1. Đại đoàn kết – một tất yếu khách quan của cách mạng Việt Nam
Do những điều kiện về địa lý tự nhiên, do nằm ở vị trí chiến lược nên lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là lịch sử của quá trình chống thiên tai, địch hoạ. Chính những cuộc đấu tranh đó đòi hỏi cộng đồng dân tộc phải sát cánh, đoàn kết, chụm lại với nhau.
Tính tất yếu khách quan đòi hỏi dân tộc Việt Nam phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối còn xuất phát từ chủ trương, chính sách nhất quán của các thế lực xâm lược. Việt Nam là một nước đất không rộng, người không đông nhưng luôn phải đương đầu với các thế lực xâm lược hùng mạnh, các đế quốc to. Những thế lực này dù từ đâu đến, đến vào thời kỳ nào đều thực thi chủ trương, thủ đoạn “chia để trị”. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Hồ Chí Minh vạch rõ: “Chủ nghĩa thực dân Pháp không hề thay đổi cái châm ngôn “chia để trị” của nó. Chính vì thế mà nước An Nam, một nước có chung một dân tộc, chung một dòng máu, chung một phong tục, chung một lịch sử, chung một truyền thống, chung một tiếng nói đã bị chia năm sẻ bảy. Lợi dụng một cách xảo trá sự chia cắt ấy, người ta hy vọng phá vỡ tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong lòng người An Nam và tạo ra những mối xung khắc giữa anh em ruột thịt với nhau. Sau khi đẩy họ chống lại nhau người ta lại ghép một cách giả tạo các thành phần ấy lại, lập nên một “Liên bang” gọi là “Liên bang Đông Dương”. Trong điều kiện đó, để tồn tại và phát triển, người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đều nhắc nhở, đòi hỏi lẫn nhau:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Quá trình dựng nước và giữ nước đã hình thành nên truyền thống đoàn kết Việt Nam. Truyền thống đó trở thành nguồn gốc làm nên sức mạnh của cộng đồng người Việt và trỗi dậy mạnh mẽ đặc biệt mỗi khi đất nước bị hoạ xâm lăng. Lịch sử chỉ ra rằng, khi nào dân tộc bị chia rẽ, bè phái thì đất nước rơi vào tình trạng trì trệ, suy yếu và bị thôn tính.
Trong thời đại ngày nay, khi mà chủ nghĩa đế quốc đã liên kết với nhau trên phạm vi thế giới, khi mà mỗi vấn đề dù lớn hay nhỏ của một quốc gia đều có ảnh hưởng, tác động đến các quốc gia khác, thì tư tưởng đại đoàn kết lại càng phải được phát huy để tạo ra nguồn lực đủ sức chống sự tha hoá từ bên ngoài tràn vào, giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc mà vẫn tiếp thu được trí tuệ tinh hoa văn hóa nhân loại.
Mặt khác, thế giới đang có những biến chuyển lớn theo hướng đa phương và song phương, hội nhập và phát triển. Đó là những yếu tố khách quan mang tính thời đại, bởi vậy sự liên kết giữa các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới là một tất yếu lịch sử. Cách mạng Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vấn đề là chúng phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiềm năng sức mạnh dân tộc với sự vận động của quốc tế để không bỏ lỡ, không đánh mất thời cơ hội nhập phát triển, nhưng cũng không bị hoà tan, không lệ thuộc vào bên ngoài.
Đối với Việt Nam, ngay từ những năm đầu của chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh đã nói: Việt Nam mong muốn được làm bạn với tất cả các nước dân chủ trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Tư tưởng chiến lược mang tính thời đại đó đã quy tụ được sức mạnh của nhân loại giúp chúng ta giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ngày nay, tư tưởng đó đang được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt và vận dụng phù hợp với tình hình, điều kiện mới ở trong nước và quốc tế.
2. Đại đoàn kết – một nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Theo Hồ Chí Minh, cách mạng muốn thành công phải có lực lượng và lực lượng đó phải đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù, xây dựng thành công xã hội mới. Trong thời đại mới, kẻ thù của cách mạng mang tính quốc tế, cách mạng mỗi nước là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới. Trong điều kiện đó, cách mạng muốn thành công phải có lực lượng mạnh mẽ ở trong nước, đồng thời phải có sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế.
