Chăm lo công tác cán bộ dân tộc thiểu số theo lời Bác dạy

Cách đây 64 năm, ngày 23/9/1958, đồng bào các dân tộc Lào Cai vinh dự được đón Bác Hồ lên thăm. Hôm sau, ngày 24/9, trong bài nói chuyện với cán bộ, công nhân, bộ đội và đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, Bác căn dặn: “Phải ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ dân tộc và địa phương. Dù lúc đầu những cán bộ ấy trình độ còn thấp, kinh nghiệm còn ít, công tác chưa quen, cán bộ lãnh đạo phải chịu khó dìu dắt họ, giúp đỡ họ, lâu ngày chắc chắn họ sẽ tiến bộ. Muốn công tác tốt trong các dân tộc, trong các địa phương, nhất định cần phải có cán bộ của các dân tộc và địa phương ấy”.

Khắc sâu lời dạy của Bác, trải qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử khác nhau nhưng các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Lào Cai luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số là người địa phương.

 

 Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Đặng Xuân Phong tặng bức ảnh “Bác Hồ với Bác Tôn” cho thôn Đội 2, xã Bản Liền (huyện Bắc Hà) trong dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (5/11/2021). Ảnh: Thành Phú

Tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 754 nghìn người với 25 thành phần dân tộc, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 65,15%. Đặc thù vùng đồng vào dân tộc thiểu số là tỷ lệ hộ nghèo cao hơn, đời sống người dân còn khó khăn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước, đất sản xuất, thiếu việc làm vẫn còn. Kèm theo đó là các vấn đề xã hội như phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và một số tập quán lạc hậu vẫn tồn tại. Vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thường bị các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, lôi kéo vào các hoạt động gây mất an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Điều đó càng đòi hỏi công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp với sự tham gia trực tiếp của cán bộ là thành phần các dân tộc thiểu số, cán bộ người địa phương là rất quan trọng.

Cách đây 8 năm, ngày 28/3/2014, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Tỉnh ủy đã chỉ đạo ban hành các đề án, kế hoạch, quyết định để tổ chức thực hiện hiệu quả với sự ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đến nay, đã đào tạo, bồi dưỡng 6.363 lượt cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 38,8% tổng số cán bộ của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng. Cùng với chính sách đào tạo, bồi dưỡng là sự ưu tiên đặc biệt cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ yên tâm học tập, công tác, tập trung trí lực, phát huy tâm huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Gắn với đào tạo, bồi dưỡng, công tác quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số cũng được các cấp ủy chú trọng, đặc biệt là công tác phát hiện nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực, triển vọng để tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý. Cơ cấu cán bộ là thành phần đồng bào dân tộc thiểu số trong quy hoạch tương xứng với cơ cấu dân tộc trên địa bàn, phù hợp với đặc điểm dân tộc, từng địa phương, cơ quan, đơn vị và đảm bảo yêu cầu nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Cụ thể như giai đoạn 2010 – 2015, tổng số cán bộ được quy hoạch là 12.208 lượt người, trong đó là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47,5%; giai đoạn 2015 – 2020, tổng số cán bộ được quy hoạch là 11.542 lượt người, trong đó cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 43,8%. Riêng giai đoạn 2020 – 2025, tổng số cán bộ được quy hoạch là 11.811 lượt người, trong đó cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số có 5.427 lượt người, chiếm 45,9%.

Trong công tác cán bộ, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã lãnh đạo thực hiện tốt việc bố trí sử dụng cán bộ như bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu, ứng cử, trong đó đặc biệt quan tâm đến cán bộ là người dân tộc thiểu số. Yêu cầu đặt ra với công tác cán bộ thuộc các thành phần dân tộc thiểu số là phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của từng người, từng vị trí, đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý. Từ năm 2014 đến nay, ở cấp tỉnh đã bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử 252 cán bộ, trong đó cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 18,25%; luân chuyển 312 cán bộ, trong đó cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 34,6%. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tiến hành bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 2.717 lượt cán bộ, trong đó cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 36,1%. Công tác tuyển dụng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số được quan tâm hơn, tại 4 kỳ thi tuyển công chức do UBND tỉnh thực hiện đã tuyển dụng được 174 công chức cấp huyện, cấp tỉnh, trong đó cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số chiếm 19,54%; UBND cấp huyện tuyển dụng 479 công chức cấp xã, trong đó công chức là người dân tộc thiểu số chiếm 57,62 %.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp mà đến nay, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai đã trưởng thành về mọi mặt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị được nâng lên, thành phần, cơ cấu hợp lý. Cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số được bố trí đồng đều ở các cấp, ngành, các lĩnh vực nhất là ở địa phương, cơ sở. Đến nay, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số của các cơ quan cấp tỉnh chiếm 13,5%; cấp huyện chiếm 24% và cấp xã là 58,7%. Với công tác tạo nguồn, trong 8 năm qua, tỉnh đã bố trí 98 học sinh đi đào tạo theo chế độ cử tuyển trình độ đại học, tổng số sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp ra trường từ 2014 đến nay là 175 trường hợp, trong đó đã bố trí công tác cho 114 trường hợp; số sinh viên còn lại chưa bố trí việc làm trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị là do thiếu biên chế hoặc tham gia dự thi tuyển, xét tuyển chưa đạt. Trong nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên sâu, sau đại học (thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II, dược sỹ chuyên khoa cấp I) cũng được các cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn.

Cùng với thực hiện lời căn dặn của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số của các cấp ủy tại Lào Cai đã mang lại hiệu quả rõ nét. Thông qua đó tạo sự đoàn kết, nhất trí trong thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo ổn định để tập trung phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Lào Cai là điểm sáng của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.