Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh*

Vào nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Chỉ chín nước đế quốc (1) đã chi phối toàn bộ tình hình thế giới. Phần lớn các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đã trở thành thuộc địa hoặc phụ thuộc của chúng. Nhân dân các nước thuộc địa bị chủ nghĩa thực dân tước hết những giá trị văn hoá, tinh thần, quyền lợi kinh tế và địa vị xã hội… Mạng sống của người dân thuộc địa “không đáng một trinh” (2) . Cùng với mâu thuẫn cơ bản trong xã hội tư bản – mâu thuẫn giữa vô sản và tư sản, chủ nghĩa đế quốc làm phát sinh một mâu thuẫn mới – mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc thực dân. Mâu thuẫn này ngày càng gay gắt. Vì vậy, từ đầu thế kỷ XX phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa ngày càng phát triển, nhưng chưa ở đâu giành được thắng lợi.

Trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc, Lênin đã phát triển chủ nghĩa Mác thành chủ nghĩa Mác – Lênin. Sự xuất hiện chủ nghĩa Lênin là một nhân tố đặc biệt quan trọng đối với việc ra đời và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ nghĩa đế quốc và sự tranh chấp thuộc địa giữa chúng là nguyên nhân gây ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918). Cuộc chiến tranh hao người tốn của ấy đã khơi sâu, làm gay gắt thêm mâu thuẫn giữa các nước tư bản chủ nghĩa, làm cho chủ nghĩa tư bản thế giới suy yếu, tạo điều kiện cho Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga giành được thắng lợi. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, mở ra thời đại mới của lịch sử loài người – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời, Nhà nước Xôviết ra đời làm nảy sinh một mâu thuẫn mới mang tính thời đại – mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Những nhân tố quốc tế nêu trên đã tạo những tiền đề và điều kiện cơ bản thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam phát triển với xu hướng và tính chất mới.

2. Tình hình Việt Nam

Giữa thế kỷ XIX (1858), Việt Nam từ một quốc gia phong kiến độc lập đã bị chủ nghĩa tư bản Pháp xâm lược, trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản Pháp đã làm nảy sinh trong xã hội Việt Nam hai giai cấp mới: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, bị mất độc lập tự do, nhân dân ta không ngừng nổi lên chống lại chúng.

Kể từ khi triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Patơnốt (6-6-1884) chịu sự bảo hộ của đế quốc Pháp, trừ một số ít người cam tâm làm tay sai cho giặc, còn đại đa số nhân dân vẫn nung nấu ý chí căm thù và chờ thời cơ vùng lên tự giải phóng. Lớp lớp sĩ phu và đồng bào yêu nước đã liên tục đứng lên chiến đấu giành lại độc lập. Song, những kinh nghiệm lịch sử chống ngoại xâm không phát huy được tác dụng trước một kẻ thù mới – chủ nghĩa đế quốc. Các phong trào kháng chiến đều bị dìm trong máu, lửa. Sau thất bại của phong trào Cần Vương và các phong trào cứu nước theo hệ tư tưởng tư sản, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng đường lối. Cả dân tộc chìm đắm trong đêm dài nô lệ, tưởng chừng như không có đường ra.

Từ những bối cảnh quốc tế và trong nước nêu trên, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và từng bước hình thành tư tưởng của mình, đáp ứng đòi hỏi bức thiết của dân tộc và thời đại.

II. NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

1. Những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trước hết là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống cần cù lao động, anh dũng chiến đấu trong dựng nước và giữ nước, truyền thống đoàn kết, sống có tình, có nghĩa, nhân ái Việt Nam. Trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam thì chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu xuyên suốt lịch sử dân tộc.

Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành động lực, sức mạnh truyền thống, đạo lý làm người, niềm tự hào và là nhân tố hàng đầu trong bảng giá trị tinh thần của con người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (3) .

Chính sức mạnh truyền thống ấy đã thúc giục Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Đó là động lực chi phối mọi suy nghĩ, hành động của Người trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng. Đó cũng chính là cơ sở tư tưởng đã dẫn dắt Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Hồ Chí Minh viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” (4) .

2. Tinh hoa văn hoá nhân loại: phương Đông và phương Tây

Cùng với chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Đông. Người cũng đã tiếp thu và kế thừa có phê phán tư tưởng dân chủ, nhân văn của văn hoá Phục hưng, thế kỷ Ánh sáng, của cách mạng tư sản phương Tây và cách mạng Trung Quốc.

Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh được theo học chữ Nho với các thầy vốn là những nhà Nho yêu nước. Đạo đức Nho giáo thấm vào tư tưởng tình cảm của Người không phải là những giáo điều “tam cương”, “ngũ thường” nhằm bảo vệ tôn ti trật tự phong kiến, mà tinh thần “nhân nghĩa”, đạo “tu thân”, sự ham học hỏi, đức “khiêm tốn”, tính “hoà nhã”, cách đối nhân xử thế “có lý, có tình”. Những mệnh đề “trung hiếu”, “nhân nghĩa”, “tứ hải giai huynh đệ”, “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, phương châm “khắc kỷ phục lễ”,… của các nhà hiền triết phương Đông được Hồ Chí Minh hết sức trân trọng. Trong khi tiếp thu, vận dụng những yếu tố tích cực của Nho giáo, Người cũng đồng thời phê phán loại bỏ những yếu tố thủ cựu, tiêu cực của nó.

Trước khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng dân chủ tư sản Pháp, Mỹ, đặc biệt là tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn (Trung Quốc)… Người đã vận dụng và phát triển các trào lưu tư tưởng học thuyết ấy lên một trình độ mới phù hợp với dân tộc và thời đại mới.

Như vậy, trong quá trình hình thành phát triển tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh đã kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hoá phương Đông phương Tây, nâng lên một trình độ mới trên cơ sở phương pháp luận mácxít lêninnít.

3. Chủ nghĩa Mác – Lênin

Từ khi rời Tổ quốc (1911) cho đến năm 1917, Hồ Chí Minh đã đến nhiều nước thuộc địa và nhiều nước tư bản đế quốc. Trong khoảng thời gian đó, Hồ Chí Minh được bổ sung thêm những nhận thức mới về những gì ẩn dấu đằng sau các từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái mà vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên Người đã nghe. Khoảng cuối năm 1917, khi trở lại Pari, Hồ Chí Minh đã làm quen với nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội của nước Pháp và nhiều nước trên thế giới. Năm 1919, Hồ Chí Minh tham gia Đảng Xã hội Pháp (SFIO), một đảng tiến bộ lúc bấy giờ thuộc Quốc tế II.

Việc Hồ Chí Minh tiếp thu bản Luận cương của Lênin tháng 7-1920 và trở thành người cộng sản vào cuối năm đó đã tạo nên bước ngoặt căn bản trong tư tưởng của Người. Thế giới quan và phương pháp luận Mác – Lênin đã giúp Hồ Chí Minh nhìn nhận, đánh giá phân tích tổng kết các học thuyết, tư tưởng, đường lối các cuộc cách mạng một cách khoa học; cùng với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình để đề ra con dường cách mạng giải phóng dân tộc đứng đắn.

Chủ nghĩa Mác – Lênin là nguồn gốc lý luận cơ sở chủ yếu nhất của sự hình thành phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

4. Tài năng và hoạt động thực tiễn sáng tạo của Hồ Chí Minh

Lý luận tư tưởng bao giờ cũng là sản phẩm của con người, do con người sáng tạo ra trên cơ sở nhận thức các nhân tố khách quan.

Ngay từ khi còn trẻ, Hồ Chí Minh đã có hoài bão lớn, có bản lĩnh kiên định, giàu lòng nhân ái và sớm có chí cứu nước, tự tin vào mình.

Tư chất thông minh, tư duy độc lập, sáng tạo tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới là những đức tính dễ thấy ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Phẩm chất đó được rèn luyện, phát huy trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nhờ vậy, giữa thực tiễn phong phú và sinh động, giữa nhiều học thuyết, quan điểm khác nhau, giữa biết bao tình huống phức tạp, Hồ Chí Minh đã tìm hiểu, phân tích tổng hợp, khái quát hình thành những luận điểm đúng đắn và sáng tạo, hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Cũng như môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh mới chỉ được bắt đầu nghiên cứu, tuy vậy, đến nay đã có tới mấy chục khái niệm về tư tưởng Hồ Chí Minh. Kế thừa thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học căn cứ vào các văn kiện của Đảng thì tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước lao kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.

III- QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

1 . Từ nhỏ đến khi ra đi tìm đường cứu nước trước tháng 6/1911

Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan. Xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước từ thuở nhỏ, Hồ Chí Minh đã hấp thụ truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, nền văn hiến của nước nhà và những tinh hoa văn hoá phương Đông, Người lại được hưởng nền giáo huấn yêu nước, thương nòi của gia đình, truyền thống đấu tranh bất khuất của đất Lam Hồng.

