Bài 2: Tự hào Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh

  Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền
Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.( Ảnh: TTXVN)

Kiên cường, anh dũng “Sài Gòn đi trước về sau”

Đối với Thành phố Sài Gòn, ngày từ năm 1919, giới thanh niên tiên tiến đã biết và ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc khi đọc báo Thư tín Sài Gòn đăng tải “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” và Thư gửi Tổng thống Mỹ đang tham dự Hội nghị Hòa bình Véc Xây. Từ năm 1927 người dân Sài Gòn đã đấu tranh dưới sự lãnh đạo của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đầu năm 1930, Đảng bộ Thành phố Sài Gòn ra đời, trực tiếp lãnh đạo Nhân dân Thành phố đấu tranh cách mạng theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Giai đoạn 1930- 1975, Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió, giữa sào huyệt của bè lũ thực dân, đế quốc, vẫn một dạ kiên trung bất khuất, cùng với miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, “đi trước về sau” qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ mà vô cùng oanh liệt. Dựa vào dân, nhờ trí tuệ và sức mạnh lòng dân, 45 năm năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ Thành phố là những trang sử sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, năng động, sáng tạo, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước bằng những sự kiện lịch sử trọng đại. Đó là: Lãnh đạo Nhân dân giành thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn tháng 8 năm 1945, dù chưa nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã mở đầu cho cuộc kháng chiến của Nhân dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ Thành phố đã lãnh đạo tiến công địch liên tục nhiều mặt trong thế đầu sóng ngọn gió, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ Thành phố luôn kiên cường, dũng cảm ngay trung tâm sào huyệt của địch, phối hợp chặt chẽ trong phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp Nhân dân ở đô thị với phong trào đấu tranh của nông dân ở vanh đai và ở các tỉnh Nam Bộ, phối hợp giữa quân dân Thành phố với quân chủ lực tiến công địch liên tục về chính trị, vũ trang và binh vận, góp phần rất quan trọng vào công cuộc giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1976 Thành phố Sài Gòn- Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tự hào Thành phố mang tên Bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố tiếp tục đứng lên, nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị, khôi phục và phát triển kinh tế, khẳng định

Thành phố năng động sáng tạo, không ngừng vươn lên

 

Vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua Thành Phố Hồ Chí Minh
đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường phát triển.

Trong bài tham luận tại Hội thảo cấp quốc gia kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước được tổ chức tại Hà Nội mới đây, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Đảng bộ và Nhân dân Thành phố đã nắm vững các chủ trương của Đảng, Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn của Thành phố, vận dụng những bài học kinh nghiệm trong các thời kỳ kháng chiến, cùng với Nhân dân kiên trì từng bước tháo gỡ những khó khăn, lực cản của chế độ cũ; tiếp tục tìm tòi hướng đi đúng đắn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống Nhân dân, làm sáng tỏ dần con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, với cách làm với, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc xác định và hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

Không chỉ tiên phong, đi trước xây dựng, phát triển nhiều mô hình mới trong kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong cả nước tìm tòi, sáng kiến, là nơi nơi khơi nguồn cho việc xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đang triển khai phương thức quản lý đô thị thông minh và đang xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông – Thành phố Thủ Đức.

TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương luôn nỗ lực trong suy nghĩ, tìm tòi, xây dựng và phát triển các phong trào lớn về văn hóa, xã hội. Từ những năm 1988-1989, phong trào “Xây nhà tình nghĩa” được Thành phố Hồ Chí Minh phát động, nhằm vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp tiền của, công lao động xây nhà tặng các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với nước gặp hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Cùng với tặng nhà tình nghĩa, phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng được triển khai. Rồi đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Thành phố Hồ Chí Minh cũng được biết đến là địa phương đi đầu cả nước trong các phong trào từ thiện xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Qua các phong trào, ngoài đạt được những kết quả rất tích cực cho xã hội còn tạo môi trường tốt để nuôi dưỡng, phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc, khơi dậy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” trong xã hội.

Những phong trào đó là những sản phẩm thể hiện trí tuệ, sự nhạy bén và thích ứng cùng quá trình và xu thế hội nhập của Thành phố mang tên Bác. Những sản phẩm thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân Thành phố đã mang lại những hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao cả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện sinh động bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước đang xây dựng.

Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, Đảng bộ Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận, với nhiều giải pháp cụ thể; góp phần xây dựng Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân được mở rộng, vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy một cách mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố. Và một trong những động lực hàng đầu để thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển đề ra được các thế hệ lãnh đạo Thành phố xác định đó là không ngừng tăng cường, đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bởi, tư tưởng đạo đức phong cách là cả cuộc đời chiến đấu vì độc lập, tự do hạnh phúc cho Nhân dân của Bác mãi mãi soi sáng dẫn dắt dân tộc ta tiến về phía trước trên hành trình thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, từ đầu năm 2021 đến nay mặc dù bị ảnh hưởng bởi tác động lớn của đại dịch bệnh COVID-19 nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế- xã hội của cả nước. Trong 4 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước của Thành phố đạt 140.300 tỷ đồng, đạt 38,45% dự toán, tăng 15,76% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 9,7% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,9%; xuất khẩu hàng hóa tăng 14%; đầu tư nước ngoài đạt 1,1 tỷ USD;…

Tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh khẳng định: 45 năm sau ngày được mang tên Bác, TP Hồ Chí Minh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng và phát triển; là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào đổi mới, năng động sáng tạo, không ngừng vươn lên về mọi mặt.

“Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng chúng ta luôn tin rằng: với truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình của người dân TP, nhất định chúng ta sẽ chung sức đồng lòng xây dựng, phát triển TP giàu đẹp, văn minh để xứng đáng hơn với vinh dự TP mang tên Bác. Để chất lượng sống của người dân không ngừng được nâng cao, đó cũng là mong ước lớn lao của Bác”. Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI đã xác định: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thành phố trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của Thành phố mang tên Bác”. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân TP trong việc học tập và làm theo Bác để tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, nhân nghĩa, hòa hợp, khoan dung trở thành nền tảng trong đời sống tinh thần của xã hội và biểu tượng sáng ngời của Bác luôn hiện hữu trên Thành phố Hồ Chí Minh./.

Hoàng Mẫn