GS, TS. Kikẹo Khàykhamphithun
Ủy viên Trung ương Đảng,
Giám đốc Học viện Chính trị và hành chính quốc gia Lào
Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, hai dân tộc láng giềng anh em Lào và Việt Nam cùng chung một kẻ thù và có chung một nguyện vọng thiết tha là sống trong hòa bình, độc lập và hữu nghị. Xét về lịch sử, Lào và Việt Nam có nhiều nét tương đồng, cùng sống trong một khu vực, cùng chung dãy núi Trường Sơn, cùng uống chung một dòng sông. Hai dân tộc Lào và Việt Nam nương nhờ vào nhau, giúp đỡ nhau như hai anh em ruột. Mối quan hệ láng giềng anh em đó bao giờ cũng thiết tha tình nghĩa và trong sáng tạo thành truyền thống quý báu, tạo thành sức mạnh và là nhân tố góp phần tạo nên thắng lợi của hai nước Lào và Việt Nam. Điều này được các nhà lãnh đạo hai nước đánh giá và khẳng định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, luôn quan tâm sâu sắc vấn đề giúp đỡ xây dựng, phát triển lực lượng, phát huy tinh thần độc lập tự chủ của cách mạng Lào, Người luôn là kim chỉ nam, là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ người Việt Nam cũng như nhân dân các bộ tộc Lào trong sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.
Nhìn lại lịch sử của hai dân tộc Lào và Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ: Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã xâm lược các nước Đông Dương Lào, Việt Nam và Campuchia. Như vậy, dưới ách thống trị của bọn thực dân, đất nước mất quyền độc lập, dân chủ, tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác và phá hoại.
Mặc dù nhân dân ba nước Đông Dương bị đàn áp dã man, nhưng với tinh thần yêu nước cao cả, lòng căm thù giặc sâu sắc, nhân dân ba nước đã tiến hành cuộc đấu tranh kiên cường, dũng cảm. Ở Lào và Việt Nam cũng không ít liên minh chiến đấu của nhân dân hai nước. Chẳng hạn: Phong trào của ông Kẹoông Cômmạđăm, phong trào của Chạuphạ Pắtachay, Phò Kạđuột,… Các phong trào này đều có sự kết hợp với cuộc nổi dậy của người dân ở Tây Nguyên và Tây Bắc Việt Nam. Mặc dù các phong trào đấu tranh của nhân dân hai nước tiến hành một cách tự phát nhưng cùng bản chất là chiến đấu chống quân xâm lược để giành lại độc lập cho đất nước của dân tộc Lào và Việt Nam.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với lòng yêu nước nồng nàn đã từng bước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp cận tư tưởng giải phóng của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Từ thực tế tình hình trong nước và các nước Đông Dương lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đường lối cứu nước, Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản ” 1 . Như vậy, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời năm 1930 do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đã trở thành điểm khởi xướng, bước ngoặt trong tình đoàn kết và hợp tác giữa hai dân tộc, hai nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chính tình đoàn kết thân ái là điều kiện căn bản cho cuộc thắng lợi của cách mạng hai nước. Người khẳng định: Thắng lợi của nhân dân Lào cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Cũng như cố Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản luôn quan tâm nhắc nhở cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân các bộ tộc Lào phải giữ gìn tình đoàn kết, mối quan hệ thiết tha, tình nghĩa trong sáng, thủy chung với mối tình thân ái thắm thiết mà các nhà lãnh đạo hai nước xây đắp. Trong hội nghị rút kinh nghiệm công tác tác chiến tại Lào ngày 21-9-1965, Chủ tịch nói: Nhìn lại lịch sử hai mươi năm đấu tranh vừa qua, bất kể trong hoàn cảnh nào, ở đâu, hai anh em Lào và Việt Nam chúng ta cũng luôn luôn sống chết có nhau, cùng nhau làm cách mạng. Thắng lợi của cách mạng Lào là thắng lợi chung của chúng ta. Hai anh em chúng ta đồng cam cộng khổ, bát cơm chia đôi, cọng rau bẻ nửa, sướng khổ có nhau, quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta là quan hệ đặc biệt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc về vấn đề giúp đỡ xây dựng và phát triển lực lượng, phát huy tinh thần độc lập tự chủ của cách mạng Lào, coi giúp đỡ Lào vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ và coi đây là một nội dung quan trọng nhất của tình đoàn kết và liên minh chiến đấu Việt – Lào. Nhân dân Lào cũng như nhân dân Việt Nam từ hoàn cảnh mất nước, chịu cảnh nô lệ, không được bình đẳng trong mọi lĩnh vực. Người còn khẳng định “Thắng lợi của nhân dân Lào cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam” 2 . Trong lần gặp làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản – vị lãnh đạo kính yêu, người con yêu quý của nhân dân các bộ tộc Lào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Người Việt Nam cũng như người Lào có nhu cầu cấp bách là phải đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp để cứu nước. Người Lào cần phải thành lập tổ chức người Lào kháng chiến, phải gây dựng cơ sở cách mạng trong nước, phải xây dựng lực lượng vũ trang là một trong những vấn đề quan trọng nhất.
