Bác Hồ với cán bộ. Ảnh tư liệu
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Người khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(1); “Không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định giáo dục lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc đấu tranh chống thói hư tật xấu, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên; nhằm cung cấp hệ thống tri thức, lý luận khoa học và quan điểm, chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng để xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và mục tiêu, lý tưởng cho các lực lượng cách mạng; giúp cho người học công cụ tư duy khoa học để nhận thức, nắm bắt được bản chất, tính tất yếu, tính quy luật vận động khách quan của lịch sử cách mạng Việt Nam; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, để định hướng nhận thức và hành động thực tiễn cho bản thân đúng đắn, hiệu quả, hạn chế và tránh vấp váp, sai lầm, mù quáng và thất bại; góp phần xây dựng niềm tin, lý tưởng cách mạng, tính nhân văn, nhân đạo; tính đảng, tính cách mạng và khoa học.
Người cho rằng học lý luận để nâng cao vốn lý luận của mỗi cán bộ, đảng viên và từ đó nâng cao trình độ lý luận của Đảng để bản thân mỗi cán bộ hoàn thành tốt hơn công việc của mình và như thế toàn Đảng sẽ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của Đảng. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, sao cho xứng đáng là những người tiêu biểu, tiền phong, cách mạng nhất luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành trọng trách “kép” mà Hồ Chí Minh đã tin tưởng gửi gắm đó là vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ và cụ thể hóa mục đích của giáo dục lý luận chính trị là nhằm sửa chữa những tư tưởng chưa thật đúng là tư tưởng cách mạng; tu dưỡng đạo đức cách mạng để phục vụ sự nghiệp cách mạng; tăng cường giáo dục ý thức tự hào và niềm tin nhằm đào tạo ra những thế hệ biết “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”(3); thực hành, để giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cách mạng và cuộc sống đặt ra. Từ đây, Người chỉ rõ tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình; đối tượng học tập lý luận chính trị trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên của các cơ quan đoàn thể, các bộ, ban, ngành trong cơ quan chính quyền; những người tham gia giảng dạy, tuyên truyền về lý luận chính trị không phải chỉ những người trực tiếp làm nghề giáo, mà còn phải mở rộng ra rất nhiều thành phần khác như những chuyên gia đầu ngành; những người làm công tác quản lý, lãnh đạo có uy tín trong các ngành, các lĩnh vực của xã hội, của cuộc sống… Nội dung giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được Người chỉ rõ là giáo dục những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin; công tác xây dựng Đảng; đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, đạo đức cách mạng, những kinh nghiệm của các nước và tình hình thế giới…
Trong hoạt động giáo dục lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra những nguyên tắc cơ bản là: Giáo dục lý luận chính trị phải đảm bảo tính thống nhất giữa tính đảng với tính khoa học, trong giáo trình cần phải bám sát, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin và phải thể hiện qua sự mô tả khách quan cùng với những nguyên nhân của nó, tránh xa rời nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin sẽ rơi vào chủ nghĩa giáo điều, xét lại, tô hồng hay bôi đen hiện thực.
