Nhân nguồn sức mạnh của dân tộc trong Mặt trận dân tộc thống nhất

Ảnh minh họa

MẶT TRẬN VIỆT MINH – SỨC MẠNH HIỆU TRIỆU KHỐI TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT

Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước, có tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng và truyền thống ấy, tinh thần ấy luôn được củng cố, đắp bồi trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Không phải ngẫu nhiên, trong tác phẩm Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ (1924), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lại khẳng định rằng, ở Việt Nam, “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”[1] và thậm chí đó là “là động lực vĩ đại và duy nhất”.

Sau này, trong tác phẩm Đường Cách mệnh (1927), chính Người cũng đã chỉ rõ: “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”[2]. Vì thế, để làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam cần phải tập hợp, quy tụ, vận động và tổ chức các tầng lớp nhân dân lại trong một tổ chức – một hình thức Mặt trận dân tộc thống nhất, rộng rãi (Mặt trận) để thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 28/1/1941, sau gần 30 hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8(5/1941), Người cùng Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của địa chủ và chủ trương thành lập một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để mở rộng khối đoàn kết toàn dân tộc, tập trung vào nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc…

Trên tinh thần xác định rõ vị trí chính trị của mình là nơi có hàng triệu dân chúng hăng hái tham gia; là nơi giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa Đảng với một tổ chức quần chúng – nơi thực sự quy tụ sức mạnh của tất cả mọi người dân Việt Nam yêu nước nhằm nhân nguồn sức mạnh nội lực của cả dân tộc trong hành trình đấu tranh vì độc lập, tự do, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh được thành lập ngày 19/5/1941(gọi tắt là Việt Minh).

Mặt trận Việt Minh đã công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ; trong đó, Tuyên ngôn của Việt Minh nêu rõ: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn”[3]. Vì thế, “đồng bào ta hãy tìm các đoàn thể cứu quốc của Việt Minh mà gia nhập cho mau. Các bạn trẻ hãy thống nhất lại trong”Thanh niên cứu quốc đoàn”…Anh chị em thợ thuyền và dân cày hãy vào “Công nhân cứu quốc hội” và “Nông dân cứu quốc hội”. Các bậc trí thức văn nhân hãy đoàn kết thành “Văn hóa cứu quốc hội…”[4].

Chương trình cứu nước của Việt Minh khẳng định: “Chủ trương liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương, đặng đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, làm cho nước Việt Nam và cả xứ Đông Dương được hoàn toàn độc lập”[5]. Đồng thời, chính sách 44 điểm của Việt Minh về chính trị (9 điểm), kinh tế (11 điểm), xã hội (6 điểm), văn hóa (7 điểm) và đối với các tầng lớp nhân dân (11 điểm) ra đời chính là để “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam sung sướng, tự do”[6].

Điều lệ của Việt Minh cũng nêu rõ: “Tôn chỉ – liên hiệp hết thảy tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đặng cùng nhau đánh đuổi Nhật, Pháp, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[7].

Đây là lần đầu tiên một Mặt trận thống nhất dân tộc, có sức mạnh hiệu triệu, đánh thức tinh thần dân tộc của toàn dân nhằm mục tiêu đánh Pháp, đuổi Nhật để dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Và từ những nội dung trong các văn kiện nêu trên, có thể thấy, Việt Minh là bước phát triển cao hơn, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hơn so với các hình thức mặt trận trước đó như: Hội Phản đế đồng minh (18/11/1930); Hội Phản đế liên minh (3/1935); Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế (6/1936); Mặt trận dân chủ thống nhất (3/1938); Mặt trận thống nhất phản đế Đông Dương (11/1939) và Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế (cuối năm 1940). Đồng thời, với Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ của mình, Việt Minh cũng đã khắc phục được tình trạng thiếu một bề sâu cần thiết, thiếu sự tham gia của nhiều đảng phái trong nước… trong các hình thức Mặt trận này.