Với sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, cách mạng của hai nước đã từng bước giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cách mạng tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam thành công đã tác động và tạo cơ hội thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa tuyên bố độc lập của nhân dân Lào cho thế giới biết vào ngày 12-10-1945.
Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm và tàn bạo nhất của nhân dân Lào và Việt Nam cũng như của nhân dân yêu chuộng hòa bình và độc lập dân tộc trên thế giới. Đế quốc Mỹ có lực lượng quân đội thiện chiến, có vũ khí hiện đại, có âm mưu nham hiểm, xảo quyệt. Vì vậy, cuộc đấu tranh để giành thắng lợi của nhân dân Lào và Việt Nam đã trở thành sự nghiệp khó khăn, quyết liệt buộc nhân dân hai nước phải tiếp tục đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau chặt chẽ hơn nữa, đi vào chiều sâu và toàn diện vì sự sống còn của hai dân tộc, hai nước.
Thấy được trách nhiệm lịch sử đó, nhân dân hai dân tộc Lào – Việt Nam ngày càng tăng cường tình đoàn kết chiến đấu chặt chẽ, toàn diện và đa dạng hơn. Trên cương vị là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh được sự tín nhiệm của những người cách mạng và nhân dân các bộ tộc Lào, Chủ tịch đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Lào. Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đội xung phong vùng Lao Nửa với nội dung: ”Việc thành lập khu căn cứ Lào độc lập là nhiệm vụ cấp bách; Ban lãnh đạo đội xung phong vùng Lao Nửa phải cố gắng xây dựng cơ sở nhân dân ở vùng địch tạm chiếm cho bằng được. Tôi xin chúc Ban lãnh đạo hãy nhanh chóng thành lập khu giải phóng dân tộc”. Như vậy, ngày 20-1-1949 đã đi vào lịch sử của cách mạng Lào, đội Lạtsạvông đã được thành lập và trở thành lực lượng vũ trang cách mạng và đây là tiền thân của Quân đội Nhân dân Lào hiện nay. Sự ra đời của đội Lạtsạvông là sự giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của cách mạng Lào. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ cách mạng Lào, coi đó vừa là trách nhiệm quốc tế, vừa là tự bảo vệ cách mạng Việt Nam. Người còn khẳng định trách nhiệm của cách mạng Việt Nam đối với việc giúp đỡ cách mạng Lào là “phải đề cao tinh thần hy sinh quốc tế” 3 . Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy, tinh thần hy sinh quốc tế đó với sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, vì sự sống còn của lực lượng quân đội hai nước trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển vùng giải phóng của Lào cũng là một chiến trường quyết liệt, góp phần đấu tranh tiêu diệt kẻ thù, phân chia và hạn chế lực lượng của địch; với tinh thần hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam, đã làm cho cách mạng Lào giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ví dụ: Chiến dịch Luổng Nậm Thà năm 1962; Chiến dịch Nậm Bạc, Phả Thi năm 1968; Chiến dịch Cụkiệt năm 1969… Các cuộc chiến đó đã thể hiện mối quan hệ, tình đoàn kết, sự hy sinh xương máu trong cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Mối tình đó được các nhà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng sáng lập, giữ gìn, vun đắp ngày càng tốt đẹp như câu thơ của Bác Hồ ca ngợi tháng 3-1963 rằng:
”Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt Lào, hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” 4 .
