huyện Đại Từ (Thái Nguyên), năm 1954. Ảnh tư liệu
Phong cách Hồ Chí Minh là phạm trù rất rộng. Chúng ta tìm thấy ở mọi suy nghĩ, việc làm, cách ứng xử với tất cả các mối quan hệ của Người trong cuộc sống. Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh không phải là sự bắt chước giản đơn, thô thiển mà là học tập về một thế giới quan, phương pháp luận khoa học, sáng tạo của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.
Cách quan sát thế giới, nhận biết, tìm ra bản chất của thế giới khách quan, từ đó có cách ứng xử, phương pháp đúng đắn, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn của sự vật, hiện tượng cuộc sống đặt ra một cách biện chứng, đã trở thành phong cách của nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh. Phong cách Hồ Chí Minh là sự trải nghiệm, đúc kết những kinh nghiệm suốt cả cuộc đời hoạt động sôi nổi, đầy cam go thử thách trong mọi hoàn cảnh lịch sử của Người mà hình thành nét suy nghĩ, hành xử thông minh, sáng tạo giành thắng lợi
Phong cách Hồ Chí Minh mang tầm vóc văn hóa, triết học, chính trị, tư tưởng rất cao song những điều ấy lại rất gần gũi với lối nghĩ, việc làm hàng ngày của mỗi người. Chính sự kết tinh cái bình thường, cái tự nhiên, cái bình dị với cái vĩ đại, lớn lao, cao sang đã thăng hoa thành phong cách độc đáo Hồ Chí Minh. Vì thế, đây cũng chính là điểm mà mỗi chúng ta, bất cứ ai đều có thể học tập và làm theo phong cách của Người. Những nét phong cách Hồ Chí Minh thể hiện ở xung quanh ta, ở cuộc sống, suy nghĩ, việc làm, cách ứng xử cụ thể trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.
Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện nổi bật à làm gì cũng phải có mục đích cụ thể, thiết thực, rõ ràng và phải kiên trì, trung thành với mục tiêu, lý tưởng ấy. Khi là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, nhìn thấy cảnh nước mất, nhà tan, kiếp sống lầm than của đồng bào cả dân tộc trong vòng nô lệ, Người đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước với chỉ một khát vọng: Tìm độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi. Con đường cứu nước cũng được Nguyễn Tất Thành trăn trở, tìm một lối đi khác, phù hợp hơn so với các bậc tiền bối trước đó. Từ những năm tháng bôn ba lặn lội mấy chục năm gian khổ ở nước ngoài tìm đường cứu nước cho đến những chặng đường lãnh đạo nhân dân ta giành chính quyền năm 1945, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ biết bao gian nan, thử thách, nhưng Hồ Chí Minh vẫn đau đáu, kiên trung một khát vọng, một sứ mệnh thiêng liêng là giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Đây là phong cách nói là làm, dù việc làm rất lớn lao trọng đại. Phong cách làm là làm đến nơi đến chốn, làm cho bằng được, dù khó khăn gian khổ đến đâu; phong cách chủ động, sáng tạo, tự tin trong công việc, biết tìm thấy sức mạnh, tìm ra con đường để đi đến toàn thắng. Phong cách Hồ Chí Minh là chủ động kiên quyết; thực tế, thiết thực, tôn trọng và tuân theo quy luật khách quan, tìm ra chân lý. Phong cách Hồ Chí Minh là tác phong cương trực, khéo léo vì mục tiêu cao cả, lớn lao. Phong cách Hồ Chí Minh là giản dị, đơn giản, dễ hiểu, dễ làm để có kết quả thiết thực, không hình thức…
Trong những nét phong cách, giá trị phong phú và đa dạng, sáng tạo của Hồ Chí Minh, thì hấp dẫn và thuyết phục, nhất vẫn là phong cách của vị lãnh tụ luôn ung dung, tự tại, hòa nhập với thiên nhiên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Phong cách ấy vô cùng phong phú, mang cốt cách của một vĩ nhân luôn thấu hiểu sự đời, chủ động trong mọi hoàn cảnh, vượt khỏi giới hạn thời gian, không gian. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành được chính quyền, song bọn thù trong và giặc ngoài cấu kết hòng bóp chết nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ vừa mới ra đời; cùng với tình hình khó khăn trong nước, nạn đói, chết người khủng khiếp; nền tài chính khánh kiệt; hơn 95% dân số mù chữ… đã đưa vận mệnh nước nhà ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”… Song trong bối cảnh đó, một Hồ Chí Minh luôn bình tĩnh, tự tin đã chủ động, bằng nhiều phương cách linh hoạt, phù hợp và hiệu quả dẫn dắt đất nước ta vượt qua tình huống hiểm nghèo đó.