Để Mặt trận Việt Minh vừa làm tròn nhiệm vụ của mình vừa là nơi quy tụ và nhân nguồn sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, Đảng lãnh đạo Việt Minh theo 2 cách: 1) “Đưa chính sách cách mạng của mình ra đề nghị với Việt Minh, lại có thể hăng hái tham gia trực tiếp chỉ huy các cuộc đấu tranh của quần chúng trong Việt Minh”; 2) “Nhờ các đảng viên của Đảng ta tham gia các đoàn thể cứu quốc như công, nông,phụ nữ, thanh niên mà có thể đem chính sách của Đảng ta tuyên truyền phổ biến trong Việt Minh”[8].

Từ những tổ chức thí điểm của Mặt trận Việt Minh đầu tiên ở Hà Quảng (Cao Bằng) năm 1941, Việt Minh phát triển nhanh và lan rộng trong toàn quốc. Cùng với đó, các đoàn thể Hội Nông dân cứu quốc, Hội Công nhân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc… cũng được thành lập và phát triển nhanh chóng trong các nhà máy, xí nghiệp, trường học; ở khắp các tỉnh, thành phố… 

Tư tưởng độc lập, tự do và chiến lược đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã không chỉ hấp dẫn, quy tụ được các giai tầng trong xã hội mà còn thu hút được cả vua quan triều Nguyễn cũng ngả theo cách mạng. Với Việt Minh, không có sự phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, đảng phái… mà chỉ có một khối toàn dân đoàn kết, thống nhất. Với Việt Minh, sức mạnh của lòng yêu nước, khát khao độc lập, tự do, tinh thần dân tộc, đoàn kết muôn người như một được khơi dậy mạnh mẽ, cùng chung sức góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng lên cao, sôi nổi và đều khắp trong cả nước. 

Với Việt Minh, ngày 14/8/1945, khi thời cơ cách mạng đã chín muồi, Tổng bộ Việt Minh hiệu triệu: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh! Dân tộc ta đến lúc vùng dậy cướp lại quyền độc lập của mình! Trước cơ hội có một không hai ấy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng quân Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân …Thắng lợi nhất định về ta”[9].

Sức mạnh nội sinh từ khối toàn dân đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đã “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”[10] và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Cùng với thời gian, bài học về tinh thần đoàn kết, nguyên tắc đoàn kết và việc tổ chức, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc; giữ vững nguyên tắc, không lơ là cảnh giác cách mạng, nhưng chân thành, cởi mở trong hợp tác và liên kết; với các hình thức vận động, tập hợp và quy tụ quần chúng phù hợp, hoạt động hiệu quả của Mặt trận Việt Minh trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng càng trở nên có ý nghĩa.

TIẾP TỤC XÂY DỰNG, CỦNG CỐ VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

75 năm trôi qua kể từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bài học về việc lãnh đạo Mặt trận dân tộc thống nhất (Mặt trận); xây dựng và củng cố Mặt trận để tập hợp, quy tụ, vận động và phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng từ Mặt trận Việt Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng và phát triển trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Trong mỗi thời kỳ, Mặt trận lại có tên gọi cho phù hợp điều kiện và hoàn cảnh lịch sử, song dù mang tên nào: Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Mặt trận Liên Việt) trong kháng chiến chống Pháp; Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở Việt Nam (thành lập ở miền Nam) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, thì Mặt trận cũng cần phải và luôn phải bám sát nhiệm vụ chính trị, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên; phải là nơi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; đồng thời, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Để Mặt trận thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, cần tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, chú trọng công tác xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của Mặt trận đối với việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng; trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam phải là hạt nhân lãnh đạo – phải thực hiện vai trò lãnh đạo bằng cách đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, làm tốt công tác cán bộ, bồi dưỡng và giới thiệu những cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, có tín nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, có năng lực chuyên môn làm công tác Mặt trận, để Mặt trận chọn cử theo đúng Điều lệ.

