Triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp”.
Năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”. Nghị quyết ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất đã có dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại và kêu gọi các quốc gia cùng tôn vinh Người thông qua các hoạt động tưởng niệm khác nhau. Nghị quyết của UNESCO là sự công nhận của thế giới đối với những giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam kết tinh trong con người Bác, thể hiện sự tôn vinh một con người mang trong mình những ý tưởng cao đẹp mà nhân loại chia sẻ và hướng tới là hòa bình, độc lập dân tộc, bình đẳng giữa các quốc gia, giải phóng các dân tộc khỏi áp bức, bất công.
Với những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm qua, nhiều hoạt động tôn vinh Người đã được triển khai ở nước ngoài. Tại “Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”, diễn ra mới đây tại Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài đã đạt nhiều thành công trong những năm qua. Các hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các chính đảng, giới học giả, truyền thông địa phương và phát huy được hiệu quả tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Bác dưới cả hai góc độ “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Nhà văn hóa kiệt xuất”.
Đến nay, tại 22 quốc gia trên thế giới đã có 35 công trình tượng, tượng đài Bác. Tại những nơi Người từng sống và hoạt động, nhiều khu di tích tưởng niệm, bảo tàng đã được xây dựng, tu sửa. Nhiều quốc gia đã đặt tên trường, lớp, tên đường phố, quảng trường mang tên Bác… Các công trình này là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước sở tại, là nơi lưu giữ những kỷ niệm về Bác và tổ chức các hoạt động giao lưu với người dân, bạn bè quốc tế, qua đó giúp tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chu Đức Tính xúc động chia sẻ, điều đặc biệt là nhiều khu di tích tưởng niệm, bảo tàng được xây dựng từ nguồn kinh phí của nước sở tại, như các công trình ở Trung Quốc, Thái-lan, Lào, Nga… Ông Chu Đức Tính kể lại, năm 2014, ông cùng đoàn cán bộ Việt Nam đến Ma-đa-ga-xca để khảo sát nhằm tu sửa lại Tượng đài Bác Hồ tại đây. Sau khi bày tỏ với các cơ quan chức năng Ma-đa-ga-xca về mong muốn của Việt Nam, người dân và chính quyền nước bạn đã đề nghị tự chi kinh phí tu sửa Tượng đài Bác. Điều này là minh chứng sống động cho sự trân trọng, tình cảm yêu mến của nhân dân thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định, những hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài rất đáng trân trọng và cần tiếp tục được phát huy. Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, để hoạt động tôn vinh Bác ở nước ngoài có chiều sâu hơn nữa, cần chú trọng ba vấn đề. Trước hết, phải luôn thống nhất hai danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Nhà văn hóa kiệt xuất”, bởi sự nghiệp giải phóng dân tộc của Bác chứa đựng những giá trị văn hóa, nhân văn, đạo đức rất cao. Và chính những giá trị ấy lại có tác động trở lại đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và khẳng định vị trí của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, phải luôn gắn kết Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam, vì Người là hiện thân của dân tộc, là lãnh tụ của dân tộc và kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc. Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tôn vinh dân tộc, giới thiệu Việt Nam ra thế giới. Cuối cùng, nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói về sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác gắn liền quá trình lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của Nhà nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, trong bối cảnh đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, những giá trị to lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng cần được tôn vinh, truyền tải, lan tỏa rộng rãi, nhất là trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này vừa để các thế hệ người Việt Nam cả trong nước và nước ngoài củng cố và phát huy niềm tự hào dân tộc, vừa để thế giới ngày càng biết đến nhiều hơn hình ảnh đất nước Việt Nam với lịch sử hào hùng, nền văn hóa đậm đà bản sắc, yêu chuộng hòa bình và trách nhiệm với công việc chung của thế giới.
Theo: nhandan.com.vn