Cũng theo Hồ Chí Minh, muốn có lực lượng phải thực hành đoàn kết vì “đoàn kết là lực lượng”. Bởi vậy trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn lâu dài, quyết định thành bại của cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ rõ, đoàn kết trong đảng, đoàn kết dân tộc kết hợp chặt chẽ với đoàn kết quốc tế, tạo ra sức mạnh to lớn, vượt trội là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Để thực hiện đại đoàn kết điều căn bản là phân biệt rõ bạn và thù. Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở những người cách mạng: chủ nghĩa Mác – Lênin dạy chúng ta rằng, muốn làm cách mạng thắng lợi phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải biết thêm bầu bạn, bớt kẻ thù. Nhận thức này có từ rất sớm ở Hồ Chí Minh. Đầu thế kỷ XX, trong khi nhiều người Việt Nam căm thù thực dân Pháp cho rằng, những người Pháp, người da trắng là kẻ thù, hoặc nhiều người lao động Pháp bị hệ thống tuyên truyền thực dân lừa gạt cho rằng những người ở thuộc địa là loại người ngu dốt cần được “khai hoá”, thì ngược lại, Hồ Chí Minh đã sớm xác định đúng đắn bạn, thù của cách mạng Việt Nam. Nghiên cứu tổng kết thực tiễn Hồ Chí Minh đi đến kết luận, thực dân Pháp và tay sai là kẻ thù của nhân dân lao động Pháp và nhân dân Việt Nam. Còn nhân dân Việt Nam cùng nhân dân các thuộc địa và nhân dân lao động Pháp là anh em, quan hệ giữa họ “sẽ là những mối quan hệ đoàn kết và liên minh”. Với nhận định đúng đắn đó, Hồ Chí Minh đã xác định trong cộng đồng người Việt Nam có một số rất ít thững kẻ cố tình phản bội lợi ích dân tộc, cấu kết với phátxít Nhật, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược là kẻ thù của nhân dân và cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh chỉ rõ, tất cả những người Việt Nam yêu nước, nhân dân Nhật, Pháp, Mỹ yêu hoà bình, tự do, phản đối cuộc chiến của chính phủ nước họ tiến hành ở Việt Nam thì đều là bạn bè, là lực lượng cần đoàn kết, liên minh. Đi theo tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam ngày càng được nhiều lực lượng trong nước và trên thế giới đồng tình ủng hộ. Hồ Chí Minh từng khẳng định nhờ lực lượng đó, cách mạng Tháng Tám đã thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp đã thắng lợi và đế quốc Mỹ cùng tay sai nhất định sẽ thất bại, Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ hoà bình, độc lập, thống nhất và giàu mạnh. Mối quan hệ chặt chẽ giữa đại đoàn kết và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng được Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”. Hồ Chí Minh kết luận: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
II- TƯ TƯỞNG ĐẠI ĐOÀN KẾT HỒ CHÍ MINH – MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN
1. Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết
Theo Hồ Chí Minh, cách mạng muốn thành công “trước hết phải có Đảng cách mệnh”, “cách mạng là việc chung của cả dân chúng chứ không phải của riêng một hai người” (1) . Do đó, với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết định hướng, có lãnh đạo. Trong khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản không chỉ là một bộ phận bình đẳng mà là linh hồn, là lực lượng lãnh đạo. Vị trí, vai trò đó của Đảng mang tính khách quan bởi vì Đảng là đạo đức, là văn minh.
Để xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và cả dân tộc, Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng phải có trí tuệ, cách mạng, phải tiêu biểu cho khối đoàn kết, mỗi đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Hồ Chí Minh còn đòi hỏi Đảng Cộng sản có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục để quần chúng giác ngộ sự cần thiết phải tập hợp, đoàn kết và phải chỉ cho quần chúng thấy được những hình thức, phương pháp tổ chức thích hợp nhất để có thể phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh cho những quyền thiêng liêng của tổ quốc và lợi ích chính đáng của nhân dân lao động. Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Để làm trọn trách nhiệm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta phải dựa vào giai cấp công nhân, lấy liên minh công nông làm nền tảng vững chắc để đoàn kết các tầng lớp khác trong nhân dân. Có như thế mới phát triển và củng cố được lực lượng cách mạng và đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng” (2) . Người còn nhắc nhở: “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng” (3) .
