Văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng phải lấy dân làm gốc

Văn hóa chính trị (political culture) được các nhà khoa học thế giới tiếp cận từ thập kỷ năm mươi của thế kỷ XX dưới nhiều góc độ khác nhau nhưng vẫn chưa hoàn toàn có sự thống nhất. Điều dễ hiểu vì văn hóa và chính trị vừa mang tính phổ biến vừa mang tính cá biệt; cách nhìn vấn đề văn hóa và chính trị có sự bổ sung và phát triển theo thời đại và tiếp cận từ thực tiễn.

Bàn tới văn hóa chính trị là bàn tới một phương diện của văn hóa, tập trung ở tư tưởng và hoạt động chính trị, một lĩnh vực hoạt động đặc thù gắn liền với quan hệ giữa các giai cấp, các tập đoàn xã hội, các dân tộc trong một quốc gia và giữa các nhà nước, các quốc gia; đồng thời là sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội và của quần chúng nhân dân vào công việc của Nhà nước.

 

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Nhân dân)

Xuất phát từ quan điểm văn hóa và quan niệm chính trị của Hồ Chí Minh, bài viết quan niệm văn hóa chính trị là cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái giá trị của chính trị qua cách ứng xử, kiểu quan hệ của đảng cầm quyền, của nhà nước pháp quyền và của chính khách; thấm sâu vào tâm lý quốc dân, vào toàn bộ đời sống và hoạt động của từng tổ chức và cá nhân, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng như một sức mạnh văn hóa, sức mạnh hợp chất lý và tình, thuyết phục bằng cảm hóa.

Quan niệm chính trị của Hồ Chí Minh “là đoàn kết và thanh khiết từ to đến nhỏ”, “văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong chính trị”; “phải đưa chính trị vào giữa dân gian” tỏ rõ một điểm nhấn quan trọng trong nhận thức về văn hóa chính trị tập trung ở tổ chức chính trị và hoạt động chính trị mà hạt nhân là tư cách của một Đảng chân chính cách mạng với sứ mệnh công bộc trong hoạt động chính trị. Văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng không phải biểu hiện là cái gì mà chủ yếu là ở ý nghĩa và giá trị với một phương thức định hình, định hướng đặc thù đối với hành động chính trị có văn hóa. Văn hóa hiểu như vậy không tách rời nghĩa gốc “trồng người” (Culture), tức tu dưỡng bản thân, trau dồi nhân cách, hướng đích tới hạnh phúc của đồng bào và quyền lợi của Tổ quốc.

Cái có giá trị nhất của chính trị do thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đem lại là chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, đánh đổ nền thống trị của Pháp, Nhật, lập nên chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó cũng là một thắng lợi chưa từng thấy về văn hóa. Vì từ đây, với một đất nước độc lập, tinh thần được giải phóng, trên cơ sở lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, của Tây phương và Đông phương, chúng ta có điều kiện để và phải xây dựng, trau dồi một nền văn hóa thật có tinh thần thuần túy Việt Nam, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, hợp với tinh thần dân chủ.

Theo Hồ Chí Minh, văn hóa chính trị của chính thể Dân chủ Cộng hòa là phải xây dựng tâm lý độc lập tự lực, tự cường cho dân tộc. Cán bộ, đảng viên phải biết và dám hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. Đảng và Nhà nước phải xây dựng một xã hội mà mọi sự nghiệp gắn với phúc lợi của nhân dân trong xã hội, lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Đặc biệt chế độ Dân chủ Cộng hòa phải hàm chứa một nền chính trị dân quyền.

Hồ Chí Minh nói “Đảng ta là đạo đức, là văn minh/Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no” là nói tới văn hóa chính trị, tập trung ở đây là văn hóa Đảng. Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải mang trong mình một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Đảng ta tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc. Đảng phải luôn luôn trau dồi, vun bồi tư cách của một Đảng chân chính cách mạng mà ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác. Đảng cầm quyền xa lạ với áp đặt quyền lực theo kiểu Đảng trị của một tổ chức làm quan phát tài. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.

