Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua một bức thư của Người cách đây 70 năm

1.

Trên cương vị Chủ tịch Chính phủ, Chủ tịch nước, dù bận trăm công nghìn việc, phải lo nghĩ nhiều việc lớn, nội trị và ngoại giao trong sự nghiệp vừa kháng chiến vừa kiến quốc với phương châm “kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành” mà Người vẫn rất mực quan tâm tới mọi người, mọi việc. Nghị lực và sức làm việc của Người thật là phi thường. Với tầm nhìn xa trông rộng, với trí tuệ sáng suốt, mẫn tiệp, với đạo đức cao cả, trong sáng và phong cách ứng xử thân tình, giản dị, rất mực con người, gần gũi đời thường, Người có sức thuyết phục, cảm phục lớn đối với mỗi con người, mỗi cảnh đời, mỗi số phận.

Trong hàng ngàn, có thể nói là nhiều ngàn bức thư của Người – ta chưa sưu tập hết, chưa phân loại đầy đủ và cũng chưa được nghiên cứu sâu, mà đây lại là đề tài rất đáng phải nghiên cứu tỉ mỉ, công phu để góp sức vào phát hiện chiều sâu tư tưởng, sự cao quý của tâm hồn, đạo đức và sự tinh tế của phong cách Hồ Chí Minh, có một bức thư ngắn Người “gửi hàng binh Âu Phi trước khi hồi hương”(1) được viết vào đầu năm 1951, cách đây vừa đúng 70 năm. Bức thư có những sắc thái rất lạ. Đọc kỹ và suy ngẫm kỹ bức thư này, ta rất đỗi ngạc nhiên, từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, để cuối cùng “ngộ” ra một điều – đó là Hồ Chí Minh, rằng, chỉ Hồ Chí Minh mới viết được những dòng thư như thế. Từng lời, từng ý trong thư của Người “có sức ám ảnh” theo ta cùng năm tháng khi nghĩ về “hiện tượng văn hóa Hồ Chí Minh”(2) về “một  chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh” và “tinh thần minh triết Hồ Chí Minh”(3). Bức thư cũng hiển lộ thêm một cung bậc, một phương diện thuộc về phong cách Hồ Chí Minh.

“Phong cách chính là con người”, đó là lời của Buýp Phông, nhà văn và triết gia Pháp từ thế kỷ XVIII. Đó vừa như một định nghĩa khoa học vừa như một triết lý văn hóa về phong cách.

Đọc “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh từ nguyên bản chữ Hán “Ngục trung nhật ký”, đại thi hào Trung Quốc Quách Mạt Nhược cũng có một nhận xét tương tự: “Người làm sao thì thơ làm vậy”, đúng là “văn học là nhân học” (Goóc Ki).

Giáo sư Phong Lê, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam đã từng nêu một ý kiến có tính phát hiện và sức khái quát lớn, “con người Bác là bảo đảm bằng vàng cho thơ của Bác”.

Trong đối nhân xử thế ở đời, sự thành thật, chân thành là điều quý nhất. Lời nói tự trái tim có sức truyền dẫn xúc động và cảm hóa lớn, bởi nó “chạm” được vào nhân tính, tính người và tình người, nó “đến” được trái tim người khác, nó “nhận” được sự chia sẻ, đồng cảm của mỗi người.

Bức thư gửi các hàng binh Âu Phi trước khi hồi hương của Hồ Chí Minh là một trường hợp điển hình như thế. Người viết bằng chữ, nhưng không thuyết lý trừu tượng từ những khái niệm mà chữ ấy, lời ấy là biểu đạt tấm lòng, là cái tình – tình cảm chân thành, tình thương bao la của Người với mọi người, ở đây là những hàng binh Âu Phi được hồi hương.

Thư của Người là một kiểu mẫu về binh vận, địch vận, lấy lẽ phải và đạo lý để thuyết phục, lấy tình thương, đức khoan dung mà cảm hóa, thức tỉnh con người hướng thiện. Thư của Người còn mang ý nghĩa một thông điệp chính trị – chính nghĩa và nhân văn gửi tới quốc tế, thông qua hàng binh và thân nhân của họ ở các nước Âu Phi, giúp họ hiểu rõ cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược bạo tàn của nhân dân Việt Nam và đường lối chính trị “Đoàn kết và thanh khiết” của Hồ Chí Minh.

2.