Người chỉ rõ: “Đảng ta có chính sách Mặt trận dân tộc đúng đắn, cho nên đã phát huy được truyền thống đoàn kết và yêu nước rất vẻ vang của dân tộc ta (4) . Đánh giá kết quả của chính sách đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất với sự lãnh đạo của Đảng ta qua các giai đoạn cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hoà bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trong công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc” (5) .
Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh được xây dựng trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy liên minh công nông làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Mọi sự phủ nhận lập trường giai cấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với dân tộc, thực chất là phủ nhận và làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đến Hồ Chí Minh, đại đoàn kết không chỉ còn là tình cảm của “người trong một nước phải thương nhau cùng”, mà được xây dựng trên một cơ sở lý luận cách mạng khoa học. Ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, có nhiều nhà yêu nước tâm huyết, họ nhận thấy được sức mạnh của quần chúng, có tâm nguyện tập hợp quần chúng đấu tranh giải phóng dân tộc. Song, vì không có lý luận khoa học, không có phương pháp tuyên truyền, giáo dục tổ chức nên các phong trào kháng Pháp giành độc lập dân tộc ở thời kỳ này mang nặng tính tự phát. Lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, không thua kém ai, song kết cục các phong trào đều thất bại bi thảm.
Hồ Chí Minh tìm đến và tin theo chủ nghĩa Mác – Lênin, trước hết vì Người tìm thấy ở học thuyết cách mạng đó “cái cần thiết”, “cái cẩm nang thần kỳ” đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hơn nữa, chủ nghĩa Mác – Lênin còn làm sáng rõ nhận thức của Hồ Chí Minh về vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, biến sức mạnh tự phát của quần chúng thành sức mạnh tự giác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Nhận thức này đã giúp Hồ Chí Minh hình thành, phát triển tư tưởng đại đoàn kết theo lập trường giai cấp vô sản, theo ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lênin.
2. Nguyên tắc đại đoàn kết Hồ Chí Minh
2.1. Đại đoàn kết phải được xây dựng, củng cố trên nền tảng thống nhất chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, lợi ích tối cao của dân tộc với quyền lợi của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người
Hạt nhân của nguyên tắc này là giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc – giai cấp – nhân loại. Suy cho cùng, có đại đoàn kết hay không, đoàn kết đến mức nào là tùy thuộc vào nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lợi ích phức tạp, chồng chéo giữa cá nhân, tập thể, gia mình – xã hội, bộ phận – toàn thể, giai cấp – dân tộc, quốc gia – quốc tế. Hồ Chí Minh có nhận thức sâu sắc về tính thống nhất trong mâu thuẫn của mối quan hệ lợi ích nói trên, Người đã luôn luôn tìm kiếm, phát huy những yếu tố tương đồng, thống nhất để khắc chế, giải quyết các yếu tố khác biệt mâu thuẫn.
Cách biểu đạt của Hồ Chí Minh có thể khác nhau, nhưng tư tưởng của Người về nhận thức, giải quyết đúng đắn mối quan hệ dân tộc – giai cấp – nhân loại là nhất quán. Lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập – chủ quyền – thống nhất – toàn vẹn lãnh thổ. Đó vừa là truyền thống dân tộc, là chân lý, là ngọn cờ và nguyên tắc đại đoàn kết. Hồ Chí Minh chỉ rõ lý tưởng: Độc lập – Tự do – Chủ nghĩa xã hội và phương châm: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết, tất cả do con người, vì con người, là mẫu số chung, là điểm quy tụ khối đoàn kết. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ” (6) . “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ” (7) .
