Bác Hồ và Thủ tướng Nê-ru thăm học sinh trường khiếm thị nhân dịp thăm Ấn Độ tháng 2 năm 1958. Ảnh: TL |
Đây là khoảng thời gian có nhiều sách báo viết về Hồ Chí Minh bằng các ngôn ngữ khác nhau của Ấn Độ, tiêu biểu là ở Tây Bengal, nơi có nhiều bài thơ ca ngợi Hồ Chí Minh; các tác phẩm của Hồ Chí Minh, đặc biệt là Nhật ký trong tù của Người đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ chính của Ấn Độ và được các độc giả đánh giá cao. Trên thực tế, hai từ Việt Nam và Hồ Chí Minh đã trở nên đồng nghĩa với nhau.
Thật khó có ai không biết về vị lãnh tụ huyền thoại vĩ đại của nhân dân Việt Nam – Hồ Chí Minh, hay không biết về tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi các thực dân, đế quốc lớn như Pháp, Nhật và Mỹ, những nước không chỉ buộc phải nếm mùi thất bại trong cuộc chiến ở Việt Nam, mà còn phải rời khỏi Việt Nam bởi nhân dân Việt Nam đã đoàn kết và có chiến lược quân sự mẫu mực mang tầm lịch sử.
Hiển nhiên một sự nghiệp vĩ đại như thế không thể đạt được nếu thiếu sự lãnh đạo sáng suốt và nhân cách cao cả của Hồ Chí Minh với những chính sách, chiến lược theo hướng coi nhân dân là nhân tố quyết định. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam không chỉ đã giải phóng đất nước khỏi ách kìm kẹp của các thế lực thực dân, phát xít và đế quốc xâm lược, mà còn đồng thời giải phóng nhân dân khỏi chế độ phong kiến với cả những quan niệm lạc hậu của nó trong một thời gian ngắn nhất. Đó là một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử.
Nhân dân luôn là tâm điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh, và sự quan tâm của Người đối với nhân dân không bị giới hạn trong các ranh giới địa lý. Mục đích của Người không chỉ là giải phóng đất nước khỏi sự thống trị ngoại bang, mà trong chiều sâu tư tưởng của mình, bên cạnh mục đích giành độc lập, Người còn mong ước mang đến sự công bằng, bình đẳng và no ấm cho nhân dân. Từ trong lời nói cũng như trong hành động của mình, suốt cuộc đời Hồ Chí Minh luôn phấn đấu hết lòng vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Hồ Chí Minh còn là biểu tượng của sự thanh bạch và giản dị. Trở thành vị Chủ tịch của nước Việt Nam, Người vẫn giữ lối sống thanh bạch của mình. Mặc dù có cả một Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, nơi ở chính thức của Chủ tịch, Người vẫn chọn một ngôi nhà nhỏ trong khu nhà của Phủ Chủ tịch ở cho đến cuối đời. Người chỉ sử dụng Phủ Chủ tịch trong các cuộc gặp chính thức hoặc dùng cơm với các quan chức cao cấp ngoại quốc.
Trong chuyến thăm Ấn Độ, Người đã từng gặp và bắt tay thân mật với người lái xe ôtô của mình và các nhân viên phục vụ trước sự bối rối của các quan chức lễ tân ngoại giao, cứ như là hành động đó của một quan chức cao cấp ngoại quốc là có trong các hướng dẫn về lễ tân ngoại giao.
Người dùng đôi dép xăng đan được làm từ lốp cũ của máy bay bị pháo phòng không bắn rơi. Đôi dép đó đã trở thành thương hiệu của sự thanh bạch giản dị của Người và của các lãnh đạo, cán bộ, trí thức. Đặc biệt, các nhà hoạt động ở Tây Bengal đã lấy nguồn cảm hứng từ Hồ Chí Minh để bắt đầu dùng dép làm từ lốp cũ.
Trong khi thực hiện các nghi thức trồng cây ở Delhi, Người đã tự tay làm tất cả trước sự ngạc nhiên tột bậc của dân chúng có mặt hôm đó. Đối với họ, không thể có một vị Chủ tịch Nước nào mà lại tự mình làm hết các công việc trồng cây.
Hồ Chí Minh có mối liên hệ đặc biệt với trẻ nhỏ khi Người coi trẻ em là tương lai của đất nước. Người tin rằng trẻ em khỏe mạnh và được giáo dục sẽ xây dựng được một đất nước đoàn kết và vững chắc. Trẻ em cũng rất yêu quý Người và gọi Người là “Bác Hồ”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và triết lý chính trị theo định hướng vì nhân dân của Người không phải là ảo tưởng theo bất kỳ nghĩa nào. Tầm nhìn, tư tưởng và triết lý của Người là tự do thoát khỏi cái phức tạp.
Trong 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Người đã chứng kiến tận mắt chế độ hành chính, sự giàu có và sự bần cùng, lạc hậu về xã hội và tinh thần, nô dịch ngoại bang và phong kiến dân tộc của không chỉ Châu Á mà cả của Châu Âu, Châu Phi và một số nước Châu Mỹ. Đi đến đâu Người cũng thu thập tài liệu tin tức một cách chi tiết về nhân dân. Là người đọc nhiều sách, Người học được nhiều kiến thức từ sách vở.
