Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức*

    LÃNH TỤ, NHÀ TƯ TƯỞNG ĐẶC BIỆT QUAN TÂM TỚI VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC

1. Hồ Chí Minh, lãnh tụ có nhiều cống hiến về tư tưởng đạo đức cách mạng

Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp cứu nước bằng cách giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng cho mọi người. Đồng thời, Người còn là hiện thân của đạo đức cách mạng, nêu gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Người là bậc  đại trí, đại nhân, đại dũng.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, có một đạo đức học Hồ Chí Minh. Đó là một bộ phận lớn của triết lý Hồ Chí Minh. Theo Giáo sư Trần Văn Giàu, trong tất cả các lãnh tụ cách mạng thế giới ở thế kỷ XX, Cụ Hồ là người nhấn mạnh nhiều nhất đến đạo đức. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng chỉ giác ngộ chính trị chưa đủ, còn phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, đạo đức dân tộc. Có nhà lãnh tụ nói: tổ chức tăng sức mạnh 10 lần; Cụ Hồ dạy: đạo đức tăng sức mạnh gấp bội.

Ở Hồ Chí Minh có  sự thống nhất hoà quyện  giữa chính trị, đạo đức, văn hoá, nhân văn: một nền chính trị rất đạo đức, rất văn hoá và đạo đức, văn hoá lại rất chính trị. Tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết là tư tưởng chính trị, định hướng chính trị nhưng dễ dàng tìm thấy một đạo đức trong sáng, một chủ nghĩa nhân văn hoàn thiện, một nền văn hoá của tương lai. Vấn đề này nằm trong vấn đề kia, gắn bó với nhau, nâng lên, gộp lại thành chất “người” hay trình độ “người” như cách nói của Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Tư tưởng đạo đức “nước lấy dân làm gốc” lại nhằm phục vụ cho sự nghiệp chính trị vì nước, vì dân. Hoặc “trung với nước, hiếu với dân” là một tư tưởng chính trị đồng thời cũng là một phẩm chất cơ bản của tư tưởng đạo đức. Sự thống nhất trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh còn là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nói đi đôi với làm; giữa đức và tài; giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường.

Vấn đề đạo đức được Hồ Chí Minh xem xét một cách  toàn diện  đối với mọi giai cấp và tầng lớp nhân dân lao động, đặc biệt là cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu rèn luyện đạo đức trong các môi trường gia đình, công sở, xã hội. Tấm gương và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có giá trị to lớn, lâu dài trong phạm vi dân tộc và quốc tế. Người đề cập đạo đức trong nhiều mối quan hệ khác nhau, nhưng chủ yếu là các mối quan hệ với mình, với người và với việc.

2. Bản chất, đặc điểm tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức mới, đạo đức cách mạng, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong sáng, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, suốt đời tranh đấu cho Đảng, cho cách mạng.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết hợp đạo đức truyền thống của dân tộc với tinh hoa đạo đức của nhân loại, giữa phương Đông với phương Tây, được hình thành và phát triển từ yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.

Phải nhận thức rằng, Hồ Chí Minh đánh giá cao đạo đức truyền thống dân tộc, đó là những đức tính sống có tình có nghĩa, có thủy có chung, có nhân có đức, có trước có sau, biết trung, biết hiếu.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh những yếu tố  tích cực  của đạo đức Nho giáo như: dân là gốc của nước; dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Người nhắc đến những mệnh đề “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, tứ hải giai huynh đệ” và đề cao thuyết “đại đồng” của Nho giáo. Người cho rằng, “đạo đức của Khổng tử là hoàn hảo”; “người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin” (1) . Theo Người, Khổng giáo là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử. Khổng tử có ưu điểm là tu dưỡng đạo đức cá nhân. Vì vậy, tuy Khổng tử là phong kiến, song những điều hay trong đó thì ta nên học lấy.

Mặt khác, Người chỉ ra nhiều  tiêu cực  như Khổng giáo căn bản là sự bình yên trong xã hội, không bao giờ thay đổi. Học thuyết đạo đức Nho giáo nhằm phụng sự quyền lợi cho giai cấp phong kiến, đi ngược lại lẽ tiến hoá của lịch sử và lợi ích của nhân dân. Rõ ràng là giữa Hồ Chí Minh và đạo đức Nho giáo có nhiều khác biệt. Nhận thức đúng đắn vấn đề này để thấy rằng, Người nhấn mạnh tác dụng to lớn của đạo đức cách mạng, tiếp thu, trân trọng mặt tích cực, phê phán mặt tiêu cực của đạo đức Nho giáo.

Ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin thực sự đem đến cho Hồ Chí Minh một cuộc cách mạng trong quan niệm đạo đức. Người nâng cao đạo đức truyền thống của dân tộc, chắt lọc tinh hoa đạo đức phương Đông, phương Tây để xây dựng một nền đạo đức mới Việt Nam, tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn, kết hợp với sức mạnh vật chất đưa dân tộc Việt Nam đi tới những thắng lợi vẻ vang.

II. NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

1. Đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng

Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng, từ rất sớm và xuyên suốt cuộc đời cách mạng của mình. Cuốn sách  Đường cách mệnh  năm 1927 không phải là một chuyên luận về vấn đề đạo đức cách mạng, nhưng ở trang đầu cuốn sách. Người đã nêu lên hai mươi ba điều về tư cách một người cách mạng, giải quyết ba mối quan hệ: Với mình, với người, với việc. Những thập kỷ bốn mươi, năm mươi, sáu mươi, Người đều có những bài viết ngắn gọn, súc tích về đạo đức cách mạng. Trong  Di chúc,  Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân… Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Người coi đạo đức như gốc của cây, như nguồn của sông, cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?” (2) . Vai trò nền tảng của đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh khẳng định: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có  đạo đức cách mạng  làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” (3) . Đạo đức trở thành nhân tố quyết định sự thành bại của mọi công việc, phẩm chất mỗi con người: “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuận đạo đức cách mạng, hay là không”, “Tuy năng lực và công việc mỗi người có khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức cách mạng đều là người cao thượng”. Người từng khẳng định: “Chúng ta đem tinh thần mà chiến thắng vật chất” (4) . Chỉ nhìn về vật chất, chỉ nhìn ở hiện tượng, chỉ lấy con mắt hẹp hòi mà xem, thì không giải thích được thắng lợi của ta đối với kẻ thù lớn mạnh. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta theo chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng ta không những nhìn vào hiện tại mà lại nhìn vào tương lai, chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc. Cho nên chúng ta quả quyết trả lời những người lừng chừng và bi quan kia rằng:

“Nay tuy châu chấu đấu voi,

Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra” (5) .

Đạo đức còn “có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi xã hội cũ thành một xã hội mới và xây dựng mỹ tục thuần phong”. “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước…, khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”…, không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo không hủ hoá”.

2. Những phẩm chất đạo đức cơ bản

Nghiên cứu di sản tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, ta thấy Người có những lời dạy với những phẩm chất đạo đức cụ thể cho từng đối tượng. Người nêu cái đúng, cái tốt, cái hay, đồng thời cũng chỉ ra cái sai, cái xấu, cái dở để giáo dục đạo đức cho các tầng lớp nhân dân. Qua đó, Hồ Chí Minh đã nêu bật những phẩm chất đạo đức cơ bản nhất của con người Việt Nam trong thời đại mới. Đây cũng là những phẩm chất của nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng Việt Nam.

2.1. Trung với nước, hiếu với dân

Đây là phẩm chất đạo đức bao trùm quan trọng nhất và chi phối các phẩm chất khác. Trung, hiếu là những khái niệm đạo đức trong xã hội phong kiến phương Đông. Trên cơ sở kế thừa, phát triển chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, khắc phục, vượt qua những hạn chế của truyền thống đó, Hồ Chí Minh khẳng định  trung với nước, hiếu với dân  là một trong những phẩm chất của đạo đức cách mạng Việt Nam.

Hồ Chí Minh không gạt bỏ từ ngữ “trung, hiếu” đã ăn sâu, bám rễ trong con người Việt Nam với một ý nghĩa trách nhiệm, bổn phận của người dân, người con. Với khái niệm cũ, Người đưa vào đây một  nội dung mới, cách mạng,  phản ánh đạo đức ngày nay cao rộng hơn, không phải trung với vua và chỉ có hiếu với cha mẹ, mà “trung với nước, hiếu với dân”.