Nguyên tắc này còn là cơ sở của sự kết hợp chặt chẽ đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế. Hồ Chí Minh đã đặt cách mạng Việt Nam trong bối cảnh chung của tình hình thế giới và là một bộ phận của cách mạng thế giới. Người xác định đối tượng đoàn kết chủ yếu là ba lực lượng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hoà bình dân chủ thế giới, trong đó có phong trào chống chiến tranh của nhân dân Pháp và Mỹ. Sự đồng tình và ủng hộ Việt Nam của các phong trào nêu trên đã trở thành một trong những yếu tố cơ bản làm nên thắng lợi của cách mạng nước ta. Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Chính vì đã biết kết hợp phong trào cách mạng nước ta với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế và của các dân tộc bị áp bức, mà Đảng ta đã vượt qua được mọi khó khăn, đưa giai cấp công nhân và nhân dân ta đến những thắng lợi vẻ vang ngày nay” (8) .
2.2. Tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân
Tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì dân trong tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh là sự kế thừa và nâng cao tư duy chính trị truyền thống: Nước lấy dân làm gốc, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong. Nguyên tắc này của Người còn là sự quán triệt sâu sắc trong nhận thức, tình cảm, hành động nguyên lý mácxít: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
Trong tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, dân là nhân vật trung tâm; dân là gốc rế, là nền tảng của đại đoàn kết; dân là chủ thể của đại đoàn kết; là nguồn sức mạnh vô tận và vô địch của đại đoàn kết, quyết định thắng lợi của cách mạng; dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng cộng sản, của hệ thống chính trị cách mạng.
Hồ Chí Minh đã khái quát: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (9) và:
“Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” (10) .
Nguyên tắc tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của dân là hạt nhân cơ bản trong tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Thông qua cuộc đời đấu tranh cao đẹp vì dân, vì nước của Người, nguyên tắc đó đã thẩm thấu, hoá thân vào thực tiễn cách mạng, liên kết triệu triệu con người vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội, tạo nên khối đi đoàn kết vững chắc.
3. Đại đoàn kết một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đại đoàn kết rộng rãi, lâu dài, chặt chẽ
Đây là nguyên tắc nổi bật trong tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Nguyên tắc này được hình thành trên cơ sở nhận thức khoa học: đại đoàn kết không phải là một tập hợp ngẫu nhiên, tự phát, nhất thời mà phải là một tập hợp lâu dài, bền vững của các lực lượng xã hội có định hướng, có tổ chức, có lãnh đạo.
Nguyên tắc này thể hiện sự khác biệt cơ bản giữa tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh với tư tưởng tập hợp, đoàn kết lực lượng của các nhà yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và một số lãnh tụ cách mạng khác ở khu vực và trên thế giới. Ngay từ đầu thế kỷ, Hồ Chí Minh đã nhận thức được những hạn chế trong việc tập hợp lực lượng của các phong trào cứu nước Việt Nam lúc đó. Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh tìm thấy “cẩm nang thần kỳ” cho cách mạng giải phóng Việt Nam. Người đã tích cực, kiên trì truyền bá hệ tư tưởng tiên tiến vào Việt Nam nhằm thức tỉnh tập hợp đoàn kết giai cấp công nhân, nhân dân lao động, biến sức mạnh tự phát của quần chúng thành sức mạnh tự giác.
Đại đoàn kết Hồ Chí Minh không phải là một tập hợp, tùy tiện, lỏng lẻo mà là một khối đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ. Tính chất rộng rãi của khối đại đoàn kết thể hiện ở việc mở rộng biên độ tập hợp mọi tầng lớp xã hội, mọi ngành, giới, lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc, cá nhân… trong một tổ chức thống nhất. Tính chặt chẽ, bền vững, lâu dài của đại đoàn kết Hồ Chí Minh biểu hiện qua việc Người đòi hỏi phải củng cố, tăng cường khối liên minh công nhân, nông dân, trí thức làm nền tảng cho khối đại đoàn kết – Đây là mối quan hệ biện chứng giữa dân tộc và giai cấp trong tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân…, phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ…, phải đoàn kết các dân tộc anh em cùng nhau xây dựng Tổ quốc…, phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hoà thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc” (11) .
2.4. Đại đoàn kết chân thành, thân ái, thẳng thắn đoàn kết gắn với tự phê bình và phê bình
Trong khối đại đoàn kết tập hợp đông đảo các lực lượng giai cấp, xã hội, các thành viên vừa có mục tiêu, nguyện vọng, lợi ích chung vừa tồn tại những mục tiêu, nguyện vọng, lợi ích riêng và bên cạnh những nhân tố tích cực, tiên tiến, vẫn còn những nhân tố tiêu cực, chậm tiến.
