(Ảnh: TL)
Đánh giá công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ XII, Đảng đã chỉ rõ: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tuy nhiên, “xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn nhiều hạn chế: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ…”. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống chính là sự lệch chuẩn các hành vi ứng xử, quy tắc, chuẩn mực xã hội, thuần phong mỹ tục của con người và ngày càng xa lạ với đạo đức cách mạng. Suy thoái về đạo đức, lối sống làm tha hoá cán bộ, đảng viên, từ đó làm suy yếu sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hệ thống chính trị, làm giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng.
Xuất phát từ những hạn chế trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, Đảng xác định một trong những giải pháp thực hiện xây dựng Đảng về đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiệu quả nhất đó là phải đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Muốn học tập hiệu quả, trước hết phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ quan điểm, tư tưởng của Người về vai trò của đạo đức và những phương pháp thực hành tu dưỡng, bồi đắp đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Trên thực tế vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, năm 1927, Bác viết cuốn “Đường Kách mệnh”. Ngay từ trang đầu tiên, Bác đã đưa ra 23 điểm nói về tư cách người cách mạng. Trong đó, Bác đề cập nhiều những vấn đề đạo đức của cán bộ đảng viên như: Người cách mạng phải “giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng ham muốn về vật chất”. Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (1958), Bác xác định: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”; theo đó Bác chỉ rõ: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”. Trong Di chúc, Bác căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Theo tư tưởng của Bác, đạo đức cách mạng không phải là cái gì trừu tượng, chung chung, mà đạo đức cách mạng luôn gắn từng hành động của chính cán bộ, đảng viên. Từ đó, Bác đã đưa ra 3 nguyên tắc cơ bản mà cũng có thể xem là 3 nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng về đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên cần quan tâm để thực hiện và động viên người khác thực hiện. Vốn là người giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, vì vậy những nguyên tắc Người đưa ra không bao giờ trừu tượng, chung chung, không bao giờ quá cao siêu, nó rất thực, bình dị như đời sống hàng ngày. Trước hết, đạo đức của người làm cách mạng chính là sự trung thực, “nói đi đôi với làm”, nêu gương cùng với làm. Tức, người đi trước phải làm gương cho thế hệ đi sau, cha mẹ làm gương cho con cái, ông bà làm gương cho con cháu, lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên… Đây thực sự là phương thức giáo dục đạo đức phổ biến và hiệu quả nhất. Điều này đặt ra cho mỗi đảng viên một trách nhiệm nêu gương, nêu gương gắn với trung thực. Có như vậy, người đảng viên mới tác động, mới làm chuyển biến nếp nghĩ, hành động của quần chúng nơi cư trú, trước những tác động đầy phức tạp của nền kinh tế thời mở cửa.
Đạo đức cách mạng còn là “xây đi đôi với chống”. Điều này có nghĩa là xây dựng đạo đức phải được tiến hành bằng giáo dục từ gia đình đến nhà trường, trong tập thể và toàn xã hội. Trong đấu tranh, phải chống lại cái tiêu cực, lạc hậu của bản thân, của những người xung quanh, của xã hội, mà trước hết phải chống chủ nghĩa cá nhân; không chống được cái hạn chế, cái tiêu cực của bản thân thì không thể chống cái lạc hậu, trì trệ của người khác. Xây và chống có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung và hỗ trợ nhau, và chỉ khi nào cả hai vấn đề này song hành, biện chứng, tác động lẫn nhau mới giúp mỗi cán bộ, đảng viên không bị tụt hậu, không quá cao ngạo về chính bản thân mình.
Đạo đức cách mạng cần phải “tu dưỡng suốt đời”. Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Bởi trên thực tế, mỗi người ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình; vì vậy, nhìn thẳng vào con người mình, thấy rõ cái hay, cái tốt để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu để khắc phục. Trong công tác xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xây dựng đạo đức cách mạng. Bởi đạo đức là biểu hiện trực tiếp của tư tưởng, chỉ đạo tư duy và hành động của con người. Giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng tình cảm, xây dựng nhân cách người đảng viên, cũng như chăm lo củng cố xây dựng tổ chức đảng phải đặt trên nền tảng đạo đức cách mạng, bảo đảm hiệu quả vững chắc và lâu bền.
Nghiên cứu và thấm nhuần tư tưởng của Bác, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm đề cập và thể hiện qua nhiều kỳ Đại hội. Ngay từ Đại hội II (2/1951) Đảng đã kêu gọi: Toàn Đảng học tập đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Đại Hội X (4/2006), Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị số 06 – CT/TW ngày 6/11/2006 tổ chức cuộc vận động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng toàn dân. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên phải quán triệt, tập trung làm tốt các nội dung để nâng cao sức chiến đấu, sự trong sạch trong Đảng.
Do đó, để thực hiện hiệu quả việc xây dựng Đảng về đạo đức trong tình hình hiện nay, cần chú trọng làm tốt những nội dung sau:
Thứ nhất: Cần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, các tổ chức Đảng về vấn đề “xây dựng Đảng về đạo đức”. Vì chỉ khi nào, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức được nâng cao, thì vấn đề xây dựng đạo đức trong Đảng coi trọng và được chuyển biến trong hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Nội dung này được thể hiện trong nghị quyết, kế hoạch tổ chức thực hiện, và phải thường xuyên kiểm tra giám sát quá trình thực hiện. Chỉ có như vậy, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức mới có ý nghĩa, có giá trị và tạo sự chuyển biến tích cực trong việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên trong Đảng. Các cấp ủy Đảng cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đao đức, lối sống “tự diễn biến”; “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ hai: Nghiêm túc lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm khắc những quy định về trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của Đảng đối với cán bộ đảng, viên nhất là những người đứng đầu một cách có hiệu quả, thường xuyên và nền nếp.
Để góp phần thực hiện hiệu quả cấp ủy các cấp và tổ chức Đảng cần lãnh chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55- QĐ/TW, ngày 19/12 năm 2016 quy định “về một số việc cần làm ngay” để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó chỉ rõ 8 nội dung các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải gương mẫu đi đầu, phải gương mẫu với bản thân và cương quyết chống đồng thời yêu cầu, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị chỉ đạo ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ đảng viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm cụ thể của ngành, của cơ quan, đơn vị, làm cơ sở để cán bộ đảng viên tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu trong công tác và sinh hoạt.
Thứ ba: Các cấp ủy đảng, tổ chức Đảng nghiêm túc chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, khóa XII. Tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc hoạt động của Đảng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay ở không ít nơi việc thực hiện nguyên tắc tư phê bình và phê bình còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao… Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII của Đảng đều đề cập đến nhóm giải pháp hàng đầu, trong đó có tự phê bình và phê bình. Do đó, đề cao vai trò, vị trí trong phê bình và tự phê bình của cán bộ, đảng viên hiện nay là hết sức cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, “nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Thứ tư: Kết hợp kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách cho cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng, đấu tranh với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ./.
Nguyễn Thu Hương