Lý luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành là một trong những nguyên tắc quan trọng. Nội dung nguyên tắc này đã được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và đề cập ở nhiều nơi, nhiều lần với hầu hết mọi đối tượng. Người khẳng định: “trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế”(4). Đối với người dạy và quản lý giáo dục, phải bố trí nội dung giáo dục lý luận chính trị sao cho đảm bảo bám sát các nguyên lý và phù hợp với từng đối tượng học viên, đồng thời đảm bảo tính thời sự, bám sát thực tiễn phong phú và sinh động đang diễn ra. Đối với người học, cần liên hệ vận dụng những kiến thức lý luận được trang bị với thực tiễn công việc hiện tại của mình, phải dùng lý luận đã học để phân tích, đánh giá một cách toàn diện những thành công – thất bại trong công tác, những mặt đúng – sai trong tư tưởng, từ đó chỉ ra nguyên nhân và giải pháp để giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Về phương pháp giáo dục lý luận chính trị, Hồ Chí Minh đã nêu ra một số phương pháp cơ bản, chủ yếu như: Phương pháp giảng dạy thiết thực, cụ thể, gắn với đối tượng, phù hợp với thực tiễn, phải xuất phát từ tình hình cụ thể của đất nước, phù hợp với từng đối tượng cán bộ công tác ở các cơ quan, ban ngành, kinh nghiệm của quá trình đấu tranh cách mạng ở các nước và trong nước, được phân tích và tổng kết được vận dụng khéo léo, không được bắt chước một cách rập khuôn, máy móc. Phương pháp tự học, nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng, đề cao vấn đề tự học của học viên, bao gồm tự nghiên cứu làm đề cương, thảo luận, tranh luận, sinh hoạt tập thể theo nhóm, tổ hay cả lớp với những chủ đề thích hợp theo sự hướng dẫn của giảng viên. Bên cạnh đó, Người nhấn mạnh phương pháp nêu gương, “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(5). Trong nhà trường, thầy cô giáo phải làm kiểu mẫu cho học sinh học tập và noi theo; cán bộ, đảng viên làm gương cho quần chúng nhân dân bằng những hành động cụ thể và thiết thực. Cuối cùng là phương pháp tổ chức, quản lý học viên khoa học và hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ về tài liệu học tập, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ quá trình dạy và học. Muốn huấn luyện lý luận chính trị trước hết phải có tổ chức, có lãnh đạo sâu sát, tỉ mỉ và chu đáo; tổ chức huấn luyện phải bám sát cả yêu cầu số lượng và chất lượng; đồng thời, Hồ Chí Minh quan tâm đến cách thức tổ chức lớp: “Đông quá thì dạy và học ít kết quả vì trình độ lý luận của người học chênh lệch, nên thu nhận không đều. Trình độ công tác thực tế của người học cũng khác nhau, nên chương trình không sát”(6).
2. Sự cần thiết phải học tập lý luận chính trị hiện nay
Học tập lý luận chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là trong giai đoan hiện nay, việc nghiên cứu và học tập lý luận chính trị là một yêu cầu cần thiết và cấp bách, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học. Nếu không giáo dục cho đảng viên làm cách mạng mà cứ yêu cầu họ làm cách mạng thì họ không làm tròn được nhiệm vụ”(7). Hơn nữa, làm cách mạng cũng là một “nghề” đặc biệt, đó là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hướng dẫn nhân dân làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới tốt đẹp, tiến bộ, văn minh hơn… nên lực lượng nòng cốt của sự nghiệp cách mạng càng phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện một cách bài bản, hệ thống để vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc thực tiễn.
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị và sự cần thiết, cấp bách phải nâng cao hơn nữa công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”(8). Tuy nhiên, Đại hội cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là “việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm được chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”(9). Những hạn chế, tồn tại trong công tác giáo dục lý luận chính trị, là một trong những nguyên nhân làm cho “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(10).
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng trong những năm qua, Đại hội XIII của Đảng nêu lên nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị: “Đổi mới căn bản nội dung, chương chình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn, đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”(11). Một điểm mới quan trọng trong phương hướng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị được Đại hội XIII của Đảng nêu ra là “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”(12).
* *
*
Hơn 90 năm ra đời và lãnh đạo cách mạng đạt được những thắng lợi to lớn trên các lĩnh vực là sự khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc học tập, rèn luyện và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp; ở trong nước là sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi hơn và sự suy thoái về chính trị, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên,…là những yêu cầu cấp bách đòi hỏi Đảng luôn phải vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị, đổi mới một cách toàn diện, sâu sắc công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, nhằm xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh hơn nữa.
——————–
(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.289.
(2)Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội ,2011, tập 5, tr. 233-234
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội ,2011, tập 6, tr. 208.
(4)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội ,2011, tập 11, tr. 94.
(5)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội ,2011, tập 2, tr. 284.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội ,2011, tập 6, tr. 52.
(7)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội ,2011, tập 15 tr.249
(8)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr 170.
(9)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr 172.
(10)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr 168.
(11)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr 236.
(12)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr 236.