Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 75 năm
Ngày truyền thống Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (ảnh qdnd.vn).
Ngày 15/9/1945, chưa đầy nửa tháng sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với tư duy và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng (tiền thân của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngày nay). Đồng thời, Người chỉ đạo và trực tiếp tuyển chọn cán bộ, giao nhiệm vụ phụ trách, đặt nền móng cho sự ra đời, phát triển ngành Quân giới – Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ngành Quân giới được thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói và sự chăm lo, quan tâm sâu sắc của Người. Đó là những quan điểm cơ bản, định hướng chức năng, nhiệm vụ, phương châm chỉ đạo để ngành Quân giới được hình thành trên thực tế và từng bước trưởng thành, phát triển, hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ được giao. Theo Bác: Tổ chức xây dựng ngành Quân giới Việt Nam là yêu cầu cấp thiết để sản xuất vũ khí đánh giặc cứu nước, cứu dân.
Sau khi tuyên bố nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng”(1). Nhận thức rõ, giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn và với tư duy “người trước, súng sau”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chú trọng chuẩn bị lực lượng, xây dựng, phát huy mạnh mẽ nhân tố con người, nhưng đồng thời rất quan tâm đến vũ khí, trang bị. Bởi vậy, Người chỉ đạo tổ chức cơ quan lo việc sản xuất vũ khí để trang bị cho lực lượng vũ trang và nhân dân đánh giặc “giữ vững quyền tự do và độc lập” của dân tộc, xác định đó là một trong những việc làm cần kíp.
Trong Chỉ thị thành lập Phòng Quân giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ của Quân giới Việt Nam là: thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí; vừa coi trọng khai thác, sửa chữa, sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị hiện có, vừa quan tâm sản xuất vũ khí, trang bị mới. Là người am hiểu thế giới hiện đại, thấu hiểu lịch sử dân tộc, nhất là hoàn cảnh của một đất nước vừa mới giành được độc lập, chính quyền non trẻ đang đứng trước “thù trong, giặc ngoài”, một dân tộc phải chịu hàng trăm năm đô hộ, áp bức của thực dân, phong kiến, nền kinh tế lạc hậu, chậm phát triển, khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Bởi vậy, không có sự lựa chọn nào tốt hơn là phải vừa thu thập, mua sắm vũ khí, vừa chủ động tổ chức các cơ sở sản xuất vũ khí; coi trọng khai thác, sửa chữa, sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị hiện có; đồng thời, chủ động chuẩn bị mọi điều kiện để từng bước tự sản xuất vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang. Để phát triển ngành Quân giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo phải dựa vào nhân dân, đề cao tính sáng tạo của nhân dân, phục vụ sát thực chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích; đồng thời, sớm quan tâm đến sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị đáp ứng yêu cầu tác chiến ngày càng hiện đại. Người yêu cầu phải đề cao ý chí tự lực, tự cường, v.v.
Quán triệt, thực hiện tư tưởng, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay sau khi thành lập, ngành Quân giới đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, biến không thành có. Một mặt thông qua tuyên truyền, vận động nhân dân cả nước hăng hái tham gia “Tuần lễ Vàng” để mua sắm vũ khí; mặt khác, ra sức xây dựng các công xưởng để sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị. Chỉ trong thời gian ngắn hàng loạt các công binh xưởng được hình thành ở các địa phương, từ đồng bằng, đô thị đến những nơi rừng sâu, núi thẳm. Cùng với tích cực tìm kiếm nguyên vật liệu, sử dụng bom, đạn pháo lép của địch để sản xuất các loại “vũ khí căn bản”, chủ yếu là lựu đạn, mìn,… “phục vụ sát thực” chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, ngành Quân giới đã bám sát thực tiễn chiến đấu, nghiên cứu, thử nghiệm và chế tạo thành công súng, đạn Bazooka – một loại vũ khí chống tăng hiện đại lúc bấy giờ, để thay thế cảm tử quân ôm bom Ba càng lao vào diệt xe tăng địch. Nhờ có thêm kinh nghiệm và điều kiện, cùng với đẩy mạnh sản xuất “vũ khí căn bản”, Ngành đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh nhân dân và tác chiến trên các chiến trường.
Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng “Dựa vào nhân dân, đề cao tính sáng tạo của nhân dân…” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù ở vùng tự do hay vùng địch tạm chiếm và ngay trong những giai đoạn ác liệt nhất của chiến tranh, liên tục phải sơ tán, di chuyển, nhưng các cơ sở quân giới vẫn đứng vững, duy trì sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị và không ngừng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Cán bộ, công nhân ngành Quân giới ngày đêm bám ca, bám máy, luôn sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể trong nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật và tổ chức, quản lý sản xuất. Từ học tập, tìm hiểu vũ khí đến nghiên cứu thiết kế vũ khí theo mẫu đã có, thiết kế vũ khí mới theo nguyên lý hiện đại là cả một quá trình đầy khó khăn, nguy hiểm. Biết bao cán bộ, công nhân ngành Quân giới đã hy sinh hoặc bị thương, “phải đổi máu để có kỹ thuật” trong quá trình nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm, chế tạo vũ khí. Khi thiết kế, ngành Quân giới không chỉ căn cứ vào mẫu có sẵn, mà còn căn cứ vào khả năng nguyên vật liệu, trình độ, thiết bị công nghệ hiện có và mục đích sử dụng, cách đánh của bộ đội trên chiến trường,… để cải tiến cho phù hợp. Bởi vậy, Ngành đã có nhiều sáng tạo trong chế tạo vũ khí, nguyên vật liệu sản xuất vũ khí, trong đó có nhiều vũ khí có uy lực mạnh, cải tiến nâng cao hiệu quả sử dụng của một số loại vũ khí hiện đại do các nước bạn sản xuất.