Giải quyết thực tế đó, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh phương châm “cầu đồng tôn dị”, lấy cái chung, đề cao cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt. Mặt khác, người chú trọng thực hiện đoàn kết gắn với đấu tranh, đấu tranh để tăng cường đoàn kết. Người lưu ý đoàn kết thật sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân.
Tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ lòng chân thành, nhân ái vì mục tiêu tăng cường sự đoàn kết, nhất trí. Hồ Chí Minh viết: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng dài vắn đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người, cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại lộ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều tấm lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tình thân mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang” (12) .
Nguyên tắc này thống nhất với tư tưởng nhân văn, nhân bản và niềm tin Hồ Chí Minh vào tính hướng thiện của con người. Người nói: “Mỗi con người đều có thiện và ác trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt của con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân ta, phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời” (13) .
Tư tưởng nhân văn, nhân bản sâu sắc Hồ Chí Minh lại cho nguyên tắc đoàn kết – đấu tranh – đoàn kết của Người có một sức sống, sức cảm hoá và lôi cuốn kỳ diệu.
3. Phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh
Phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh không cứng nhắc, không “nhất thành bất biến” mà linh hoạt, phát triển thích ứng với sự vận động, biến đổi của thực tiễn khách quan. Dưới đây là các phương pháp cơ bản:
3.1. Tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng
Tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng là một khoa học, nghệ thuật cách mạng. Do vậy, vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là việc tìm tòi, lựa chọn các nội dung tuyên truyền, giáo dục, vận động phải phù hợp với nguyện vọng, quyền lợi của quần chúng.
Tùy theo hoàn cảnh và yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, Hồ Chí Minh đã đưa vào cương lĩnh của Đảng những mục tiêu chiến lược. Đó cũng là những nội dung tuyên truyền, giáo dục, khẩu hiệu hành động phản ít đúng những đòi hỏi cấp bách của lịch sử, những khát vọng cháy bỏng của nhân dân. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Người nêu cao mục tiêu chiến lược: độc lập dân tộc, người cày có ruộng và dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập, tự do. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nhấn mạnh: Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Trong chống Mỹ, cứu nước, Người khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người xác định mục tiêu: Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh để ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành, để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Đồng thời với việc xác định những nội dung tuyên truyền, giáo dục hết sức độc đáo và sáng tạo, phù hợp với tâm lý, nguyện vọng chung nhất của cả dân tộc, Hồ Chí Minh còn rất nhạy cảm, sáng suốt trong việc chỉ ra những nội dung tuyên truyền, vận động sát hợp với từng giai cấp, từng cộng đồng xã hội. Hồ Chí Minh thấu hiểu tất cả, cảm thông tất cả, phấn đấu và hy sinh vì tất cả những khát vọng, ước mơ sâu lắng của dân tộc và của mỗi con người. Do vậy, tư tưởng đại đoàn kết của Người có sức mạnh vô địch, sức sống bất diệt.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục đúng đắn phải đi liền với việc sử dụng các hình thức tuyên truyền vận động quần chúng sát hợp với từng đối tượng, không gian và thời gian.
Hồ Chí Minh là một mẫu mực trong sử dụng hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng. Người nói, viết bao giờ cũng ngắn gọn, dễ hiểu, vừa sâu sắc, vừa bình dị. Phong cách tuyên truyền của Người cũng rất độc đáo và gần gũi. Những vấn đề lớn của cách mạng, của chủ nghĩa Mác – Lênin, được Người trình bày bằng những ngôn ngữ thông thường, rất gần gũi với người lao động, người Việt Nam. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh đã nêu phương châm tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng: nói, viết để ai cũng hiểu được, hiểu được thì nhớ được, nhớ được thì làm được. Tất cả chỉ tập trung vào hai chữ: cách mạng, cách mạng và cách mạng.
3.2. Phương pháp tổ chức
Xây dựng hệ thống chính trị cách mạng hoàn chỉnh là vấn đề quan trọng bậc nhất trong phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh.
– Đảng Cộng sản là người khởi xướng, vun đắp, lãnh đạo khối đại đoàn kết. Để hoàn thành sứ mệnh đó, Đảng Cộng sản phải được xây dựng trong sạch, vững mạnh. Đảng Cộng sản phải là một đảng trí tuệ, cách mạng và thống nhất. Chỉ có một Đảng như vậy mới đủ sức tập hợp, xây dựng, lãnh đạo được khối đại đoàn kết.
– Khi giành được chính quyền, vai trò và hoạt động của Nhà nước cách mạng có ảnh hưởng to lớn đến khối đại đoàn kết. Là người tổ chức, quản lý, điều hành mọi hoạt động của đời sống xã hội, mỗi chủ trương, chính sách, việc làm của Nhà nước tác động trực tiếp đến cuộc sống, đến lợi ích và tâm tư, tình cảm của nhân dân, đến khối đại đoàn kết. Do vậy, sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng củng cố Nhà nước cách mạng; thường xuyên giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải trung thành, tận tụy phục vụ nhân dân, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân. Chỉ có một nhà nước như vậy mới đoàn kết, tập hợp được nhân dân.
– Các đoàn thể quần chúng là tổ chức trực tiếp tập hợp, đoàn kết các giai tầng xã hội. Các đoàn thể quần chúng hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc – Mặt trận dân tộc thống nhất. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Mặt trận dân tộc thống nhất càng rộng rãi bao nhiêu, càng chặt chẽ thống nhất bao nhiêu thì khối đại đoàn kết dân tộc càng mạnh mẽ, càng bền vững bấy nhiêu.
Xây dựng, củng cố, phát triển các đoàn thể quần chúng một quá trình cách mạng hết sức công phu, đòi hỏi Đảng Cộng sản và những người cách mạng phải có phương pháp khoa học, phải kiên trì và sáng tạo. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chính sách mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng (…). Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”.
3.3. Phương pháp xử lý các mối quan hệ nhằm mở rộng đến mức cao nhất trận tuyến cách mạng và thu hẹp đến mức thấp nhất trận tuyến thù địch
Trong cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp bao giờ lực lượng cũng phân thành 3 tuyến: cách mạng – trung gian – phản cách mạng. Thành bại trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa cách mạng và phản cách mạng không chỉ tùy thuộc vào sức mạnh tự thân của hai lực lượng đối địch, mà còn tùy thuộc một phần rất lớn vào việc bên nào tranh thủ được sự ủng hộ của lực lượng trung gian.
Phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh là phương pháp xử lý mối tương quan giữa ba lực lượng đó bằng thái độ và các giải pháp ứng xử khoa học.
Theo Hồ Chí Minh, sự đoàn kết thống nhất của các lực lượng cách mạng là điều kiện tiên quyết giúp cho việc thu hút tập hợp các lực lượng trung gian vào trận tuyến cách mạng và cô lập cao độ thế lực thù địch. Do vậy, phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh với lực lượng cách mạng là khai thác, phát huy sự thống nhất, tương đồng, hạn chế, tiến tới thu hẹp sự khác biệt về mục tiêu, lợi ích.
Với lực lượng trung gian, phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh là xoá bỏ mọi thành kiến, mặc cảm, khơi gợi, cổ vũ ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước; chân thành hợp tác và trọng dụng. Người nhiều lần tha thiết kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phe nào. Hồ Chí Minh thường căn dặn: Chúng ta hãy thật thà cộng tác vì dân, vì nước; “Điều cần thiết nhất cho chúng ta là đoàn kết (…), cần phải xoá bỏ hết thành kiến, là phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ, để phục vụ nhân dân” (14) .
Với các thế lực thù địch của cách mạng, Hồ Chí Minh đòi hỏi phải chủ động, kiên quyết tiến công tiêu diệt trên cơ sở phân hoá, cô lập chúng đến cao độ. Phương pháp của Người có nhiều cấp độ: chăm chú theo dõi, khai thác mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù; lôi kéo, tranh thủ hoà hoãn với những lực lượng nào có có thể tranh thủ, hoà hoãn được; thu hẹp và cô lập lực lượng thù địch nguy hiểm, trực tiếp nhất.