Người đọc nhiều tác giả nổi tiếng, các nhà triết học, các nhà cách mạng của nhiều nước bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, tham gia vào các cuộc mít tinh và hội nghị quốc tế, nhờ đó tri thức của Người đã được bồi dưỡng đến mức độ vĩ đại. Người đã đồng hóa cái cốt lõi của toàn bộ kinh nghiệm với triết lý của mình và do đó triết lý theo định hướng vì nhân dân là hoàn toàn thực tiễn. Sự thành công của chiến lược này ở chỗ nó có thể giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ ngoại bang. Khỏi phải nói, sự kiện này đã được viết trong những trang vàng của lịch sử Việt Nam.
Thật không dễ gì khi đưa đất nước thoát khỏi ách đô hộ phong kiến chỉ trong vòng 50 năm. Qua toàn bộ các sự kiện nói trên, người ta có thể thẳng thắn cho rằng, triết lý và chiến lược của Hồ Chí Minh ngày nay có nhiều ảnh hưởng đối với các nước Á, Phi và Mỹ Latinh, nơi mà chế độ phong kiến vẫn còn bám rễ vững chắc, đặc biệt ở tiểu lục địa Ấn Độ, nơi thậm chí sau 60 – 65 năm thoát khỏi chế độ phong kiến, thực dân nhưng sự dã man vô nhân tính vẫn còn tồn tại.
Chế độ phong kiến thể hiện chế độ người bóc lột người và chống lại nó khó không kém chống chế độ thực dân và đế quốc. Trong khi chống lại chế độ thực dân và đế quốc, Hồ Chí Minh đồng thời tiến hành cuộc đấu tranh chống lại chế độ phong kiến và đã giành được thắng lợi quyết định. Thật rõ ràng khi chỉ ra rằng người ta có thể học được nhiều ở Hồ Chí Minh kinh nghiệm đấu tranh chống lại chế độ phong kiến.
Hồ Chí Minh là người bạn thật sự và vĩ đại của Ấn Độ. Hồ Chí Minh đã đi thăm Kolkata hai lần. Chuyến đầu tiên vào năm 1946, lúc đó Người đã ghé thăm Kolkata một ngày trên đường đi Pari. Chuyến thăm thứ hai của Người vào năm 1958 là chuyến thăm chính thức với tư cách là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã để lại những tình cảm tốt đẹp không bao giờ quên cho nhân dân Ấn Độ.
Người đã chinh phục được hoàn toàn trái tim của mọi người bằng phong cách nói chuyện, sự thân mật, tính khiêm nhường và giản dị của mình. Thế hệ đã được nhìn thấy Người trong những ngày đó vẫn còn nhớ đến Người với tình cảm, lòng ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc.
Nhân dân Ấn Độ đã và đang có tình cảm tốt đẹp với đất nước và nhân dân Việt Nam. Nhân dân và Chính phủ Ấn Độ đã ủng hộ không chỉ sự nghiệp đấu tranh giải phóng của Việt Nam, mà còn mang đến cả vật chất và tinh thần, hợp tác xây dựng lại nền kinh tế của Việt Nam sau ngày giải phóng. Ấn Độ và Việt Nam chia sẻ một mối quan hệ mẫu mực về tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác.
Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru đã gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1929 tại một hội nghị quốc tế ở Brussels và những quan hệ thân mật và lớn lao đã được hình thành giữa hai vị lãnh tụ vĩ đại tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời họ. Vì thế một cách tự nhiên, khi Nehru nghe tin Hồ Chí Minh từ trần, Nehru thật sự bị sốc lớn và đã thể hiện sự kính trọng của mình đối với nhà lãnh đạo đã khuất trong những lời sau đây: “Ông không chỉ là một người yêu hòa bình mà còn là một người đặc biệt nhã nhặn và hữu nghị, người rất giản dị và khiêm tốn. Là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người không tự giam mình trong tháp ngà. Người chủ yếu là người của công chúng, là một nhà lãnh đạo biết làm thế nào để kết hợp sự rộng lượng hào phóng tột bậc hiếm có với sự kiên định cứng cỏi nhất. Ở bất kỳ chuẩn mực nào, Hồ Chí Minh là con người nổi bật nhất trong thời đại chúng ta” (Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.213-214).
Đối với các nước thuộc thế giới thứ ba, nhất là tiểu lục địa Ấn Độ, hiện nay các chính sách của Hồ Chí Minh vẫn rất phù hợp. Điều đó đòi hỏi phải hiểu một cách đúng đắn và sâu sắc về nhân cách và những cống hiến sáng tạo của Hồ Chí Minh. So với các vĩ nhân của thời kỳ hiện đại thì những lý tưởng và chính sách của Hồ Chí Minh dễ hiểu hơn đối với nhân dân. Người ta có thể học tập nhiều ở các kinh nghiệm của Hồ Chí Minh để hoàn thành mục tiêu độc lập, tiến bộ và hòa bình.
Tư tưởng và triết lý Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc và xã hội khỏi mọi gông cùm của bất cứ hình thức thống trị ngoại bang và chế độ phong kiến, cũng như thừa nhận phẩm giá của lao động hay quyền bình đẳng của nhân loại, để thiết lập một xã hội công dân lành mạnh, dựa trên công bằng và công lý vẫn còn phù hợp với các nước Á Phi, nơi mà những điều kiện đã nói ở trên bộc lộ.
Hồ Chí Minh không hiện diện vào ngày nay, nhưng Người sống mãi trong tư tưởng và triết lý của mình, đó là di sản của loài người.
Greetesh Sharma (Chủ tịch điều hành Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ – Việt Nam)
Theo http://www.vietnamplus.vn/