Năm 1946, khi thực dân Pháp dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” và Người khẳng định cuộc chiến tranh này ta nhất định thắng, địch nhất định thua, vì đây là cuộc chiến tranh “giữa nước với lửa”, và nước sẽ dập tắt lửa. Hồ Chí Minh dựa vào quy luật tự nhiên và xã hội để đi đến khẳng định chân lý tất thắng của cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta. Sức nước ngàn năm của dân tộc Việt Nam anh hùng sẽ dập tắt ngọn lửa hung tàn của thực dân Pháp, cho dù lúc đầu thế lực giặc Pháp có binh hùng, tướng mạnh đến đâu. Với tầm nhìn xa trông rộng, chủ động trong mọi tình huống, Hồ Chí Minh luôn đứng vững trên cái “bất biến” để ứng phó với những cái “vạn biến” của cuộc đời.
Ngài Pétghi Đápphơ – Tổng thư ký của Ủy ban quốc tế đấu tranh cho giải trừ quân bị và hòa bình khi đến thăm Việt Nam, gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã viết bài đăng trên báo Diễn đàn số ra ngày 12- 9-1969: “Cụ có thể mềm như một cái cung và lao thẳng tới đích như một mũi tên. Cụ vận động trăm phương ngàn kế, đánh đánh đàm đàm, kết hợp nhiệt tình với quan điểm thực tế, nhưng không bao giờ đi chệch mục tiêu của mình… Cụ yêu thơ, dùng thời gian ngồi tù làm thơ chữ Hán. Cụ bẩm sinh là con người dịu dàng và Cụ rất yêu mến trẻ em… Như biết bao người Việt Nam khác, mặc cho những sự khủng khiếp do Pháp và Mỹ gieo rắc trên đất nước Cụ, Cụ vẫn giữ được tâm hồn thư thái và không bao giờ để cho chiến tranh man rợ ảnh hưởng đến bản chất nhân đạo của Cụ”.
Rơne Đipét, tác giả bài báo đăng trên tờ Phong trào số ra tháng 10-1969 đã viết về Hồ Chí Minh: “Những ai muốn biết thế nào là một con người chân chính, đâu là vẻ đẹp của thế giới, đâu là sự thắng lợi của lý tưởng trên trái đất này, đâu là mùa xuân, thì phải tìm hiểu cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tìm hiểu cuộc sống mẫu mực của người anh hùng này của thời đại chúng ta”.
Tháng 8-1942, Hồ Chí Minh tiến hành cuộc hành trình từ núi rừng Việt Bắc sang Quảng Tây, Trung Quốc hoạt động cách mạng. Suốt hơn chục ngày đêm vượt núi băng rừng hiểm trở, bỗng Người bị cảnh sát Tưởng Giới Thạch bắt giam, bắt đầu một giai đoạn đầy ải mới đối với Người tưởng như kéo dài hàng thế kỷ. Bị cai ngục cầm tù, cùm gông, cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, giải Người đi suốt nhà tù này sang nhà tù khác trong đói rét, nắng gắt, mưa dầm, hành hạ trong sự kham khổ cơ cực về vật chất, nhưng trái tim Người vẫn bừng bừng ngọn lửa cách mạng, vẫn rực sáng tâm hồn thơ ca, ngợi ca cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mơ ước tới giá trị của cuộc sống tự do. Cuộc hành trình của Người là cuộc hành trình đấu tranh cho tự do, cho công lý và kiên tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.
Suốt mười bốn tháng bị giam cầm ở các nhà giam của tỉnh Quảng Tây, mặc dù bị ghẻ lở, chấy rận, rệp muỗi ngày đêm hành hạ khiến Người bị rụng răng, tóc bạc, mắt mờ, ốm đau kiệt sức… song chỉ một tiếng sáo của người bạn tù, một vầng trăng đỉnh núi, cảnh vợ chồng người bạn tù bên song sắt… cũng đều động đến lòng trắc ẩn sâu xa, sự rung động, cảm thông, chia sẻ của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh chan chứa tình người.