Đối với những thế lực phản động, ngoan cố nhất thì phải “kiên quyết không ngừng thế tấn công” và “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”.
Tóm lại, phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh chính là sự nhận thức và giải quyết một cách khoa học, hiệu quả các mối quan hệ chồng chéo, phức tạp giữa giai cấp – dân tộc, quốc gia – quốc tế, truyền thống – hiện đại.
4. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Tổng kết quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, các văn kiện của Đảng ta đều rút ra bài học: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế”.
Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên có công lao to lớn trong việc gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, gắn nhân tố chủ quan (dân tộc) với nhân tố khách quan (quốc tế). Theo Ăngghen, muốn cho cách mạng thắng lợi, đảng cách mạng phải tạo ra lực lượng tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là để tạo ra lực lượng tổng hợp đó.
Nội dung cơ bản của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm:
Một là, đặt cách mạng Việt Nam, cách mạng mỗi nước trong tiến trình chung của cách mạng thế giới.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã khẳng định Việt Nam là một bộ phận của cách mạng và hoà bình thế giới. Qua nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và qua hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh càng nhận thức sâu sắc rằng, tình hình thế giới có quan hệ mật thiết với nước ta và các hoạt động của Việt Nam có muôn ngàn sợi dây liên hệ với thế giới bên ngoài.
Khi gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng khu vực và thế giới, một mặt, Hồ Chí Minh rất coi trọng những điểm tương đồng; mặt khác, Người luôn chú ý tới các đặc điểm riêng về lịch sử, xã hội, chính trị, kinh tế của mỗi nước giữa phương Đông và phương Tây.
Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về mối quan hệ chặt chẽ giữa giai cấp công nhân ở các nước tư bản “chính quốc” với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh khẳng định sự cần thiết phải phối hợp giữa các lực lượng để cùng nhau giết “con đỉa hai vòi” bằng cách đồng thời cắt hai vòi của con đỉa ấy. Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng Việt Nam chỉ có thể thắng lợi khi có sự liên kết chặt chẽ giữa lực lượng trong nước với các lực lượng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Mặt khác thắng lợi của cách mạng Việt Nam là một đóng góp xứng đáng đối với cách mạng hoà bình thế giới.
Hai là, xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết hợp tác giữa các dân tộc và giai cấp vô sản các nước.
Xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết hợp tác là đòi hỏi cấp thiết của mỗi dân tộc và toàn nhân loại trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, phát triển. Hồ Chí Minh luôn trung thành với quan điểm đó và suốt đời mình Người ra sức chăm lo xây dựng, vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết hợp tác giữa các dân tộc.
Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng tình hữu ái vô sản, Người đã từng khẳng định: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản” (15) .
Tình hữu nghị, đoàn kết hợp tác mang tính nhân văn sâu sắc của Hồ Chí Minh đã nâng đỡ, thôi thúc các dân tộc bị bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới đấu tranh vì những quyền lợi cơ bản của mình.
Hồ Chí Minh kiên trì thực hiện và bảo vệ chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhất là giữa các đảng cầm quyền ở một số nước xã hội chủ nghĩa. Đây là một nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu, sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh viết trong Di chúc: Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!
Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình” (16) .
Những lời tâm huyết ấy là trách nhiệm và tình cảm một người cộng sản, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Đó cũng là nguyên tắc trong quan hệ giữa các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế. Trách nhiệm, tình cảm và nguyên tắc do Hồ Chí Minh nêu lên luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt vận dụng vào quá trình cách mạng nước ta.
Ba là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhưng phải dựa vào sức mình là chính.
Hồ Chí Minh cho rằng, tự lực, tự cường và đoàn kết hợp tác quốc tế có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Từ quan niệm của Mác cho rằng, sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân phải do giai cấp công nhân làm lấy, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công cuộc giải phóng thuộc địa trước hết do nhân dân thuộc địa quyết định. Do đó, trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn quán triệt tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, triệt để thực hiện phương châm “tự lực cánh sinh là chính”.
Theo Hồ Chí Minh, tự lực tự cường sẽ tạo ra thế và lực để mở rộng ngoại giao: “Nếu tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao” (17) . Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn” (18) . Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh muốn người ta giúp cho, trước hết mình phải tự giúp mình đã.
