Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại huyện Tiên Lãng, trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước, có thể thấy, Người chưa sử dụng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền”. Song, ngay từ trong hành trình tìm đường cứu nước cũng như trong suốt thời gian giữ vị trí đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng xây dựng Nhà nước Việt Nam trên cơ sở xây dựng và thực hiện pháp luật, coi trọng việc quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay được thể hiện trên những nét cơ bản sau đây:
Một là, bảo đảm tính hợp hiến và “thượng tôn pháp luật” của Nhà nước.
Từ năm 1919, trong bối cảnh đất nước còn chịu ách đô hộ của thực dân xâm lược và trên thế giới, chủ nghĩa đế quốc thực dân đang phát triển mạnh mẽ, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Hội nghị Véc-xây bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, yêu cầu thực dân Pháp phải bảo đảm những quyền tối thiểu cho người dân bản xứ, như: “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam”(1); “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”(2) và nhiều quyền khác.
Sau nhiều năm bôn ba ở các nước phương Tây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận tư tưởng và các mô hình nhà nước pháp quyền và Người nhận thấy, mô hình nhà nước này có những ưu điểm nổi trội so với mô hình nhà nước chuyên chế đã ngự trị hàng nghìn năm ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam thời kỳ phong kiến và thuộc địa nửa phong kiến. Từ đó, tư tưởng của Người về xây dựng nhà nước pháp quyền dần được hình thành. Trong “Việt Nam yêu cầu ca”, Người viết:
“Bảy xin hiến pháp ban hành,
Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”(3).
Về quyền lực nhà nước, từ năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xác định “quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(4).
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xuất phát từ yêu cầu phải bảo vệ chính quyền non trẻ vừa được thiết lập và để sớm tổ chức xây dựng xã hội mới trong bối cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, nhất là trước sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, đồng thời để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong nước, ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ” và “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”(5) để lập nên Quốc hội, rồi từ đó lập ra Chính phủ và các cơ quan, bộ máy nhà nước, thể hiện quyền lực tối cao của nhân dân, bảo đảm tính hợp hiến, tính chính danh của Nhà nước, được tổ chức và vận hành theo Hiến pháp và pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động trong xã hội, các chủ thể hoạt động trong khuôn khổ thể chế chính trị, phải hợp hiến, hợp pháp, tinh thần “thượng tôn pháp luật” phải được thấm sâu vào đời sống xã hội, có giá trị điều chỉnh mọi mối quan hệ, mọi hoạt động trong Nhà nước và xã hội. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính hợp hiến, hợp pháp và tinh thần “thượng tôn pháp luật” của Nhà nước Việt Nam cho đến nay, đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt và được thực thi trong đời sống xã hội, phù hợp với bối cảnh mới của quốc tế và đất nước.
Việc thực thi pháp luật ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song, còn có những hạn chế. Một bộ phận nhân dân chưa ý thức rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong Nhà nước pháp quyền, thậm chí có hành vi “từ bỏ” quyền và nghĩa vụ công dân khi không tham gia vào các cuộc bầu cử nhằm lựa chọn ra những đại biểu ưu tú – đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân – thay mặt nhân dân thực thi quyền lực nhà nước ở các cấp. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, như trình độ nhận thức chính trị của một bộ phận nhân dân còn thấp; công tác truyền thông chưa tốt; các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân chủ và một số vấn đề khác, cố tình gây rối, làm mất an ninh, trật tự, hòng chống phá sự nghiệp đổi mới và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật, kỷ cương, phép nước có nơi, có lúc chưa nghiêm; nhiều hành vi vi phạm pháp luật chưa được xử lý kịp thời, hoặc chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe…
Trước tình hình đó, trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, bảo đảm kỷ cương, phép nước để tiếp tục tạo động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”, gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên”(6). Bản chất quyền lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quyền lực của nhân dân. Do vậy, quyền lực này phải được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật khoa học và hoàn chỉnh; pháp luật là phương tiện thực hành dân chủ, là công cụ bảo vệ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Hai là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – Nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển.