Ở Hồ Chí Minh, chúng ta tìm thấy sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, tự nhiên, uyển chuyển giữa cái cứng của sắt thép và cái mềm nhẹ của tơ bông của một con người đã để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân. Nhà báo Úc U. Bớcsét từng viết đăng trên báo Mainichi Sinbun số ra ngày 10-9-1969: “Đồng chí Hồ Chí Minh đã cảm hóa tất cả mọi người Việt Nam từ già đến trẻ. Người là một con người thẳng thắn, khiêm tốn, giản dị… Hồ Chí Minh là người trình bày những sự việc hết sức phức tạp bằng những lời lẽ ngắn gọn, dùng những hình ảnh hết sức trong sáng khiến cho ai cũng có thể hiểu được… Ấn tượng nổi bật nhất mà bất cứ ai lần đầu tiên gặp Hồ Chủ tịch cũng đều cảm thấy là trí tuệ tập trung ở đôi mắt ngời sáng của Người, là lòng nhân đạo và sức hấp dẫn làm cho người tới thăm gần gũi ngay với Người. Ấn tượng thứ hai là khả năng đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề bằng những lời lẽ ngắn gọn và rất trúng”.
Phong cách Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng sự thông tuệ của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng; là đức nhân hậu và thái độ ân cần, niềm nở với mọi người, hòa nhập với thiên nhiên, dù đó là già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo nào; dù là ở Việt Nam hay châu Âu hoặc phương trời xa xôi trên trái đất này. Hồ Chí Minh có vốn sống dồi dào, sự hiểu rộng biết sâu với trình độ văn hóa của một nhà chính trị, nhà cách mạng, nhà văn, nhà báo, nhà thơ lớn của Việt Nam, của thế kỷ XX. Hồ Chí Minh là người Việt Nam sống giữa người Việt Nam, xuất thân từ dân, Hồ Chí Minh làm tất cả mọi việc mà những người Việt Nam, làm trong cuộc sống thường ngày. Ở Việt Bắc, Người cũng tăng gia sản xuất, trồng rau, tiết kiệm như tất cả mọi người đang làm. Người làm các việc đó không phải kêu gọi mọi người nên phải gương mẫu, mà là vì lối sống giản dị, tác phong cần kiệm, thói quen, nếp sống tự nhiên của Người. Thành công lớn của Hồ Chí Minh là Người đã dùng uy tín của mình được xây dựng trên cơ sở đạo đức và tác phong gương mẫu, hy sinh từ việc nhỏ đến việc lớn, nhằm phụng sự cho mục tiêu giành độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Hồ Chí Minh không muốn ai sùng bái mình, nhưng lại hiếm có một lãnh tụ nào được nhân dân tôn kính như đối với Hồ Chí Minh như thế. Đó chính là lòng yêu mến, sự tôn kính tuyệt đối đối với Người, khi mà mọi người đều thấy có mình trong Hồ Chí Minh và Người đã hy sinh suốt cả cuộc đời cho nhân dân, cho dân tộc.
Tác phong ung dung tự tại, hòa mình với thiên nhiên của Hồ Chí Minh được thể hiện vô cùng sinh động ở sự chủ động, sáng tạo, tự tin luôn làm chủ mọi tình huống, luôn giành thế thắng, đứng trên mọi kẻ thù. Hồ Chí Minh chủ động đi tìm đường cứu nước bằng con đường riêng của mình để đạt tới thành công. Người vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cách mạng giải phóng dân tộc cũng bằng sự sáng tạo từ thực tiễn lịch sử, truyền thống, văn hóa, con người, đất nước, dân tộc Việt Nam.
Ung dung tự tại, chủ động, tự tin, cụ thể, thiết thực, hiệu quả, không xa rời mục tiêu, lý tưởng lớn là đặc điểm phong cách nổi bật của Hồ Chí Minh. Người luôn lấy lợi ích của nhân dân, của đất nước, của dân tộc là chính, để đấu tranh loại bỏ mọi thế lực bạo tàn, đàn áp, tước đoạt quyền làm người chính đáng của mọi người dân, dù ở bất cứ nơi đâu. Lòng tin, sự kính phục, yêu mến của nhân dân đối với Hồ Chí Minh là lòng tin khoa học, lòng tin vững chắc trong mọi hoàn cảnh. Đúng như Ađê Xantamaria viết trong bài “Việt Nam mãi mãi có Người” đăng ở Tuần báo Cuba số ra ngày 12-9- 1969: “Trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh có một sức mạnh khiến người ta vững tin rằng có Người ở Việt Nam thì không thể có chuyện gì xảy ra, rằng không bao giờ vắng Người ở Việt Nam, rằng Người mãi mãi ở Việt Nam, và vì thế Việt Nam mãi mãi có Người, Việt Nam mãi mãi là của Người”.
PGS.TS. Trần Quang Nhiếp
Theo Tạp chí Tuyên giáo