Đất nước, quê hương, gia đình và nhà trường đã hình thành nên ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành một nhân cách giàu lòng yêu nước, nhân ái, thương người, có hoài bão cứu nước và thấu hiểu được sức mạnh ý chí độc lập tự cường của dân tộc. Vốn có tư chất thông minh, linh khiếu chính trị sắc sảo, với ý chí lớn tìm đường cứu nước, cứu dân. Người không đi theo con đường phong kiến, lối mòn của các bậc tiền bối. Người nói: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi nghe những tiếng Pháp “tự do, bình đẳng, bác ái”. Thế là tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những từ mĩ miều ấy. Vì thế tôi nảy ra ý muốn sang xem “Mẫu quốc” ra sao và tôi tới Pari để học hỏi”.

Hành trang tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh là tri thức ban đầu rất quan trọng về văn hoá Đông – Tây và lòng yêu nước nhiệt thành với chí hướng rõ rệt: trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc con đường cứu nước của các nhà yêu nước lớp trước.

2. Thời kỳ tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, trở thành người cộng sản (1911 – 1920)

Tháng 7-1911, Hồ Chí Minh đặt chân lên đất Pháp. Tiếp đó Người còn đến nhiều nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và các nước đế quốc như Mỹ, Anh để nghiên cứu và tìm lời giải đáp cho câu hỏi lúc ra đi. Cuộc hành trình vạn dặm ấy đã giúp Người tìm ra mọi cội nguồn những khổ đau của nhân loại là các nước đế quốc “chính quốc”.

Giữa lúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất ở vào thời kỳ ác liệt cuối năm 1917, Người từ nước Anh trở lại nước Pháp. Ngày 11-1917, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười nổ ra và thắng lợi, Hồ Chí Minh có cảm tình sâu sắc với cuộc cách mạng ấy và với lãnh tụ Lênin.

Chiến tranh kết thúc năm 1919, các nước đế quốc họp hội nghị ở Vécxây (Pháp). Thực chất của hội nghị là các nước thắng trận chia lại thuộc địa được dấu dưới những lời lẽ “tự do”, “công bằng”, “nhân đạo”, theo chương trình 14 điều của Uynxơn – Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ.

Thay mặt nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến hội nghị “Yêu sách của nhân dân An Nam” đòi các cường quốc thừa nhận quyền tự do, dân chủ, bình đẳng cho dân tộc Việt Nam. Qua hội nghị Vécxây, Hồ Chí Minh rút ra kết luận: ““Chủ nghĩa Uynxơn” chỉ là một trò bịp bợm lớn” (6) ; các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức lực của bản thân mình. Nhờ nhận thức rút ra từ thực tiễn gần 10 năm lăn lộn tìm đường cứu nước nên khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin (7-1920), Hồ Chí Minh tìm thấy những lời giải đáp đầy thuyết phục cho những câu hỏi của mình. Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” (7) . Đến đây, Hồ Chí Minh khẳng định con đường cứu nước của mình: giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp vô sản. Hồ Chí Minh rời bỏ Đảng Xã hội theo quan điểm Đệ nhị quốc tế để đến với Quốc tế III – Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập (3-1919).

Tháng 12-1920, đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp gắn liền với việc Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản đánh dấu bước ngoặt trong quá trình phát triển tư tưởng và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người chủ nghĩa yêu nước chân chính đã gặp chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính.

3. Thời kỳ tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành về cơ bản (1920-1930)

Những năm bôn ba, lăn lộn trong phong trào yêu nước, phong trào công nhân “chính quốc” và các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh đã mở rộng quan hệ xã hội và tri thức của mình. Nhờ thông hiểu nhiều ngoại ngữ và giao tiếp rộng với nhiều bạn bè quốc tế mà Người tiếp thu được kiến thức cổ, kim, đông, tây, nắm được cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin. Do tích cực tham gia các hoạt động quốc tế và các buổi sinh hoạt lý luận bàn về chiến lược sách lược cách mạng thế giới, qua thực tiễn công tác, tổng kết kinh nghiệm nhiều cuộc cách mạng, Hồ Chí Minh đã tích lũy được nhiều tri thức cách mạng, dần dần trong tư duy của Người hình thành nên một luận điểm đúng đắn: Giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp vô sản và các dân tộc thuộc địa, giải phóng nhân loại. Cũng từ đó, lý luận, chiến lược cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, đã từng bước hình thành trong tư duy Hồ Chí Minh.