Tinh thần và lời văn trong bức thư của Người còn thấm đẫm tình người ở mức thấu hiểu và thấu cảm con người và cuộc sống của Hồ Chí Minh – một nhân cách văn hóa, một hình mẫu về ứng xử văn hóa trong chính trị, có giá trị và ý nghĩa đến muôn đời.

Để cảm nhận sâu xa những điều ấy, trước hết, ta hãy đọc lại toàn văn bức thư này, từ đó rút ra những nhận xét cần thiết.

THƯ GỬI HÀNG BINH ÂU PHI TRƯỚC KHI HỒI HƯƠNG

“Các bạn của tôi,

Các bạn bằng lòng về việc này phải không?

Bằng lòng vì được chấm dứt vai trò không vinh quang gì là phục vụ chủ nghĩa thực dân Pháp chống lại nhân dân Việt Nam. Bằng lòng vì được trở lại quê hương với cha mẹ, vợ con và những người thân của các bạn.

Trong những ngày ở với chúng tôi, chúng tôi đã bảo đảm những nhu cầu vật chất với khả năng có thể được. Nếu có gì chưa đáp ứng được thì lỗi đó thuộc về bọn thực dân Pháp tìm mọi cách làm trở ngại chúng ta. Các bạn phải miễn thứ cho chúng tôi điều đó.

Trước khi lên đường, không được quên các bạn cũ trong đội quân viễn chinh không bao giờ được nhìn lại đất nước và gia đình của họ. Nghĩ đến họ và nói những gì họ đã phải làm.

Trong chuyến đi các bạn hãy giữ kỷ luật nghiêm chỉnh, khi người ta nói về các bạn: “Họ là những thanh niên ưu tú” và người ta giữ lại những kỷ niệm tốt đẹp lâu dài về các bạn.

Khi trở về nhà, các bạn đem lời chào của nhân dân Việt Nam đến gia đình các bạn. Trong số các bạn thế nào chẳng có những người có cha mẹ già và con nhỏ. Các bạn hãy nói với họ: Bác Hồ gửi những cái hôn thắm thiết.

Vĩnh biệt các bạn thân mến, các con của tôi! (Tác giả nhấn mạnh)

Tôi chúc tất cả: Lên đường bình yên và sức khỏe tốt”(4).

Hồ Chí Minh.

Toàn văn bức thư, kể cả tiêu đề và ba chữ “Hồ Chí Minh” ở cuối thư, tổng cộng chỉ có 278 chữ.

Đây là một trong những minh chứng về phong cách và bản lĩnh Hồ Chí Minh trong trình bày tư tưởng, biểu hiện tình cảm, đạo đức và phong cách của mình: ngắn gọn mà phong phú, giản dị mà kết tinh bao điều sâu sắc, khéo léo và tinh tế, hài hòa lý trí và tình cảm, truyền đi những thông điệp mang tầm lớn lao về tư tưởng, triết lý.

Vậy là, với bức thư ngắn này, thêm một lần chúng ta nhận ra chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Có thể nhận biết những gì từ bức thư 278 chữ của Người?

– Trước hết, thời điểm Người viết thư này là vào đầu năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn với chiến thắng Việt Bắc 1947 và chiến thắng biên giới 1950.

Kể từ ngày toàn quốc kháng chiến đến nay, đã 5 năm, quân dân ta khắp mọi miền đều ra sức thực hiện phương châm “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. Thực dân Pháp đã từng mưu toan tập trung lực lượng đánh nhanh thắng nhanh, hòng đè bẹp ý chí và lực lượng của ta, tiêu diệt cơ quan đầu não của ta tại căn cứ địa Việt Bắc. Kế hoạch tấn công, nhảy dù của chúng lên Việt Bắc đã phá sản. Lực lượng của ta ngày một trưởng thành, lớn mạnh.

Năm 1950, Bác Hồ ra mặt trận, trực tiếp động viên binh sĩ và chỉ đạo chiến dịch. Đó là nguồn cổ vũ lớn với bộ đội và nhân dân. Năm 1950, ta đã khai thông với thế giới bên ngoài. Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã công nhận Việt Nam và thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam, tạo ra những thuận lợi rất căn bản cho cách mạng nước ta, giúp chúng ta chuẩn bị bước vào giai đoạn tổng phản công quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến mà đỉnh cao là Điện Biên Phủ, năm 1954.

