Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nông dân tỉnh Bắc Kạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Ý NGHĨA “TỰ MÌNH”
Năm 1927, trong sách Đường cách mệnh, khi bàn về tư cách một người cách mệnh, Hồ Chí Minh đề cập 3 mối quan hệ: Tự mình phải, đối người phải, làm việc phải.
Tháng 2/1947, trong Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Người đề cập cán bộ phải có 5 mối quan hệ: Mình đối với mình, mình đối với đồng chí mình, mình đối với công việc, đối với nhân dân, đối với đoàn thể.
Năm 1948, khi viết về Tư cách người Công an cách mệnh, Người đề cập 6 mối quan hệ: Đối với tự mình, đối với đồng sự, đối với Chính phủ, đối với nhân dân, đối với công việc, đối với địch.
Đúc kết lại, mỗi người phải xử sự, xử thế các mối quan hệ: tự mình, đối với người, đối với việc. Đáng lưu ý là trong tất cả các mối quan hệ trên dù bất cứ ở thời kỳ nào, Hồ Chí Minh đều đặt “đối với tự mình” lên trên hết. Vì sao như vậy?
Có nhiều cách cắt nghĩa, lý giải khác nhau, nhưng chắc chắn có mấy lý do cơ bản: một là, tự mình là rất khó. Tự “mổ xẻ” mình đâu có dễ. Kẻ thù ở trong mình không thể dùng lựu đạn, gươm giáo để tiêu diệt. Hai là, con người – nhất là cán bộ, đảng viên – thường mắc các chứng bệnh như tự cao tự đại, ưa người ta nịnh mình, do lòng yêu ghét của mình mà đối với người, đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Ba là, “đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta thì trước phải biết đúng sự phải trái ở mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”(1).
Khi bàn về các đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Hồ Chí Minh chỉ bảo rằng mình không Cần mà bảo người khác Cần là vô lý. Mình không Kiệm mà bảo người khác Kiệm là vô lý. Mình không Liêm mà bảo người khác Liêm là vô lý. Mình không Chính mà bảo người khác Chính là vô lý.
Về lý luận và thực tiễn, “đối với tự mình” là nói đến yếu tố chủ quan, yếu tố bên trong, còn “đối với người” là nói đến yếu tố khách quan, yếu tố bên ngoài. Triết học mácxít chỉ rõ rằng yếu tố chủ quan, yếu tố bên trong bao giờ cũng là yếu tố đóng vai trò quyết định.
Tục ngữ có câu: “Việc đời không gì khó, chỉ sợ chí không bền”. Vì vậy, đối với mọi việc, nói dễ thì dễ, nói khó thì khó. Hồ Chí Minh đúc kết: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.
Từ khi chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời do C. Mác và Ph. Ăngghen soạn thảo cách ngày nay 174 năm, các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá. Ngày nay, chúng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Tuyệt đối không được đánh giá thấp âm mưu và thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, nhưng chúng ta phải nhận thức có hàm lương khoa học và cách mạng rằng “diễn biến hòa bình” không đáng sợ bằng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chúng ta đều biết rằng không có kẻ thù nào bảo chúng ta tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Những bệnh tật đó là do chính chúng ta tạo ra. Vì vậy, có thể nói rằng không kẻ thù nào bôi nhọ được chúng ta, ngoại trừ tự mình bôi nhọ mình; không kẻ thù nào tiêu diệt được chúng ta, ngoại trừ chúng ta tự tiêu diệt mình bằng chính sự tha hóa, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. V.I. Lênin viết: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta… Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ, thì tất cả sẽ sụp đổ”(2).
Hồ Chí Minh dạy chúng ta: “Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý”(3). Người nói rõ hơn: “Muốn đánh thắng chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù trên thế giới, muốn đánh thắng thực dân phong kiến là kẻ thù trong nước thì trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình. Phải “chính tâm tu thân” mới có thể trị quốc bình thiên hạ”(4).
Như vậy vấn đề đã rõ ràng: “Vận mệnh nước ta ở trong tay ta. Chúng ta đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, thì chúng ta nhất định thắng lợi”(5).
ĐẢNG CHÂN CHÍNH CÁCH MẠNG PHẢI TỰ SOI, TỰ SỬA
“Tự mình” như đã phân tích có thể cá nhân, có thể tổ chức để phân biệt “đối với người”, “đối với việc”. Trong di sản của mình, Hồ Chí Minh quan tâm cả cá nhân và tổ chức trong việc tự rèn, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh, tự vượt lên chính mình. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, viết về tư cách của Đảng chân chính cách mạng, Hồ Chí Minh nêu lên 12 điều và khẳng định Đảng muốn được vững bền thì không được quên điều nào. Điều 12 bàn tới bản thân Đảng “phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(6).
Mặt khác, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra”(7). Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Vấn đề là Đảng dám tự phê bình, không dám tự phê bình như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. “Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!”(8). Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính. Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình, tức là “quan liêu hóa”, tức là tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”(9).
Trong đổi mới, nhận thức rõ ý nghĩa to lớn, sâu xa của tự soi, tự sửa, Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình”(10). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) viết: “Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên”(11).