Ngay tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất cách đây 75 năm, trong lời khai mạc, Hồ Chủ tịch nêu quan điểm văn hóa mà nội dung được hiểu là những khía cạnh tiêu biểu của văn hóa chính trị. Theo Người, phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, để sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Từ cái gốc đó của tâm lý quốc dân, văn hóa phải làm cho ai cũng có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Văn hóa còn có sứ mệnh cao cả là làm cho mỗi người hiểu bổn phận, trách nhiệm của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng.

Một điểm nhấn trong văn hóa chính trị không chỉ thể hiện trong hệ thống chính trị mà ngay cả trong văn nghệ, tức hoạt động văn học, nghệ thuật, được Hồ Chủ tịch nói tới, đó là tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc và dân tộc mà điểm xuất phát và xuyên suốt là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.

Phương thức định hình, định hướng đặc thù đối với hành động chính trị có văn hóa phải coi dân là chủ thể. Theo tinh thần Hồ Chí Minh, văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng phải lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Tính chính đáng của chính trị phải được bộc lộ rõ nét ở văn hóa với cách hiểu chính trị có văn hóa, trong đó lấy lòng tin, sự cảm phục, tín nhiệm, yêu quý, hài lòng của nhân dân làm tiêu chí, thước đo.

Theo Hồ Chí Minh, chính trị phi văn hóa, kém văn hóa biểu hiện ở nhiều mức độ đậm nhạt, hình dạng khác nhau, nhưng rõ nhất, tệ hại nhất là thiếu dân chủ, tham ô, lãng phí, quan liệu, tiêu cực, vô trách nhiệm mà gốc rễ sâu xa là chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ, đảng viên một khi đã mang nặng một “ba lô” chủ nghĩa cá nhân thì sẽ không còn tính liêm sỉ, mất hết ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những con người đó thường hứa mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phung sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng. Họ khinh nhân dân, coi thường quần chúng, thiếu bản lĩnh, thiếu gan làm việc, gan chịu trách nhiệm, không dám đổi mới, sáng tạo, nhưng lại thích xu nịnh a dua theo kiểu “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi, theo gió bẻ buồm, không có khí khái”. Họ cơ hội, luồn lách, khi gặp khó khăn sẵn sàng phụ họa cho cái xấu, cái độc có hại cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đào tạo ra loại cán bộ “đập đi, hò đứng” đó là có tội với Đảng, với dân tộc.

Hơn 90 năm qua, đặc biệt qua 35 năm đổi mới, chúng ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta đã bước những bước dài chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Kinh tế, xã hội và con người đều đổi mới. Có nhiều nhân tố đưa tới thành tựu to lớn, vẻ vang đó, nếu đúc kết thì đó là nhờ văn hóa chính trị dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh với ý nghĩa là có một Đảng chân chính cách mạng lãnh đạo với đường lối và hoạt động chính trị có văn hóa. Đảng quy tụ vun bồi được sức dân, trí dân, lòng dân.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã bàn tới nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị, chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể. Đảng ta nhận rõ so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Đáng lo ngại nhất là văn hóa trong chính trị với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi. Có mặt, có bộ phận còn biểu hiện tinh vị, phức tạp; tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, tha hóa quyền lực vẫn còn nghiêm trọng. Những biểu hiện đó chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trên cơ sở đó, khi bàn về xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong Đảng, Đảng ta đặt trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Có quyết tâm chính trị cao trong ngăn chặn, đẩy lùi, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức.

Văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng trước hết và xuyên suốt là trau dổi nhân cách, tu dưỡng bản thân của những cán bộ, đảng viên có chức có quyền, lãnh đạo, đứng đầu. Đảng ta nhấn mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Nhận thức và quyết tâm đó của Đảng là trở về đích thực với quan điểm và tấm gương của Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ xây dựng văn hóa chính trị mà Người nêu lên cách đây hơn hai phần ba thế kỷ.

Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về văn hóa chính trị là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp xây dựng văn hóa chính trị của Đảng ta đạt những thành tựu to lớn.

PGS.TS Bùi Đình Phong

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh