Cuối tháng 11-2022, chúng tôi trở lại Bạc Liêu công tác. Theo gợi ý của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi về xã Châu Thới để thăm viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi đền thờ Bác Hồ kính yêu có rất sớm, ngay từ khi người dân trong xã hay tin Bác qua đời. Ban đầu, ngôi đền bí mật dựng bằng những thân cây tràm, mái lợp lá dừa, vách bưng lá dừa, ẩn dưới vạt tràm ở ấp Bà Chăng A. Và cũng bởi xã Châu Thới thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lúc là vùng giáp ranh, khi là vùng giải phóng. Quân địch đã nhiều lần bắn pháo hòng phá hủy ngôi đền. Nhưng mỗi lần bị địch phá hoại thì ngôi đền lại được dựng lại to đẹp hơn.
Cho đến một ngày đáng nhớ cách đây hơn 50 năm, ngày 25-4-1972, Đền thờ Bác Hồ được xây dựng lại kiên cố, tường gạch, mái lợp ngói và nay trở thành ngôi đền lịch sử của tỉnh Bạc Liêu.
Ra tận cổng đón chúng tôi là một nông dân tuổi ngoài bảy mươi, dáng người nhỏ bé. Ông cho chúng tôi biết sáng nay cán bộ của khu di tích đã lên tỉnh tập huấn, chỉ còn lại một thanh niên làm nhiệm vụ trông coi tốp thợ làm vệ sinh mái nhà, mái cổng. Nghe nói thế, chúng tôi hơi buồn vì nghĩ rằng sẽ chẳng có ai để mà hỏi, để mà tìm hiểu kỹ về ngôi đền thờ Bác Hồ rất đặc biệt này.
Chừng như đoán được suy nghĩ ấy, người đàn ông nông dân vồn vã: “Tôi trân trọng mời đoàn mình tới viếng Đền thờ Bác Hồ”. Nói rồi ông rảo bước rất nhanh, bước chân hơi khập khiễng. Cậu thanh niên trông coi tốp thợ cũng vừa tới, cậu nói thêm: “Ông tên Bảy Khoa, là người trông coi Đền thờ Bác Hồ”.
Du khách ghi cảm tưởng khi đến thăm viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Bảy Khoa dẫn chúng tôi vòng qua mé hồi một ngôi nhà lớn để tới gian nhà nhỏ ở phía sau. Thì ra ở phía sau nhà trưng bày, ngôi nhà ở trung tâm của khu di tích, mới chính là Đền thờ Bác Hồ. Ngôi đền nhỏ, xây dựng đã khá lâu, trước cửa là dòng chữ đỏ “Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đáng chú ý là ngôi đền thờ nhỏ ấy giờ được bao bọc bởi một ngôi nhà kiểu dáng như một ngôi đình, cao và rộng. Đặc biệt là ngôi nhà lớn này xung quanh không có tường bao nên khá thông thoáng. Đền thờ Bác Hồ nằm lọt trong ngôi nhà lớn đó.
Quan sát kỹ, chúng tôi thấy, ngôi đền tựa như miếu thờ, chỉ đủ để ba, bốn người đứng viếng. Ban thờ khá giản tiện nhưng nổi bật dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm”. Tấm ảnh đã cũ chụp chân dung Bác Hồ khi Người mới về Thủ đô sau 9 năm trường kỳ kháng chiến. Bác nhìn mọi người với ánh mắt trìu mến. Hai bên ban thờ là đôi câu đối, thực ra là hai dòng chữ viết dọc, bên phải là “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh” và bên trái là “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Tất cả điều đó nói lên rằng: Đền thờ Bác được lập rất lâu rồi.
Sau khi hướng dẫn chúng tôi thắp hương viếng Bác xong thì ông Bảy Khoa mời đoàn lên thăm nhà trưng bày. Đó là ngôi nhà lớn được thiết kế giống như một bảo tàng nhỏ với các gian chuyên đề, theo trình tự thời gian. Chúng tôi thêm một lần ngạc nhiên, bởi ông Bảy Khoa với dáng vẻ đậm chất nông dân Tây Nam Bộ ấy vụt trở thành thuyết minh viên thông thạo và kinh nghiệm. Khi thuyết minh cho đoàn, có lúc ông Bảy Khoa phải dừng lại khi đến trước một gian trưng bày. Ban đầu tôi cứ nghĩ ông dừng lại để cố nhớ điều gì. Nhưng kỳ thực, ông Bảy Khoa dừng lại để nén niềm xúc động đang dâng trong lòng. Ở người nông dân này thể hiện rõ sự thành kính, chân thành và lòng tiếc thương vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Bảy Khoa bấy giờ mới cho biết: “Khi được tin Bác kính yêu qua đời, người dân Châu Thới chúng tôi vô cùng bàng hoàng, nhưng bà con chỉ biết khóc thầm thôi. Các gia đình cũng âm thầm khấn vái Bác mỗi khi thắp hương trên ban thờ của nhà mình”.
