Bác Hồ về nước Xuân Tân Tỵ năm 1941. Tranh: Trịnh Phòng
TRÊN NẺO ĐƯỜNG TRỞ VỀ TỔ QUỐC
Kể từ ngày rời Tổ quốc (5/6/1911) để ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi vượt qua biên giới Việt – Trung (28/1/1941), Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã phải trải qua một một hành trình dài đầy gian lao, thử thách. Trong gần 30 năm đó, với khát khao được từ năm 1923 là “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”[1], Người từng nhiều lần tìm đường trở về Tổ quốc, song không thể thực hiện được. Dù Người đã hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc những năm 1924 – 1927 và ở Thái Lan những năm 1928-1929 và trong những năm tháng này, Người đã 2 lần tìm đường trở về Tổ quốc song đều thất bại. Vấn đề này đã được Nguyễn Ái Quốc nêu rõ trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18/2/1930: “C. Đi về An Nam (hai lần cố gắng về nước song phải quay trở lại”[2].
Sau đó, phải đến khi tình hình thế giới có nhiều biến chuyển; khi chiến tranh thế giới lần thứ hai diễn ra ngày càng ác liệt, phát xít Đức tấn công nước Pháp (15/6/1940) và Chính phủ Pháp chấp nhận đầu hàng không điều kiện (22/6/1940)…; khi những cơ hội thuận lợi cho sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc, trong đó có Việt Nam được mở ra thì việc tìm đường trở về Tổ quốc lần thứ 3 của Người mới có thể trở thành hiện thực.
Lúc này, nhận thấy thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam đến gần, Người đã phân tích kỹ tình hình thế giới và Đông Dương, đã không chỉ nhấn mạnh: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”[3] mà còn xúc tiến chuẩn bị những điều kiện cần thiết như tìm hiểu tình hình, nghiên cứu để chọn con đường trở về Tổ quốc, định hướng xây dựng căn cứ địa cách mạng ở đâu…để có thể sớm lên đường về nước.
Cuối tháng 10/1940, Người cùng một số cán bộ rời Côn Minh về Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) và sau đó tiếp tục rời Quế Lâm đi xuống Tĩnh Tây (Quảng Tây) để tìm đường về nước. Tại Tĩnh Tây (Quảng Tây) vài ngày sau Tết dương lịch năm 1941, Người đã gặp và nghe đồng chí Hoàng Văn Thụ từ trong nước sang báo cáo tình hình trong nước và những công việc đang thực hiện. Liên quan đến con đường về nước, đồng chí Hoàng Văn Thụ đề nghị Người nên chọn hướng Cao Bằng. Đề nghị này trùng với nhận định của Người từ tháng 10/1940: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”[4]…
Sau đó, Người cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Văn Cáp được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường đã di chuyển xuống Nậm Quang ở sát biên giới Việt – Trung. Tại Nậm Quang, tranh thủ quỹ thời gian quý báu, Người đã mở lớp huấn luyện cho những thanh niên từ Cao Bằng sang, đào tạo họ thành những cán bộ cốt cán để trở về Cao Bằng công tác, xây dựng thí điểm các đoàn thể và lập căn cứ địa cách mạng. Sự kiện này được ghi lại trong Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bác và anh Phùng Chí Kiên về một làng cách Tĩnh Tây năm chục cây số. Bác cho người đến gọi anh Đồng và tôi về để mở lớp huấn luyện… Các anh Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng và tôi được Bác hướng dẫn làm chương trình huấn luyện. Bác phân công mỗi người làm từng mục: tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh”[5]. Dựa theo tài liệu của Người, các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã biên soạn tập bài giảng cho lớp học, gồm 6 bài.
Trong đó: “Bài 1: Tình hình thế giới, trong đó đề cập tới cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, phong trào cách mạng trên thế giới, về Liên bang Xô viết, về cuộc kháng Nhật cứu nước của nhân dân Trung Quốc. Bài 2: Tình hình Đông Dương, trong đó giới thiệu về đặc điểm địa lý, tình hình kinh tế, chính trị, về các giai tầng và các dân tộc Đông Dương, về thái độ của người Pháp và Hoa kiều…Bài 3: Vấn đề cách mạng Việt Nam, trong đó giới thiệu về phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, về những điều kiện đảm bảo của cách mạng, đồng thời giới thiệu các đảng phái chính trị ở Đông Dương và chủ nghĩa dân chủ mới của Việt Nam. Bài 4: Về công tác, chủ yếu hướng dẫn học viên cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đưa quần chúng ra đấu tranh. Bài 5: Vấn đề khởi nghĩa, trong đó có hai nội dung chính là đánh du kích và khởi nghĩa. Bài 6: Một người cách mạng phải như thế nào nói về tư cách của người cách mạng”[6] (sau được in thành sách Con đường giải phóng).