Đây là cuộc cách mạng trong quan niệm đạo đức. Người gạt bỏ điều cốt lõi nhất trong đạo đức Nho giáo là lòng trung thành tuyệt đối với chế độ phong kiến và ông vua phong kiến. Cái mà Nho giáo tôn thờ nhất chính là cái mà cách mạng lên án và đánh đổ. Hồ Chí Minh không thể chấp nhận lòng trung thành tuyệt đối của nhân dân bị áp bức với kẻ áp bức mình, “Trung với nước” thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, xã hội; thể hiện trách nhiệm với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với con đường đi lên của đất nước. Nước ở đây là nước của dân và dân là chủ nhân của nước.

Từ chỗ “trung với vua, hiếu với cha mẹ” chuyển thành “trung với nước, hiếu với dân” là một sự đảo lộn trong quan niệm đạo đức truyền thống. Hồ Chí Minh đã viết: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời” (6) . Nhân dân từ chỗ là kẻ nghèo hèn, phải được chăn dắt, sai khiến trở thành lực lượng làm nên lịch sử, sáng tạo ra lịch sử. Trước, quan là phụ mẫu của dân, thì nay – Đảng, cán bộ, đảng viên là “đầy tớ trung thành của nhân dân”. Theo Hồ Chí Minh, trung với nước, hiếu với dân là phải suốt đời đấu tranh cho cách mạng, ra sức làm việc, giữ vững kỷ luật, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Hồ Chí Minh dạy rằng, hiếu với dân thì phải hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ xung quanh Đảng, tổ chức tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng; phải lấy dân làm gốc, phải thực hiện dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Đảng, Nhà nước hoạt động phải gần dân, thân dân, lấy trí tuệ ở dân, học hỏi dân, phải biết làm học trò dân mới làm được thầy học của dân. Chỉ có thực hiện được như thế thì người cách mạng mới được dân tin yêu, cách mạng mới đi đến thành công.

2.2. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

Phẩm chất này gắn bó chặt chẽ với phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”. Việc thực hiện phẩm chất này, đặt ra đối với tất cả mọi người, đòi hỏi mỗi người phải lấy bản thân mình làm đối tượng điều chỉnh. Nó diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trong công tác, sinh hoạt. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những khái niệm đạo đức phương Đông, đạo đức truyền thống Việt Nam, được Hồ Chí Minh tiếp thu chọn lọc, đưa vào những yêu cầu và nội dung mới. Người khẳng định: “Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước, cho dân” (7) .

Tháng 6-1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Hồ Chí Minh viết tác phẩm  Cần, kiệm, liêm, chính.  Sau đó, Người thường xuyên đề cập tới các phạm trù đạo đức này.

Hồ Chí Minh không chỉ giải thích nghĩa của cần, kiệm, liêm, chính mà Người còn nêu lên mối quan hệ giữa bốn phẩm chất đó: “Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn” (8) . So sánh với bốn mùa của trời, bốn phương của đất, Người cho rằng: “Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức, thì không thành người”.

Cần, kiệm, liêm, chính đối với cán bộ đảng viên lại càng cần thiết, bởi vì: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút” (9) . Theo Hồ Chí Minh, càng có chức, có quyền càng cần phải cần kiệm, liêm, chính. Người viết: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” (10) .

Theo Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính là thước đo văn minh, tiến bộ của một dân tộc. Người viết: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”  (11) .

Cần, kiệm, liêm, chính, vì vậy là “nền tảng của đời sống mới, của thi đua ái quốc”; là cái cần để “làm việc, làm người, làm cán bộ, phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng “cần, kiệm, liêm, chính là đặc điểm của xã hội hưng thịnh. Những điều trái lại là đặc điểm của xã hội suy vong”.

Chí công, vô tư là không nghĩ đến mình trước, hưởng thụ đi sau, là “lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào”. Điều mà Phạm Trọng Yêm đời Tống đã nói: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” đã được Hồ Chí Minh đưa thành nội dung phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh đòi hỏi, thực hành chí công vô tư là phải “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Bởi vì, chủ nghĩa cá nhân là trái với chủ nghĩa tập thể, trái với đạo đức cách mạng.

Hồ Chí Minh chỉ ra “chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Nó là một thứ vi trùng rất độc, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh: tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu mệnh lệnh, v.v…”. Tóm lại, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp – hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi – để ngóc đầu đậy. Nó là một kẻ địch, bạn đồng minh của các kẻ địch khác.

Vì vậy, đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh chống mọi kẻ địch. “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân” (12) .

Tuy nhiên, cần có nhận thức về sự thống nhất giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, cần phân biệt giữa chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”, chỉ “lo mình béo mặc thiên hạ gầy”. Như thế là phải “tiêu diệt”, “quét sạch”, “trừ bỏ”. Theo Hồ Chí Minh, “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu  (13) . Hồ Chí Minh khẳng định: “chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình” (14) .