Trong đổi mới, nhận thức rõ ý nghĩa to lớn, sâu xa của tự soi, tự sửa, Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình”. |
CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ SOI, TỰ SỬA
Vì sao cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự rèn, tự tu dưỡng, tự điều chỉnh, tu thân, tự vượt lên chính mình? Vì đảng viên, cán bộ trong sạch, vững mạnh thì Đảng trong sạch, vững mạnh. Mặt khác, cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền thường có nhiều hoặc ít quyền hành, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm, không giữ được đạo đức cách mạng thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân, ăn của đút, “dĩ công vi tư”. Nguy hiểm nhất là tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, đến nhân dân. Đảng viên hư hỏng sẽ đưa quần chúng đến hư hỏng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự thực hành cần kiệm liêm chính để làm kiểu mẫu cho dân.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức được rằng người đời không phải thánh thần, ai cũng có phần thiện, ác ở trong lòng. Vấn đề là ở chỗ phải tự soi, tự sửa, kiên quyết chống lại cái ác, những gì cũ kỹ, hư hỏng. Bác Hồ dạy: “Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích… Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công việc gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, có được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”(12).
Vừa qua, Đảng ta ra nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định phục vụ cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng. Ví như Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021, Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm. Đảng có những kết luận, nghị quyết, quy định như thế là rất cần thiết để giúp đảng viên trong tu dưỡng rèn luyện.
Đảng viên, cán bộ phải tự giác, thường xuyên, hằng ngày, suốt đời tự soi, tự sửa như chuyện rửa mặt hằng ngày. Là đảng viên, cán bộ có “hai con người” trong một con người. Làm đảng viên cộng sản tức làm người có trình độ cao, nhưng vẫn trên cái nền “làm người”. Trước khi trở thành đảng viên, họ là con người bình thường. Khi là đảng viên, họ vừa phải có chất đảng viên vừa có “chất người”, “trình độ người”. Đảng viên phải có cái chất của người đảng viên trên cái nền “làm người”. Khi chưa phải là đảng viên mà đổ vỡ tư cách làm người, thiếu nhân tính là đổ vỡ tất cả. Thiếu một đức thì không thành người như Bác Hồ đã dạy. Nhưng khi là đảng viên, cán bộ và lãnh tụ thì phải thấy “khác với những người thường. Họ là những người chiến sĩ tiên phong của giai cấp, của dân tộc. Vì vậy, họ hoàn toàn không được đại biểu cho lợi ích cá nhân, mà phải đại biểu cho lợi ích của dân tộc, của giai cấp”(13).
Đảng viên, cán bộ phải thấy rõ, đầy đủ, sâu sắc mối quan hệ “hai trong một”. Là đảng viên, phải tự soi, tự sửa để giữ vững đạo đức cách mạng, cao nhất là chí công vô tư. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tự soi, tự rèn, tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của nhân để lại sau. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng, là Đảng tính.
Đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn, tự điều chỉnh, tự giáo dục, tự vạch ra khuyết điểm, tự vượt lên chính mình, tu thân chính tâm một cách tự giác, thành thực không nên chỉ vì “tấm chắn” của những điều đảng viên không được làm, mà còn phải vì đạo lý, lương tâm. Có những điều rất quan trọng, đó là nhân văn, nhân tính. “Pháp trị” nhưng phải có “đức trị”. Văn hóa phương Đông đề cao đạo đức. Tấm gương của Bác và nhiều cán bộ, đảng viên thời Bác qua phong cách, tác phong, việc làm, hành động, cử chỉ có sức mạnh lan tỏa, truyền cảm hứng tới cả dân tộc. Vô cùng thiêng liêng, sâu xa và cao quý!
Tự soi, tự sửa là để mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng không? Nếu không có lợi mà có hại cho nước, cho dân thì quyết không làm.
Tự soi tự sửa là để tránh tự kiêu, tự đại, vì tự kiêu, tự mãn như cái chén, cái đĩa cạn, một chút nước cũng tràn đầy vì độ lượng nó hẹp. Đảng viên phải như sông to, biển rộng, bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu.
Tự soi, tự sửa là để luôn luôn chân thành, khiêm tốn, thật thà đoàn kết, phải học và giúp người tiến bộ. Không nịnh hót người trên. Không xem thường người dưới.
Đảng viên phải ghi tạc rằng, cùng với những điều đảng viên không được làm theo Quy định, Điều lệ Đảng, còn có nhiều điều đảng viên không được làm do lương tâm, đạo đức cắn rứt không cho phép làm; đạo lý dân tộc không cho phép làm. Đó mới là thiêng liêng, sâu xa, bền vững, tạo niềm tin vững chắc. Đảng viên trung thành với Đảng còn phải trung thành với đất nước, dân tộc, có trách nhiệm với chính bản thân mình.
Tự soi, tự sửa là để mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh.
Tự soi, tự sửa là để tránh tự kiêu, tự đại, vì tự kiêu, tự mãn như cái chén, cái đĩa cạn, một chút nước cũng tràn đầy vì độ lượng nó hẹp. Đảng viên phải như sông to, biển rộng, bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu.
Tự soi, tự sửa là để luôn luôn chân thành, khiêm tốn, thật thà đoàn kết, phải học và giúp người tiến bộ. Không nịnh hót người trên. Không xem thường người dưới.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vừa qua suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vì không chịu tự soi, tự sửa, tự rèn, tự phê bình, tự giáo dục, tự vạch ra khuyết điểm, tự điều chỉnh, tự chỉ trích, tự vượt lên chính mình, tu thân chính tâm hằng ngày, suốt đời, việc lớn việc nhỏ một cách tự giác, thật sự. Họ rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, vừa không có cái chất của người đảng viên cộng sản vừa không có nhân tính, đổ vỡ tư cách làm người, đổ vỡ tư cách đảng viên./.
____________________
(1) (6) (7) (8) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.317.
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, t. 41, tr. 311, 290, 301, 301, 303.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.82.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.142.
(5) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.191, 28.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1999, tr.60.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.64.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.291.
PGS. TS. Bùi Đình Phong
Theo https://www.tuyengiao.vn