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đánh giá: Sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc Việt Nam – Lào đặc biệt gắn liền và ảnh hưởng lẫn nhau. Cách mạng Lào không thể tách rời sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể tách rời sự giúp đỡ của cách mạng Lào.
Như vậy, từ đầu năm 1951, tại Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: ”Ở Lào cố gắng thành lập Đảng cách mạng, sau đó củng cố Đảng để Đảng có khả năng lãnh đạo cuộc cách mạng ở Lào, về phần Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ các đồng chí Lào”. Cho nên từ năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn Lào có một chính Đảng để lãnh đạo cách mạng Lào giành độc lập dân tộc. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xuất việc đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam để lãnh đạo cách mạng Việt Nam và tạo thành tiền đề cho Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được thành lập để lãnh đạo cách mạng Lào. Ngày 22-3-1955, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Lào đã chính thức ra đời do Chủ tịch Cayxỏn Phômvihẳn sáng lập và trực tiếp lãnh đạo. Với tư cách là Tổng Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đã kết hợp chặt chẽ với Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng mối quan hệ, tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam để Đông Dương trở thành chiến hào chung trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Như Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản từng nói: Số phận đã gắn bó hai nước chúng ta, nhân dân Lào sẽ làm hết sức mình để góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân Việt Nam anh em. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhắc nhở rằng: Giúp đỡ bạn để bạn trưởng thành, không làm thay bạn. Đây là mục tiêu rất quan trọng được Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại. Tư tưởng của Người là luôn tôn trọng độc lập dân tộc, quyền tự chủ của các bộ tộc Lào, giúp đỡ quốc tế đối với bạn Lào là vô cùng trong sáng, thủy chung, không tiếc xương máu và vật chất, giúp bạn phải làm sao cho bạn càng tin tưởng ở bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản khẳng định “Tư tưởng và tình cảm của Bác Hồ là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cổ vũ sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi. Từ ngày cách mạng Lào còn trứng nước cho đến lúc đã trưởng thành, Bác Hồ luôn luôn quan tâm dẫn đường chỉ lối”.
Vậy, với sự giúp đỡ của Việt Nam, cách mạng Lào đã thu được thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ việc giành độc lập dân tộc trọn vẹn từ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đến việc xây dựng một nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào phồn vinh. Cho đến nay, với cách mạng Lào, với nhân dân các bộ tộc Lào, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sống động, là kim chỉ nam, là ánh sáng ngời ánh hào quang, tỏa sáng hôm qua, hôm nay, mãi mãi về sau và được hai Đảng, hai Nhà nước vận dụng vào cuộc cách mạng trong từng giai đoạn nhất định để tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản kính yêu gây dựng và vun đắp được phát huy và bảo vệ bằng sự hy sinh máu thịt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai nước từ nhiều thế hệ, đã và đang được củng cố, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Đó là động lực, là quy luật của sự tồn tại và phát triển, là yếu tố đảm bảo thắng lợi của cách mạng mỗi nước chúng ta, là tài sản quý báu của nhân dân hai nước để muôn đời con cháu chúng ta kế tục mãi mãi.
Một lần nữa, chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em, sẽ làm hết sức mình để bảo vệ và phát huy quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện của hai nước. Đó chính là thể hiện lòng trung thành và tình cảm của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản kính yêu – người đã gây dựng, vun đắp và giáo dục bồi dưỡng. Chúng ta nâng niu mối quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt hiếm có này. Mối quan hệ ấy sẽ kết trái đẹp tươi bội phần và trở thành tài sản vô giá không phai mờ, để lại cho con cháu chúng ta tiếp tục kế thừa và gìn giữ./.
___________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.314.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.6, tr.514.
3. Kho Lưu trữ Trung ương: Phông Ban Chấp hành Trung ương khoá III, ĐVBQ 140.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập , Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.44.