Chủ nghĩa cá nhân còn là mối nguy hại cho một Đảng, cho cả dân tộc: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (15) . Người giải thích cho cán bộ làm sách “Người tốt việc tốt”: “Các chú có biết rằng dân tộc ta vĩ đại, Đảng ta vĩ đại, ta được anh em bầu bạn khắp năm châu yêu mến và ca ngợi là vì cái gì không? Vì cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta do Đảng ta lãnh đạo là chí công vô tư, mình vì mọi người. Từ nay về sau, nhân dân ta và Đảng ta phải giữ gìn và phát huy mãi mãi đạo đức trong sáng ấy” (16) .

2.3. Yêu thương con người

Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là từ thực tiễn cách mạng, từ cuộc sống của các dân tộc bị áp bức và giai cấp cần lao, Hồ Chí Minh cho rằng, trên đời này có hàng muôn triệu người, hàng trăm nghìn công việc nhưng có thể chia thành hai hạng người: người Thiện và người Ác, và hai thứ việc: việc Chính và việc Tà. Có lúc Người khái quát hai hạng người đó là hạng người đi áp bức bóc lột và hạng người bị áp bức bóc lột. Hồ Chí Minh chỉ rõ: làm việc chính là người thiện, làm việc tà là người ác. Cần phải thực hành chữ Bác ái. Khi trả lời các nhà báo, Người nói: Tôi yêu nhất điều thiện và ghét nhất điều ác.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người rất toàn diện và độc đáo. Con người không phải thần thánh, có tốt có xấu ở trong lòng. Dù văn minh hay dã man, tốt hay xấu, đều có tình. Chúng ta cần làm cho trong mỗi con người phần tốt nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi.

Tình yêu thương con người ở Hồ Chí Minh không chung chung trừu tượng kiểu tôn giáo, mà trước hết dành cho những người mất nước, người cùng khổ.

Hồ Chí Minh yêu thương con người với một tình cảm sâu sắc, vừa bao la, vừa gần gũi, bao trùm cả cộng đồng đến từng số phận con người. Người thức tỉnh, tái tạo lương tâm, vạch hướng đi, đánh thức những gì tốt đẹp nhất trong mỗi con người, tạo điều kiện cho con người đứng dậy, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

Hồ Chí Minh yêu thương những con người đang sống trên trái đất này. Đó là tình yêu thương gắn liền với hành động cụ thể để mang lại cơm ăn, nước uống, trả lại nhân phẩm cho con người.

Tình yêu thương con người ở Hồ Chí Minh vượt ra ngoài phạm vi dân tộc, mang tính nhân loại, vừa bốn biển năm châu, vừa bốn phương vô sản. Đó chính là một nội dung cơ bản của tinh thần quốc tế trong sáng thủy chung.

Hồ Chí Minh là bậc đại nhân, thể hiện tinh thần phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đó cũng chính là phẩm chất đạo đức cách mạng “giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục” mà người cộng sản quyết tâm thực hiện để phục vụ quần chúng nhân dân.

3. Những nguyên tắc cơ bản xây dựng đạo đức mới

Nói đến tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, phải chú ý tới con đường và phương pháp hình thành đạo đức mới. Đặc điểm và quy luật hình thành tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho thấy rõ một số nguyên tắc xây dựng đạo đức mới cơ bản sau đây:

3.1. Tu dưỡng đạo đức bền bỉ suốt đời thông qua thực tiễn cách mạng

Theo Hồ Chí Minh, “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện cành trong.

Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người (17) . Vì vậy, Hồ Chí Minh đòi hỏi phải “gian nan rèn luyện mới thành công”. “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. “Kiên trì và nhẫn nại… Không nao núng tinh thần”.

Tu dưỡng đạo đức cách mạng phải trên tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người và dư luận của quần chúng. Người cách mạng phải ý thức được đạo đức cách mạng là nhằm giải phóng con người và là đạo đức của những con người được giải phóng. Đã hoạt động cách mạng thì khó tránh khỏi sai lầm và khuyết điểm. Vấn đề là phải cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Tu dưỡng đạo đức mới phải gắn với thực tiễn, bền bỉ mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Như vậy mới phân biệt được việc tu dưỡng đạo đức của người cộng sản với cách tu dưỡng của các nhà nho. Người viết: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ” (18) . Vì vậy, gột rửa chủ nghĩa cá nhân “ví như rửa mặt thì phải rửa hàng ngày”.