Trong Mặt trận, Đảng phải là đạo đức, là văn minh và là “một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất” để không chỉ giữ vững đường lối chính trị, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng mà còn phải chủ động phòng và chống mọi khuynh hướng hạ thấp vai trò của Đảng, đòi chia quyền lãnh đạo trong Mặt trận, xa rời phương hướng, mục tiêu chiến lược của cách mạng. Đồng thời, Đảng phải tôn trọng tính độc lập về tổ chức và hoạt động sáng tạo của Mặt trận; lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận đối với sự lãnh đạo của Đảng và đối với cán bộ, đảng viên; phải chú trọng xây dựng và củng cố khối liên minh công – nông – trí vững mạnh làm nền tảng của Mặt trận.

Thực tế cho thấy, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ, sự chủ động phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền các cấp để Mặt trận và các đoàn thể chính trị -xã hội hoạt động có hiệu quả là rất quan trọng. Sự quan tâm lãnh đạo đầy đủ của mỗi cấp ủy đến việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, đoàn thể và quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các đoàn thể trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… của đất nước, địa phương và cơ sở sẽ góp phần để Mặt trận hoạt động hiệu quả, phát huy được vị thế, vai trò của mình.

Thứ hai, vì “đoàn kết làm ra sức mạnh”, “đoàn kết là thắng lợi”, cho nên trong Mặt trận, đoàn kết phải luôn là một vấn đề chiến lược. “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng”[11] và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chính là lợi ích cơ bản, lâu dài, phù hợp với nguyện vọng của tuyệt đại bộ phận nhân dân ta. Đó là cơ sở khách quan của chiến lược đại đoàn kết dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ cần phải phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân mà còn “đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[12].

Thứ ba, công tác Mặt trận là rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng và chính sách Mặt trận là rất quan trọng đối với sự phát triển phồn vinh và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, cho nên, phải “đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội”[13]. Trong công tác Mặt trận, phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân và phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, mọi nguồn lực của nhân dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để nhân nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo đó, Mặt trận không chỉ phải chú trọng chăm lo xây dựng và củng cố khối liên minh công – nông – trí làm nền tảng; quan tâm để không bỏ sót ai, không coi nhẹ một ai, không để ai ở lại phía sau nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn phải khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí của tất cả mọi người dân Việt Nam để phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược kinh tế – xã hội 10 năm từ 2021 – 2030 như Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu [14].

Thứ tư, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân, cần nâng cao tính tự giác và gắn bó của quần chúng với việc xây dựng tổ chức Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh; tiến hành có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Thực tế cho thấy, các hình thức tổ chức quần chúng, các phong trào thi đua, các cuộc vận động cách mạng chỉ có sức sống khi quần chúng cần đến nó, chứ không thể khiên cưỡng, áp đặt, bởi mọi sự sao chép cứng nhắc, dập khuôn máy móc hay quan liêu đều không được lòng dân, không được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Theo đó, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”…; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… cũng cần phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng vận động.

Thứ năm, trong công tác Mặt trận, cần coi trọng việc kết hợp và phát huy hiệu quả đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và cộng tác viên; đồng thời, quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể có phẩm chất, năng lực và kỹ năng vận động quần chúng, nhất là những người trưởng thành từ trong phong trào quần chúng.

Đó phải là những người luôn bám sát địa bàn cơ sở, hiểu rõ cơ sở, nắm vững tâm tư, nguyện vọng và bức xức của mỗi người dân, để tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng tâm, đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

90 năm xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể nói, dù được gọi với tên nào thì chỉ khi Mặt trận thực sự là nơi tập hợp, động viên hết thảy mọi người dân tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng; được quy tụ, đoàn kết trên cơ sở chương trình hành động chung; các giai tầng trong Mặt trận đều thống nhất về lợi ích chung của dân tộc, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đoàn kết và đấu tranh để phát huy cao nhất vai trò của các thành viên tham gia vì mục tiêu chung thì Mặt trận mới phát huy được vai trò và sức mạnh của mình./.

 ——————————–

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia –Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.511

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia –Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.283

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.461

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.462

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.466

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.470

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.472

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.124

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.558

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia –Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.158

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.166

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.170

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Lưu nội bộ

TS. Văn Thị Thanh Mai – TS. Trần Thị Bình

Theo http://www.tuyengiao.vn