Khẳng định vai trò của sức mạnh dân tộc trong việc tạo nên thế và lực cho cách mạng, đồng thời Hồ Chí Minh cũng cho rằng sức mạnh thời đại, khối đoàn kết quốc tế cũng sẽ làm cho thế và lực cách mạng mỗi nước tăng lên. Đánh giá thắng lợi của chính sách ngoại giao, đầu 1950 Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chắc rằng cuộc thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này” (19) .
III. TƯ TƯỞNG ĐẠI ĐOÀN KẾT HỒ CHÍ MINH TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI
1. Từ tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh đến chiến lược đại đoàn kết của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 70 năm qua đã chứng tỏ sức sống diệu kỳ và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Từ chỗ là tư tưởng của lãnh tụ, cách mạng Việt Nam được thổi một luồng sinh khí mới, tiếp nhận tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh như món chiến lược cơ bản trong cách mạng dân tộc dân chủ cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng đó được thể hiện qua đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, để rồi biến thành hành động của hàng triệu quân chúng, tạo nên sức mạnh chiến thắng trong khởi nghĩa Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giành lại độc lập, thống nhất trọn vẹn cho Tổ quốc.
Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Thực tế những năm đổi mới, đã chỉ ra rằng, nơi nào và khi nào đại đoàn kết được quán triệt, thực hiện đúng thì nơi đó, khi đó cách mạng phát triển ổn định, còn nơi nào xa rời tư tưởng đại đoàn kết thì nơi đó cách mạng gặp khó khăn và tổn thất. Bài học kinh nghiệm đó tiếp tục được Đảng ta đúc rút để kịp thời bổ sung vào đường lối đổi mới, những luận điểm chiến lược theo tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh.
2. Kế thừa và phát triển tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Tư tưởng chủ đạo được đề cập trong đường lối của Đảng ta là phải khơi dậy và phát huy đến mức cao nhất tiềm năng sức mạnh của dân tộc. Đặt lợi ích dân tộc và lợi ích của con người lên hàng đầu, lấy đó làm cơ sở xây dựng các chủ trương chính sách kinh tế – xã hội, làm nền tảng để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời phải mở rộng quan hệ quốc tế, tranh thủ mọi cơ hội, mọi khả năng, mọi nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tư tưởng chủ đạo nêu trên được thể hiện nhất quán trong các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước:
– Về chính trị tư tưởng: Đảng nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, chủ trương xoá bỏ mọi thiên kiến mặc cảm, hận thù trong quá khứ, đoàn kết mọi lực lượng người Việt Nam trong nước và Việt kiều ở nước ngoài vào sự nghiệp xây dựng đất nước, lấy liên minh công – nông – trí làm nòng cốt cho khối đoàn kết toàn dân. Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 27-11-1993 Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất đã phản ánh tập trung nhất sự kế thừa, phát triển tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới.
– Về kinh tế – xã hội: Thực hiện khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, xác lập quyền làm chủ của nhân dân lao động trên lĩnh vực kinh tế, khuyến khích làm giàu chính đáng song song với chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo”.
– Về đối ngoại: Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá theo phương châm “ Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” (20) .
Đất nước ta hiện đang đứng trước những vận hội mới đồng thời cũng có những thách thức mới. Những vận hội và thách thức tác động hàng ngày hàng giờ tới khối đại đoàn kết dân tộc. Để tiến lên, chúng ta chỉ có một con đường là phải kiên trì, vững vàng, quán triệt và thực hiện tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, phù hợp với sự vận động, biến đổi của đời sống kinh tế – xã hội trong nước và trên thế giới. “Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam là Đại hội của Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Đổi mới” (21) . Đại hội phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là đại hội thể hiện ở tầm cao mới, chiều sâu mới tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh.
_____________
Chú thích:
* Theo Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị – Hành chính, H.2011.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.5, tr.261-262.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.605.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.23.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.605.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.604.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.438.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.438.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.19.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.276.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.410.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.605-606.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.246-247.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.558.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.391.
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.266.
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.499.
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.459.
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.126.
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. tr.82.
(20) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2001, tr.196.
(21) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr.146.