V.I. Lênin khẳng định rằng, “tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn”[1]. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhấn mạnh “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[2]. Vì thế, tự phê bình là vũ khí sắc bén, là thang thuốc hữu hiệu, đồng thời là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng, là việc làm thường xuyên trong Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của từng tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng, uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tự phê bình và phê bình là “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ”
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các học viên dự lớp bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội (14/5/1966)
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tự phê bình và phê bình là cuộc đấu tranh giữa giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái đúng và cái sai trong bản thân mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên và trong từng tổ chức cơ sở Đảng. Vì thế, mục đích chính của việc thực hiện nguyên tắc này là “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn”, là “cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ” để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất. Cho nên, khi tiến hành nguyên tắc này, cả người tự phê bình và người bị phê bình đều phải “kiên quyết, ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt” trên “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Về thực chất, muốn xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiệu quả thì “các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”[3], – nghĩa là phải thực hiện “thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình” này thường xuyên, nghiêm túc chứ không phải là chờ đến khi có việc mới tiến hành, có khuyết điểm mới thực hiện để kiểm thảo và truy phạt.
Với ý nghĩa đó, mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên đều phải tự phê bình, trong đó không chỉ “nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của mình”, mà còn phải “thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”; đều phải phê bình, trong đó không chỉ dừng lại ở việc “phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm” của đồng chí mình, mà còn phải đồng thời đưa cách thức giúp người có khuyết điểm sửa chữa để cùng nhau tiến bộ. Việc thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình không chỉ có tác dụng giúp mỗi người cán bộ, đảng viên phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” – tự soi, tự sửa mình hằng ngày; giúp đồng chí mình nhận rõ ưu điểm và khuyết điểm, cùng nhau phát huy những ưu điểm và khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, sai lầm để ngày càng tiến bộ, mà còn góp phần tăng cường đoàn kết nội bộ. Do đó, tự phê bình và phê bình chỉ có ý nghĩa thực sự khi xuất phát từ động cơ trong sáng, đúng đắn, đó là giúp đỡ lẫn nhau, vì sự tiến bộ của mỗi người và sự phát triển vững mạnh của tổ chức; khi được thực hiện với tinh thần “phê bình việc làm, chứ không phê bình người” và “chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh. Đồng thời, người tự phê bình và bị phê bình đều phải thành khẩn, thành tâm, không giấu giếm khuyết điểm của mình; đều phải tự giác nhận và vạch ra khuyết điểm của mình trước tập thể cũng như cầu thị, nhã nhặn, lắng nghe ý kiến phê bình một cách thiện chí và quyết tâm sửa chữa.
Vì tự phê bình và phê bình là nguyên tắc quan trọng để xây dựng một Đảng Mácxít – Lêninnít trong sạch, vững mạnh, cho nên những quan niệm “sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín”, “sợ mất thành tích của tập thể, của lãnh đạo” mà che giấu khuyết điểm, bao che, chạy tội cho đồng chí mình hay coi đó là cuộc đấu tố nhằm hạ bệ, mạt sát lẫn nhau; là sự đấu đá phe cánh trong nội bộ hay thỏa hiệp, “dĩ hòa vi quý” vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân; là sợ phê bình cấp trên sẽ bị trù dập, phê bình đồng nghiệp sẽ bị mất lòng, phê bình cấp dưới sẽ bị mất phiếu mà tự phê và phê bình chiếu lệ, một chiều, hình thức, đại khái… – thực chất là nói để lấy lòng nhau, thì đều là sai lầm, là không đúng tinh thần tự phê bình và phê bình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn.
Nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng
Luôn coi tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ quan trọng, là thang thuốc hữu hiệu để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, hơn 93 năm qua, nguyên tắc này luôn được nhận thức sâu sắc và thực thi nghiêm trong toàn Đảng. Đặc biệt là, những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, toàn Đảng và hệ thống chính trị càng chú trọng hơn việc quán triệt và thực thi tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cùng các Quy định về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm…
Cùng với thời gian, có thể thấy tự phê bình và phê bình thường xuyên, liên tục, nghiêm túc, đúng đắn gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là giải pháp đột phá, góp phần xây dựng từng tổ chức cơ sở đảng và toàn Đảng vững mạnh, trong sạch về mọi mặt. Thực tế, việc các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên chuẩn bị tự phê bình và phê bình nghiêm túc, chu đáo, đúng vấn đề đã, đang phát sinh trên tinh thần không có vùng cấm, với phương châm phòng ngừa, ngăn chặn để “trị bệnh cứu người” mà có sự chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ của cấp ủy cấp trên thì sẽ đạt hiệu quả cao. Ngược lại, làm chiếu lệ hay tự phê bình và phê bình theo kiểu nể nang, né tránh, xuê xoa, “dĩ hoà vi quý” hoặc đao to, búa lớn với động cơ không trong sáng… thì đều phá nát sự đoàn kết nội bộ, làm cho tập trung dân chủ và tự phê bình và phê bình tại những nơi đó trở nên lý thuyết suông. Thực tế cũng cho thấy, tại những địa phương, cơ quan, đơn vị mà nguyên tắc này bị triệt tiêu hay chỉ là hình thức, thì ở đó sẽ có/tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thì ở đó cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu hay, cán bộ, đảng viên còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, không phát huy đúng vai trò tiền phong, nói không đi đôi với làm, không nghiêm túc tự soi, tự sửa mình hằng ngày, liên tục…Và cũng vì thế, việc sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm ở những nơi đó, ỏ những con người cụ thể đó cũng chỉ là chiếu lệ, qua loa.
Bài học rút ra trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội của Đảng; trong mỗi dịp sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; Kết luận số 01-KL/TW gắn với Kết luận số 21-KL/TW…; trong kết luận các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… cho thấy tác hại của việc không thực hiện nghiêm, đúng, thường xuyên, liên tục nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Không ít cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật bị khai trừ khỏi Đảng, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật… đặc biệt, có cả những địa phương, cơ quan, đơn vị phải nhận hình thức phê bình theo kết luận tại các Kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là minh chứng rõ nhất cho thấy những cá nhân, tổ chức cơ sở đảng này đã không thấu triệt thang thuốc đặc trị tự phê bình và phê bình như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Vì thế, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị không chỉ phải nâng cao hơn nữa trong nhận thức, trong thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, Điều lệ Đảng, nhất là tự phê bình và phê bình, mà còn phải “cả quyết sửa lỗi mình” với vai trò tiền phong gương mẫu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Việc gương mẫu tự soi, tự sửa được tiến hành từ trên xuống; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cán bộ, đảng viên trước, quần chúng sau. Tự phê bình và phê bình gắn với nhiệm vụ chính trị, với các đợt sinh hoạt Đảng; trong đó, vừa phải chú trọng những nội dung trọng tâm, cần tập trung giải quyết vừa phải khắc phục tình trạng hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý hay nói xấu, đấu đá, bới móc, hạ bệ… để cùng nhau phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, tạo chuyển biến thực sự, góp phần tăng cường sự đoàn kết thống nhất nội bộ.
Để tự phê bình và phê bình hiệu quả, cấp ủy phải chú trọng công tác tư tưởng, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức; phát huy dân chủ gắn với đề cao tính tự giác, trách nhiệm, thái độ và phương pháp đúng đắn, phù hợp của mỗi cán bộ, đảng viên; đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, của nhân dân trong giám sát, phê bình tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên với các hình thức phù hợp và có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời. Cùng với đó, gắn tự phê bình và phê bình với kiểm tra, giám sát, phân loại đảng viên theo định kỳ trên tinh thần vừa cẩn thận vừa kịp thời, vừa quyết liệt vừa nhân văn, góp phần phòng, chống, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ từ sớm, từ xa./.
[1] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.10, tr.395-396
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.301
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.273