Tư tưởng về nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển đã được Ph. Ăng-ghen nêu ra khi cho rằng, đến chủ nghĩa cộng sản, chức năng cai trị, chức năng quản lý của nhà nước sẽ chuyển sang chức năng chỉ đạo quá trình sản xuất và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển xã hội: “Khi nhà nước, cuối cùng, thật sự trở thành đại biểu của toàn thể xã hội thì bản thân nó sẽ trở thành thừa… Sự can thiệp của chính quyền nhà nước vào các quan hệ xã hội sẽ hóa ra thừa trong hết lĩnh vực này đến lĩnh vực khác và tự lịm dần đi. Việc cai quản người sẽ nhường chỗ cho việc quản lý vật và chỉ đạo quá trình sản xuất”(7). Vai trò phục vụ, kiến tạo phát triển của nhà nước thể hiện rõ ở việc tạo ra khuôn khổ thể chế với một hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết tốt các vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…, nhằm phục vụ nhân dân một cách hiệu quả nhất.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng về nhà nước phục vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh và xem như là một đặc trưng nổi bật của nhà nước mới mà Việt Nam phải xây dựng. Cùng với đó, những gợi ý về nhà nước kiến tạo cũng được Người đề cập và triển khai thực hiện trên thực tế khi giữ cương vị đứng đầu Nhà nước ta, mặc dù Người chưa trực tiếp sử dụng thuật ngữ này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng. Do vậy, “Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân”(8); “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(9). Theo đó, các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ nhà nước phải hết lòng phục vụ nhân dân, là công bộc của nhân dân, “gánh việc chung cho dân”(10). Khi đất nước mới giành được chính quyền, trước muôn vàn khó khăn chồng chất, trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các thành viên Chính phủ, tập trung chỉ đạo cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới trên tất cả các lĩnh vực thông qua những quyết sách đúng đắn, kịp thời. Chính phủ mới thực hiện tốt vai trò kiến tạo, hành động đã tạo động lực xã hội mạnh mẽ và nhận được sự đồng thuận cao của toàn dân trong công cuộc kiến thiết nước nhà.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu các lý thuyết hiện đại về nhà nước pháp quyền, nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển, Đảng ta khẳng định, “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”(11) là một trong các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phục vụ, kiến tạo phát triển, cần có một chính phủ hành động và đội ngũ cán bộ, công chức là những người vừa có đức, vừa có tài, có bản lĩnh chính trị, tâm huyết và sẵn sàng xả thân vì dân, vì nước.
Xây dựng nhà nước liêm chính, phục vụ, kiến tạo phát triển, nhạy bén trong tư duy và hành động, chủ động trong điều hành đất nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là yêu cầu cấp bách và lâu dài trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mà bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhất là đại dịch COVID-19… đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với việc phát triển đất nước. Trong bối cảnh mới này, để thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta nhất thiết phải xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, kiên định về lập trường tư tưởng, sáng suốt trong đường lối lãnh đạo và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phục vụ, kiến tạo phát triển đủ năng lực đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời trong mọi tình huống, giải quyết có hiệu quả những vấn đề nảy sinh trên mọi lĩnh vực vì lợi ích quốc gia – dân tộc, vì lợi ích của nhân dân trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, cùng với đó là phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa có đức, vừa có tài, là “công bộc” của nhân dân.
