Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế vẫn còn nguyên tính thời sự, tính khoa học và thực tiễn; là sự đúc kết, trải nghiệm từ chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong cả tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn; không chỉ trong nội bộ Đảng, trong bộ máy chính quyền, trong phạm vi một dân tộc, mà còn được thể hiện trên bình diện rộng lớn hơn, đó là đoàn kết quốc tế. Gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó 30 năm hoạt động ở nước ngoài, liên tục tham gia phong trào cách mạng và đóng góp cho sự nghiệp chung của cách mạng thế giới, thông điệp về tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện một cách rõ ràng và vững chắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nhà báo L’Unita của Đảng Cộng sản Italia,
ngày 12/5/1959. Ảnh: Tư liệu
Quan điểm về đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xuyên suốt và nhất quán, bởi Người sớm nhận ra, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản muốn đi đến thắng lợi thì phải huy động và tập hợp được sức mạnh đoàn kết quốc tế. Trong hành trình tìm đường cứu nước, lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở giải phóng dân tộc mình, mà còn vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức và nhân loại cần lao. Những lời di huấn của Người về tình đoàn kết quốc tế bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người. Và đoàn kết quốc tế cũng để nhằm mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Từ tình cảm, lòng thương yêu và khát vọng giải phóng dân tộc mình, đất nước mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông cảm với nỗi thống khổ và số phận của nhân dân các thuộc địa. Xuất phát từ chủ nghĩa nhân văn cao đẹp đó, Nguyễn Ái Quốc là một trong những người có công thành lập các tổ chức: “Liên minh các dân tộc thuộc địa”, “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”… Ngay từ khi tiếp cận với phong trào cách mạng thế giới, Người luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ khăng khít với phong trào cách mạng thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, có một con người vĩ đại, đã gắn cách mạng của đất nước mình với cách mạng thế giới và thời đại, trên cơ sở nhận thức cách mạng Việt Nam là một bộ phận, có quan hệ mật thiết với cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc trên thế giới. Vì vậy, Người chủ trương thực hiện đoàn kết sâu sắc triệt để trên nguyên tắc bình đẳng dân tộc và hợp tác cùng có lợi. Đoàn kết và hợp tác quốc tế là tập hợp lực lượng bên ngoài, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ quốc tế để làm tăng thêm khả năng tự lực, tự cường, tạo điều kiện làm chuyển biến lực lượng có lợi cho cách mạng trong nước.
Mở đầu Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam – Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.
Trong Di chúc cũng như trong suy nghĩ của Người, nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước bầu bạn thế giới luôn kết thành một khối. Thành quả của cách mạng là tổng hợp sức mạnh nội lực và sức mạnh của tình đoàn kết, tương trợ quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh, với dự cảm và tầm nhìn vượt thời đại, luôn tin tưởng chắc chắn sẽ đến ngày “Mỹ cút, ngụy nhào” và ngay từ khi viết Di chúc, Người đã bày tỏ sự ghi nhận và biết ơn những đóng góp to lớn, quý báu cả về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế. Đó cũng là biểu hiện của truyền thống đoàn kết, thủy chung, trọng tình trọng nghĩa của dân tộc Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu các nước sang dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ bảo vệ hòa bình, họp tại Hà Nội, tháng 11/1964. Ảnh: Tư liệu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cách mạng Việt Nam luôn luôn được sự đồng tình và ủng hộ của giai cấp công nhân và nhân dân cách mạng thế giới, nhất là của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Tình đoàn kết quốc tế vĩ đại ấy là một điều kiện rất quan trọng cho cách mạng Việt Nam thắng lợi”(1).
Cùng với niềm tin tưởng, kỳ vọng vào sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời bày tỏ những trăn trở, lo lắng về những bất hòa, mất đoàn kết trong nội bộ giữa các đảng anh em. Trong Di chúc, Người viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”(2).
Với trọng trách người lãnh đạo đất nước, đã và đang gặt hái những thành công trên con đường tự giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong rằng, Đảng ta và toàn thể nhân dân Việt Nam cần nêu cao vai trò, nghĩa vụ quốc tế, đóng góp thiết thực cho phong trào cách mạng thế giới đi đến thắng lợi. Người viết trong Di chúc: “Tôi mong rằng, Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Những dòng cuối của Di chúc, Người tin tưởng và căn dặn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với công nhân Khu công nghiệp Visôsani trong dịp Người đi thăm hữu nghị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, tháng 7/1957. Ảnh: Tư liệu
Cảm phục tầm vóc trí tuệ và tâm hồn cao thượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên báo Quyền lợi đỏ (Praha, Tiệp Khắc) ngày 9/9/1989, tác giả I Liu Sitlich có bài viết nhấn mạnh: Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người là thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình.
Đoàn kết quốc tế trở thành một chân lý, một phương châm hành động tất yếu phù hợp với quy luật và sự phát triển của cách mạng, sự tiếp nối của lịch sử. Cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam là cuộc đấu tranh chính nghĩa, do vậy được sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình thế giới, nhằm tăng cường nội lực và sức mạnh tổng hợp để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược. Về phần mình, nhân dân Việt Nam cũng có nghĩa vụ đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới.
Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại đã hiến dâng cả cuộc đời cho đất nước, cho nhân dân và nhân loại tiến bộ. Tư tưởng đại đoàn kết là một trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta. Những lời căn dặn của Người trong Di chúc “về phong trào cộng sản thế giới” là định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, để Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, đóng góp xứng đáng vào nền hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới. Nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp chúng ta thêm thấm nhuần bài học về quan hệ quốc tế để có định hướng chiến lược đúng đắn, lâu dài cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
——————————————————–
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.14, tr.467
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.623
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.624
PGS, TS Nguyễn Xuân Trung, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Báo điện tử Quân đội Nhân dân