Ngày trở về đã đến!. Trưa ngày 2 Tết Nguyên đán Tân Tỵ (28/1/1941), Người về đến biên giới Việt – Trung, đoạn cột mốc 108. Phút giây thiêng liêng bồi hồi, xúc động về với Tổ quốc đã được Người kể lại: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”[7].
Những ngày đầu về nước, Người ở lại nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ), dân tộc Nùng, ở thôn Pác Bó. Từ ngày 8/2/1941, Người (với bí danh Già Thu) đã chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) là một hang núi kín đáo (ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, có thể rút lui an toàn khi bị lộ) ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để sống và làm việc. Hằng ngày, Người dậy sớm tập thể dục, leo núi, xuống suối tắm, sau đó bắt tay vào công việc; hoặc xuống làng hỏi chuyện đồng bào; hoặc cùng anh em lên núi hái củi; tối về tranh thủ bồi dưỡng kinh nghiệm hoạt động cách mạng cho cán bộ phong trào. Cuộc sống những ngày tháng tại hang “đầu nguồn” tuy thiếu thốn, gian khổ, song ở nơi đó/từ nơi đó vẫn tràn đầy một tinh thần lạc quan cách mạng đúng như Người viết trong bài thơ Tức cảnh Pác Bó: “Sáng ra bờ suối tối vào hang/Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”[8].
Cuối tháng 4/1941, Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Vũ Anh triệu tập Hội nghị cán bộ tỉnh cao Bằng để rút kinh nghiệm tổ chức thí điểm mặt trận Việt Minh tại Cao Bằng. Hội nghị này do đồng chí Hoàng Văn Thụ chủ trì, với sự tham gia của cán bộ ba huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình là những huyện đã có phong trào quần chúng tương đối tốt.
Lúc này, tình hình quốc tế và trong nước có những biến chuyển lớn. Đặc biệt, trong nước, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ theo lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào đấu tranh chống Pháp, đuổi Nhật của nhân dân phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải kịp thời có những quyết sách đúng đắn, nhạy bén và tập trung hơn nữa để chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng của quần chúng, nhằm quy tụ nguồn sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân “tiến lên làm cách mạng dân tộc giải phóng”[9].
QUYẾT ĐỊNH THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC CÁCH MẠNG
Kịp thời và nhạy bén với tinh hình, với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ Tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941).
Tại Hội nghị, trên cơ sở phân tích tình hình quốc tế và Đông Dương; tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước, Hội nghị khẳng định: “Cần phải thay đổi chiến lược. Sự thay đổi về kinh tế, chính trị Đông Dương, sự thay đổi thái độ, lực lượng các giai cấp Đông Dương, buộc Đảng ta phải thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Đông Dương, cho hợp với tình hình thay đổi”[10].
Trên cơ sở nhận định rõ: “Pháp – Nhật ngày nay không phải chỉ là kẻ thù của công nông mà là kẻ thù của cả dân tộc Đông Dương”, Người và Trung ương Đảng quyết định thay đổi chiến lược và sách lược cách mạng: Tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Vì thế, Hội nghị xác định rõ cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng” và đó là cuộc “cách mạng dân tộc giải phóng” để nhằm “giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của Pháp – Nhật”.
Hội nghị nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[11].
Vì thế, để nhằm động viên tất cả mọi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giàu nghèo, già trẻ, gái trai vào một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, “đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”, cùng nhau đoàn kết “đánh đuổi giặc Pháp – Nhật” và “thực hiện cho được cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”, Người và Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh – tên gọi “cho có tính chất dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại”[12]).
Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ; trong đó, nêu rõ: “Chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn”[13]. Đồng thời, kêu gọi “đồng bào ta hãy tìm các đoàn thể cứu quốc của Việt Minh mà gia nhập cho mau. Các bạn trẻ hãy thống nhất lại trong”Thanh niên cứu quốc đoàn”…Anh chị em thợ thuyền và dân cày hãy vào “Công nhân cứu quốc hội” và “Nông dân cứu quốc hội”. Các bậc trí thức văn nhân hãy đoàn kết thành “Văn hóa cứu quốc hội”[14]… để “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam sung sướng, tự do”[15].
