nhắc nhở, có kỷ luật thì cần phải có khen thưởng”, bà Xuân cho biết thêm.

Để bảo đảm tính khách quan, công tâm, khen đúng người, đúng việc, Huyện ủy yêu cầu các tổ chức cơ sở đảng không khen chung chung, đề xuất ai khen ngay người đó mà phải được thẩm định, kiểm tra thực tế, thậm chí sẽ khảo sát ý kiến người dân về việc làm của tập thể, cá nhân đó để người được khen cảm thấy vinh dự, bà con xung quanh cảm thấy hài lòng. Trong quá trình khen thưởng, huyện cũng chú trọng đến đối tượng là cấp dưới, người dân, hạn chế khen thưởng cán bộ, lãnh đạo.

Bài, ảnh: Hoàng Hoài

Theo http://baodaknong.org.vn