Từ khi trở thành người cộng sản, cùng với việc thực hiện những nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Nông dân…, Hồ Chí Minh đã truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng của mình về nước chuẩn bị cho việc thành lập một Đảng cộng sản ở Việt Nam. Các bài viết trên báo Người cùng khổ (1922), báo Thanh niên (1925), báo Nhân đạo, Tạp chí Cộng sản, Đời sống thợ thuyền, Thông tin quốc tế, các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Cách mệnh (1927),… của Hồ Chí Minh là những công cụ quan trọng trong việc giáo dục những người Việt Nam yêu nước từng bước chuyển từ yêu nước truyền thống thành yêu nước theo lập trường cách mạng vô sản.

Từ giữa những năm 20 của thế kỷ XX, do việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin của Hồ Chí Minh, phong trào cách mạng Việt Nam có những chuyển biến mạnh mẽ. Bên cạnh những đảng theo xu hướng tư tưởng tư sản đã xuất hiện nhiều tổ chức cách mạng từ sau đại hội lần thứ nhất của đội Việt Nam cách mạng thanh niên (5-1929) ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam ra đời: Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929), An Nam Cộng sản Đảng (9-1929) và Đông Dương Cộng sản liên đoàn (l-1930).

Trước tình hình ở Đông Dương có các tổ chức cộng sản xuất hiện, ngày 28-11-1929, Quốc tế Cộng sản đã có nghị quyết về việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3-2-1930.

Hội nghị hợp nhất đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh soạn thảo.

Các văn kiện quan trọng nói trên đã trở thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Trong Cương lĩnh đầu tiên của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định Việt Nam là một nước thuộc địa, nửa phong kiến, “vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thế mở mang được”… “nông nghệ một ngày một tập trung… nông dân thất nghiệp nhiều” (8) . Đánh giá về giai cấp tư sản dân tộc và giai cấp địa chủ, Chánh cương vắn tắt có sự phân biệt rõ ràng: “Tư bản bản xứ không có thể lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được, chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa”. Đây là một sự đánh giá hết sức khách quan, chân thực, không hề bị chi phối của tư tưởng giáo điều hay “tả” khuynh. Từ thực tế đó, Đảng chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” (9) .

Như vậy, ngay từ khi Đảng ra đời, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, phân tích đúng đắn đặc điểm của xã hội, sắp xếp đúng vị trí của từng giai cấp, tầng lớp và cá nhân trong lực lượng cách mạng, tạo điều kiện cho Đảng vừa ra đời đã nắm trọn quyền lãnh đạo cách mạng.

Với cột mốc lịch sử ngày 3-2-1930, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam đã hình thành về cơ bản.

4. Thời kỳ Hồ Chí Minh gặp những khó khăn, thử thách và sự kiên định của Người về cách mạng Việt Nam (1930-1941)

Những đường lối, chủ trương mà Hồ Chí Minh vạch ra trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện Việt Nam. Trong sự vận dụng sáng tạo đó có những vấn đề thuộc lý luận, chiến lược cách mạng vô sản ở nước thuộc địa mà Lênin cũng như Quốc tế Cộng sản có đề cập nhưng chưa đi sâu. Hơn nữa, vào cuối những năm 20, nửa đầu những năm 30 của thế kỷ XX. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bị chi phối bởi những sai lầm tả khuynh, tư tưởng biệt phái, hẹp hòi. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản (9-1928).

Mặt khác, Quốc tế Cộng sản vì không sát tình hình các nước thuộc địa, nên đã phê phán đường lối cách mạng Việt Nam do Hồ Chí Minh vạch ra.

Tuy bị phê phán, song đường lối cách mạng của Hồ Chí Minh đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn. Đó là cơ sở để Thường vụ Trung ương ra chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh (18-l l-1930), tiếp đó là Chỉ thị về vấn đề thanh Đảng ở Trung kỳ (20-5-1931). Những chỉ thị này đã uốn nắn quan điểm xa rời thực tiễn Việt Nam, làm cho toàn Đảng thấy được sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và vai trò của Mặt trận phản đế trong sứ mệnh đoàn kết toàn dân đưa cách mạng đến thắng lợi.

Phải đến Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (7-1935), trước nguy cơ của chủ nghĩa phátxít và chiến tranh thế giới mới, khi Quốc tế Cộng sản đã nghiêm khắc tự phê bình về những sai lầm “tả” khuynh trong Nghị quyết Đại hội VI của mình, thì những quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, về đoàn kết các lực lượng cách mạng chống đế quốc đã trình bày trong Cương lĩnh mới được Quốc tế Cộng sản thừa nhận.