3.2. Nêu gương đạo đức, lời nói đi đôi với việc làm

Đây không chỉ là một nguyên tắc rèn luyện đạo đức, mà còn là ranh giới phân biệt giữa đạo đức cách mạng và không phải đạo đức cách mạng.

Nói nhưng không làm là đặc trưng đạo đức của giai cấp bóc lột. Lời nói phải đi đôi với việc làm và thực hành đạo làm gương là đạo đức của người cách mạng nói chung, nằm trong vốn văn hoá phương Đông nói riêng. Hồ Chí Minh viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (19) . Người nhấn mạnh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến.

Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã” (20) . Người dạy “đảng viên đi trước”, để cho “làng nước theo sau”.

Đạo làm gương phải được quán triệt trong tất cả mọi đối tượng, mọi lĩnh vực: từ Đảng, Nhà nước, các đoàn thể đến nhà trường, gia đình, xã hội…

Đạo làm gương, lời nói đi đôi với việc làm của Hồ Chí Minh thực sự có một sức thu hút mãnh liệt, khiến cho cả dân tộc, nhiều thế hệ, các giai tầng xã hội đều tin tưởng đi theo tiếng gọi của Người.

3.3. Xây dựng đạo đức mới, đấu tranh với những hiện tượng phi đạo đức

Trong Đảng và mỗi con người, vì những lý do khác nhau, không phải “người người đều tốt, việc việc đều hay”. Vả lại, để tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh phải lâu dài và gian khổ. Cần có người cách mạng là vì còn có kẻ chống lại cách mạng.

Có nhiều kẻ địch, nhưng Hồ Chí Minh nhấn mạnh ba loại: chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to, nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân.

Từ đó Người kết luận:  “Đạo đức cách mạng  là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu” (21) . Đối với từng người, Hồ Chí Minh yêu cầu “trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình”. Với việc, với người thì nhất thiết phải phê phán, đấu tranh, loại bỏ những hiện tượng phi đạo đức, tàn dư đạo đức cũ. Hàng trăm thứ bệnh do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra thì phải tiêu diệt, vì đó là cản trở lớn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng phải thấy rằng, chống là nhằm xây, đi liền với xây và lấy xây làm chính. Lấy gương người tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới.

Ngày nay, tình hình mọi mặt so với thời Hồ Chí Minh còn sống đã có nhiều thay đổi. Nhưng nhiều cái xấu, cái ác, cái sai, cái vô đạo đức mà Người đã nêu lên từ những năm 1925-1927, trong  Đường cách mệnh,  đặc biệt từ năm 1945 trở đi, đến nay dưới nhiều biểu hiện khác nhau, vẫn tiếp tục tồn tại. Do đó, quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức mới đấu tranh với những hiện tượng phi đạo đức vẫn có ý nghĩa thời sự.

III. TẤM GƯƠNG VÀ TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI

1. Thực trạng đạo đức của cán bộ, đảng viên và xã hội ta hiện nay

Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nói tới đạo đức là xét trên ba mối quan hệ chủ yếu: với mình, với người, với việc. Biểu hiện cụ thể của ba mối quan hệ đó là sự hy sinh phấn đấu để thực hiện lý tưởng, mục tiêu, chấp hành kỷ luật và đường lối chính sách của Đảng. Thực hành đạo đức cách mạng là hoà mình với quần chúng thành một khối, tin tưởng quần chúng, hiểu quần chúng, thực hành đại đoàn kết toàn dân. Đó chính là lòng nhân của người cách mạng. Đạo đức cách mạng là phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân, thực hành cần kiệm liêm chính…

Xét trên những lĩnh vực then chốt nhất của đạo đức, xã hội ta đã có những chuyển biến quan trọng. Trong sự nghiệp đổi mới, cán bộ, đảng viên nhân dân ta đã sáng suốt, kế thừa và phát huy trí tuệ của dân tộc và thời đại, tiêu biểu là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng một cách phù hợp vào điều kiện của đất nước. Đây là nhân tố hàng đầu bảo đảm cho đời sống tinh thần – đạo đức của xã hội phát triển đúng hướng.

Ý thức phấn dấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên một bước.

Nhiều nét mới trong giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành và ăn sâu vào tâm lý quốc dân.

