Mô hình phát triển kinh tế của CCB Hà Văn Thỏa, đội 4, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.
Ông Hòa Quang Thoại, Chủ tịch Hội CCB huyện Điện Biên cho biết: Hội CCB huyện Điện Biên hiện có gần 4.000 hội viên tham gia sinh hoạt ở 250 chi hội. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua Hội CCB huyện đã tổ chức quán triệt tới 100% cán bộ, hội viên; xây dựng nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch thực hiện triển khai đến các tổ chức cơ sở hội. Hàng năm, Hội CCB huyện tổ chức đăng ký thi đua và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong học và làm theo Bác.
Bằng cách làm cụ thể, sáng tạo, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đến nay 100% cán bộ hội đều đăng ký tự giác, gương mẫu đi đầu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó nổi bật là phong trào thi đua CCB làm kinh tế giỏi, giúp nhau xoá đói giảm nghèo.
Với phương châm “Học tập và làm theo lời Bác phải cụ thể, lời nói đi đôi với việc làm”, các cấp hội CCB trong huyện đã triển khai các biện pháp giúp hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hàng năm, các cấp hội CCB phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình kinh tế, hộ sản xuất giỏi trong và ngoài tỉnh. Từ đó giúp hội viên CCB nâng cao kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời thực hiện uỷ thác, tín chấp với các ngân hàng giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay toàn huyện có gần 100 mô hình kinh tế trang trại, gia trại do CCB làm chủ có thu nhập từ 50 – 500 triệu đồng/năm. Nhiều cán bộ, hội viên trở thành tấm gương sáng, tiêu biểu được cấp ủy, chính quyền, Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình như: Mô hình phát triển kinh tế của CCB Hà Văn Thỏa, đội 4, xã Thanh Hưng mỗi năm cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng; mô hình chăn nuôi lợn, cá của CCB Lò Văn Lún, bản Na Ten, xã Hua Thanh có thu nhập trung bình 200 triệu đồng/năm; mô hình VAC của CCB Nguyễn Văn Huyến, xã Thanh Hưng cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm…
Công tác hỗ trợ, giúp đỡ hội viên CCB nghèo vươn lên được các cấp hội đặc biệt quan tâm. Hàng năm tiến hành rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân vì sao nghèo và phân công tổ chức, hội viên giúp đỡ. Trong giai đoạn từ 2017 – 2022, toàn huyện đã xóa được 637 hộ CCB nghèo và 389 hộ CCB cận nghèo; cán bộ hội viên toàn huyện đã đóng góp gần 1 tỷ đồng làm mới và sửa chữa gần 200 ngôi nhà cho CCB có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, hiện nay tỷ lệ hộ CCB nghèo còn 2,4%; hộ cận nghèo còn 3%.
Theo http://baodienbienphu.info.vn