Phim tư liệu quý về Bác Hồ

Cong bo nhieu thuoc phim tu lieu quy ve Chu tich Ho Chi Minh hinh anh 1

Hình ảnh cắt ra từ phim

Chân dung Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách do đạo diễn Gérard Guillaume thực hiện. Bộ phim nhựa 16mm đen trắng, đọ dài 58 phút phát sóng lần đầu tiên năm 1973 tại Pháp. Nhân kỷ niệm sinh nhật 129 của Bác và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp VTV làm hậu kỳ và công chiếu bộ phim này.

Phim tái hiện sơ lược tiểu sử của nhà lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam từ thời điểm Bác tham dự Đại hội Tours năm 1920 đến các hoạt động đấu tranh giành độc lập cho đất nước sau này.

Mở đầu phim là cận cảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đạo diễn đưa người xem trở về với lịch sử Việt Nam năm 1920. Ông Nguyễn Khắc Việt kể lại cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định Bác là người đầu tiên nhận ra cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam rơi vào ngõ cụt. Người đến châu Âu tìm đường cứu nước. Đạo diễn sử dụng loạt ảnh tư liệu minh họa thời gian ở châu Âu, đặc biệt ở Pháp.

Nguyễn Ái Quốc nhận ra ở châu Âu cũng có tầng lớp công nhân, nhận thức rằng các dân tộc bị áp bức phải đoàn kết lại. Năm 1917 Cách mạng tháng Mười Nga thành công, năm 1920 Bác tham gia Đại hội Tours. Đạo diễn cũng tái hiện quá trình thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đạo diễn tiếp tục đưa khán giả đến khu vực miền núi với các dân tộc thiểu số. Tướng Chu Văn Tấn kể lại quá trình ông chuyển từ đấu tranh tự phát sang làm cách mạng. Lúc này các cán bộ Đảng được cử đến làng, ông Tấn nhận thức rõ hơn về phong trào cách mạng. Trong thời điểm nổ ra Thế chiến thứ hai, Nhật chiếm Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại lãnh đạo phong trào kháng chiến giành độc lập.

Đạo diễn cũng không bỏ qua những dấu mốc quan trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến khi Pháp không công nhận độc lập của Việt Nam. Đạo diễn cũng sử dụng tài liệu trích từ các hồ sơ mật của Lầu Năm góc về sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến ở Việt Nam nhằm dần thay thế vai trò của Pháp ở Đông Dương. Một số đoạn phim thuật lại sơ lược chiến dịch Điện Biên Phủ, một số hình ảnh quân và dân ăn mừng chiến thắng.

Hội nghị Genève đàm phán hòa bình giữa Việt Nam với Pháp được khắc họa thông qua hình ảnh tư liệu, đoạn phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị Paris (từ năm 1968-1973). Tiếp theo đó là thời kỳ Việt Nam đối mặt chiến tranh Mỹ khởi xướng chia cắt hai miền Nam- Bắc, rỗi dẫn tới sự thất bại của người Mỹ và họ phải chấp nhận đàm phán tại Paris.

Phim kết ở sự ra đi của lãnh tụ, nhưng ý nghĩa ở chỗ Người để lại Di chúc kêu gọi nhân dân Việt Nam tiếp tục giữ vững tinh thần cách mạng và duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Tư liệu quý

Phim tư liệu Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách do Thư viện Phim ảnh của Đảng Cộng sản Pháp giữ bản quyền, chưa từng công chiếu tại Việt Nam.

Kinh phí phát sóng trên đài truyền hình quốc gia là 7.000 euro/năm. Trong trường hợp Việt Nam sản xuất đĩa DVD sẽ nộp khoản bảo lãnh tối thiểu 1.000 euro và chia sẻ 50% nguồn thu từ việc bán đĩa. Cơ quan, tổ chức khác phát sóng nộp 150 euro.

Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước mất khá nhiều thời gian đàm phán mua bản quyền phát sóng bộ phim, các cơ quan phát sóng bộ phim, các cơ quan phát sóng cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt điều khoản hợp đồng ký kết. Bà Nguyễn Thị Nga, Cục phó Cục Văn thư và Lữu trữ Nhà nước nói rằng, nhằm giúp các nhà nước nghiên cứu lịch sử, đông đảo người Việt Nam biết thêm một góc nhìn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chuyến sưu tầm tài liệu năm 2018, Cục khảo sát, lựa chọn sử dụng bản sao phim này. Từ năm 2015 Cục thực hiện đề án “Sưu tầm tư liệu lưu trữ quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam, với sáu bộ phim tư liệu, hai cuốn sách có giá trị và ý nghĩa về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước”.

“Thông qua bộ phim, chúng ta có thể thấy được quá trình thay đổi nhận thức, tư tưởng đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những quyết định mang tính lịch sử của Người để thực hiện mục tiêu giành độc lập, thống nhất và hòa bình cho đất nước”, lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước nói. Phim sử dụng nhiều tư liệu, tài liệu lưu trữ quý, phỏng vấn nhiều nhân vật lịch sử, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Cục mời GS Hoàng Chí Bảo xem phim gốc, thẩm định và cố vấn làm hậu kỳ phim tư liệu.

Gérard Guillaume là đạo diễn nhiều phim tài liệu, phóng sự về Việt Nam. Có thể kể đến Thế giới của Khoa phản ánh cái nhìn của một đứa trẻ đồng bằng Bắc bộ về cuộc chiến tranh tại miền Bắc Việt Nam. Phim giúp đạo diễn thắng giải Paul Villant – Couturier. Ông cũng thực hiện phóng sự Những con đường dẫn đến chiến thắng, phóng sự về cuộc điều trần của Jane Fonda và những ảnh hưởng của các vụ thả bom của Mỹ, đặc biệt là phim chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Khánh

Theo Báo Tiền phong