Tư tưởng độc lập, tự do và chiến lược đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Việt Minh do Người sáng lập và lãnh đạo đã hấp dẫn, quy tụ được các các tầng lớp nhân dân, các giai tầng trong xã hội trên tinh thần không có sự phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, đảng phái… Từ những tổ chức thí điểm của Mặt trận Việt Minh đầu tiên ở Hà Quảng (Cao Bằng) năm 1941, Việt Minh phát triển nhanh và lan rộng trong toàn quốc. Cùng với đó, các đoàn thể Hội Nông dân cứu quốc, Hội Công nhân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc… cũng được thành lập và phát triển nhanh chóng trong các nhà máy, xí nghiệp, trường học; ở khắp các tỉnh, thành phố…
Quyết định chuyển hướng chiến lược và sách lược cách mạng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941) chính là sự hoàn chỉnh nội dung các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11/1939) và 7 (11/1940); đồng thời, đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc khi đó. Sự thay đổi chiến lược và sách lược cách mạng không chỉ thể hiện sự nhạy bén, quyết đoán của Trung ương trước sự thay đổi của tình hình quốc tế và trong nước mà còn góp phần giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Quyết định lịch sử này chính là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam đã được lựa chọn, được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng từ tháng 2/1930.
Để đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 về tổ chức Mặt trận Việt Minh vào thực tiễn, để tập trung cho nhiệm vụ dân tộc giải phóng, ngày 6/6/1941, Người viết thư Kính cáo đồng bào gửi đến các tầng lớp nhân dân cả nước. Trong thư, Người đã nêu lên tình cảnh khổ cực của nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị của Pháp – Nhật; đã ca ngợi những tấm gương oanh liệt của các bậc anh hùng tiền bối trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, song cũng khẳng định là những cuộc đấu tranh đó chưa thành công, vì “cơ hội chưa chín” và vì “dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”…
Vì thế, theo lời Người, “hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết”. Cũng bởi, trong lúc này “quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy” và “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”. Đồng thời, Người kêu gọi: “Giờ giải phóng đã đến! Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên. Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật”[16]…Cuối tháng 10/1941, Người đã viết Diễn ca Mười chính sách của Việt Minh, giới thiệu mục tiêu đấu tranh của Việt Minh, vai trò to lớn của Việt Minh và cuối cùng kêu gọi mọi người đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh để thống nhất hành động cứu nước.
Đặc biệt, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của cán bộ – Cán bộ nào phong trào đó và cán bộ là gốc của mọi công việc; đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng, Người không chỉ quan tâm việc mở các lớp huấn luyện trên hành trình về nước để kịp thời đào tạo và bồi dưỡng cán bộ mà còn yêu cầu các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng chọn một số thanh niên Cao Bằng gửi đi học lớp vô tuyến điện ở Liễu Châu (Trung Quốc) vào cuối tháng 6/1941[17].
Giữa năm 1941, Người tổ chức lớp huấn luyện chính trị – quân sự ngắn hạn cho cán bộ địa phương. Người trực tiếp giảng bài về tình hình thế giới, tình hình trong nước, về 5 bước công tác quần chúng, về chiến thuật du kích, các hình thức du kích… Tháng 10/1941, Người giao đồng chí Lê Thiết Hùng và Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm cùng cộng tác mở lớp huấn luyện quân sự. Cuối tháng 10/1941, Người yêu cầu các đồng chí Lê Thiết Hùng và Lê Quảng Ba báo cáo về việc thành lập đội vũ trang. Tháng 11/1941, khi đội vũ trang đầu tiên của Cao Bằng được thành lập, Người đến dự, nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, chấp hành kỷ luật, khiêm tốn học hỏi và giúp nhau về chính trị, quân sự cũng như trong sinh hoạt… và biên soạn Mười điều kỷ luật và Chiến thuật cơ bản của du kích cho các đội viên học tập và trực tiếp huấn luyện họ[18]…Các bài giảng tại các lớp huấn luyện đều tập trung vào các nội dung thiết thực để các học viên hiểu được những nét cơ bản về tình hình thế giới và trong nước; nhiệm vụ cách mạng trước mắt; chủ trương chính sách mới của Đảng và Chương trình, Điều lệ Việt Minh; công tác vận động quần chúng…
Không chỉ chú trọng việc mở những lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ địa phương, mở lớp huấn luyện quân sự, thành lập đội vũ trang đầu tiên ở Cao Bằng… nhằm chuẩn bị lực lượng nòng cốt cho công cuộc khởi nghĩa vũ trang sau này mà Người còn trực tiếp tham gia giảng bài tại các lớp học; đồng thời, biên soạn Cách đánh du kích, dịch Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Nga tóm tắt… để phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ. Thực tế, những việc làm cụ thể, thiết thực, chu đáo của Người như nắm rõ tình hình cách mạng, trình độ của cán bộ địa phương; chuẩn bị nội dung huấn luyện phù hợp, diễn giải giản dị, dễ hiểu, có liên hệ giữa lý luận và thực tiễn đã giúp cho công tác giáo dục, huấn luyện cán bộ mà Người thực hiện không chỉ được tiến hành trên lớp học mà cả trong công tác và sinh hoạt hằng ngày. Nhờ đó, những lớp cán bộ được Người huấn luyện hoặc được làm việc cùng Người đều trưởng thành về chính trị, trình độ, rèn luyện đạo đức cách mạng và khả năng công tác nhanh.