Một tâm nguyện chung với mọi nhà, mọi người, đó là làm thế nào để ở ngay làng quê Châu Thới, tuy còn trong khói lửa đạn bom, có được một ngôi đền thờ Bác? Ý nghĩ ấy mau chóng trở thành hiện thực. Tháng 9-1969, để che chắn sự rình mò của địch, đêm đêm bà con xã Châu Thới lặng thầm xây dựng đền thờ Bác Hồ ở ấp Bà Chăng A. Ban đầu, đền thờ rất đơn giản, đủ để bà con được thỏa tâm nguyện. Đây cũng là Đền thờ Bác Hồ đầu tiên ở tỉnh Bạc Liêu.
Hiện tại, Khu di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh có khuôn viên rộng hơn 11.000m2, ở ngay cạnh con đường liên xã nối từ Tỉnh lộ 978 vào xã Châu Thới. Ngôi đền thờ lịch sử được giữ lại nguyên trạng, có thêm nhà bao che rộng thoáng và các hạng mục khác. Nhà trưng bày ở trung tâm khuôn viên được xác định là hạng mục chính, cao, rộng và trang nghiêm với kiến trúc đình cổ. Trong nhà trưng bày có các gian mô tả quá trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ; quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Bạc Liêu nói riêng; có gian giới thiệu tình cảm của Bác đối với nhân dân miền Nam và gian giới thiệu tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác.
Ông Bảy Khoa (thứ ba, từ phải sang) giới thiệu hiện vật tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: MỘC MIÊN
Chờ cho ông Bảy Khoa thuyết minh xong, chúng tôi tranh thủ hỏi han về gia cảnh của ông. “Hồi tôi 17 tuổi, mấy lần xin vô rừng đi bộ đội đều không được gia đình cùng xã đội đồng ý, do vóc dáng nhỏ con. Sau thấy tôi cứ nằng nặc đòi đi nên cũng được mấy chú, mấy anh gật đầu” và kể từ đó tôi trở thành anh bộ đội Giải phóng quân. Trong một trận chống càn, tôi bị một mảnh đạn pháo của địch chém đứt nửa bàn chân phải. Năm 1969, tôi vừa tròn 18 tuổi và trở về làng sau lần bị thương. Được biết xã xây dựng đền thờ Bác nên tôi xung phong nhận việc trông coi đền”, ông Bảy Khoa hồi tưởng.
Sau khi điều trị xong, vì vết thương ở chân, Bảy Khoa không thể trở lại rừng làm Giải phóng quân nữa. Không chịu thua kém các trai làng, Bảy Khoa xin được vào du kích xã. Du kích Bảy Khoa đã nhiều lần cùng bà con và các đội viên du kích xã vừa chống địch càn vào phá đền, vừa tích cực dựng lại đền thờ Bác. Và thương binh Nguyễn Văn Khoa đảm nhận việc “gác” Đền thờ Bác từ bấy tới nay, một công việc hoàn toàn tự nguyện…
Hỏi thêm ông Bảy Khoa về chuyện gia đình, ông bảo: “Bà vợ tôi cũng tạm ổn, tuy nhiên không làm được việc nặng nữa. Con cái giờ lớn hết cả rồi, chúng đều đi ở riêng nhưng hay ghé thăm nhà. Cháu nội, cháu ngoại cũng không phải lo nữa, bọn nhỏ đi học cả. Tôi chỉ nhớ mỗi nhiệm vụ của tôi thôi”. Chúng tôi lại hỏi: “Giờ ông có nguyện vọng gì không?”. Thực tình câu hỏi của chúng tôi ý nói, nếu ông có đề đạt gì về tiêu chuẩn hay phụ cấp nhằm trợ giúp cho gia đình và bản thân ông tuổi đã cao, lại hay đau yếu thì cứ mạnh dạn, trong khả năng chúng tôi có thể tham mưu với địa phương để phần nào giúp gia đình ông cải thiện đời sống. Nhưng ông Bảy Khoa chỉ cười. Chúng tôi gặng hỏi thêm, sau một hồi ngần ngừ, ông Bảy Khoa mới nói: “Tôi chưa được ra Hà Nội bao giờ. Chỉ mong có ngày được ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác là tôi mãn nguyện lắm rồi!”.
Năm 2023, ông đã toại nguyện khi Hội Điện ảnh Việt Nam mời ông ra Hà Nội và ông được vào Lăng viếng Bác Hồ.
Theo https://sknc.qdnd.vn