Nhận rõ điểm xuất phát xây dựng và phát triển Quân giới là bắt đầu từ con số không, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra hai vấn đề then chốt quyết định sự tồn tại, phát triển của Quân giới là: xây dựng nguồn nhân lực (tập hợp trí thức, thu phục nhân tâm, trọng dụng nhân tài) và phát triển khoa học kỹ thuật. Trong bối cảnh đất nước những ngày đầu thành lập bộn bề công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian, công sức để thu phục, quy tụ đội ngũ trí thức ưu tú phục vụ cách mạng. Tháng 9/1946, khi sang Pháp đàm phán, Bác đã trực tiếp thuyết phục, động viên Giáo sư Phạm Quang Lễ, một trí thức do Pháp đào tạo trở về phục vụ Tổ quốc và được Người đặt cho tên mới là Trần Đại Nghĩa, giao phụ trách ngành Quân giới Việt Nam. Người còn chỉ đạo, trực tiếp tuyển chọn, khích lệ nhiều kỹ sư, công nhân cơ khí đào tạo ở các trường kỹ nghệ tham gia Quân giới. Nhờ đó, nhiều trí thức yêu nước, cán bộ, công nhân quân giới đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, trở thành cán bộ quản lý chủ chốt, cán bộ kỹ thuật hàng đầu của Quân đội và các ngành khoa học kỹ thuật của đất nước.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những năm gần đây, tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ngành Công nghiệp quốc phòng triển khai thực hiện bằng những việc làm thiết thực, trở thành đòn bẩy, biện pháp hữu hiệu để quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, tạo bước phát triển mới, toàn diện. Năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, trình độ công nghệ của Công nghiệp Quốc phòng phát triển cả về bề rộng, chiều sâu; từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, số hóa nhiều loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao, hiện đại mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho toàn quân, đóng góp tích cực vào xây dựng Quân đội từng bước hiện đại, v.v. Cùng với đó, Ngành chú trọng kết hợp chặt chẽ sản xuất quốc phòng với kinh tế, tham gia có hiệu quả vào phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, v.v.
Thực tiễn 75 năm xây dựng, phục vụ chiến đấu, chiến đấu và trưởng thành của ngành Quân giới – Công nghiệp Quốc phòng đã khẳng định, chứng minh ý nghĩa to lớn và giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Ngành. Tư tưởng của Người không chỉ đặt nền móng cho sự ra đời, mà còn chỉ đạo, định hướng xuyên suốt, bảo đảm cho Quân giới – Công nghiệp Quốc phòng trưởng thành nhanh chóng, vững chắc, hoàn thành xuất sắc trọng trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó.
Từ kinh nghiệm lịch sử và đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, hơn lúc nào hết phải quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ngành Quân giới vào xây dựng, phát triển Công nghiệp Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Ngành Công nghiệp Quốc phòng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tư tưởng, lời dạy của Bác về xây dựng Quân giới, xác định là trọng tâm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nắm vững các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, trực tiếp là Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) thực hiện tốt mục tiêu xây dựng, phát triển Công nghiệp Quốc phòng tự chủ tự, tự cường, lưỡng dụng, ngày càng hiện đại. Theo đó, Ngành tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng gắn kết chặt chẽ nghiên cứu, thiết kế với sản xuất; sản xuất với sửa chữa, đảm bảo cho Công nghiệp Quốc phòng hòa nhập sâu hơn vào công nghiệp quốc gia. Tập trung huy động các nguồn lực, kết hợp nội lực với ngoại lực, mở rộng hợp tác đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, xây dựng Công nghiệp Quốc phòng đạt trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đặc biệt, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của ngành Quân giới, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng có chiến lược tổng thể, toàn diện về tạo nguồn, tuyển dụng, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng,… xây dựng nguồn nhân lực ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới, nhất là nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn, v.v. Phát huy kết quả đã đạt được, Công nghiệp Quốc phòng chuyển mạnh từ nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí trang bị cho lục quân sang nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí cho các quân chủng, binh chủng và nâng cao khả năng tự động hóa, đáp ứng yêu cầu chỉ huy tác chiến trong chiến tranh công nghệ cao. Đồng thời, hướng đến thực hiện một số nhiệm vụ trọng điểm mang tính đột phá, mũi nhọn để tiếp cận và làm chủ các công nghệ mới, đặc thù liên quan đến chế tạo vũ khí; nâng cao chất lượng các chủng loại vũ khí lục quân đạt trình độ tiên tiến, hiện đại tương đương với khu vực và thế giới.
Quán triệt, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân giới Việt Nam trong xây dựng, phát triển Công nghiệp Quốc phòng hiện nay là nhiệm vụ, trách nhiệm, tình cảm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trước hết và nòng cốt là cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động ngành Công nghiệp Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
______________
1 – Hồ Chí Minh: Toàn tập – Tập 4, NXB CTQG, H, 2011, tr. 16.
Trung tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng
Theo http://tapchiqptd.vn