Đặc biệt, năm 1941, Người không chỉ sáng lập báo Việt Nam độc lập mà còn viết nhiều bài cho báo theo thể lục bát hoặc văn vần để người đọc dễ nhớ, dễ đọc; đã cổ vũ thanh niên học quân sự, ca ngợi dân cày, đề cao phụ nữ, kêu gọi thiếu nhi, khuyên đồng bào đọc báo, mua báo Việt Nam độc lập. Tháng 12/1941, Người viết Thế giới đại chiến và phận sự dân ta, đăng trên báo Việt Nam độc lập, nhấn mạnh cơ hội giải phóng đến rồi và kêu gọi đồng bào đoàn kết lại…
Như vậy là, trong năm đầu tiên trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước sau gần 1/3 thế kỷ hoạt động ở nước ngoài, với những quyết định chính xác, kịp thời của mình cùng Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8; với những chỉ đạo kịp thời và hoạt động trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; trong công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ cho phong trào cách mạng… lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước phát triển nhanh, mạnh và rộng, tạo bước nhảy vọt cho phong trào cách mạng trong nước; chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho ngày vùng lên của toàn dân tộc trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sau đó.
Với ý nghĩa lớn lao đó, cùng với sự kiện mùa Xuân thành lập Đảng năm 1930, sự kiện Người về nước mùa Xuân năm 1941 là một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ sau mùa Xuân năm 1941, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người và Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đã giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vững bước trên hành trình đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sau 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, một Việt Nam kiên định và bản lĩnh đã hồi sinh sau những năm dài chiến tranh, đã ngày một phát triển đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc. Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam đều đổi mới đã tạo ra thế và lực mới.
Một Việt Nam kiên định đổi mới và sáng tạo trong đổi mới đã khẳng định vị trí, vai trò của mình trong khu vực và trên trường quốc tế, ngày càng tham gia, đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng và đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách. Vinh dự và tự hào, năm 2019, Việt Nam lần thứ 2 được bầu làm Uỷ viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, với số phiếu bầu cao gần như tuyệt đối.
Một Việt Nam với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động hội nhập và sẻ chia đã không chỉ nỗ lực trong các hoạt động hỗ trợ, hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế mà còn khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; đồng thời, chú trọng đẩy mạnh quan hệ với các nước, các đối tác.
Đặc biệt, một Việt Nam kịp thời hành động, quyết liệt hành động, với những chiến lược hiệu quả, với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị đã phòng và chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, phù hợp với điều kiện tiềm lực của đất nước; được cộng đồng thế giới ghi nhận và ngưỡng mộ…
80 năm sau ngày Người trở về Tổ quốc, một Việt Nam với sắc vóc và diện mạo mới đón Xuân Tân Sửu 2021 trong niềm tin yêu và kỳ vọng vào thành công của Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam; trong sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng một nước Việt Nam phát triển bền vững, hùng cường, phồn vinh, để mỗi người dân Việt Nam ngày càng được thụ hưởng đầy đủ hơn giá trị của Độc lập – Tự do – Hạnh phúc như Người từng mong ước./.
————
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.209
[2] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.2, tr.8
[3] Vũ Anh: Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, 1986, tr.14-15
[4] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.2, tr.112
[5] Võ Nguyên Giáp: Đầu nguồn. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1972, tr.98
[6] Tài liệu ký hiệu: H2C7/3, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
[7] T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.82.
[8] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.2, tr.136
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.95
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.118
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.113
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.122
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.461
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.462
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.470
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.230
[17] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.2, tr.142
[18] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.2, tr.151-152
TS. Văn Thị Thanh Mai – TS. Đinh Quang Thành
Theo http://www.tuyengiao.vn