Cũng trong khung cảnh đó, năm 1951, tại Việt Bắc, Đại hội II của Đảng đã họp và cũng là lúc Đảng ra hoạt động công khai. Trong các chiến dịch, tù binh và hàng binh phía địch đã được hưởng chính sách khoan hồng nhân đạo của chính phủ ta, được đối xử tử tế, chăm sóc cả vật chất lẫn tinh thần, dù chúng ta hết sức khó khăn, thiếu thốn. Chính phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu đã quyết định cho hàng binh Âu Phi được hồi hương.

Trước lúc lên đường họ còn được nhận thư của lãnh tụ phe chiến thắng với những lời lẽ động viên ân cần, những lời căn dặn chân tình và tình cảm thân thiết từ tấm lòng rộng mở, bao dung của Hồ Chí Minh. Đó là điều hiếm thấy trong chiến tranh, trong ứng xử của những người cầm quyền, chiến thắng với những kẻ bại trận, dường như chỉ thấy có ở Hồ Chí Minh. Sự cao thượng này của Hồ Chí Minh, của truyền thống nhân nghĩa Việt Nam sẽ còn được nhắc tới mãi mãi trong ký ức lịch sử.

– Thứ hai, mở đầu bức thư, Người nói với các hàng binh Âu Phi về việc họ được hồi hương. Người biết rõ sự hài lòng của họ. Cắt nghĩa lý do của sự hài lòng này, Người hiểu tâm lý của họ, sự vui mừng, hồi họp khi sắp trở về quê hương với cha mẹ, vợ con và những người thân, đó là lẽ thường tình, ai cũng vậy. Chất nhân bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất rõ và ẩn sau điều ấy còn là sự may mắn, họ vẫn còn sống mà trở về, trong khi nhiều người khác đã chết trên chiến trường xa lạ, vĩnh viễn không bao giờ trở về được nữa. Dường như Người muốn thầm nhắn gửi tới họ cái giá trị và ý nghĩa của sự sống, không chỉ ở từng người mà ở toàn nhân loại. Chỉ có hòa bình, ngăn chặn và đẩy lùi chiến tranh, sự sống của con người và loài người trên Trái đất mới có thể thực hiện được.

Hồ Chí Minh không chỉ hiểu tâm lý các hàng binh Âu Phi mà Người còn thức tỉnh họ, giúp họ hiểu rõ đạo lý chính nghĩa để họ giác ngộ một sự thật, “chấm dứt vai trò không vinh quang gì là phục vụ chủ nghĩa thực dân Pháp chống lại nhân dân Việt Nam”. Đây là một minh chứng sinh động cho tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, trong đó có hình thái biểu hiện bởi tư tưởng binh vận, địch vận, rộng hơn là dân vận vừa như một khoa học vừa như một nghệ thuật.

– Thứ ba, trong thư, Người còn đề cập cụ thể tới chính sách nhân đạo của Việt Nam đối với các tù binh và hàng binh.

Người nói rõ, “trong những ngày ở với chúng tôi, chúng tôi đã bảo đảm những nhu cầu vật chất với khả năng có thể được”.

Người cũng nhấn mạnh, “nếu có gì chưa đáp ứng được thì lỗi đó thuộc về bọn thực dân Pháp tìm mọi cách làm trở ngại chúng ta. Các bạn phải miễn thứ cho chúng tôi điều đó” (Tác giả nhấn mạnh).

Về phương diện này, Hồ Chí Minh đã khéo léo làm công tác tuyên truyền, giúp cho các tù binh, hàng binh hiểu rõ những thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện chủ trương, chính sách nhân đạo đồng thời cũng gián tiếp nói lên “cái lỗi” mà bọn thực dân Pháp gây ra. Nó chẳng những là kẻ thù của nhân dân Việt Nam mà còn là kẻ thù của chính những người bị đẩy vào cuộc chiến tranh phục vụ cho tham vọng thực dân, đã phải hứng chịu, hoặc chết chóc một cách vô nghĩa hoặc trở thành tù binh hàng binh và đã phải chịu đựng nhiều nỗi gian nan, dù đã được Việt Nam đối xử tử tế, nhân đạo. Bằng cách đó, Hồ Chí Minh làm thức dậy tinh thần phản chiến trong quân đội thực dân. Đó là tác động tâm lý và chính trị làm suy yếu thế lực thực dân và làm tăng ảnh hưởng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến đấu chống phi nghĩa, vì hòa bình, vì sự an toàn cuộc sống của tất cả mọi người.