Bộ máy nhà nước có trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả hay không, phụ thuộc trước hết vào những con người trong tổ chức bộ máy đó. Do vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nhà nước mới phải bắt đầu từ công việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, vừa hồng, vừa chuyên, “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(12). Người khẳng định: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”(13), đáp ứng yêu cầu và lợi ích chính đáng của nhân dân. Cán bộ là gốc của mọi công việc, “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(14). Vì vậy, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(15). Từ đây, Người đã nghiêm khắc phê bình một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân nên “có thái độ xa quần chúng”(16), không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thày quần chúng, “quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân”, “quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí…”. Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng, tự sửa chữa để tiến bộ mãi. Công tác cán bộ phải dựa vào dân, phát hiện, tuyển chọn cán bộ từ phong trào cách mạng của nhân dân; đưa cán bộ thâm nhập vào hoạt động thực tiễn và thông qua sự giúp đỡ, kiểm soát của nhân dân để đào tạo, rèn luyện cán bộ.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hòa Bình tuyên truyền pháp luật, vận động người dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở. Ảnh: TTXVN
Hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động mạnh mẽ khiến cho một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; một số tổ chức cơ sở đảng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu còn thấp, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Bộ máy nhà nước sau nhiều lần cải cách, tinh gọn đã trở nên năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Tuy vậy, sức ì của cơ chế cũ, sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật và những yếu kém trong tổ chức, quản lý, tình trạng tham nhũng, sách nhiễu trong các cơ quan công quyền… vẫn là những trở lực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo ở nước ta. Để tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy nhà nước, chuyển đổi mạnh mẽ mô hình và cơ chế quản lý theo hướng phục vụ, kiến tạo phát triển, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa có đức, vừa có tài, ngang tầm nhiệm vụ, đặc biệt là chú trọng bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, để họ trở thành những nhà lãnh đạo tài giỏi, yêu nước, liêm, chính, chí công. Từ đó, tạo ra những chuyển động mang tính bước ngoặt trong tiến trình phát triển đất nước và trong xây dựng Nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và năng lực kiến tạo phát triển”(17)…
Bốn là, chú trọng các biện pháp kiểm soát quyền lực nhà nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng Nhà nước trong sạch, hoạt động có hiệu quả, phục vụ nhân dân thì kiểm soát quyền lực nhà nước là công việc quan trọng. Người nêu ra một số biện pháp căn bản để thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước như sau:
Xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh làm công cụ để kiểm soát quyền lực nhà nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một nhà nước vì dân, hoạt động có hiệu quả, phải là một nhà nước có “hiến pháp ban hành” và “phải có thần linh pháp quyền”. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với nhà nước pháp quyền. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, luật pháp là công cụ thực thi quyền lực của nhân dân, cũng là công cụ để Nhà nước thực hiện các chức năng của mình, đồng thời để kiểm soát quyền lực nhà nước.
Huy động nhân dân tham gia quản lý và kiểm soát quyền lực nhà nước: Kiểm soát quyền lực nhà nước là vấn đề hệ trọng, bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích nhân dân phê bình, giám sát công việc của Nhà nước, của Chính phủ, “mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đày tớ trung thành tận tuỵ của nhân dân”(18). Theo đó, để kiểm soát tốt quyền lực nhà nước, cần thực hành dân chủ rộng rãi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia quản lý nhà nước và giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, của cán bộ nhà nước.
Khi ở cương vị lãnh đạo đất nước, đã có lúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ra quyết định cứng rắn để xử lý người phạm tội tham nhũng nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật, kỷ cương, phép nước, đồng thời để bảo vệ uy tín của Đảng, lợi ích của nhân dân. Người chỉ rõ, trong Nhà nước, “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”(19), thậm chí, “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(20). Tấm gương sáng và những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở nước ta.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát: Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm”(21), và “muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(22).
Kế thừa và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo cả hệ thống chính trị và toàn xã hội kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách triệt để và có hiệu quả ngày càng cao hơn. Qua đó, xử lý nghiêm và kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí;… xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”(23). Từng bước xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn thiện, hiện đại, nhân văn, lấy lợi ích của nhân dân và của đất nước là mục đích tối thượng./.
———————-
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 469
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 469, 473
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 292
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 7
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 202
(7) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t. 20, tr. 389 – 390
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 262
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64 – 65
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 70
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 612
(13), (14), (15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 309, 280, 309, 286
(17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 284 – 285
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 81
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 375
(20), (21), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 75, 637, 327
(23) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 195
PGS, TS. BÙI THỊ NGỌC LAN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo https://www.tapchicongsan.org.vn