Tính năng động và tính tích cực công dân được phát huy, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích. Không khí dân chủ trong xã hội tăng lên.

Thế hệ trẻ tiếp thu nhanh những kiến thức mới, trung thành, dũng cảm, khiêm tốn, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đạo lý của dân tộc sống có tình có nghĩa, bầu ơi thương lấy bí cùng, lá lành đùm lá rách… được tiếp tục nhân rộng. Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, về cách mạng và kháng chiến, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, quý trọng các danh nhân văn hoá, đền ơn đáp nghĩa những người có công, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn… trở thành phong trào quần chúng.

Bên cạnh những thành tựu, nổi lên những mặt yếu kém về nhận thức, tư tưởng, chính trị dẫn tới phai nhạt lý tưởng và sa sút về lối sống, phẩm chất đạo đức. Hai vấn đề này gắn bó với nhau.

Các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII trong thời gian gần đây đã thẳng thắn chỉ ra sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức có quyền, cán bộ trung, cao cấp. Nạn tham nhũng, dùng tiền của Nhà nước, tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đoạ chưa dược ngăn chặn có hiệu quả. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ địa phương, bè phái, mất đoàn kết khá phổ biến. Riêng tham nhũng thì “chứng minh bao nhiêu cũng không đủ, càng nói càng thấy đau xót”. Phải khẳng định rằng, bệnh đã nặng, cho nên phải chữa tận gốc, chữa một cách cơ bản.

Về nguyên nhân, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như sự phá hoại của kẻ địch, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, những tiêu cực của cơ chế thị trường, nước ta còn nghèo… thì phải nhấn mạnh tới những nguyên nhân chủ quan.

Đảng ta chưa lường hết những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, thiếu những biện pháp hữu hiệu cả “xây” và “chống” trên lĩnh vực đạo đức.

Việc xử lý những phần tử thoái hoá biến chất trong Đảng và bộ máy Nhà nước chưa nghiêm. Tinh thần tự phê bình và phê bình sa sút ở nhiều cấp bộ Đảng.

Trong lãnh đạo và quản lý có những biểu hiện buông lỏng, né tránh, hữu khuynh. ..

2. Học tập, rèn luyện theo tấm gương và tư tương đạo đức Hồ Chí Minh

Trước hết cán bộ, đảng viên, nhân dân phải nhận thức, quán triệt đầy đủ và rèn luyện đạo đức theo những nguyên tắc đã được Hồ Chí Minh nêu lên.

Rèn luyện trong thực tiễn, nêu gương đạo đức, “người tốt việc tốt”, “xây” đi liền với “chống”, tự phê bình và phê bình tạo ra phong trào thi đua rèn luyện đạo đức mới là những biện pháp tốt để xây dựng đạo đức trong tình hình hiện nay.

Không thể chỉ giản đơn đòi hỏi xây dựng đạo đức xã hội chủ nghĩa. Nhưng rõ ràng chủ nghĩa xã hội muốn thành công cần có đạo đức. Khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc học tập và thực hành theo tấm gương và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Văn kiện Đại hội IX của Đảng chỉ rõ: Mở rộng trong Đảng và trong nhân dân phong trào học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi cấp ủy, mỗi chi bộ có kế hoạch định kỳ kiểm điểm việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Quán triệt tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, trước hết phải thấm nhuần tư tưởng của Người về vai trò và các phẩm chất đạo đức. Điều quan trọng nhất là mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong sinh hoạt và công tác, không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, nói đi đôi với làm, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết khắc phục sự suy thoái đạo đức cũng như những tiêu cực trong xã hội theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là một quá trình tạo ra những chuẩn giá trị đạo đức mới phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

––––––––––––––––––

Chú thích:

* Theo Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị – Hành chính, H.2011.

1) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.2, tr.454.

2) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.2, tr.253.

3) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.9, tr.283.

4) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.5, tr.148.

5) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.6, tr.163-164.

6) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.6, tr.320-321.

7) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.6, tr.321.

8) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.5, tr.643.

9) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.5, tr.641.

10) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.5, tr.104.

11) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.5, tr.642.

12,13,14) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.9, tr.291.

15) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.12, tr. 557, 558.

16) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.12, tr.557.

17) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.9, tr.293.

18) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.9, tr.448.

19) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.1, tr.263.

20) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.5, tr.552.

21) Hồ Chí Minh:  Toàn tập,  Sđd, t.9, tr.287.