Đoạn dãi bày ấy trong bức thư ngắn của Hồ Chí Minh còn toát lên phong cách dân chủ, tôn trọng con người, phẩm giá, danh dự con người. Đối xử với hàng binh, Hồ Chí Minh không nhìn nhận họ như kẻ thù mà như một con người cần được giúp đỡ, chia sẻ, tôn trọng. Đây là văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh.

– Thứ tư, lời căn dặn của Hồ Chí Minh với những người lính thực dân thua trận, được hồi hương rất thấm thía, cảm động. Đó là sức mạnh cảm hóa lòng người, sức mạnh ấy chung đúc cả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Người dặn họ, “không được quên bạn cũ trong đội quân viễn chinh không bao giờ được nhìn lại đất nước và gia đình của họ”. Đây là sự thức tỉnh đạo đức, lương tâm, nhân tính, danh dự đối với họ, những người lính thua trận mà xét ra, họ cũng là nạn nhân của chiến tranh xâm lược do đế quốc thực dân gây ra.

Người cũng nhắc nhở, khi trở về hãy nói cho mọi người biết “những gì họ đã phải làm”. Lời nói đó cũng là tố cáo tội ác thực dân, kẻ đã gây ra chết chóc, đau thương, mất mát cho bao nhiêu gia đình, bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu đất nước trong cộng đồng nhân loại.

Lời căn dặn thấm thía của Người đã chạm vào nỗi niềm, tâm trạng, lý trí và tình cảm của những tù binh, hàng binh được hồi hương. Hiệu ứng và sự lan tỏa sẽ rộng lớn, sâu xa từ những lời căn dặn của Người đối với mọi người.

Hồ Chí Minh còn tỏ rõ hết sức thành thật khi khuyên nhủ họ, “trong chuyến đi các bạn hãy giữ kỷ luật nghiêm chỉnh, khi người ta nói về các bạn “Họ là những thanh niên ưu tú” và người ta giữ lại những kỷ niệm tốt đẹp, lâu dài về các bạn”. Ở đây, không chỉ là thái độ tôn trọng giá trị con người, sự khích lệ, đánh thức phần tốt đẹp của lý trí và nhân tính mà còn là sự tinh tế trong giáo dục chính trị Người dành cho một đối tượng hết sức đặc thù.

Không có niềm tin và đức tin vào phần tốt đẹp nơi con người, không có tình thương thực sự với những chia sẻ và đồng cảm về số phận, cảnh ngộ mà trong những hoàn cảnh éo le con người gặp phải, sẽ không có những lời nói trong thư như Hồ Chí Minh. Người đã bằng đạo đức, nhân cách của mình gửi niềm tin và hy vọng vào mỗi người lính Âu Phi được hồi hương.

– Thứ năm, Người căn dặn, khi trở về nhà các bạn đem lời chào của nhân dân Việt Nam đến gia đình các bạn. Xóa hận thù, gieo hạt giống của tình hữu nghị là vậy. Truyền thống đạo đức, tâm hồn, tính cách Việt Nam được nhắc đến, củng cố nhận thức đúng đắn, lành mạnh, lương thiện, hướng thiện được Hồ Chí Minh nói rõ trong thư.

Người còn nhắc họ, nhớ chuyển đến cha mẹ và các con nhỏ cái hôn thắm thiết của Bác Hồ! Với sự hiểu biết và giác ngộ, những người lính Âu Phi trở về sẽ giữ mãi tình thương mến của một lãnh tụ Việt Nam được nhắc đến trong tiếng gọi trìu mến “Bác Hồ”.

Rất mực chu đáo, ân cần, Người chúc tất cả lên đường bình yên và sức khỏe tốt, như lời chúc quen thuộc lúc lên đường của người Việt Nam: “Thượng lộ bình an!”.

Sự hòa đồng, sức cảm thông của Hồ Chí Minh thật là sâu sắc. Hồ Chí Minh là bậc thầy của sức thuyết phục, thu phục nhân tâm, cảm hóa muôn người. Đó là tư tưởng và đạo đức, là phương pháp và phong cách của Người – hài hòa, thống nhất, trọn vẹn, độc đáo, bởi đó là văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh. Tất cả biểu đạt trong tên gọi của Người: là Hồ Chí Minh, là Bác Hồ, không chỉ của Việt Nam mà còn của tất cả – các dân tộc và toàn nhân loại.

Đúng như một lời thơ cảm động:

Vì sao Trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người Hồ Chí Minh!