Cuối tháng 9-1939, Quốc tế Cộng sản đã quyết định điều động Người về công tác ở Đông Dương. Sau gần 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28-1-1941 Hồ Chí Minh vượt qua cột mốc 108 trên biên giới Việt – Trung về nước. Đây là điều kiện thuận lợi để Hồ Chí Minh biến tư tưởng của mình thành sức mạnh quần chúng đưa cách mạng đến thắng lợi.

5. Thời kỳ Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thời kỳ phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh (1941-1969).

Đây là thời kỳ tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của đảng về cơ bản là thống nhất.

Tháng 5-1941, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị trung ương lần thứ 8 của Đảng. Quan điểm chủ đạo của hội nghị này là nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Người kêu gọi: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đảng cứu giống nòi rút khỏi nước sôi lửa nóng”. Đồng thời, ngày 19-5-1941, Hồ Chí Minh sáng lập ra Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, không phân biệt dân tộc, giai cấp, đảng phái, tôn giáo v.v… nhằm đoàn kết mọi lực lượng yêu nước chống đế quốc giành độc lập dân tộc. Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 8 và Chương trình của Việt Minh cùng với Kính cáo đồng bào của Hồ Chí Minh ngày 6-6-1941, là những chủ trương, chính sách hợp lòng dân đã quy tụ toàn dân dưới ngọn cờ của Đảng do Hồ Chí Minh lãnh đạo, đưa Cách mạng tháng Tám 1945 đến thắng lợi.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) tuyên bố nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Đó là nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền về nhà nước của dân, do dân, vì dân có bước phát triển mới.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của ý chí độc lập tự chủ tự lập tự cường của dân tộc Việt Nam và là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Nhân dân ta hưởng độc lập chưa được bao ngày thì thù trong giặc ngoài câu kết với nhau đẩy nước nhà lâm vào cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”… Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai với chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Tháng 2-1951, cuộc kháng chiến đang trên đà thắng lợi, Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành trung ương đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đại hội khẳng định đường lối do Hồ Chí Minh vạch ra từ ngày thành lập Đảng, tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”.

Đường lối đúng đắn mà Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng vạch ra đã dắt dẫn nhân dân ta tiến lên làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Hoà bình được lập lại nhưng đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Nắm vững bản chất của chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã sớm xác định kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là chủ nghĩa đế quốc Mỹ; đồng thời vạch ra đường lối cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: miền Nam tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc, dân chủ; miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng, từng bước tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa, nửa phong kiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản. Trong điều kiện ấy tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển và hoàn thiện.

Trước thất bại của chiến tranh đặc biệt, năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Chúng ào ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam, tăng cường chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên miền Bắc, hòng khuất phục quân và dân ta. Trước hành động leo thang xâm lược hết sức tàn bạo của đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (10) .

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, đồng bào và chiến sĩ cả nước phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng giữ vững lòng tin tưởng tuyệt đối với Người và Trung ương Đảng, nêu cao quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Trong Di chúc, Người đã nói lên niềm tin tất thắng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; tổng kết sâu sắc những bài học đấu tranh và thắng lợi của cách mạng Việt Nam; đồng thời đề ra những phương sách lớn để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh nhằm thực hiện mục tiêu: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (11) .

Di chúc là những lời căn dặn cuối cùng đầy nhiệt huyết, thắm đượm tình người của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một di sản tư tưởng vô cùng quý báu của dân tộc và nhân loại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành, phát triển cùng chiều với quá trình phát triển của xã hội Việt Nam và thời đại. Khi đã phát triển hoàn chỉnh về cơ bản, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn cho đường lối chính trị đúng đắn của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần quý báu của dân tộc và nhân loại.

_____________

Chú thích:

* Theo Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị – Hành chính, 2011.

(1) Chín nước đế quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Nhật Bản, Bỉ, Bồ Đào Nha, Hà Lan) với số dân 320.657.000 người, với diện tích 11.407.606 cây số vuông thống trị và bóc lột các nước thuộc địa gồm hàng chục dân tộc với số dân 560.193.000 người trên diện tích 55.637.000 cây số vuông (Xem, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t.1, tr.277).

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t.2, tr.59.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.171.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.128.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2001, tr.83.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.674.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.127.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.1.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.1.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.108.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.512.