Học và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân với kiều bào vui xuân đón Tết tại đền Ngọc Sơn, trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2019. (Ảnh minh họa: TTXVN)

ĐẠI ĐOÀN KẾT LÀ CHIẾN LƯỢC CỦA CÁCH MẠNG

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”(2). Vì thế, 8 chữ “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”(3) là mục đích của Đảng và Đảng thực hiện “đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc”, “đoàn kết để xây dựng nước nhà”, cho nên phải “đoàn kết rộng rãi và lâu dài”, “đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố” và “ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(4).

Khát vọng dân tộc được độc lập, tự do và thống nhất, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc là mẫu số chung, là điểm gốc để quy tụ tất cả mọi người dân Việt Nam vào khối đại đoàn kết dân tộc. Vì thế, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong một mặt trận thống nhất chính là để tập hợp và lãnh đạo quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong khối đại đoàn kết đó, Đảng là một thành viên của Mặt trận, đồng thời là lực lượng lãnh đạo, cho nên “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(5). Đồng thời, Đảng không chỉ xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc mà còn phải biến nguồn sức mạnh được tổ chức thành một khối vững chắc và hoạt động theo đường lối chính trị đúng đắn đó thành lực lượng vật chất, sức mạnh vật chất. Theo Người, “trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết với các tầng lớp nhân dân lao động khác”(6).

Trong Mặt trận, việc đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, các dân tộc anh em, giữa đồng bào lương với đồng bào các tôn giáo khác được thực hiện theo phương châm “cầu đồng tồn dị”, lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt, để cùng nhau sống hoà thuận, ấm no, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và nhân nguồn sức mạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giác ngộ, tập hợp trí thức Việt Nam vào hàng ngũ cách mạng, bổ sung và phát huy vai trò của họ, làm cho họ trở thành một động lực cách mạng quan trọng; đồng thời khẳng định liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân. Thực tế cho thấy, liên minh công – nông – trí (trí thức) không những là yêu cầu khách quan về chính trị, làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn là yêu cầu khách quan để phát triển bền vững kinh tế, vǎn hoá, xã hội của đất nước. Tuỳ theo yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, Mặt trận có cương lĩnh, điều lệ phù hợp, được tổ chức chặt chẽ, xây dựng trên nền tảng khối liên minh công – nông – trí đã luôn lấy việc thống nhất lợi ích tối cao của dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chính đoàn kết thực sự, lâu dài, chặt chẽ, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau, “là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thực sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân. Tóm lại, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì toàn dân cần đoàn kết lâu dài, đoàn kết thực sự và cùng nhau tiến bộ”(7).

Khối đại đoàn kết dân tộc chỉ thực sự phát huy được sức mạnh nội sinh khi gắn liền với đoàn kết quốc tế, nghĩa là chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, sức mạnh dân tộc phải gắn với sức mạnh thời đại. Thực tiễn cách mạng cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, khối liên minh đoàn kết 3 nước Đông Dương (Việt Nam – Lào – Campuchia), của các nước xã hội chủ nghĩa và  phong trào nhân dân thế giới ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng là những minh chứng sống động cho việc xây dựng và thực hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

90 năm thực hiện xuyên suốt và nhất quán chiến lược đại đoàn kết dân tộc, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc phù hợp với tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong tiến trình ấy, trên tinh thần “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, nguyên tắc hiệp thương dân chủ được coi là “chìa khóa vạn năng” để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tế, các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động và triển khai thực hiện ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong đó, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, lá lành đùm lá rách, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ chăm sóc sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác cùng với cuộc vận động xã hội, các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… không chỉ có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng mà còn góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại đoàn kết là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, gồm Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trong đó, động lực chủ yếu để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội. Để khối đại đoàn kết dân tộc được bền chặt, đạt được sự đồng thuận xã hội, đòi hỏi mọi thành viên trong đó phải tôn trọng và hành động theo những nguyên tắc và ý chí chung và mỗi quyết định được thông qua phải là “mẫu số chung”, phản ánh, thể hiện nguyện vọng, lợi ích của toàn xã hội.

Vì thế, để “phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(8), cần tập trung thực hiện một số giải pháp căn cốt sau:

Một là, các cấp ủy cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và chuyên đề năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức; trong đó, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Đó là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân gắn với thực hiện tốt trách nhiệm của công dân, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”, góp phần xây dựng Đảng và chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.

Ba là, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong tham gia xây dựng và hoàn thiện một số chính sách để củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Mặt trận phải đoàn kết rộng rãi, chân thành mọi thành viên trong xã hội, không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ở trong nước hay ở nước ngoài trên cơ sở mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Mặt trận phải đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận, hiệp lực trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tổ chức động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hoá – xã hội; trong đó, mỗi người, mỗi gia đình cố gắng phấn đấu làm giàu cho mình, cho cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, tích cực vận động, thu hút kiều bào hướng về Tổ quốc, góp sức xây dựng quê hương, đất nước; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của kiều bào, đồng thời, khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân có thành tích tiêu biểu.

Năm là, nắm bắt kịp thời để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và nỗ lực chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân. Tôn trọng và phát huy vai trò gương mẫu, dẫn dắt của những người tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng dân cư, các dân tộc, tôn giáo; bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể và toàn xã hội. Cùng với việc giải quyết đúng đắn và hợp lý các quan hệ lợi ích, cần đẩy mạnh và không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tinh thần tự lực tự cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, coi đó là những yếu tố quan trọng để không chỉ phòng và chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch mà còn góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ./.

_______________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2011, t.13, tr.119.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.55.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.49.

(4), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.224, 244.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.168.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.362.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 158-159.

 

TS. Vũ Văn Tuấn, Học viện Kỹ thuật quân sự

Theo http://www.tuyengiao.vn