Kết thúc bức thư như một cuộc trò chuyện, như một lời dặn dò lúc chia tay tạm biệt, Hồ Chí Minh còn nói: “Vĩnh biệt các bạn thân mến, các con của tôi” (Tác giả nhấn mạnh). Đây là “điểm nút”, là ngôn từ gây nên sự ngạc nhiên, sức ám ảnh lớn nhất trong lòng người, cho ta nhận ra lòng nhân ái, vị tha, sự nhân từ, độ lượng, “độ lượng vĩ đại” như

Người từng khuyên ta về đối xử với con người, kết tinh và tỏa sáng từ trí tuệ đến tâm hồn Hồ Chí Minh – Một con người, một nhân cách cao thượng.

Ở đời này, trên thế giới này đã từng có biết bao cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc thực dân gây ra. Bao nhiêu máu đã đổ. Bao nhiêu thanh niên trai tráng, khỏe mạnh đã chết oan uổng, phí hoài, vô nghĩa chỉ vì tham vọng của bọn thực dân, để lại những bi kịch đẫm nước mắt cho các bà mẹ mất con, cho những người vợ mất chồng và con trẻ thơ ngây mất cha.

Đau nỗi đau ấy cũng có nhiều cung bậc, ở những vị thế con người khác nhau.

3.

Là lãnh tụ của bên thắng trận lại viết thư cho những người lính viễn chinh thua trận, thành tù binh, hàng binh được hồi hương thì Hồ Chí Minh là trường hợp hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất.

Viết thư cho các hàng binh Âu Phi, lại xưng hô là bạn, hơn nữa coi họ là “các con của tôi” thì duy nhất chỉ Hồ Chí Minh mới có tấm lòng như thế.

Và khi Người nói, “vĩnh biệt các bạn thân mến” thì tự sâu thẳm trái tim con người, ai cũng rung lên những thổn thức của tình người. Ở đây, ẩn chứa điều gì? Đó là chiến tranh phải được dập tắt, để thân phận những người lính viễn chinh, đem thân mình làm tấm bia đỡ đạn cho tham vọng thực dân phi nhân phải được xóa bỏ. Vĩnh biệt là không bao giờ gặp lại cái tư cách và số phận đó.

Nụ cười thân thiện, nước mắt cảm động mừng vui của những lần gặp gỡ, của những con người nâng cao phẩm giá làm người sẽ diễn ra trong hòa bình, trên những mảnh đất thanh bình không còn chiến tranh.

Trong lời vĩnh biệt của Hồ Chí Minh chứa đựng niềm tin về một thế giới nhân loại có nền hòa bình bền vững, đẩy lùi chiến tranh tàn bạo, phi nhân, nơi mãi mãi tỏa sáng “văn hóa hòa bình”, “văn hóa khoan dung” mà Hồ Chí Minh là một biểu tượng cao quý. Đó là cống hiến lớn, đặc sắc của Người đối với thế giới nhân loại. Bởi thế, trong bức thư của Người, hiện lên tầm hiện đại của tư tưởng, vẻ đẹp trong sáng, cao thượng của đạo đức nhân bản, nhân đạo và nhân văn, phương pháp chính trị và binh vận kiểu mẫu cùng với phong cách văn hóa độc đáo, đặc sắc riêng có của Hồ Chí Minh.

Sinh thời, khi nghe tin các chiến sĩ trẻ tuổi, dũng cảm đã hy sinh vì Tổ quốc, Người đau đớn như đứt từng khúc một. Người không có gia đình riêng, không có vợ, có con nhưng Việt Nam là gia đình lớn của Người. Nam nữ thanh niên nước ta là con cháu của Người.

Người lại nói lời vĩnh biệt các hàng binh Âu Phi lúc hồi hương là các bạn của tôi, các con của tôi thì Hồ Chí Minh là biểu tượng cao quý muôn đời của tình thương yêu vượt qua giới hạn quốc gia – dân tộc mà đến với thế giới nhân loại mênh mông. Khi Giáo sư Trần Văn Giàu nói về Hồ Chí Minh “Vĩ đại một con người” thì điều đó đủ diễn tả tầm vóc, giá trị, ý nghĩa con người, cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh – không chỉ của Việt Nam mà còn của toàn nhân loại.

Độ lùi thời gian càng xa, Tư tưởng – Đạo đức – Phong cách Hồ Chí Minh càng tỏa sáng./.

H.01/2021.

Chú thích:

1, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.6-7.

2, 3. Xem: Hoàng Chí Bảo, Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh, Nxb. LLCT, H.2011.

GS, TS. Hoàng Chí Bảo

Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Theo https://www.bqllang.gov.vn