Tình cảm của Bác Hồ với các cháu thiếu nhi mỗi dịp Tết Trung thu

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu

Tình yêu thương của Bác còn được thể hiện rõ trong những lá thư, bài thơ chúc Tết Trung thu được Bác viết về sau này. Vẫn đầy ắp yêu thương dành cho con trẻ, vẫn là những lời căn dặn hết sức gần gũi, thân thương, các em như được bồi đắp thêm tinh thần yêu nước, khí phách kiên cường đấu tranh vì độc lập nước nhà. Bác viết: “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng” và Bác “Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Để tham gia kháng chiến/Để gìn giữ hoà bình/Các cháu hãy xứng đáng/Cháu Bác Hồ Chí Minh”. Mỗi lần đọc thơ Bác, các cháu như được sống trong tình thương yêu của Bác, như được nghe những lời dặn dò: nỗ lực học tập, vươn lên trở thành con ngoan, trò giỏi, chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.

Được sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, xã hội ta luôn dành những điều kiện tốt nhất cho trẻ em vui chơi, học hành. Hằng năm, nước ta có “Tháng hành động vì trẻ em”, trong đó có chứa những thông điệp của chương trình “Bảo vệ trẻ em, an toàn hôm nay, bền vững tương lai” với quan điểm rõ ràng “Roi vọt không làm trẻ con nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”.

Trong 16 bài thơ Bác viết cho thiếu nhi có tới một nửa Bác viết vào dịp Tết Trung thu. Đó là những câu văn, câu thơ rất đỗi giản dị mà luôn chan chứa tình yêu thương của Người. Ngày 17-9-1945, Bác Hồ đã viết bài “Tết Trung thu với nền độc lập”  đăng trên Báo Cứu quốc, Bác viết: “Cùng các trẻ em yêu quý! Hôm nay là Tết Trung thu. Mẹ đã sắm cho các em nào đèn, nào trống, nào hoa, nào nhiều đồ chơi khác. Các em vui vẻ nhỉ! Cái cảnh trăng tròn, gió mát, hồ lặng, trời xanh của Trung thu lại làm cho các em vui cười, hớn hở. Các em vui cười, hớn hở, già Hồ cũng vui cười, hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là một bầy nô lệ trẻ em. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã trở thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập…”.

Năm 1969, Bác gửi lá thư cuối cùng cho thiếu nhi, cuối bài Bác viết “Nhờ Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến cứu nước thắng lợi, các em đã sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng chăm sóc và các đoàn thể giúp đỡ, các em sẽ cố gắng nhiều mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và giàu mạnh”.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người đã không quên nhắc đến thiếu niên, nhi đồng bằng những tình cảm đặc biệt: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”. Lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng mọi thời đại. Lời dạy “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người” của Bác đã, đang và sẽ được toàn Đảng, toàn dân ta học tập, làm theo với phương châm: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Nhớ ơn Bác Hồ, toàn thể thiếu niên, nhi đồng nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” như lúc sinh thời Người hằng mong ước./.

Theo http://baonamdinh.com.vn